Chương 5: THỜ THÁNH Ở VÙNG CHÂU THỔ BẮC BỘ: MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRUYỀN THỐNG VÀ ĐƯƠNG ĐẠI
5.1 Xu hướng thánh hoá và hỗn dung tôn giáo tín ngưỡng trong tâm thức dân gian
5.1.1. Xu hướng thánh hóa và ma lực của các vị thánh
Tâm thức dân gian thờ ba vị thánh hiện nay nằm trong xu hướng thánh hoá trong tâm thức người Việt. Thánh hóa là phong tục khá phổ biến của một số tộc người tin vào thế giới đa thần, phong cho người và vật thành một vị thánh linh thiêng và thờ phụng. Dân gian Việt Nam quan niệm thánh là những người có đức
độ, công lao, tài năng siêu việt từ trong thực tế cuộc sống, hay trong lĩnh vực quân sự, lịch sử đấu tranh dựng nước. Khi được hóa thánh trong cõi siêu trần, thì họ trở thành bất tử. Thánh có nhiều phép lạ, quyền uy để phù hộ cho người trần gian bất kể họ là nam hay nữ, tiên trần giáng thế-hóa về trời, hay một nhân vật do con người sáng tạo ra. Những nhân vật này, trong tâm thức dân gian, có những ma lực đặc biệt, được nhân dân xây dựng các ngôi đền thờ phụng và tổ chức lễ hội, tế lễ hàng năm. Trong tâm thức thờ thần thánh, bao bọc xung quanh người sống, cùng với thế giới hiện hữu của con người, có một thế giới vô hình. Ở đó các thần linh với quyền cao, sức mạnh phi thường vẫn dõi theo và phù hộ cho thế giới người sống.
Ở Việt Nam, các nhân vật lịch sử, sau khi mất được nhân dân tôn thờ và dần dần đi vào tâm thức người dân như một vị thánh linh thiêng. Các đền, miếu được lập nên để thờ các anh hùng dân tộc, các nhân vật lịch sử (của cả nước, của các địa phương) .v.v.. như đền thờ Hai Bà Trưng, Bà Chúa Kho, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lý Bôn, Ngô Quyền, Lê Hoàn, Lý Bát Đế (tám vị vua nhà Lý), Lê Lợi, Quang Trung, v.v.. Tập tục này xuất phát, trước hết là từ lòng ngưỡng mộ về khả năng xuất chúng, về sự cống hiến cho đất nước, cho dân. Theo tác giả Nguyễn Chí Bền, không ở đâu lại có nhiều nhân vật lịch sử được thánh hóa như ở Việt Nam, bởi “có lẽ, do vị thế địa-chính trị và những điều kiện lịch sử-xã hội làm người Việt Nam có tâm lý này”[9, tr.893].
Bên cạnh đó, nhiều nhân vật khác trong huyền thoại, nhiều nhân vật hư cấu, nhiều vật, động vật cũng được hóa thành các vị thần, tạo thành một hệ thống các thánh như là đối tượng thờ cúng của thực hành tín ngưỡng dân gian. Những vị Thánh Mẫu, như mẫu Liễu Hạnh, những bà mẹ ở cõi tiên, trông coi miền trời, miền núi, miền rừng… cũng được xem là thánh như Cửu trùng Thánh Mẫu, Lâm cung Thánh Mẫu, Thủy cung Thánh Mẫu, được tôn vinh và thờ phụng.
Những người có công sáng tạo ra các ngành nghề, các vị tổ sư, tiên sư, cũng được gọi là thánh. Đó là những người có công dạy dân cách làm nghề nông, cấy lúa, dạy dân làm nghề đúc, nghề rèn, nghề dệt lụa nuôi tằm, nghề dát quỳ, v.v.. Những ông tổ này được phong thánh và được thờ phụng và họ vẫn còn phù trợ cho những người làm nghề trong lao động sản xuất, làm sản phẩm, như ông tổ Nguyễn Minh Không ở làng nghề đúc ở làng Tống Xá (Nam Định).
