Ma lực của ba vị thánh

Một phần của tài liệu Ba vị thánh trong các ngôi chùa tiền phật hậu thánh và tâm thức dân gian ở vùng châu thổ bắc bộ (Trang 77 - 81)

Chương 3: HÀNH TRẠNG CỦA BA VỊ THÁNH

3.2. Thiêng hóa và ma lực của ba vị thánh

3.2.2. Ma lực của ba vị thánh

Theo tài liệu ghi chép lại, ba vị thánh là những con người kiệt xuất, thông minh tài giỏi hơn người. Bài minh trên chuông chùa Thầy mô tả về Từ Đạo Hạnh như sau: "Thiền sư Đạo Hạnh lúc nhỏ thanh tú khác thường, lớn lên thiên tư kì vĩ.

Khi tụng tập liên kinh, tiếng ngọc vang sang sảng; lúc xuất gia hành lễ, tâm Phật thấm từ bi. Gặp khi đại hạn, đốt một ngón tay mà mưa xuống tràn trề; học cổ thư mà không ăn, ngồi đó nhiều năm mà mặt không sắc đói. Dân mắc dịch bệnh, bưng nước ra vảy mà hết mọi ốm đau. Việc chưa manh nha, dự đoán trước mà đúng như bùa phép..." [56, tr.59]. Dương Không Lộ tu hành, đắc đạo, được suy tôn là bậc thánh.

Trong dân gian, ông được tôn vinh như một nhân vật siêu phàm, một danh nhân văn hóa. Ông có nhiều công lao trong sáng tạo văn hóa ở vùng châu thổ Bắc Bộ, từ tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, đến tỉnh Bắc Ninh ngày nay [19].

Ma lực cũng có thể được nảy sinh và tăng thêm sức hút cho một số người nhất định bởi đức hạnh và lòng từ bi, bác ái. Trên thế giới, nhờ có đức hạnh, mà những người như Mẹ Têrêsa (Ấn Độ), nhà lãnh đạo tôn giáo là Đa lai Lama (Tây Tạng - Trung Quốc) có ma lực bởi lòng trắc ẩn, thương người và cứu giúp nhân loại thoát khỏi nỗi khổ đau. Ba vị thánh là Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn Minh Không là những người vừa tài giỏi, vừa đức hạnh, tu hành đắc đạo, thương người, rủ lòng bao che… Do vậy, ma lực của họ càng mạnh, thì càng thu hút mọi người, trở thành một biểu tượng của lòng từ bi, bác ái. Trong tâm thức người Việt, những người sống có công với dân, với nước, được mến mộ thì sau khi chết họ được hóa thánh, và có uy quyền, cũng như có ma lực, khiến cho mọi người tôn thờ và ngưỡng mộ.

Từ Đạo Hạnh là một nhà sư điển hình, một trí thức Phật giáo, một pháp sư có nhiều phép thuật. Dương Không Lộ tu trì pháp môn Đà la ni. Trong tu thiền định, tâm thần tai mắt ngày một nhẹ nhàng, bèn bay lên không, đi trên nước, làm cọp nép, kêu rồng xuống. Là thiền sư nhưng ngài sống chan hoà với dân. Hằng ngày sau những giờ hành đạo ngài vẫn lập sơn môn khác. Vì không muốn để dân làng quyến luyến nên đang đêm ngài biến mất. Dân làng nhớ thương ngài đã đốt cây đình liệu, châm đuốc đi tìm. Với người dân ở Lộng Khê (Thái Bình), thiền sư Không Lộ dành được tình cảm và lòng sùng ái của nhân gian. Với dân làng Giao Thuỷ (Nam Định)

quê ông và làng Hành Dũng Nghĩa (Thái Bình), nơi ông đã xây dựng hai ngôi chùa đều mang tên Keo nguy nga tráng lệ, được coi là "cõi Tây Trúc trong chốn tùng lâm", để lại cho hậu duệ những di sản vô giá [97].

Những người lãnh tụ tôn giáo bằng thực hành khổ hạnh và mức độ vào thiền sâu, và đi vào cõi cực lạc (xương không bị hủy, trái tim không bị cháy), hoặc có khả năng truyền năng lượng vào các vật linh thiêng (bùa hộ mệnh, bùa chú, lời thỉnh, không gian, điện thờ…) Tương truyền, Từ Đạo Hạnh sau ba năm ngài hóa, xác của ngài vẫn còn mùi thơm. Nghiên cứu của McGuire về các lễ ngũ tuần của Công giáo,

“đã khám phá ra nhiều cách mà các nhà lãnh đạo [tôn giáo] truyền đạt sức mạnh của họ, như ngôn ngữ cơ thể của các cử chỉ kịch tính, các hình thức giao tiếp bằng mắt và sử dụng thành thạo đặc ân mạnh mẽ của thánh linh như tiên tri” [132, tr.7]. Những hành động như vậy chỉ ra rằng ma lực phù hợp với thánh thần hoặc thiêng liêng, và miễn là tính thiêng của họ bao trùm trong tất cả không gian, thời gian. Một lần nữa ma lực và tính thiêng tạo nên một hệ thống đức tin mà khiến cho con người ta vừa sợ, vừa tôn kính, vừa phải nhờ cậy và điều này được thể hiện trong những lời thỉnh cầu, những lá sớ và những bài cúng ở trong những không gian thiêng của các vị thánh.

