Chương 5: THỜ THÁNH Ở VÙNG CHÂU THỔ BẮC BỘ: MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRUYỀN THỐNG VÀ ĐƯƠNG ĐẠI
5.4. Thị trường tôn giáo
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường và sự cởi mở của chính sách tôn giáo tín ngưỡng, tín ngưỡng thờ ba vị thánh/thiền sư còn phải đối diện với sự cạnh tranh của các hình thức tôn giáo tín ngưỡng khác nhau trong một thị trường tôn giáo đa sắc có nhiều lựa chọn.
Các nhà tư tưởng nổi tiếng trong thế kỷ XIX như Emile Durkheim, Max Weber, Karl Marx và Sigmund Freud, đều dự đoán rằng với sự ra đời của nền công nghiệp hóa và phát triển công nghệ mang lại sự hợp lý hóa trong đời sống xã hội và quản trị nhà nước, tôn giáo sẽ dần dần mất đi vai trò của nó trong xã hội. Tuy nhiên, từ thập niên 60 của thế kỷ XX, người ta đã phải nói về “thị trường tôn giáo” trong bối cảnh ở nhiều nước trên thế giới có sự phát triển mạnh mẽ của các tôn giáo chính thống cũng như những thực hành bản địa. Tâm thức tôn giáo không mất đi mà dường như ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Lý thuyết về thị trường tôn giáo phát sinh từ việc áp dụng các nguyên tắc cơ bản của kinh tế học vào việc phân tích các tổ chức tôn giáo. Giống như các nền kinh tế thương mại bao gồm một thị trường mà các công ty khác nhau cạnh tranh, thị trường tôn giáo cũng mang tính cạnh tranh; các tổ chức tôn giáo khác nhau cũng phải tìm cách thu hút và giữ khách hàng. Lý thuyết về thị trường tôn giáo đã được phát triển để giải thích tại sao và làm thế nào các tôn giáo thay đổi, mở rộng và phát triển [139]. Theo thời gian, các hình thức thành lập các nhóm tôn giáo sẽ sinh ra các nhóm nhỏ hơn và mang tính thế tục hơn cả đức tin.
Trong công trình Đạo luật về đức tin: Giải thích khía cạnh tôn giáo của con người (Acts of Faith: Explaining the Human Side of Religion), Stark và Finke định nghĩa thị trường tôn giáo như sau: Thị trường tôn giáo bao gồm tất cả các hoạt động tôn giáo ở trong bất kỳ xã hội nào: một “thị trường” của các tín đồ tiềm năng, một tập hợp của một hay nhiều tổ chức tìm cách thu hút hoặc duy trì tín đồ. Nói cách
khác, tôn giáo có thể được coi là một thị trường trong đó các nhóm tôn giáo khác nhau cung cấp các hàng hóa và dịch vụ với nghĩa là các vấn đề mang tính học thuyết và hoạt động tôn giáo, dựa vào đó các tổ chức tôn giáo thu hút hoặc duy trì tín đồ [140].
Một nền thị trường tôn giáo giúp cho các nhà cung cấp tôn giáo có thể đáp ứng nhu cầu của những người tiêu dùng tôn giáo khác nhau. Bằng cách cung cấp một loạt các dịch vụ tôn giáo và các sản phẩm tôn giáo, theo tác giả Wortham, một nền thị trường tôn giáo cạnh tranh sẽ kích thích hoạt động tôn giáo trong một môi trường thị trường [151]. Tác giả Bankston gọi các tôn giáo và các nhóm tôn giáo là
"các công ty cạnh tranh”, mà bản chất của những công ty này là tranh dành khách hàng. Sử dụng khuôn khổ kinh tế tự do để phân tích, Bankston tuyên bố rằng các tôn giáo và các nhóm tôn giáo phổ biến phụ thuộc vào quy luật cung và cầu. Là một thị trường, người tiêu dùng tôn giáo phải tuân theo những thứ như tiếp thị, tính sẵn có của sản phẩm, tài nguyên, nhận diện thương hiệu, v.v. Nhưng không giống như một số hàng hóa thực tế như máy tính, những hàng hóa này nói lên niềm tin cá nhân [122, tr.311-325]. Hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ trong thị trường cạnh tranh tôn giáo là một dạng hàng hóa có mục đích rõ ràng nhằm phục vụ cho mục đích tôn giáo.