Trong số những nhân vật được hóa thánh, có một số thánh được phong là thành hoàng, có chức năng bảo hộ cho dân làng. Trong tín ngưỡng thành hoàng có thần điện, theo Nguyễn Duy Hinh, “không có đấng tối cao, có nội hàm tư tưởng Kính và Sợ nhằm mục đích cầu an cho hiện thế không đạt đến lý luận về thế giới bên kia... Tín ngưỡng thành hoàng thực chất là tín ngưỡng phúc thần đóng vai trò liên kết cộng đồng… Chỉ mang lại phước lành cho người nông dân, không gây ra những hậu quả xấu như chiến tranh tôn giáo hay kỳ thị tôn giáo” [37, tr.410]. Đi kèm với tín ngưỡng thành hoàng, là cả một hệ thống các tập tục như lễ hội, trò diễn, tục hèm, tế lễ, và những phép ứng xử, thể hiện vai vế trong làng bằng việc tham gia các vị trí trong lễ hội, cũng như trong ban tổ chức, cai đám. Có thể nói rằng tín ngưỡng thờ cúng thành hoàng như là một nét bản sắc khá tiêu biểu phản ảnh cuộc sống tâm linh của làng quê Việt Nam.
Trong tâm thức dân gian, các nhân vật lịch sử, huyền thoại, thiền sư, tổ sư được hóa thánh là một quá trình dài được dân gian bồi đắp và tạo dựng, trở thành một nhân vật quyền năng, linh thiêng. Họ được nhân dân bồi đắp với nhiều tình tiết ly kỳ, được hiển hiện sinh động bằng các hình thức khác nhau như truyện kể, huyền thoại, kinh kệ, truyện nôm, truyện thơ, v.v.. và được thể hiện trong các không gian thờ cúng, đồ thờ cúng, lễ hội, tế lễ. Theo Nguyễn Ngọc Mai, quá trình hóa thánh, dân gian một mặt đề cao công trạng của các vị thánh, mặt khác họ khoác thêm cho các thánh “các lớp giá trị mới, phản ánh tư duy ứng xử của người Việt cũng như thể hiện phần nào những mật mã văn hóa mà người Việt Nam mong muốn trao lại cho thế hệ sau” [69, tr.49].
Quá trình thánh hóa trở thành một tập tục, một lối tư duy, nếp nghĩ và triết lý
“uống nước nhớ nguồn của người Việt”, phản ánh tâm thức và bản sắc văn hóa.Việc thánh hóa đã hình thành, tạo nên những tiền lệ, quy định, những biểu hiện, mặc dù chưa phải là một hệ thống lớp lang, nhưng cũng đủ để cho Vũ Ngọc Khánh coi đó như là một thứ đạo ở Việt Nam, Đạo Thánh [45, tr.91]. Đây là một thứ đạo dân gian, đạo tự phát, hình thành trong tâm thức người Việt Nam. Việc tôn thánh trong cảm quan của người dân là “một khuynh hướng tâm linh của người Việt Nam với các dân tộc khác, nhất là ở Tây Phương. Do đó mà tất cả các loại thần, kể cả thần trong thần thoại đều được xem là thánh cả. Rồi đến các nhà sư: từ những vị xa vời như Quan Âm, Di
Lặc đến những tổ trong các ngôi chùa, đều được mệnh danh, hoặc được tôn vinh là thánh… Ở các tôn giáo khác, thì cõi siêu việt ấy sẽ là cõi của thượng đế hoặc của các thiên thần, nhưng ở Việt Nam thì lại là cõi thánh” [47, tr.91-92].
Xu hướng thánh hóa được sự ủng hộ, hỗ trợ một cách chính thống của các vương triều, phong thánh nhằm tôn vinh, cũng như khuyến khích người dân thờ phụng. Dưới các triều đại, việc thờ cúng các vị thánh được vua phong sắc, cho xây dựng, trùng tu không gian thờ tự, cho sưu tầm dựng lại ngọc phả, ban ngọc phả, lập bia tưởng nhớ. Dân làng thờ phụng và tổ chức các hoạt động tế tự quanh năm được hưởng chế độ hương hỏa, tạo lệ bằng việc cấp ruộng. Dưới triều Nguyễn, nhà vua cho lập miếu Lịch đại đế vương để thờ cúng nhân thần là đế vương của các đời.