Hơn nữa, ma lực còn được cụ thể hóa bởi những hình ảnh, tượng hay tranh thờ Đức Phật thông qua các thiền sư, như Tambiah đã chỉ ra trong công trình Các vị thánh thiền sư của rừng (The Buddhist Saints of the Forest [141, tr.336]. Cùng quan điểm với Tambiah, Keyes cũng cho rằng các vị sư đắc đạo cũng một phần giúp họ có sự liên hệ mật thiết với cái “tối thượng” [129]. Việc thánh hóa các vị thiền sư một phần cũng nhờ những quyền năng mà họ đạt được qua tu tập và đắc đạo. Năm 1069 vua Lý Thánh Tông dẫn quân đi đánh Chiêm Thành, lúc về đem theo một thiền sư Trung Hoa và phong làm Quốc sư, cho lập một thiền phái mới ở Đại Việt là thiền phái Thảo Đường. Không Lộ được trực tiếp theo học quốc sư và đắc đạo.

Trong Thiền uyển tập anh, ông vừa được coi là thế hệ thứ chín của thiền phái Vô Ngôn Thông, lại vừa được xếp vào thế hệ thứ hai của thiền phái Thảo Đường [98].

Ba vị thánh còn là những vị quốc sư đầy quyền uy, làm thầy dạy đạo cho nhà vua. Họ là người bảo vệ cho đạo pháp, cho vương đạo, có công đóng góp vào việc xây dựng xã hội trên nền tảng đạo đức, triết lí nhà Phật. Theo các huyền tích, để bảo vệ quân vương và nền quân chủ, một số vị thiền sư còn sử dụng các loại sấm truyền,

thần chú, phép thuật để trị bệnh, trừ tà, xua đuổi âm binh, cầu đảo cho vua. Hay giai thoại về thiền sư Từ Đạo Hạnh “tái sinh” làm vua là sự kiện duy nhất trong lịch sử Việt Nam cho thấy vai trò ảnh hưởng của Mật giáo đối với vương quyền [7].

Tất cả những đặc ân như sinh ra là những người tinh anh, kiệt xuất, khi xuất gia đi tu thì đắc đạo, được tiếp xúc với những vị cao tăng, hay có vai trò quan trọng trong việc xây dựng Phật giáo là quốc đạo vào thời Lý, cũng như có phép thuật khiến ba vị thiền sư khác biệt với người thường và tạo nên một ánh hào quang xung quanh họ. Sự mến mộ và tôn kính đã được dân gian phong làm các vị thánh thiêng liêng, được thờ cúng và tạo ra những ma lực nhất định, có sức mạnh lan tỏa với những bản chất của những vị phúc thần.

Tiểu kết Chương 3

Tiểu sử linh thiêng của các vị thánh liên quan đến các lớp tín ngưỡng, văn hóa chảy dài theo suốt chiều dài lịch sử từ khi ra đời đến nay. Các mảnh vỡ của tiểu sử huyền bí tạo ra những hình ảnh “vi diệu” về các vị thánh tổ và chúng được nhào nặn qua thời gian trong tâm thức của người dân. Tâm thức thờ ba vị thánh trong dân gian ngày nay có nhiều biểu hiện còn gắn với tiểu sử, hành trạng và cuộc đời các vị thánh, như việc đầu thai liên quan đến cầu tự, việc chữa bệnh màu nhiệm cho vua liên quan đến đảo mệnh, chữa bệnh âm, hay việc mang đồng từ Trung Quốc về liên quan đến thánh tổ nghề đồng. Những mảnh vỡ cuộc đời này vẫn còn được truyền tụng, tạo nên một lớp tín ngưỡng đầy màu sắc thần bí xung quanh ba vị thánh.

Chúng được trao truyền giữa các thế hệ qua tư liệu, cũng như truyền miệng và bằng các thực hành nghi lễ, các hành vi, đám rước trong lễ hội truyền thống diễn ra hàng năm. Các vị thánh có sức hút và ma lực nhờ vào nền tảng bẩm sinh, kiệt xuất, xuất chúng. Chính cái thiêng, ma lực và quyền năng là những nhân tố để tạo nên một hệ thống các hành vi, biểu hiện tôn giáo thờ phụng ba vị thánh. Hội tụ của việc thờ cúng mang tính cộng đồng của cư dân đồng bằng châu thổ Bắc Bộ chính là việc hội làng truyền thống, là dịp tưởng niệm và tôn kính ba vị thánh, cũng là thời điểm mà dân làng tổ chức tế lễ để cầu một năm mưa thuận, gió hòa, cầu an, câu lộc, cầu tài cho cá nhân và gia đình. Hơn nữa, đối với cá nhân và gia đình, việc tôn thờ các vị thánh quyền năng chính là những buổi đi lễ, khóa lễ, cầu cúng, thể hiện ước vọng cho một cuộc sống an lành, tốt đẹp dưới sự bảo trợ của các vị thánh.

Chương 4

CÁC BIỂU HIỆN CỦA TÂM THỨC DÂN GIAN VỀ BA VỊ THÁNH

Tâm thức dân gian về ba vị thánh được thể hiện trên nhiều khía cạnh, vừa trong việc thiêng hoá, khoác cho các vị thánh những yếu tố thiêng trong tiểu sử linh thiêng và ma lực (như đã trình bày ở chương trước), vừa trong các thực hành không gian và nghi lễ, lễ hội, cũng như trong lời khẩn cầu, tâm tư, suy nghĩ của người dân tại các di tích thờ các vị thánh. Để hiểu được tâm thức dân gian của người dân vùng châu thổ Bắc Bộ thông qua các biểu hiện của nó, chương này trình bày về việc tâm thức dân gian đã được thể hiện và gửi gắm trong các kiến trúc và không gian tín ngưỡng, trong các nghi thức phụng thờ, các lời cầu cúng, cũng như trải nghiệm và nhận thức của người dân về ba vị thánh.

Một phần của tài liệu Ba vị thánh trong các ngôi chùa tiền phật hậu thánh và tâm thức dân gian ở vùng châu thổ bắc bộ (Trang 77 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(190 trang)