Chương 2: BỐI CẢNH HÌNH THÀNH TÂM THỨC DÂN GIAN VỀ BA VỊ THÁNH Ở VÙNG CHÂU THỔ BẮC BỘ
2.3. Sự hình thành của các ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh
2.3.1. Bối cảnh chính trị, xã hội
Bối cảnh chính trị, xã hội Việt Nam trong lịch sử là một trong những nền tảng cơ sở hình thành hệ thống thờ cúng các vị thiền sư được hóa thánh tại các ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh. Tính từ thời kì tự chủ, có nhiều bằng chứng phản ánh đời sống tôn giáo, mối quan hệ giữa chính trị và tôn giáo liên quan đến sự ra đời thờ phụng các vị thiền sư. Vào giai đoạn này, các tăng sĩ, đạo sĩ là những tri thức lớn, trí tuệ, tài năng giúp cho việc xây dựng và bảo vệ nền tự chủ và ý chí thống nhất, độc lập của dân tộc. Vị vua đầu tiên của nhà Đinh, tiền Lê, vua Đinh Tiên Hoàng: “Bắt đầu quy định văn võ tăng đạo... Tăng thống Ngô Chân Lưu được ban hiệu Khuông Việt đại sư, Trương Ma Ni làm tăng lục, Đạo sĩ Đặng Huyền Quang được trao chức Sùng chân uy nghi” [6, tr.26]. Sùng chân uy nghi, nếu theo chức quan ở Trung Quốc có lẽ là một chức quan trông coi về nghi lễ Đạo giáo. Đến thời Lý, Phật giáo trở thành quốc giáo, song các vua nhà Lý cũng hâm mộ Đạo giáo không kém Phật
giáo. Tư liệu lịch sử có nhiều sự kiện nói về chuyện này như: Sử thần Lê Văn Hưu phê phán vua Lý Thái Tổ mới lên ngôi được hai năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ [6, tr.26], vua ra lệnh chùa quán nơi nào đổ nát đều phải sửa chữa lại, năm 1016 tức năm Thuận Thiên thứ 7 vua Lý Thái Tổ độ cho hơn nghìn người ở Kinh sư làm tăng đạo [21, tr.26]. Nhiều cứ liệu lịch sử ghi chép trong Đại việt sử kí toàn thư, Việt sử lược v.v.. cho thấy mặc dù thời Lý Phật giáo rất phát triển nhưng Đạo giáo cũng có ảnh hưởng to lớn như Phật giáo, cả trong cung đình cũng như ngoài dân gian. Tác giả Hà Văn Tấn nêu ra rằng trong sự tồn tại của Phật giáo thời Lý, Trần, dù có thể thấy các yếu tố Mật - Tịnh - Thiền quấn quýt với nhau, khiến ngày nay chúng ta không thấy rõ tính chất tông phái của Phật giáo Việt, thì cũng có những dấu hiệu cho thấy Mật giáo thường hay gắn kết với Đạo giáo. Hai tôn giáo này có những điểm chung nhau khi cùng sử dụng các phương pháp phù chú, cầu đảo và các phép thần thông để bày tỏ quyền uy siêu việt. Chính vì lẽ đó Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn Minh Không là những thiền sư của các phái Tì ni đa lưu chi, Vô ngôn thông. Họ thực hành các trì chú và có phép thuật. Cho nên trong thế kỷ XI - XII thuật ngữ pháp sư vốn chỉ nhà sư tinh thông Kinh Tạng đã dùng để chỉ người có pháp thuật. Dòng pháp thuật dùng thần chú này đã phát triển kết hợp với Đạo giáo thành các thầy phù thủy như nội đạo tràng của thượng sư Trần Toàn ở Thanh Hóa vào thế kỷ XVII, liên quan đến Dược Sư lưu li quang phật, chữa bệnh mọc lông hổ của Lê Thần Tông [21], [22].
