Điều kiện tự nhiên, kinh tế

Một phần của tài liệu Ba vị thánh trong các ngôi chùa tiền phật hậu thánh và tâm thức dân gian ở vùng châu thổ bắc bộ (Trang 41 - 45)

Chương 2: BỐI CẢNH HÌNH THÀNH TÂM THỨC DÂN GIAN VỀ BA VỊ THÁNH Ở VÙNG CHÂU THỔ BẮC BỘ

2.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế

Đồng bằng châu thổ Bắc bộ là một vùng đất rộng lớn nằm quanh khu vực hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình, bao gồm 12 tỉnh thành và thành phố4. Đây là cái nôi của thực hành văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt. Vùng đất này là nơi quy tụ của những biểu hiện, hành vi và thực hành tín ngưỡng thờ ba vị thánh mà luận án chọn làm đối tượng nghiên cứu, chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố như Tp. Hà Nội, tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên (Xem Phụ lục 1).

Về mặt địa hình, đồng bằng châu thổ Bắc Bộ có địa hình tương đối bằng phẳng so với các vùng khác trên lãnh thổ địa lý Việt Nam, thuận tiện cho trồng lúa và hoa màu. Ở một số địa bàn là địa hình núi và đồi xen kẽ đồng bằng và thung lũng, dốc thoải từ Tây Bắc xuống Đông Nam, giảm dần đến mặt biển. Địa hình bằng phẳng ở vùng hạ lưu sông với lượng đất phù sa bồi đắp màu mỡ, thuận lợi cho việc canh tác lúa nước và trồng hoa mầu. Chính hình thức canh tác này cũng là nền tảng sinh ra các vị thần, thánh phù hộ cho nghề nông, nghề trồng trọt phụ thuộc nhiều vào điều kiện thiên nhiên, nhiệt độ, lượng mưa. Con người luôn phải đối phó với thiên tai, hạn hán, lũ lụt và sự thay đổi của khí hậu. Vượt qua khả năng của mình, con người cần sự nương tựa vào thế lực siêu nhiên để cầu mong vụ mùa bội thu, đủ lương thực cho sự tồn tại. Đây cũng là nền tảng hình thành những thực hành văn hóa, tín ngưỡng gắn với sinh hoạt lao

4 Tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng,

động và mùa vụ với tâm thức thờ vị thánh tổ của nghề nông, nghề trồng lúa nước, là đặc trưng văn hóa của khu vực châu thổ Bắc Bộ.

Khí hậu ở vùng châu thổ Bắc Bộ có những yếu tố tạo gắn với việc sản sinh cũng như phát triển của tập tục thờ thánh. Khí hậu nhiệt đới, gió mùa với 4 mùa tương đối rõ rệt là mùa đông, mùa xuân, mùa hè và mùa thu. Khí hậu ngày càng trở nên thất thường, có năm mưa liên tục mấy tháng, nhưng có những năm mưa ít, nhưng ít khi bị hạn hán, mà bị lũ lụt nhiều hơn. Với đặc điểm khí hậu nhiệt đới ẩm và phân hóa theo mùa tương đối rõ rệt là điều kiện để hình thành nên cơ cấu cây trồng đa dạng. Ngoài cây lúa, vùng này còn canh tác cây ngắn ngày ôn đới và cận nhiệt đới vào mùa đông. Khí hậu bị chi phối bởi chế độ gió mùa, có năm rét sớm, có nằm rét muộn, rét đậm kéo dài, nhưng có năm lại ấm áp. Đây cũng là vùng bị ảnh hưởng của bão đổ bộ từ biển Đông, khiến cho ruộng bị ngập lụt trên diện rộng.

Những rủi ro, thiên tai, lũ lụt cũng là một trong những nền tảng tạo ra những thế lực siêu nhiên mà con người cần đến sự trợ giúp, cầu khấn mong cho mùa màng tốt tươi, dẹp trừ thiên tai, hạn hán, lũ lụt.

