Chương 3: HÀNH TRẠNG CỦA BA VỊ THÁNH
4.3. Lá sớ và cầu khấn
4.3.2. Thông điệp truyền tải trong cầu khấn
Bên cạnh lá sớ, như là văn bản tâm linh, thầy cúng viết trực tiếp nội dung cần thỉnh cầu, thì như trên luận án đã chỉ ra, việc thỉnh thánh, cầu khấn và khóa lễ (có khoa cúng) vô cùng quan trọng. Trong việc cúng, cầu khấn, về cơ bản có khấn nôm, và làm khóa lễ.
Khấn nôm: Cùng với lá sớ, khi đi lễ chùa, lễ đền, vào các ban, khám thờ, người dân có thể đặt chút tiền và nhờ các thầy cúng giúp. Trong các chùa, có thể có vãi già khấn, chẳng hạn ở chùa Điềm Giang (Ninh Bình), trong đền có các vãi chuyên viết sớ và khấn, hay ở chùa Thầy có các thầy cúng viết sớ và khấn cho những người đi lễ. Ở chùa Keo (Thái Bình), có một nhóm các bà, các cô, các thầy chuyên làm nghề “khấn hộ.”
Theo thầy Linh ở chùa Thầy, khi đến chùa xin chữa bệnh, người đi lễ thường tự khấn hay còn gọi là khấn nôm.Ví dụ, lời khấn đại khái như sau:
Con nam mô a di đà phật, con lạy chín phương trời, lạy mười phương chư Phật, chư Phật mười phương, nam mô bản sư thích ca mâu ni Phật, kính lạy Phật Pháp Tăng ở tất cả 10 phương, con kính lạy đức thánh tổ Từ Đạo Hạnh, linh thiêng ngài ngự ở chùa Thầy. Hôm nay, nhất nhật kim thời, đệ tử con …quê quán… nay con về trước Phật đài chùa Thầy để ăn mày công đức của chư Phật, chư Pháp, chư tăng, ăn mày công đức của thánh tổ Từ Đạo Hạnh. Ngài gia hộ cho bản thân con cũng như gia quyến nay phải năm xung, tháng hạn, đang mang bệnh…nay con đang điều trị tại bệnh viện…xin ăn mày công đức của thánh tổ để ngài giáng phúc, phóng ánh hào quang để độ cho con gặp được thầy, gặp được thuốc, nhanh chóng hồi phục sức khỏe, ăn như cũ, ngủ như xưa, bình an vô sự, để cho gia đình chúng con được sum vầy.27
Còn đối với những người già mắc bệnh hiểm nghèo, thì có thể cúng như sau:
“Ăn mày công đức thánh tổ để gặp được thầy gặp được thuốc khôi phục sức khỏe.
Nếu năm xung, số thác hết mệnh rồi chóng được vãng sinh về nơi Tây phương cực lạc để ăn mày công đức thánh tổ để ngài tiếp độ cho chóng được giải thoát khỏi phải nằm trên giường bệnh đau khổ bản thân, để ngài gia hộ cho.”
Khi cầu con thì người ta có thể khấn tương tự như vậy, sau đó khi họ thỉnh đến đức thánh, thì khấn: “Vợ chồng chúng con… (tên…tuổi…địa chỉ), chúng con xây dựng gia đình đến giờ là… năm, chưa sinh hạ được cháu nào. Chúng con chưa có con, vắng tiếng trẻ thơ ở trong gia đình. Chúng con đến ăn mày công đức của đức thánh tổ với phép nhiệm màu của ngài thì ngài giáng phúc để độ cho vợ chồng con được đầu năm tin vui, cuối năm tin mừng, sớm có tiếng trẻ thơ trong gia đình, dù nam hay nữ trai hay gái. Chúng con xin ăn mày công đức của đức thánh tổ, để ngài gia phúc cho gia đình nhà con, sớm có tiếng trẻ thờ trong gia đình.”28 Gia đình đã có con gái rồi, thì cầu tự xin con trai, họ có thể khấn: “Chúng con nay đã sinh hạ được cháu gái hiện nay được ... tuổi, vợ chồng chúng con xin một cháu trai cho bằng chị, bằng em, bằng chúng bằng bạn thì ăn mày công đức của thánh tổ để ngài gia hộ cho chúng con sớm có đầu đinh, đầu lính trong gia đình, có con trai để nối dõi tông đường.”29 Những lời khấn nôm (bằng miệng) thường được người đi lễ tự khấn, thể hiện nguyện vọng của họ đối với thánh. Một số người, do không quen cúng nên họ nhờ thầy, nhờ người cúng thuê ở các chùa cho “bài bản” hơn.