Lý thuyết thị trường tôn giáo trở thành một tham chiếu mới trong khoa học xã hội nhân văn nghiên cứu về tôn giáo khi lý thuyết thế tục hóa được chứng minh là không hiệu quả trong việc giải thích sự phục hưng tôn giáo [139]. Khái niệm “thị trường tôn giáo” có thể giúp hình dung sự phức tạp của đời sống tôn giáo đương đại, sự hồi sinh và phát triển các dịch vụ, cũng như sự bùng phát của các thực hành tôn giáo. Theo lý thuyết về thị trường tôn giáo, ở những quốc gia hạn chế về tôn giáo, và thông qua sự độc quyền tôn giáo của nhà nước hoặc thông qua thế tục hóa do nhà nước bảo trợ là những nguyên nhân chính làm suy giảm các hình thức thực hành tôn giáo, tín ngưỡng. Ngược lại, ở các xã hội càng có nhiều tôn giáo, thì người dân càng có nhiều cơ hội theo hoặc không theo tôn giáo này, hoặc cải đạo, hoặc các cộng đồng tôn giáo kiến tạo nên những hệ thống tôn giáo của riêng mình.
Ở một phương diện nào đó, “thị trường tôn giáo” ở Việt Nam có sự tương đồng với thị trường tôn giáo ở Trung Quốc. Nghiên cứu về thị trường tôn giáo ở Trung Quốc, Dương Phượng Cương phân ra các loại thị trường sau: “Thị trường
màu đỏ” gồm các tổ chức, cá nhân hoạt động tôn giáo “hợp pháp”. Thị trường đen là những cộng đồng tôn giáo, các tổ chức hoạt động trong tư thế “hầm trú”, bí mật, bất hợp pháp. Thị trường xám là thị trường tôn giáo có tính cách “mập mờ”, nửa hợp pháp, nửa bất hợp pháp, đặc biệt là những cộng đồng tín ngưỡng dân gian và giáo phái thuộc nhiều tôn giáo lớn vốn được công nhận [42, tr.553]. Ở Việt Nam, theo tác giả Đỗ Quang Hưng, thị trường tôn giáo thể hiện khá rõ và có chiều hướng giống như ở Trung Quốc, và có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống các tôn giáo [42, tr.552]. Theo tác giả, vai trò chủ thể trong việc điều tiết, tái cấu trúc “thị trường tôn giáo” là nhà nước, nhưng ở Việt Nam “thực tế cùng lắm cũng chỉ có hai thị trường tôn giáo là thị trường đỏ và thị trường xám. Lý do, vì nhà nước Việt Nam không quá can thiệp sâu vào nội bộ các tôn giáo, không tạo ra sự đối lập của “hai giáo hội”
đối với mỗi một tôn giáo” [41, tr.556]. Với sự cởi mở của các chính sách tôn giáo cũng như sự phát triển và bùng nổ các dịch vụ, sản phẩm, cùng với sự hình thành các hội đoàn, các bản hội và sự tự do tôn giáo của từng cá nhân, đời sống tôn giáo ở Việt Nam những năm gần đây trỗi dậy, thậm chí có những hiện tượng bùng phát. Là một quy luật, giống như quy luật của thị trường kinh tế, khi người dân có quyền tự lựa chọn các hình thức tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của mình, thì thị trường tôn giáo sẽ xuất hiện, tức là theo nguyên tắc “cung” và “cầu” như trong kinh tế.
Có thể thấy ở Việt Nam cũng đã và đang manh nha một thị trường tôn giáo, nơi mà các hình thức tôn giáo tín ngưỡng như trăm hoá đua sắc, trong đó có nhiều tổ chức tôn giáo ngày càng có tổ chức và có chiến lược để thu hút tín đồ, cạnh tranh với các tôn giáo tín ngưỡng khác. Điều này thấy rõ trong cả sự trỗi dậy của nhiều hình thức tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống ở Việt Nam, cả trong các tôn giáo mới lấy gốc rễ từ các tôn giáo tín ngưỡng truyền thống hay Phật giáo như tín ngưỡng như Nhất Quán Đạo sự pha trộn giữa Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo); Long Hoa Di Lặc và Thanh Hải Vô Thượng Sư đều lấy những giáo lý cũng như hình mẫu của Phật giáo; Đạo Cô Non, Ngọc Phật Hồ Chí Minh, hay Đạo Bác Hồ có những sự vay mượn phần lớn từ tín ngưỡng thờ Mẫu và tín ngưỡng Thờ cúng tổ tiên [103], cũng như trong cả chiến lược thu hút tín đồ của các tôn giáo lớn du nhập như Công giáo, Tin Lành..vv
