CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIẢNG DẠY CỦA GIẢNG VIÊN TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC
1.2. CÁC KHÁI NIỆM CƠ BẢN CỦA ĐỀ TÀI
1.2.1. Khái niệm hoạt động giảng dạy của giảng viên trường đại học
Định nghĩa giảng viên trường Đại học được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau:
Từ góc độ pháp lý thì theo điểm 1, điều 54 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học năm 2018:
Giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học là người có nhân thân rõ ràng; có phẩm chất, đạo đức tốt; có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; có trình độ đáp ứng
quy định của Luật này, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học (tr.25).
Theo điểm 1, điều 66, chương IV Luật giáo dục sửa đổi bổ sung năm 2019:
Nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục khác, giảng dạy trình độ sơ cấp, trung cấp gọi là giáo viên; nhà giáo giảng dạy từ trình độ cao đẳng trở lên gọi là giảng viên (tr.27).
Theo thông tư về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập năm 2020:
Điểm 1, điều 5, chương II quy định nhiệm vụ của giảng viên (hạng III) là (tr.4)
a) Giảng dạy, hướng dẫn và chấm đồ án, khóa luận tốt nghiệp; tham gia giảng dạy chương trình đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ và hướng dẫn, đánh giá luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ nếu có đủ tiêu chuẩn theo quy định;
b) Tham gia xây dựng, phát triển chương trình đào tạo;
c) Chủ trì hoặc tham gia biên soạn giáo trình, sách tham khảo, sách chuyên khảo, sách hướng dẫn, biên dịch sách và giáo trình bằng tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi chung là sách phục vụ đào tạo);
d) Tổ chức, tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học; viết và tham gia báo cáo khoa học tại các hội nghị, hội thảo khoa học; tham gia đánh giá các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, các đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học: tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế và bảo đảm chất lượng giáo dục đại học;
d) Tham gia công tác chủ nhiệm lớp, cố vấn học tập; hướng dẫn thảo luận, thực hành, thí nghiệm và thực tập;
e) Học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy; tham gia hoạt động thực tiễn để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học;
g) Tham gia công tác quản lý, công tác Đảng, đoàn thể và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục đại học công lập và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điểm 1, điều 6, chương II quy định nhiệm vụ của giảng viên (hạng II) là (tr.4, tr.5)
a) Giảng dạy, hướng dẫn và chấm đồ án, khóa luận tốt nghiệp; tham gia giảng dạy chương trình đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ và hướng dẫn, đánh giá luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ nếu có đủ tiêu chuẩn theo quy định;
b) Chủ trì hoặc tham gia xây dựng, phát triển chương trình đào tạo; đề xuất chủ trương, phương hướng và biện pháp phát triển của ngành hoặc chuyên ngành được giao đảm nhiệm; chủ động đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy, phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của người học;
c) Chủ trì hoặc tham gia biên soạn sách phục vụ đào tạo; chủ trì hoặc tham gia thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ;
d) Chủ trì, tham gia đánh giá các đề án, đề tài nghiên cứu khoa học; viết và tham gia báo cáo khoa học tại các hội nghị, hội thảo khoa học; tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế và bảo đảm chất lượng giáo dục đại học;
d) Tham gia công tác chủ nhiệm lớp, cố vấn học tập; hướng dẫn thảo luận, thực hành, thí nghiệm, thực tập;
c) Tham gia bồi dưỡng giảng viên theo yêu cầu phát triển chuyên môn, nghiệp vụ của khoa hoặc chuyên ngành;
g) Học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy; tham gia hoạt động thực tiễn để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học;