Khóa lễ:30
Cúng bái có khoa cúng với những bài cúng và quy trình cúng cụ thể. Thực hiện các khóa cúng phải những thầy cúng “cao tay”, có uy lực của nhà thánh và đôi khi có “âm binh”. Những người hành nghề thầy cúng thường là những người có
“căn số”, được cha truyền con nối, phải học Hán Nôm, viết chữ nho, làm sớ, thành thạo các bài, các khoa cúng cho thiên hạ mỗi khi họ yêu cầu. Đây cũng là một nghề, giúp người dân chuyển tải thông điệp trong lời thỉnh, lời cúng và bài cúng tới các vị thánh. Khoa cúng có nhiều bài từ cúng sao, cúng cô hồn, đến các khoa cúng phát tấu, cầu an, giải oan cắt kết, đến việc cầu xin cho công việc cụ thể về làm ăn, buôn bán, cầu học hành thi đỗ. Mỗi loại nhu cầu đều có những khoa cúng tương đương đi kèm với đồ lễ, sớ, vàng mã. Việc cúng bái, thỉnh thánh phản ánh người dân cầu khấn tới ba vị thánh ở các chùa Tiền Phật hậu Thánh, nơi phối thờ giữa Phật và thánh còn có sự khác nhau giữa chùa này và chùa khác. Có chùa do sư trụ trì như
28 Phỏng vấn thầy Linh, chùa Thầy ở Sài Sơn, Sơn Tây, tháng 02 năm 2018
29 Phỏng vấn thầy Linh, chùa Thầy ở Sài Sơn, Sơn Tây, tháng 02 năm 2018
30 Luận án này không đi sâu luận giải hay giới thiệu về các khoa cúng, mà đây là lĩnh vực thực hành, hành nghề của các thầy cúng, nhà sư. Luận án quan tâm đến uy quyền, tính linh thiêng của các vị thánh trong tâm thức dân gian, và vì vậy luận án tập trung đến việc cúng bái, thỉnh đến các vị thiền sư như là những vị thần
chùa Đại Bi thờ thánh Từ Đạo Hạnh ở Nam Định, hay chùa Keo ở Thái Bình thì có phần thầy chùa làm các khoa cúng nhà Phật. Còn ở các chùa do thầy cúng phụ trách về tế lễ và có ban quản lý chùa như chùa Keo thờ thánh Dương Không Lộ ở Nam Định, chùa thờ Thánh Nguyễn ở Gia Viễn ở Ninh Bình thì ở các thầy cúng thực hiện các khoa cúng mang màu sắc Đạo giáo như trừ tà, chữa bệnh, cầu đảo, v.v..
Tại chùa Thầy, thầy Linh cho rằng cúng lễ thì phải làm lễ và có khoa cúng.
Về phía Phật pháp, các thầy sư ở chùa tụng kinh, trì chú. Nếu cầu an, thì các thầy thỉnh kinh Phổ Môn, cầu siêu thì thỉnh kinh Di Đà, cầu đất cát thì tụng Địa Tạng, cầu đảo bệnh thì tụng ngài Dược sư. Trong các khoa cúng tại các chùa tiền Phật hậu Thánh, các thầy cúng đều thỉnh đến quyền uy của các vị thánh tổ. Chẳng hạn, thỉnh: Nam mô nam triều thác tích Sài Sơn thánh tổ thiền sư Từ Đạo Hạnh tọa hạ; nam mô Ma ha sa môn giác linh hòa thượng Thích Viên Thành tọa hạ… Tức là thầy cúng thỉnh, mời từng vị thánh để họ “thấu” được tiếng kêu cầu của dương gian và độ giúp.