Nơi đây còn có mật độ sông ngòi dày đặc, với các sông lớn như sông Hồng, sông Thái Bình cùng với hệ thống kênh, mương tưới tiêu cho các cánh đồng lúa như hệ thống kênh rạch ở tỉnh Nam Định và tỉnh Thái Bình mà hiện nay chúng vẫn còn hiện hữu, và nhiều nơi vẫn còn gắn bó mật thiết với cuộc sống tinh thần và thờ phụng thần thánh của người dân. Vùng hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình hình thành nên những cánh đồng ven sông phù sa màu mỡ, là vùng thổ nhưỡng lý tưởng để canh tác hoa màu như ngô, khoai, đậu, lạc, đỗ. Nhiều vùng trở thành nơi cung cấp cây cảnh, rau và hoa cho các thành phố lớn.5 Chính yếu tố nước và sông hồ tạo nên tập quán canh tác trồng lúa nước, nuôi thủy sản, đánh bắt cá, và cũng là cơ sở hình thành một hệ thống văn hóa, tín ngưỡng liên quan. Cũng từ những công việc của nghề nông, nghề đánh bắt thủy sản, người dân đã sáng tạo ra những biểu tượng văn hóa, tâm linh, vị thần tổ nghề chài lưới, thánh Dương Không Lộ giúp dân nghề sông nước và cứu giúp dân làng tránh tai họa khi đi tàu, thuyền.

5 https://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BA%AFc_B%E1%BB%99_Vi%E1%BB%87t_Nam. Truy cập tháng

2.1.2. Điều kiện kinh tế

Vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội chung ở Việt Nam. Bắc Bộ có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên khá thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, trồng hoa màu, trồng lúa. Tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, dân cư đông đúc, mặt bằng dân trí cao so với những vùng núi xa xôi, hải đảo. Một nơi có truyền thống lâu đời về thâm canh lúa nước, có những trung tâm công nghiệp và hệ thống đô thị phát triển... là điều kiện thuận lợi cho công cuộc phát triển các ngành nghề lao động sản xuất từ phổ thông đến hiện đại, mang đến sự thuận lợi cho cuộc sống lâu dài của cư dân [40, tr.27]. Sự tập trung dân cư có mật độ cao trong các làng quê, thị trấn, liên quan đến nhu cầu và môi trường lao động, cũng như những sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng mang tính cộng đồng và cộng cảm.

Là vựa lúa lớn thứ hai của Việt Nam, đồng bằng Bắc Bộ là vùng đất đai màu mỡ do phù sa của sông Hồng và sông Thái Bình bồi đắp. Số đất đai để phát triển nông nghiệp trên 70 vạn ha, chiếm 56% tổng diện tích tự nhiên toàn vùng. Ngoài lúa nước, các địa phương nông nghiệp ở hạ lưu sông Hồng đều chú trọng phát triển loại cây ưa lạnh có hiệu quả kinh tế cao như ngô, khoai tây, su hào, cải bắp, cà chua.

Những loại cây này đa phần được trồng xen canh giữa các mùa vụ [40].

Bắc Bộ cũng là nơi có điều kiện về biển và tài nguyên thiên nhiên phong phú. Đây là vùng có đường bờ biển dài, có cửa ngõ lớn và quan trọng thông thương với các khu vực lân cận và thế giới qua cảng biển Hải Phòng. Với địa hình chạy dọc theo bờ biển, một bộ phận cư dân làm nghề biển, cũng như đắp đê lấn biển trồng lúa, làm cá, làm muối và đi biển. Việc đánh bắt cá thường nhỏ lẻ, không có quy mô lớn.

Các làng ven biển nửa làm nông, nửa là vạn chài. Tài nguyên thiên nhiên gồm có các mỏ đá (ở Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình), sét cao lanh ở Hải Dương, than nâu ở Hưng Yên và mỏ khí đốt ở huyện Tiền Hải (Thái Bình) đã được tiến hành khai thác từ nhiều năm nay. Những điều kiện này tạo đà phát triển và cơ hội làm ăn cho cư dân, tăng thu nhập, và do đó có tác động mạnh mẽ tới cuộc sống văn hóa, tinh thần.

Cư dân vùng châu thổ Bắc Bộ là cư dân sống với nghề trồng lúa nước, tức là lấy nông nghiệp làm chính. Biển và rừng bao bọc xung quanh vùng đất này, nhưng từ trong tâm thức, người nông dân Việt Bắc Bộ là những cư dân “xa rừng nhạt biển”.

Nói khác đi, họ là người dân đắp đê lấn biển để trồng lúa, có thêm nghề làm muối và đánh cá nhưng qui mô không lớn [40, tr.34]. Từ khi Đổi mới (1986), với sự hội nhập và

phát triển, hình thành các khu công nghiệp ở các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, nên cư dân nông nghiệp dần chuyển sang trồng rau màu, cây cảnh, nuôi bò cho các nhà máy làm sữa, và tham gia vào các xưởng sản xuất tư nhân cũng như các khu công nghiệp.