Bước sang thế kỷ XVI, những cuộc khủng hoảng chính trị, tư tưởng đã đẩy một bộ phận lớn tri thức, giới nho sĩ vào chỗ bế tắc. Nho và Phật vốn vẫn được coi là hai hệ tư tưởng chính thống vẫn không đủ cứu cánh cho các tri thức đương thời.
Sau khi nhà Mạc lấy ngôi từ nhà Lê, một bộ phận lớn qua lại và trí thức đã tìm tới tư tưởng Lão - Trang, tới Đạo giáo và mong rằng có một sự kết hợp tốt đẹp giữa các hệ tư tưởng này. Điều này đã được thiền sư Hương Hải, một người Phật giáo, thể hiện tình trạng vừa nêu qua bài thơ: Sự lý dung thông [6, tr.31].
“Trong nơi danh giáo có ba
Nho hay giúp nước sửa nhà trị dân Đạo thì dưỡng khí an thần
Thuốc trừ tà bệnh, ân cần luyện đơn
Thích độ nhân khỏi tam đồ khổ
Thoát cửu huyền thất tổ siêu phương”
Trong suốt triều đại nhà Mạc, Đạo giáo nhận được sự bảo trợ mạnh mẽ của triều đình. Tầng lớp quý tộc, quan lại nhà Mạc có mặt trong nhiều hoạt động tôn giáo. Tư liệu Hán - Nôm và nhiều bằng chứng vật chất còn lại cho biết hầu hết việc hưng công, trùng tu quán đạo giáo đều có sự tham gia của tầng lớp quý tộc, quan lại nhà Mạc. Điều này chứng tỏ nhà Mạc đã có chủ ý rõ ràng đối với việc đẩy Đạo giáo lên làm trụ cột cho việc xây dựng tư tưởng, tín ngưỡng của xã hội đương thời. Tầng lớp quý tộc và quan lại nhà Mạc đã yểm trợ tối đa cho Đạo giáo. Các yếu tố Đạo và Nho được chuyển tải bằng các kênh của Phật giáo và tín ngưỡng dân gian [72].
Chốn hoàng gia, nơi cung thất là chỗ gần gũi thiên tử, chỗ lấy Nho giáo làm nguyên tắc xử thế, lấy Khổng Mạnh làm quan niệm nhân sinh hàng đầu, thế mà Phật giáo vẫn len lỏi vào được. Nó len vào những nơi mà Nho giáo không thể với tới. Chính các thái hậu, các chính cung, các công chúa, các cung phi, mĩ nữ… là những người hâm mộ đạo Phật nhất. Họ theo đạo Phật, thờ Phật để có phúc mong còn có phúc hơn, để hi vọng khi chết đi được siêu sinh tịnh độ [21, tr.356].
Nhà Mạc chủ trương lấy Đạo giáo làm tôn giáo chính thống, chủ trương phát triển nông - thương nghiệp thay thế xã hội phát triển nông nghiệp, với các chính sách cải tạo, phát triển thương nghiệp. Thời kì này nghề thủ công phát triển mạnh với sự ra đời nhiều trung tâm giao lưu, buôn bán cả nước với các vùng Hà Nội, phố Hiến, Hưng Yên. Một loạt các chợ là đầu mối giao lưu, buôn bán ra đời, thương nghiệp rất phát triển. Nhà Mạc đã có nhiều cố gắng trong việc ổn định tình hình xã hội, chính vì lẽ đó thời kì này khá yên bình. Người buôn bán và người đi đường đều đi chân tay không, ban đêm không có trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về, chỉ cần mỗi tháng xem một lần, có khi sinh đẻ cũng không biết được gia súc nhà mình. Trong khoảng vài năm, đường sá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, thường được mùa to, trong cõi tạm yên [21, tr.115].
