1.2. Cơ sở lý luận
1.2.3. Ma lực và tiểu sử linh thiêng
Sức hấp dẫn của hình tượng ba vị thánh đến từ nhiều lý do, tuy nhiên, luận án đặc biệt quan tâm đến khía cạnh ma lực và tiểu sử linh thiêng.
Theo định nghĩa trong từ điển Oxford, thuật ngữ "charisma" (ma lực) có hai nghĩa: (1) sức hấp dẫn có thể khơi gợi sự tôn thờ từ người khác, (2) quyền lực hay tài năng linh thiêng. Ma lực có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp χάρισμα (khárisma), có nghĩa là "sự ưu ái được trao tặng" hoặc "món quà của ân sủng". Các nhà thần học và các nhà khoa học xã hội đã mở rộng và sửa đổi ý nghĩa gốc của tiếng Hy Lạp.3 Ý nghĩa của thuật ngữ “ma lực” đã được mở rộng, từ ban đầu với nghĩa được thần thánh ban tặng, mang tính chất bí ẩn, khó nắm bắt tới nghĩa là uy quyền, sức mạnh siêu phàm, thiêng liêng, và có sức hút, thu nạp.
Thuật ngữ ma lực được sử dụng rộng rãi trong các xã hội phương Tây từ những năm 50 của thế kỷ XX trong các lĩnh vực tôn giáo, khoa học xã hội, truyền thông, v.v.. đặc biệt trong xã hội học với các quan điểm trong công trình của Max Weber. Ông đã phát hiện ra thuật ngữ này trong tác phẩm của Rudolph Sohm, một nhà sử học nhà thờ người Đức. Ma lực trở thành một thuật ngữ phổ biến khi Weber sử dụng nó trong tác phẩm Đạo đức Tin lành và Tinh thần của chủ nghĩa tư bản (The Protestent Ethic and the Spirit of Capitalism) và trong cuốn Xã hội học tôn giáo (Sociology of Religion) của ông. Trong bộ sưu tập các tác phẩm Kinh tế và xã hội (Economy and Society) do vợ ông biên tập, ông xác định thuật ngữ này là một ví dụ điển hình cho hành động mà ông cho là "giá trị hợp lý", để phân biệt và phản đối hành động "hợp lý về mặt công cụ" [148, tr.24-25]. Bởi vì ông đã áp dụng ý nghĩa cho ma lực tương tự như Sohm, người đã khẳng định bản chất ma lực thuần túy của Kitô giáo thời kỳ đầu. Khái niệm “ma lực” của Weber trùng với ý nghĩa ma lực thần thánh được định nghĩa ở trên trong tác phẩm của Sohm.
3 New Oxford American Dictionary, Angus Stevenson and Christine A. Lindberg chủ biên. Oxford University
Weber đã nhận diện ma lực cá nhân khi ông áp dụng thuật ngữ ma lực để chỉ một hình thức uy quyền. Để giải thích uy quyền có tính chất như là ma lực, ông đã phát triển định nghĩa kinh điển của mình: “Ma lực là một phẩm chất nhất định của một tính cách cá nhân nhờ vào đức hạnh mà anh ta tách biệt với những người bình thường và được xem như là được phú cho một sức mạnh siêu nhiên, siêu phàm, hoặc ít nhất là sức mạnh hay phẩm chất đặc biệt. Những phẩm chất hay quyền lực này người bình thường không thể đạt tới, nhưng có thể được coi như nguồn gốc hoặc mẫu hình thiêng liêng để từ đó, cá nhân đó được coi như một thủ lĩnh” [149, tr.328].
Ở đây, Weber mở rộng khái niệm về ma lực gắn với cái siêu nhiên, siêu phàm và thậm chí cả những năng lực và phẩm chất đặc biệt. Những thứ này không thể tiếp cận được đối với người bình thường, nhưng được coi là có nguồn gốc thần thánh hoặc là mẫu mực, khiến người khác phải quy phục và tôn thờ [127, tr.48], [138, tr.358]. Ma lực trở thành một mối quan hệ, có thể quy kết và cuối cùng là một khái niệm xã hội phù hợp. Weber chỉ ra rằng "sự công nhận từ phía những thần dân tới những người có uy quyền là sự quyết định cho giá trị của ma lực” [149, tr.328].