Triều đình nhà Nguyễn còn cho xây dựng một hệ thống miếu: miếu Khai Quốc công thần, miếu Trung Hưng công thần, miếu Trung tiết công thần để thờ phụng các anh hùng nghĩa sĩ. Vương triều cũng đưa ra các điều luật quy định cụ thể về việc thực hiện nghi lễ, thờ phụng, tổ chức lễ hội [47], [69]. Việc tôn thờ các vị thánh thần được chính quyền phong kiến trao sắc phong và ngày nay nhà nước tạo điều kiện duy trì và phát huy giá trị của việc thờ phụng trong cuộc sống của người dân. Ở cõi bên kia, họ vẫn chính danh được phong tặng ngôi vị cao quý và tiếp tục thể hiện quyền năng phục vụ dân chúng. Tuy nhiên, theo Vũ Ngọc Khánh, trong tâm thức dân gian “dù triều đình có phong các vị là phúc thần, là thành hoàng, đại thánh, thậm chí đến đại vương đi nữa, thì đó cũng chỉ là thánh mà thôi. Thần có thể là hạ đẳng, trung đẳng và thương đẳng v.v.. dân đều không quan tâm đến. Họ trân trọng và xem tất cả đều là thánh của mình, của địa phương, của dân tộc mình” [47, tr.91].
Những vị thánh được vương triều, nhà vua ban sắc cho các vị quan hay tướng binh nào đó lên hàng thần để bảo vệ vương triều, thì cũng vậy, hay trong gia đình, hồn tổ tiên ông bà cũng được xem như là những vị thần bảo hộ gia đình.
Xu hướng thánh hóa vẫn đang là một quá trình tiếp diễn và hệ thống các đối tượng thờ cúng vẫn đang được bồi đắp thêm, không ngừng nghỉ, để thấy rằng xu hướng này là một lối tư duy đã đi vào chiều sâu của tâm thức, tâm hồn của người Việt. Nhiều nhân vật lịch sử được thánh hóa phản ánh xu thế thánh hóa trong văn hóa Việt Nam. Gần đây, các anh hùng, chiến sĩ trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng được nhân dân thần thánh hóa, khoác thêm
những lớp văn hóa mang màu sắc huyền thoại và trở thành các tín ngưỡng mới trong đời sống văn hóa của người Việt như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, anh hùng Võ Thị Sáu, anh hùng Nguyễn Văn Trỗi đã được nhân dân hóa thánh với việc lập bàn thờ và đưa vào thờ tại các đình, chùa, các di tích lịch sử văn hóa. Các truyền thuyết về sự linh thiêng của người anh hùng Võ Thị Sáu (cô Sáu) đã trở nên phổ biến trong đời sống của người Việt hiện nay với việc bảo trợ cho những người buôn bán, thương mại. Dân gian vẫn luôn mến mộ những người hy sinh vì dân tộc và tôn vinh họ là “thánh” ở thế giới bên kia để tiếp tục che chở, bảo vệ họ bằng sức mạnh và quyền năng vô lượng.
Xu hướng thánh hóa trong tâm thức dân gian Việt Nam có những đặc thù riêng. Người Việt khi thờ thánh, họ không hoàn toàn hướng về tâm linh, mà họ thiên vào cái tâm và lòng tín. Các vị thánh dù đó là thiền sư, thành hoàng, Thánh Mẫu thì họ đều là “những vị thánh đích thực” bảo vệ con người, làng xóm. Họ có thể là những tướng lĩnh, những quan lại, hoặc những người dân dã đã từng phục vụ cho đất nước hoặc đã từng có những công trạng với dân với nước. “Việc thờ cúng, dù rất quy ước, đã ấn sâu vào tâm hồn người Việt” [16, tr.62]. Các thánh là những vị bảo hộ, những vị từ tâm. Đó chính là chất của họ, khác với ma với quỷ, ma quỷ chỉ làm hại người. Việc thờ thánh thần, dù được dân gian hóa, hay được chính thống hóa bởi các vương triều, theo Cadière, “ở người Việt, việc thờ kính ấy vẫn dựa trên cơ sở thờ kính ban sơ dành cho các hữu thể siêu việt, có thể đó là những sức mạnh thiên nhiên được nhân cách hóa, cũng có thể đó là những vong linh người quá cố được xem như đã đạt được uy lực siêu nhiên” [16, tr.67-68].