Chính vì lẽ đó thời kì này nhiều ngôi chùa lớn đã được khởi dựng cả ở Đàng trong và Đàng ngoài. Trên đất Bắc, Đàng ngoài, với sự tham gia của tầng lớp quý tộc (thường thông qua tầng lớp vương công quý tộc) bỏ tiền ra tu bổ đã tạo cho nhiều ngôi chùa có một quy mô mới, khang trang, rộng rãi và bề thế hơn với những ngôi chùa Mía, chùa Thầy, chùa Bối Khê, chùa Keo, chùa Bút Tháp… kiến trúc của các thời trước đã được kiến tạo thành các ngôi chùa với nhiều tòa ngang dãy dọc, trong đó có nhiều đơn nguyên kiến trúc mới xuất hiện, làm hình thành kiểu mặt
bằng “Nội công ngoại quốc”, loại hình chùa này đã bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ XVI và đến thế kỷ XVII được phát triển rộng khắp với quy mô lớn hơn [13, tr.54].
Tình hình chính trị - kinh tế - xã hội thế kỷ XVI - XVII cũng có nhiều biến đổi quan trọng, Nho giáo bị khủng hoảng, không còn giữ được vị trí độc tôn trong hệ tư tưởng của xã hội. Sự mâu thuẫn trong triều đình đã lên đến cực độ dẫn đến nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê. Nhà Mạc đã có nhiều cố gắng trong việc ổn định tình hình xã hội, với chính sách chính trị cởi mở hơn, chủ trương mở cửa, đẩy mạnh thương nghiệp, giao lưu kinh tế giữa các vùng đã tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Chính vì những chính sách đó khiến triều Mạc khá được lòng dân chúng, có lúc tình hình trong nước rất ổn định. Trong thời gian Mạc Đăng Dung lên ngôi thì ở Thanh Hoá một tập đoàn quân chủ khác đứng đầu là chúa Trịnh lấy danh nghĩa “phù Lê diệt Mạc” xây dựng một triều đình mới. Cuộc chiến tranh giữa triều đình nhà Mạc và tập đoàn Lê-Trịnh kéo dài hơn 50 năm (từ năm 1546 đến năm 1592), nhà Lê-Trịnh chiếm được Thăng Long. Nhà Mạc buộc phải tháo chạy lên phía Bắc, dựng thành luỹ cố thủ ở Cao Bằng. Sau khi giành lại được quyền cai quản đất nước, nội bộ tập đoàn Lê-Trịnh có sự mâu thuẫn nặng nề, vì muốn thoát ra khỏi sự kiềm toả của chúa Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng xin đi trấn thủ Thuận Hoá, sau kiêm thêm trấn thủ Nghệ An. Về sau con cháu họ Nguyễn đã tiến về phía Nam mở mang bờ cõi lập nên một triều đình riêng từ Thuận Hóa trở vào (Đàng trong). Sự chia rẽ đó đã dẫn đến một cuộc chiến tranh kéo dài gần 50 năm, đã để lại hậu quả hết sức nặng nề đối với mọi mặt của đất nước [72].
Tuy nhiên trong bối cảnh đó kinh tế dù bị ảnh hưởng nhiều từ các cuộc chiến tranh liên miên, kéo dài vẫn có sự phát triển. Do chính sách khuyến khích khai khẩn đất hoang của nhà Nguyễn, nhiều vùng đất mới đã được khai phá, ruộng đất tư được công nhận đã tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho kinh tế Đàng trong. Ở Đàng ngoài, thương nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được hình thành và phát triển với những xưởng thủ công đúc súng ống, vũ khí, đóng thuyền, làm đồ mĩ nghệ... nghề buôn bán rất phát triển, các chợ mọc lên khắp nơi, hầu như mỗi làng đều có chợ, mỗi huyện có từ 12-14 chợ, những làng thủ công chuyên nghiệp đều có chợ riêng. Cơ cấu kinh tế không còn là nông nghiệp đơn thuần nữa mà đã có sự xuất hiện của công nghiệp và đặc biệt là thương nghiệp. Kinh tế phát triển đã giúp cho người dân có điều kiện phát tâm công đức, đóng góp mở mang, xây dựng chùa, đền miếu và các công trình công cộng của cộng đồng ngày càng nhiều [45].