Từ định nghĩa này, Weber coi "thẩm quyền ma lực" (charismatic authority) là một trong ba dạng thẩm quyền trong xã hội (bên cạnh "thẩm quyền truyền thống" và
"thẩm quyền duy lý/luật pháp". Thẩm quyền ma lực là dạng quyền lực cá nhân dựa trên sự tôn thờ cái phi thường, hành động anh hùng, mẫu hình, những hình thức, trật tự được cá nhân đó thể hiện.
Ma lực có nhiều kiểu và vì vậy, nó có sức lôi cuốn trong những cấp độ, những trường vực khác nhau. Theo Weber, ma lực có ba đặc điểm chính: (1) Ma lực là khác thường, khác biệt hoàn toàn với thói quen hàng ngày; (2) Ma lực là tự phát, không giống như các hình thức thẩm quyền được thiết lập nên mà có thể dự đoán và ổn định; (3) Ma lực là sáng tạo, theo nghĩa là một nguồn lực của các hình thức xã hội mới hay phong trào mới. Thomas O'Dea chỉ ra rằng ba đặc điểm này tương đối trùng khớp với những phẩm chất mà các nhà thần học trong các truyền thống Do Thái và Cơ đốc giáo, Hồi giáo đã gán cho Cơ đốc giáo [135, tr.25].
Ma lực có thể được nhìn nhận từ nhiều góc độ, từ quan điểm xã hội, cá nhân và tinh thần, tôn giáo. Những đặc sủng, đặc ái dành cho những người có ma lực, theo tinh thần Phật giáo, là Pháp hay Hiện thực siêu việt [135], là một nhân cách đắc đạo và vì vậy có mối liên kết với cái tối thượng [129]. Khái niệm về ma lực của một con người từ góc độ Phật giáo vượt xa đối với một người bình thường, nhưng lại gắn với những người được Phật hóa, được đắc đạo, hóa tiên, làm những kiếp mà
được cho là linh thiêng, có quyền lực. Đối với những người theo đạo Phật, thậm chí đối với những người không theo một tôn giáo chính thống nào, nhưng lại là tin vào thế giới đa thần, thế giới quan, nhân sinh quan bản địa, thì ma lực không phải là sự phổ biến giáo lý nhà Phật. Ma lực là cái thiêng, tâm linh mà người ta chấp nhận và áp dụng để hiện thực hóa cái siêu việt, đưa cái siêu việt vào đời sống. Tác giả Ven Piyasilo trong công trình Ma lực trong Phật giáo (Charisma in Buddhism) chia ma lực thành: (1) Ma lực bẩm sinh hoặc tự nhiên; (2) Ma lực được gán ghép; (3) Ma lực có được; (4) Ma lực phản ánh; (5) Ma lực liên kết; (6) Ma lực được nuôi dưỡng;
(7) Ma lực chuyên nghiệp [146]. Trong cuốn sách Các vị thánh thiền sư của rừng (The Buddhist Saints of the Forest, Tambiah [141] cho rằng ma lực được cụ thể hóa trong các hình ảnh và biểu tượng của Đức Phật, các vị thánh và các vị thần khác, mà họ đóng vai trò là biểu tượng chỉ dẫn. Thông qua những biểu tượng mang tính chỉ dẫn này, sự liên hệ hiện sinh với thiền sư và nhờ vào bản chất của việc thấm nhuần các biểu tượng này của thiền sư bằng những lời nói thiêng, tẩy thanh bằng nước thiêng, và các hành vi tôn giáo tương tự khác, thể hiện đức hạnh và sức mạnh của thiền sư [141, tr.336].
Theo quan điểm của Weber về 3 dạng thức của ma lực, cũng như theo quan điểm của Ven Piysilo về 6 loại ma lực trong Phật giáo, các vị thánh tổ ở Việt Nam phần nào đáp ứng những dạng thức ma lực này. Tuy nhiên, có thể nói, ma lực của các vị thánh là thứ ma lực được kiến tạo và bồi đắp trong tâm thức dân gian. Tâm thức dân gian đã khoác cho các vị thánh ma lực cả ở ba khía cạnh: ma lực bẩm sinh, ma lực có được, ma lực được nuôi dưỡng. Khi mới sinh ra, ba vị thánh được cho là người có thiên bẩm, và nhờ khả năng tu tập, nuôi dưỡng, họ có phép thần thông. Họ dần được mến mộ bởi hành động và sự đóng góp, hi sinh cho dân cho đất nước. Trong quá trình phát triển của chính trị, tôn giáo, lịch sử, văn hóa, qua thời gian, ma lực của các vị thánh thể hiện ở một hệ thống tôn thờ bao gồm chùa, đền, lễ hội và tế lễ.