Trong bối cảnh đương đại với nền kinh tế thị trường có định hướng, cũng như với sự cởi mở của chính sách tôn giáo với hiệu lực của Luật tôn giáo tín ngưỡng, nhiều thực hành tôn giáo, trong đó có thờ thánh ở Việt Nam hồi sinh và phát triển theo nhiều chiều hướng mới. Trong một thị trường tự do, hoặc thị trường tôn giáo đa nguyên, nhiều tổ chức tôn giáo tồn tại và tìm cách thu hút các phân khúc nhất định của thị trường. Các tổ chức trong một thị trường tự do không thể dựa vào nhà nước pháp quyền (không can thiệp sâu vào nội bộ tôn giáo) để lấy “tài nguyên”, nên họ phải cạnh tranh để có sự tham gia của người thực hành, những người tiêu dùng tôn giáo. Cuộc thi giữa các “công ty tôn giáo” (những tổ chức, hội, đoàn, bản hội v.v..), dẫn đến việc chuyên môn hóa các sản phẩm, dịch vụ phục vụ mục đích tối thượng để người tiêu dùng quảng bá cho “công ty”, cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng và càng cao của khách hàng [133]. Nhưng điều gì khiến cho người tiêu dùng, những người thực hành đi theo các “công ty”? Một trong những đức tin có thể lôi cuốn mọi người theo tôn giáo, theo tác giả Smith, là "Sự sợ hãi của các vị thần là một động lực để thực thi luật pháp của xã hội cũng là luật của đạo đức" [137]. Mọi người được dạy rằng những người tin, có tâm (theo cách nói dân gian) sẽ được phần thánh “ban thưởng” và phù hộ độ trì và những người không có tâm thì khó tránh được những rủi ro, bất hạnh bởi các lý do chủ quan và khách quan. Như các ông đồng bà đồng vẫn tin rằng có căn có số phải ra hầu đồng, nếu không các thánh sẽ
“quở phạt”. Cũng như những đệ tử đến chùa Ba Vàng, không theo “phán của vong”
đưa tiền và làm công quả ở chùa để trả nợ „oan gia‟ thì có thể „bị chết‟. Những rủi ro, những bất trắc luôn rình dập, khiến con người lo sợ, và điều không may có thể xảy ra đối với họ, hoặc với những người thân yêu của họ.
Từ những thực hành bị „cấm đoán” (mặc dù không có văn bản chính thức) đối với những thực hành thờ thánh như lên đồng, các nghi lễ thờ cúng, đàn tràng được thực hành tại các ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh hay các điện thờ Mẫu, Đức Thánh Trần, giờ được phát sinh theo yêu cầu nội tại cũng như sự mở rộng và hồi sinh những thực hành mà trước đây ít tổ chức. Sự mở rộng và hồi sinh tôn giáo như việc thành lập ra nhiều bản hội ông đồng bà đồng, các đoàn hành hương Phật giáo, việc đi lễ chùa, nghi lễ tại các điện thờ thánh cho các gia đình và cá nhân để cầu và đáp ứng một nguyện vọng của cuộc sống (làm ăn phát đạt, yên bình, sinh con, v.v.).
Việc đáp ứng được nhu cầu cụ thể trực tiếp đã khiến đạo Tứ phủ, với vai trò của các ông bà đồng thầy, đã thu hút được khá đông tín đồ. Theo lời kể của một thầy đồng tại một điện thờ Mẫu (Hà Nội), “Những năm gần đây, các nghi lễ tăng đột biến. Từ Tết đến nay (tháng 4 năm 2018), nhà đền [thầy đồng] liên tục đi lễ cho mọi người. Vừa hôm qua, nhà đền đi lễ cho một gia đình trùng tang. Hai năm vừa rồi, đại gia đình có 7 người chết. Tuần tới, có một lễ tạ 100 ngày tại đền. Nhà chú này [tên Dũng] có mẹ liệt nằm giường đã lâu không đi lại được. Vợ thì có bầu lại bị bỏ đi mất. Công việc bán hàng không ra gì. Khi đến đây, nhà đền bảo số chú đó phải ra đền mở phủ, cầu tiên thánh phù hộ cho. Sau đó chú ra phủ và nhà đền cũng làm khóa lễ cầu an cho cả nhà.” Dũng và bà mẹ (nay đã chống gậy đi lại được) cho biết gia đình biết ơn thầy đồng giúp cho mọi việc tốt hơn cả về sức khỏe và công việc bán hàng. Dũng nói “em cũng chẳng biết Phật Thánh thế nào. Nghe thầy khuyên thì em ra phủ cho “mát mẻ” và cũng mong cho mẹ khỏe và vợ có bầu.”