Việc thánh hóa, thờ phụng thánh đã trở thành một tập tục, một nghi thức, một đức tin hình thành trong bối cảnh cuộc sống của người Việt. Các vị thánh ở Việt Nam, “có những phép màu mà… vẫn có hồn người, vẫn hoạt động như người”
[45, tr.104]. Trong tâm thức của người Việt, hình tượng về một vị thánh là một sự tưởng tượng về một thế lực siêu nhiên, những người từ đời thường, sau khi mất “hóa thánh”, trở thành nhân vật huyền thoại, có uy quyền, sức mạnh mà con người cầu mong những điều mong mỏi mà họ khó có thể đạt được hoặc họ mong muốn đạt được.
Những con người tài năng đức độ ở dương gian, thì trong kiếp bên kia họ vẫn tỏa sáng, đầy quyền uy. Đó cũng là ma lực được gán nghĩa của các vị thánh. Qua đó chúng ta
thấy người Việt có quan điểm về thánh dựa trên tư duy thực tế của cuộc sống và hóa thân họ vào kiếp bên kia, và “trần sao thì âm vậy.”
Trong tâm thức người Việt, thánh ở khắp nơi, “trên rừng rậm, dưới sông suối”, nơi thờ thánh linh thiêng trong các đền, chùa tiền Phật hậu Thánh. Thánh gần con người đến nỗi mà bất kể ở đâu, người Việt “đều có thể tìm đến với thánh.”
Thầy Thành, một đồng thầy ở một đền Mẫu (Hà Nội) cũng đã nói “mỗi khi có việc gì, hãy cầu đến nhà ngài (tức Đức Thánh Trần), ngài phù hộ cho.”50
Những lý giải trên về thánh hóa và quyền năng của các nhân thần tương đối tương thích với tâm thức dân gian về ba vị thánh Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn Minh Không. Đối với ba vị thiền sư, sau khi mất, họ đã được hóa thánh, trở thành các vị thánh thiêng liêng được thờ phụng ở 39 chùa tiền Phật hậu Thánh tại nhiều tỉnh, thành phố ở đồng bằng Bắc Bộ. Theo khảo sát và trong giới hạn không gian nghiên cứu của luận án, họ được thờ phụng tập trung trong các ngôi chùa ở Nam Định (20 chùa), Hà Nội (11 chùa), Thái Bình (4 chùa), Hưng Yên (2 chùa) và Ninh Bình (1 chùa) [Xem Phụ lục 1 và Bản đồ sự phân bố các ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh]. Tuy là các vị thánh linh thiêng, nhưng ba vị thiền sư vẫn thật gần gũi với dân chúng. Họ trở thành phúc thần, thần y chữa bệnh, thánh tổ nghề đúc, múa rối. Họ vẫn thật gần gũi, che chở khi người dân cần trợ giúp, cầu xin bất kể việc gì trong cuộc đời khi họ gặp khó khăn, trắc trở.
Trong tâm thức dân gian, ba vị thánh tổ cũng hòa mình vào trong dòng chảy chung của xu hướng thánh hóa, trở thành đấng tối linh ở bên kia của giới dương gian. Người dân ở cõi trần, cần sự bình yên, no ấm, hạnh phúc, còn các vị thánh ở cõi bên kia, thể hiện lòng nhân từ bác ái, diệt trừ kẻ ác, đem lại điều lành cho dân để có cuộc sống ấm no, đầy đủ. Theo tác giả Vũ Ngọc Khánh, “dân chúng chỉ cần tưởng tượng thêm rằng, khi ở cõi trần, các ngài đã vĩ đại như thế, thì khi ngài ở cõi âm phủ, gọi là cõi thiêng, các ngài sẽ còn phát huy được đức độ và tài năng hơn nữa…Họ “sống khôn” thì “chết thiêng” [47, tr.104]. Đó là lý tưởng của cái thiện, cái phúc, sự nhân văn, và cũng phản ánh niềm ước mơ thường trực của người Việt về một cuộc sống tốt đẹp.