h) Tham gia công tác quản lý, công tác Đảng, đoàn thể và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục đại học công lập và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điểm 1, điều 7, chương II quy định nhiệm vụ của giảng viên (hạng I) là (tr.6) a) Giảng dạy; hướng dẫn và chấm đồ án, khóa luận tốt nghiệp; hướng dẫn luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ; chủ trì hoặc tham gia các hội đồng đánh giá luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ;
b) Chủ trì xây dựng, phát triển chương trình đào tạo của chuyên ngành; đề xuất phương hướng, biện pháp phát triển của ngành hoặc chuyên ngành; chủ động cập nhật thường xuyên những thành tựu khoa học vào việc xây dựng, phát triển chương trình đào tạo; đổi mới phương pháp giảng dạy và phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của người học;
c) Chủ trì hoặc tham gia biên soạn sách phục vụ đào tạo; chủ trì hoặc tham gia thực hiện chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học; định hướng nghiên cứu khoa học cho khoa, nhóm chuyên môn;
d) Chủ trì hoặc tham gia đánh giá các đề án, đề tài nghiên cứu khoa học; tổ chức và trình bày báo cáo khoa học tại các hội nghị, hội thảo khoa học. Chủ trì hoặc tham gia nghiệm thu và công bố các báo cáo khoa học, các công trình nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm đóng góp vào sự phát triển của khoa và chuyên ngành; tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế và bảo đảm chất lượng giáo dục đại học;
đ) Tổ chức hướng dẫn người học nghiên cứu khoa học; hướng dẫn người học phương pháp học tập, nghiên cứu có hiệu quả; phát hiện năng lực sở trường của người học để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tài năng;
e) Chủ trì hoặc tham gia bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên theo yêu cầu phát triển chuyên môn, nghiệp vụ của khoa hoặc chuyên ngành;
g) Học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy; tham gia hoạt động thực tiễn để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học;
h) Tham gia công tác quản lý, công tác Đảng, đoàn thể và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục đại học công lập và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Từ một góc độ khác, Giảng viên đại học là những người đang làm công tác giảng dạy trong và ngoài nhà trường, bao gồm giảng dạy lý thuyết và thực hành, được Hiệu trưởng phê duyệt và phân công giảng dạy hoặc cán bộ khoa học kỹ thuật làm việc trong và ngoài trường tham gia giảng dạy theo chế độ kiêm nhiệm.
Nhìn từ góc độ công chức nhà nước, giảng viên là viên chức chuyên môn đảm nhiệm việc giảng dạy và đào tạo ở bậc đại học, cao đẳng thuộc một chuyên ngành đào tạo của trường đại học và cao đẳng.
Theo Nguyễn Thị Tình (2007), cho rằng: Giảng viên đại học là chủ thể của hoạt động sư phạm trong lĩnh vực giáo dục đại học, có chức năng giảng dạy, giáo dục, nghiên cứu khoa học, tổ chức các hoạt động sư phạm và tự bồi dưỡng để góp phần đào tạo ra các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Như vậy, xuất phát từ quy định của pháp luật và những quan điểm trên, khái niệm giảng viên trường đại học trong đề tài được hiểu như sau: Giảng viên tại trường đại học có thể được định nghĩa là Nhà giáo có trình độ từ thạc sĩ trở lên tham gia giảng dạy trong các cơ sở giáo dục Cao đẳng, Đại học, có kiến thức chuyên môn sâu rộng về một chuyên ngành hay lĩnh vực nào đó và là người thực hiện các chức năng giảng dạy, giáo dục, nghiên cứu khoa học, giảng viên giảng dạy mang tính chất hướng dẫn, sinh viên tự học, tự nghiên cứu là chính, để hình thành nên kiến thức, kỹ năng, thái độ của sinh viên.
1.2.1.2. Hoạt động giảng dạy Hoạt động
Tất cả hoạt động của con người đều có tính mục đích. Con người hiểu được mục đích các hoạt động của mình, từ đó mới có thể định rõ được chức năng, nhiệm vụ, động lực của hoạt động để đạt hiệu quả trong công việc. K. Marx cho rằng, hoạt động của con người là hoạt động có mục đích, có ý thức; mục đích, ý thức ấy như một quy luật, quyết định phương thức hoạt động và bắt ý chí của con người phải phụ thuộc vào nó.
Theo quan điểm lý luận về hoạt động, A.N. Leontiev cho rằng hoạt động "là tổng hợp quá trình con người tác động lên đối tượng để đạt được mục đích và thoả mãn nhu cầu nhất định, kết quả của hoạt động này là sự cụ thể hóa nhu cầu của chủ thể" (tr.80).