Trong bối cảnh hồi sinh tôn giáo, các nhóm tôn giáo, bản hội, các đoàn hành hương dường như gắn bó với nhau không chỉ là đức tin, sinh hoạt tôn giáo, mà còn bao gộp muôn màu của đời thường như tạo thành mạng lưới xã hội, tạo thành các nhóm cùng chia sẻ đức tin, tạo thành các nhóm cùng làm ăn, dịch vụ, trao đổi hàng hóa. Điều này cũng giải thích tại sao nhiều thực hành tôn giáo ở Việt Nam như thờ Mẫu, thờ Trần Hưng Đạo, Bà Chúa Kho, sau một thời gian dài do có những hạn chế về chính sách xây dựng nền văn hóa mới đã bùng phát để đáp ứng những nhu cầu tâm linh của con người. Thị trường tôn giáo hiện nay hình thành trên nền tảng của sự hồi sinh những thực hành truyền thống có xu hướng bùng phát một số hiện tượng, mà mục đích cuối cùng hướng tới là sự “cầu tài, cầu lộc, cầu làm ăn, buôn bán” của con người.
Thị trường tôn giáo sôi động trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, đã có tác động không nhỏ tới thực hành tôn giáo. Một số tôn giáo chính thống như Phật giáo mà xưa kia thường được thực hành lặng lẽ tại ngôi chùa làng, đến lễ Phật, cầu an, đọc kinh, thì ngày nay, cũng sôi nổi đáp ứng nhu cầu của tín đồ. Nổi trội nhất vẫn là cầu an hàng năm tại các chùa với hàng ngàn người tham dự và sự phát triển của các nhóm hành hương lên đến 3-5 vạn người. Sự hồi sinh và phát triển của các hoạt động liên quan đến tâm linh, như việc xây mồ mả gia tiên, duy trì, hay khôi phục lại
các tập tục thờ cúng trong dòng họ, các nghi lễ, lễ giải hạn vào năm hạn, hay giải hạn đầu năm. Việc hồi sinh và phát triển nhiều hiện tượng tôn giáo như việc “vay” và
“trả” tại đền thờ Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), việc lấy dấu ấn nhà Trần vào đêm 14, rạng ngày 15 tháng giêng, cúng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh, việc nở rộ lên đồng trong cuộc thi, liên hoan hay trên sân khấu. Sự phát triển hàng loạt các dịch vụ tôn giáo đi kèm như bán hàng hóa phục vụ nhu cầu tâm linh, thậm chí kinh doanh tâm linh, như việc xây đền chùa lớn, tại những điểm tâm linh tuyệt vời cũng là hình thức thu hút khách, vừa vãn cảnh vừa đi lễ như chùa Bái Đính và gần đây là chùa Tam Chúc (Hà Nam).
Các thực hành thờ thánh, như thờ Mẫu với nghi lễ hầu đồng, trước đây phải tổ chức chui vào ban đêm và hầu vo, không có nhạc và hát chầu văn, hiện nay diễn ra công khai, nở rộ. Một sự kiện mà đem lại cho ông đồng bà đồng cơ hội được thể hiện mình và sự bình đẳng với những tôn giáo chính thống khác là di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO ghi danh trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016.
Với sự ghi danh này, thờ Mẫu trong đó có lên đồng đã chính thức được thế giới thừa nhận và đây là một cơ hội để cho những người con của Mẫu, những thanh đồng được thể hiện mình và được “bình đẳng” với những tôn giáo khác mà trước đây họ vẫn “lép vế” hơn khi mà họ vẫn bị coi là một thực hành tín ngưỡng có màu sắc mê tín và không được thừa nhận. Điển hình là câu chuyện giữa một nhóm các ông bà đồng mà người đứng đầu là mẹ con bà Đức ở Phủ Dầy cùng với một số thầy đồng ở Hà Nội và khắp các tỉnh thành đã đến chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh để phản đối chuyện sư trụ trì chùa đã không thừa nhận, cũng như có những lời nói ảnh hưởng đến Thánh Liễu Hạnh và những người theo Mẫu. Vụ việc đưa đến đến các cơ quan liên quan giải quyết từ cấp tỉnh đến cấp trung ương và cuối cùng là Ban Tôn giáo chính phủ đã trực tiếp đứng ra hòa giải giữa người đứng đầu chùa Ba Vàng và đại diện của nhóm thờ Mẫu [35].
Bên cạnh những ngôi đền to phủ lớn được cơ cấu tổ chức lại, thì tại các điện thờ tư gia, các hoạt động của đội ngũ các thầy cúng, giờ không chỉ vì “căn số” mà phải làm nghề, mà còn thực sự là một nghề kiếm sống. Họ cũng sẵn sàng phục vụ nhu cầu của mọi người. Thầy Thành ở một đền Mẫu ở Hà Nội, có thể tư vấn và làm lễ cho khách hàng của thầy. Có lần, NCS kể chuyện về một người quen nhờ người