Còn ở chùa Keo (Nam Định) thờ thánh Nguyễn Minh Không, văn khấn đều do các nhà khoa bảng soạn và để lại cho hậu thế với hai nội dung chính. Phần thứ nhất là khoa cúng Phật và các khoa cúng về độ âm, lễ Mẫu Tam phủ đều giống như các nơi khác của Việt Nam. Theo thầy Thành, riêng chùa Keo ở Hành Thiện,
“chúng tôi có những biệt khoa cúng, bao gồm khoa cúng kỷ niệm ngày sinh của đức thánh còn gọi là khoa đản thần. Khoa này chỉ có làng Hành Thiện mới có, do tổ tiên của chúng tôi biên soạn, giờ chúng tôi cứ án khoa y hành. Khoa thứ hai là khoa Bảo khóa, tức là lễ về ngày mất, hóa thần của đức thánh và khoa thứ 3 là biệt cúng thánh, sử dụng hàng tuần 14, 15, tháng 4 lập hạ, và khoa này chỉ được lễ ở cửa thánh. Ngoài ra chúng tôi còn có quyển Kinh đức thánh, kệ. Kinh thánh này sử dụng để cầu tài, cầu lộc, lễ để giải bệnh, chữa bệnh.”
Điều quan trọng trong việc cúng lễ, khóa lễ, là lời thỉnh cầu tới các vị Phật, thánh linh thiêng trợ giúp. Việc thỉnh Phật thánh có 2 đường: thỉnh chung các thánh, và đường thỉnh riêng. Ví dụ:… đại nguyện, đại từ Nam thiên thánh tổ Không Lộ thiền sư, Nam thiên thánh tổ Giác Hải thiền sư, Nam thiên Thánh tổ Từ Đạo Hạnh thiền sư, Nam thiên thánh tổ Nguyễn Minh Không đại pháp thiền sư.
Tư liệu điền dã về thờ phụng thánh Nguyễn Minh Không ở làng Tống Xá, Nam Định, NCS đã tập hợp được 25 bài cúng vào dịp Tết, vào ngày mồng 1 ngày rằm, cúng cho các cháu khỏe mạnh, cúng xin con cầu tự, v.v. thỉnh đến thánh Nguyễn Minh Không. Các lời kêu cầu đa phần giống nhau, chỉ có nội dung khấn
cho các cá nhân và lời nguyện cầu thì khác. Cụ thể, trong bài cúng có đoạn kêu đến thánh: “...Kính lạy Đức thánh tổ Nguyễn Minh Không, cùng các vị tôn thần cai quản ở trong khu vực này... cung thỉnh Đức thánh tổ sư Nguyễn Minh Không thượng đẳng thần thánh tiền cùng các ngài thờ ở đây giáng lâm thụ hưởng lễ vật.
Cúi xin các ngài gia ân soi xét, phù hộ cho các tín chủ...” Còn trong bài cúng ngày giỗ đức thánh, văn khấn thỉnh tới thánh tập trung vào sự trợ giúp của thánh đối với nghề đúc kim loại. Văn cúng có đoạn: “… Đức thánh tổ sư, vắng xa trần thế, chẳng thấy âm dung, năm qua tháng lại vừa ngày húy, lâm ơn võng cực xem bằng trời bể, nghĩa sinh thành không lúc nào quên, càng nhớ công ơn, gây cơ tạo nghiệp bao nhiêu, càng cảm thâm tình, khôn bề giải tỏ... Hiện nhân dân Tống Xá đang thờ ngài tạ đền thờ Đức thánh tổ của làng, cúi xin linh thiêng giáng về linh sàng, thụ hưởng lễ vật chứng dám lòng thành.”31
Qua đây, chúng ta thấy, trong cách thức cúng lễ của người Việt, là khấn nôm, viết lời thỉnh cầu vào lá sớ, thỉnh và thực hiện các khoa cúng. Sự hiệu nghiệm của lời cúng tế có trở thành hiện thực hay không, thì lại phụ thuộc nhiều vào từng người, vào cái tâm, cũng như vào mệnh và vào các vị thánh. Khảo sát cho thấy các ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh và những đền thờ ba vị thánh tổ khá linh thiêng trong tâm thức dân gian. Thánh càng linh thiêng, thì người dân đến càng đông, và do vậy, các khoa cúng được tổ chức tại đó càng nhiều. Vậy người dân đến cầu khấn gì tới ba vị thánh là chủ yếu? Phần tiếp theo, luận án sẽ phân tích một số những nhận thức và trải nhiệm của người dân đối tới ba vị thánh tổ.