Như vậy, hoạt động được hiểu là cách con người tự thoả mãn nhu cầu của chính mình bằng cách tác động vào đối tượng để tạo ra sản phẩm, do đó hoạt động luôn có sự gắn kết giữa chủ thể, đối tượng và mục đích hoạt động.
Hoạt động giảng dạy
Hoạt động giảng dạy là một trong những hoạt động cơ bản của hoạt động sư phạm, có nhiều quan điểm khác nhau về hoạt động giảng dạy, sau đây, tác giả xin đưa ra một số quan điểm tiêu biểu như sau:
Thứ nhất, Từ điển Giáo dục học. Nxb Giáo dục (2001), hoạt động dạy được định nghĩa là hoạt động đặc trưng cho bất cứ loại hình nhà trường và xét theo quan điểm tổng thể, dạy học chính là con đường tiêu biểu nhất (tr.191).
Thứ hai, Lê Văn Hồng, Lê Ngọc Lan, Nguyễn Văn Thàng (1995), cho rằng:
Hoạt động dạy là hoạt động của người dạy tổ chức và điều khiển hoạt động của người học nhằm giúp cho người học lĩnh hội nền văn hóa xã hội, tạo nên sự phát triển tâm lý và hình thành nên nhân cách.
Thứ ba, theo Trần Kiểm (2004), hoạt động giảng dạy là hoạt động của người thầy với các vai trò khác nhau như tổ chức, điều khiển hoạt động học tập, đồng thời giúp cho người học lĩnh hội tri thức, rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo và những giá trị của
bản thân theo mục tiêu giáo dục đề ra.
Thứ tư, Nguyễn Thị Tình (2007), định nghĩa: Hoạt động giảng dạy là hoạt động của người giảng viên với tư cách là chủ thể của hoạt động, thực hiện các hoạt động giảng dạy như soạn bài và lên lớp, lãnh đạo, tổ chức, điều khiển và điều chỉnh hoạt động nhận thức - học tập của người học, từ đó giúp người học lĩnh hội được nền văn hóa xã hội, hình thành và phát triển nhân cách.
Từ những quan điểm khác nhau về hoạt động giảng dạy, khái niệm hoạt động giảng dạy trong đề tài được hiểu là hoạt động tổ chức, điều khiển hoạt động nhận thức của người học, giúp người học có khả năng tìm tòi khám phá tri thức qua đó thực hiện một cách có hiệu quả chức năng học và hình thành nên nhân cách của bản thân.
1.2.1.3. Hoạt động giảng dạy của giảng viên tại trường đại học
Hà Thế Ngữ và Đặng Vũ Hoạt (1998), định nghĩa hoạt động giảng dạy của giảng viên là hoạt động tổ chức điều khiển của giảng viên đối với các hoạt động nhận thức của sinh viên, hoạt động này không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn tổ chức và điều khiển nhận thức của sinh viên.
Phạm Thị Hồng (2017) cho rằng hoạt động giảng dạy của giảng viên là hoạt động trọng tâm của trường đại học, quyết định chất lượng đào tạo và ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của nhà trường.
Theo Lê Thị Vân (2016) định nghĩa, hoạt động giảng dạy của giảng viên là một quá trình tương tác giữa giảng viên và sinh viên, qua đó người dạy sẽ truyền đạt đến người học những kiến thức và nội dung môn học thông qua quá trình chuẩn bị các phương pháp và phương tiện dạy học trước đó nhằm giúp người học có thể nắm bắt được kiến thức, hình thành thái độ và kỹ năng một cách hiệu quả nhất.
Trên cơ sở kế thừa quan điểm của các nhà khoa học trên, tác giả hiểu rằng:
Hoạt động giảng dạy của giảng viên tại trường đại học là hoạt động chủ yếu của giảng viên và là hoạt động trọng tâm của nhà trường, đây là quá trình tương tác giữa
hoạt động dạy của giảng viên và hoạt động học của sinh viên nhằm hình thành nên nhận thức của người học một cách hiệu quả nhất.