Thành ngữ, nhận diện và phân loại

Một phần của tài liệu Thành ngữ tiếng anh và thành ngữ tiếng việt có yếu tố chỉ bộ phận cơ thể người dưới góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận (Trang 23 - 26)

CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ LUẬN

1.1 Thành ngữ, nhận diện và phân loại

Mặc dù thành ngữ là một khái niệm rất quen thuộc trong từ vựng học, được nghiên cứu từ nhiều góc độ và phương diện nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều vấn đề chưa thống nhất giữa các nhà nghiên cứu.

Đối với thành ngữ tiếng Việt, đã có hàng chục quan niệm của các nhà nghiên cứu được phát biểu. Nói chung, tất cả các ý kiến đó đều đề cập đến hai đặc điểm thuộc hai bình diện căn bản của thành ngữ (đồng thời lấy đó làm căn cứ để nhận diện chúng) là:

- Đặc điểm về cấu trúc hình thức - Đặc điểm về nội dung ý nghĩa

Những dị biệt nhỏ của các ý kiến chủ yếu tập trung ở các đặc điểm phụ hoặc những đặc điểm chức năng mà các tác giả muốn nhấn mạnh, ví dụ:

- Các nhà nghiên cứu như Nguyễn Văn Tu, Đái Xuân Ninh, Đỗ Việt Hùng, Lê Hữu Tỉnh có nêu đặc điểm về vai trò ngữ nghĩa của các yếu tố cấu tạo thành ngữ. Theo các nhà nghiên cứu này, các thành tố cấu tạo nên thành ngữ đã mất hẳn hoặc gần như mất hẳn tính độc lập trong khả năng tạo dựng nghĩa và giúp nhận ra nghĩa của cả tổ hợp. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu khác lại không đề cập đến đặc điểm này.

- Chức năng tương đương với từ về phương diện định danh, về sự biểu thị khái niệm của thành ngữ được đề cập trong phát biểu của các nhà nghiên cứu như Nguyễn Thiện Giáp, Nguyễn Hữu Quỳnh, Nguyễn Công Đức, Vũ Đức Nghiệu v.v...

Nếu nhìn một cách khái quát, những đặc điểm căn bản của thành ngữ được hầu hết các nhà nghiên cứu nhất trí bao gồm:

1. Thành ngữ là một cụm từ (ngữ) cố định, là đơn vị ngôn ngữ được làm sẵn và có khả năng tham gia cấu tạo câu như từ.

2. Có kết cấu hình thức vững chắc, ổn định.

3. Có chức năng định danh.

4. Có ý nghĩa hòan chỉnh, mang tính hình tượng cao.

Tuy nhiên, thực tiễn ngôn ngữ cho thấy việc nhận diện, phân biệt thành ngữ với các đơn vị lân cận như: quán ngữ, tục ngữ, những đơn vị mà trước nay vẫn được gọi là từ ghép ... không phải lúc nào cũng đạt được sự nhất trí hoặc không có những trường hợp ngoại lệ rất khó quyết đáp.

Đối với sự phân biệt thành ngữ và quán ngữ, vấn đề hình như có vẻ khá rõ ràng.

Thành ngữ có chức năng định danh, gọi tên sư vật một cách gợi cảm, bóng bẩy, có tính hình tượng; còn quán ngữ là những cụm từ cố định được dùng trong các loại văn bản để thực hiện các chức năng liên kết, tạo lập văn bản, các chức năng ngữ nghĩa, dụng học của câu (nhấn mạnh, lịch sự, phủ định, bác bỏ, nói dỗi, mỉa mai ...).

Ví dụ: chẳng có lí do gì, của đáng tội, tóm lại, thiết nghĩ, đáng chú ý là v.v...

Tuy nhiên, sự phân biệt thành ngữ với từ ghép và tục ngữ thì tình hình phức tạp hơn và hiện nay vẫn chưa hết tranh luận (Xem Nguyễn Văn Tu, 1976; Hồ Lê, 1976; Đái Xuân Ninh, 1976; Trương Đông San, 1976; Cù Đình Tú, 1982; Nguyễn Thiện Giáp, 1985; Đỗ Hữu Châu, 1986; Nguyễn Văn Mệnh, 1986; Vũ Đức Nghiệu, 1991, 2008 ...). Ví dụ, các đơn vị như: đen thui, trẻ măng, dẻo kẹo ... người thì coi là từ ghép,

người thì bảo là thành ngữ rút gọn (Trương Đông San chẳng hạn); các đơn vị như:

được đằng chân, lân đằng đầu; có chí làm quan, có gan làm giàu; cờ đến tay ai người ấy phất ... có tác giả coi là thành ngữ, có tác giả lại xác định là tục ngữ (cũng là đơn vị làm sẵn, có tính cố định nhưng thường biểu thị một phán đoán, kết luận, một kinh nghiệm sống, một triết lý nhân sinh ...).

Đối với tiếng Anh, các thành ngữ của nó cũng là đối tượng được nhiều người nghiên cứu và nghiên cứu trên khá nhiều phương diện. Cũng như trong tiếng Việt và nhiều ngôn ngữ khác, vấn đề nhận diện và phân loại thành ngữ tiếng Anh không kém phần phức tạp và rất đa dạng về các ý kiến (Langlotz 2006) [145]. Bàn về vấn đề này, nhà nghiên cứu Fellbaum (1993 dẫn theo Langlotz 2006) [145] đã phải thốt lên: “Việc phân tích thành ngữ về mặt hình vị, từ vựng hay cấu trúc đều đòi hỏi một nỗ lực cực kì lớn” (a very considerable undertaking).

Đứng trước tình hình như vừa trình bày trên đây, xuất phát từ mục tiêu và đối tượng nghiên cứu của mình, chúng tôi không chủ trương đi sâu vào xác định về mặt lý luận các tiêu chí nhận diện và phân định thành ngữ so với các đơn vị khác. Chấp nhận một quan niệm được đa số đồng thuận trong các công trình đi trước nghiên cứu và phân loại thành ngữ từ góc độ ngôn ngữ học cấu trúc và chức năng, đồng thời dựa trên các từ điển hiện biết, chúng tôi quan niệm: Thành ngữ là một loại tổ hợp từ cố định, bền vững về hình thái – cấu trúc, hoàn chỉnh, bóng bẩy về ý nghĩa, được sử dụng rộng rãi trong giao tiếp hàng ngày, đặc biệt là trong khẩu ngữ.

Trên cơ sở quan niệm như vậy, chúng tôi khảo sát những từ điển thành ngữ, tục ngữ tiếng Anh và tiếng Việt có tiếng, được nhiều người chấp nhận để rút lấy khối ngữ liệu nghiên cứu cho mình. Trong khối ngữ liệu đó có cả một số ít đơn vị có thể còn phải tranh biện thêm về tư cách thành ngữ của chúng, tùy theo quan niệm của người nghiên cứu; nhưng để đảm bảo có một nhãn quang về tư liệu rộng rãi và đầy đủ hơn, chúng tôi vẫn đưa vào khối ngữ liệu khảo sát. Nói chung là những đơn vị ứng với thuật ngữ thành ngữidiom.

Một phần của tài liệu Thành ngữ tiếng anh và thành ngữ tiếng việt có yếu tố chỉ bộ phận cơ thể người dưới góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận (Trang 23 - 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(265 trang)