Những dấu hiệu của ma lực, theo tác giả Keyes trong bài viết "Ma lực: từ đời sống xã hội đến tiểu sử linh thiêng" [129], không phải chỉ là những đặc tính kỳ lạ, khác thường, mà bởi nó được gắn với "sự linh thiêng", đặc biệt là với tiểu sử linh thiêng. Tiểu sử linh thiêng về một cá nhân con người từ khi sinh ra đến khi qua đời được gắn với sự linh thiêng như sinh ra và lớn lên một cách màu nhiệm, hành động phi thường, có mối liên hệ với thần thánh. Tiểu sử linh thiêng "giống như một dạng đặc biệt của văn bản hướng ngược dòng thời gian-có thể vẫn là một thời gian xa xôi, hoặc cũng có thể chỉ một vài năm trở về trước-đến những sự kiện trong đó yếu
tố linh thiêng biểu lộ trong một con người lịch sử và làm cho những sự kiện đó liên hệ với hiện tại, và nó cũng chỉ tới thời điểm khi những người đọc hoặc nghe tiểu sử sẽ vượt ra ngoài tính chất xác thực của chính họ và vươn tới một sự thực tối thượng" [129, tr.406-407]. Tiểu sử linh thiêng là nơi bộc lộ các yếu tố linh thiêng qua cuộc đời của một con người, và nó được cảm nhận như thế nào phụ thuộc vào việc hiểu biết mang tính văn hóa của yếu tố linh thiêng [129, tr.408].
Theo Keyes, một cá nhân có ma lực là cá nhân mà đời sống của họ gắn với những yếu tố linh thiêng. Yếu tố linh thiêng này được nhận biết qua những biểu hiện, hành động, khả năng. Những biểu hiện này khá đa dạng, nhưng đều là những chỉ báo mối liên hệ giữa người đó với thần thánh. Keyes nêu ra một số biểu hiện sau: Cơ thể sống lại sau khi được tuyên bố là đã chết; người được cho là có khả năng chữa bệnh nan y; có khả năng chặn đứng tai ương; làm những điều huyền diệu/hành động được tin là người bình thường không thể thực hiện được; hành động đương đầu với những khó khăn phi thường; những người lẩn tránh quan hệ với thế giới bên ngoài (thực hành, tu luyện khổ hạnh).
Tiểu sử linh thiêng có mối liên hệ với ma lực của những nhân vật lịch sử, thiền sư hóa thánh. Quan niệm về ma lực của Weber và tiểu sử linh thiêng của Keyes có thể giúp soi rọi vào tiểu sử và hành trạng của ba vị sư tổ Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không và Dương Không Lộ. Họ là những vị thiền sư trải qua tu luyện khổ hạnh, đắc đạo, được dân gian hóa với những phẩm chất linh thiêng, huyền diệu, có khả năng siêu phàm, chữa bệnh nan y cho vua, đi mây về gió, thu phục long, hổ, dạy dân trồng lúa, làm nghề đúc, múa rối. Trong tâm thức dân gian, họ hóa thánh gắn với sự tối thượng, được thờ phụng trong các ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh như là những vị thần, thánh tổ, tiếp tục trợ giúp dương gian.
Sự khác biệt và phi thường trong tiểu sử linh thiêng, trong cuộc đời và hành trạng của họ góp phần tạo nên ma lực của các vị thiền sư. Đó là sự tinh anh, kiệt xuất của cá nhân, sự cống hiến cho triều đình, sự hy sinh cho đất nước và giúp đỡ nhân dân, và do vậy được tôn thờ sau khi thác. Những chi tiết trong tiểu sử của các vị thánh đáp ứng những mô típ của các vị nhân thần được thần thánh hóa, hay những dấu hiệu mang tính chỉ báo của đặc tính ma lực của họ. Nói cách khác, ma lực của các vị thánh được người dân tạo ra với các lớp nghĩa gắn với tiểu sử linh thiêng của họ. Điều này cũng phản ánh tâm thức dân gian của người dân.