Đất chật, người đông, ít đất canh tác nhất là ở các vùng chiêm trũng. Ở đó, người dân chỉ trồng lúa một vụ, nên có nhiều thời gian nhàn rỗi do quy định của nhịp điệu thời vụ canh tác. Do vậy, người nông dân làm thêm nghề thủ công, từ đơn giản như đan lát, làm gốm thô sơ, các đồ mộc, trồng dâu nuôi tằm đến các nghề thủ công tinh xảo, nhằm thỏa mãn nhu cầu tự cung tự cấp trong phạm vi gia đình, làng xóm, ngoài ra đem bán ở chợ quê tăng thêm nguồn thu nhập gia đình. Hiện nay, tại các tỉnh thuộc châu thổ Bắc Bộ, hàng trăm nghề thủ công nổi tiếng khác nhau vẫn còn tồn tại đến ngày nay: đó là nghề làm gốm, đúc kim loại, làm đồ mộc, đan mây tre, nghề dát quỳ vàng [100, tr.148].

Người dân đồng bằng Bắc Bộ cũng là những người được cho là khéo tay, phát triển nhiều làng nghề truyền thống như làm chiếu, nuôi tằm, dệt, luyện kim, đúc đồng, đặc biệt các làng nghề ở Tp. Hà Nội, tỉnh Nam Định, tỉnh Thái Bình. Sự phát triển của các nghề thủ công góp phần tạo nên và bồi đắp cho ba vị thánh trở thành ông tổ đa nghề. Ba vị thánh được thờ tự với nhiều tư cách khác nhau, nổi trội lên hẳn là dấu ấn thờ tổ nghề (thánh sư), hay còn có các tên gọi khác như tiên sư, nghệ sư, tổ sư, tổ nghề, tức là người đã có công sáng tạo, truyền dạy một nghề nào đó cho những người đời sau. Đây là hệ thống tín ngưỡng của cộng đồng những người cùng nghề nghiệp, thường là nghề thủ công. Với tâm thức của người dân vùng châu thổ Bắc Bộ là vùng đất trăm nghề với hàng trăm nghề thủ công truyền thống đã gắn các vị thánh trở thành tổ nghề của làng. Do có nhiều nghề thủ công khác nhau, nên các vị thánh tổ cũng được hóa thánh thành những vị thần tổ khác nhau. Thánh Nguyễn Minh Không vừa là ông tổ nghề đúc kim loại (Tống Xá, Nam Định), vừa là vị thần y. Thánh Dương Không Lộ vừa là ông tổ nghề chài lưới, vừa là nghề nông, trồng cây cảnh trong tâm thức của nhân dân ở một số làng xã tại tỉnh Nam Định và Thái Bình.

Trong bối cảnh của nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa, nhiều cánh đồng ở vùng châu thổ Bắc Bộ như ở tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Hải Dương đã bị lấy đất để làm khu công nghiệp, hoặc trang trại tư nhân. Người dân mất đất, phải tìm kế sinh nhai khác: hoặc đi làm ở các cơ sở thủ công gốm sứ, làm mộc, làng nghề, làm thuê; hoặc vào làm công nhân tại các khu công nghiệp. Tuy nhiên, nhiều làng xã vẫn còn giữ được đất canh tác lúa, như vùng chiêm trũng ở tỉnh

Hưng Yên và Thái Bình, trồng màu như ở những vùng ven đô, ven sông Hồng và sông Thái Bình ở tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, song thành phần cư dân thay đổi phân hóa vì đa phần họ không còn là người nông dân thuần nông nữa. Một bộ phận người dân đã chuyển sang làm kinh doanh nhỏ lẻ, làm dịch vụ, đi làm ăn ở xa quê. Những biến động về kế sinh nhai và thành phần cư dân đã tác động không nhỏ đến các thực hành văn hóa làng, đến việc tổ chức, duy trì và phát huy giá trị trong bối cảnh đương đại. Những thay đổi về thành phần dân cư, về kế sinh nhai, có thể có tác động đến các thực hành văn hóa mang tính cộng đồng ở các làng, xã như tổ chức lễ hội truyền thống, nhưng tâm thức về thờ thánh thì vẫn duy trì. Tâm thức thờ phụng các vị thánh tổ vẫn luôn hiện hữu, thay đổi để phù hợp với tư duy, suy nghĩ của con người trong bối cảnh cuộc sống của họ. Hơn nữa, việc thờ phụng ba vị thánh tổ không còn là của một làng, mà đã trở thành thánh của vùng, của quốc gia với sự tham gia và đi lễ của người dân ở nhiều địa phương khác nhau. Về điều này, luận án sẽ tiếp tục làm rõ ở những chương tiếp theo.

Một phần của tài liệu Ba vị thánh trong các ngôi chùa tiền phật hậu thánh và tâm thức dân gian ở vùng châu thổ bắc bộ (Trang 41 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(190 trang)