Một vài giải pháp giảng dạy ngữ pháp theo hướng tri nhận

Một phần của tài liệu Thành ngữ tiếng anh và thành ngữ tiếng việt có yếu tố chỉ bộ phận cơ thể người dưới góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận (Trang 183 - 194)

CHƯƠNG 5: ỨNG DỤNG CÁC KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU THÀNH NGỮ DƯỚI GÓC ĐỘ TRI NHẬN VÀO VIỆC DẠY VÀ HỌC TIẾNG

5.4 Một vài giải pháp giảng dạy ngữ pháp theo hướng tri nhận

Trong các thập kỉ qua, đã có nhiều phương pháp dạy văn phạm được đưa ra nhằm hỗ trợ người học ngoại ngữ như phương pháp phản xạ, phương pháp dạy trực tiếp, phương pháp dịch văn phạm, phương pháp nghe-nhìn v.v.. . Tuy nhiên, quan điểm chung về bản chất và cấu trúc ngôn ngữ ở các phương pháp trên không có gì thay đổi nhiều. Khi so sánh các sách văn phạm như quyển “Ngôn ngữ học qua các nền văn hóa” của Lado từ năm 1957 đến những giáo trình dạy văn phạm mới xuất bản gần đây vốn được soạn theo quan điểm giao tiếp chúng ta thấy không có sự thay đổi đáng kể (Robinson & Ellis, 2008) [166]. Quan điểm biên soạn các sách dạy ngữ pháp vẫn xem ngôn ngữ là hệ thống tự trị tách rời với các khả năng tri nhận. Chính vì được xem là hệ thống độc lập, tách rời khỏi các quá trình tri nhận và các cấu trúc ý niệm nên ngôn ngữ được xem là hoạt động theo những nguyên tắc của riêng nó.

Theo quan điểm này thì ngôn ngữ là một tập hợp các qui tắc và các trường hợp ngoại lệ. Giáo viên có khuynh hướng xem những từ có nhiều nghĩa là trường hợp đồng âm chứ không cố gắng phát hiện mối quan hệ nguyên do (motivation relationships) giữa các nghĩa đó. Nhìn chung là quan điểm trên về ngôn ngữ khuyến khích các phương pháp buộc người học ngoại ngữ phải ghi nhớ, học thuộc lòng các dạng thức có qui tắc và cả những dạng thức ngoại lệ.

Quan điểm chính của phương pháp giảng dạy truyền thống đối với các cấu trúc văn phạm có thể tổng kết như sau:

1. Ngôn ngữ là một hệ thống độc lập bao gồm các tiểu hệ thống có ranh giới rạch ròi như ngữ âm học, hình vị học, cú pháp, từ vựng v.v... Các quan điểm

gần đây có đưa thêm cả yếu tố ngữ dụng học vào xem xét. Các cấu trúc trong hệ thống ngôn ngữ được cho là không bị ảnh hưởng bởi năng lực tri nhận cũng như kinh nghiệm có được có từ quá trình tương tác với thế giới xung quanh của con người.

2. Các nghĩa khác nhau của một cấu trúc ngữ pháp được coi là không liên hệ với nhau và phải học từng nghĩa một. Chẳng hạn như việc sử dụng giới từ

“over” trong các ví dụ sau được xem là không liên quan với nhau:

a. The picture is over the sofa.

b. The picture is over the hole.

c. The political power is handed over.

d. The game is over.

e. She said the same thing over and over.

Các nghiên cứu của Tyler và Evans (2003) [184] đã cho thấy rằng thật ra các nghĩa trên của giới từ “over” có liên quan đến nhau một cách hệ thống.

3. Ẩn dụ được xem là công cụ ngôn ngữ của thi ca chứ không phải là một thuộc tính cơ bản của tư duy con người. Chính vì thế mà theo quan điểm truyền thống, cách sử dụng giới từ “up” để diễn đạt ý niệm tăng về lượng như “The price of rice is going up” được xem là võ đoán.

Khác với quan điểm truyền thống, ngôn ngữ học tri nhận cho rằng ngôn ngữ là sự phản ánh các quá trình tri nhận chứ không phải là một hệ thống độc lập. Ngôn ngữ gắn liền với kinh nghiệm sống và quá trình nhận thức mà con người có được từ quá trình tương tác với thế giới xung quanh. Chính vì vậy mà theo quan điểm của ngôn ngữ học tri nhận, việc sử dụng giới từ “up” trong câu “The price of rice is going up”

(Giá gạo đang tăng) được xem là kết quả quá trình quan sát thế giới xung quanh của con người. Chúng ta đều biết rằng việc tăng về lượng gắn liền với xu hướng đi lên

chẳng hạn như khi ta càng rót nhiều nước vào một ly nước thì mực nước trong ly sẽ tăng dần lên. Bởi vì hai hiện tượng này có quan hệ mật thiết với nhau trong cách quan sát thế giới xung quanh nên người Anh sử dụng ngôn ngữ trong miền ý niệm

“xu hướng đi lên” để nói về việc tăng về lượng. Áp dụng quan điểm này trong việc giảng dạy ngữ pháp tiếng Anh, chúng ta thấy có nhiều vấn đề vốn được xem là mơ hồ có thể được giải quyết một cách thấu đáo.

Một trong những khó khăn mà bất cứ người mới học tiếng Anh nào cũng gặp phải là vấn đề thì trong tiếng Anh. Mặc dù các qui tắc ngữ pháp đã được giải thích khá chi tiết trong các sách ngữ pháp nhưng học viên vấn gặp khó khăn khi phải xử lí vấn đề chuyển đổi giữa thì này sang thì khác, đặc biệt là khi viết đoạn văn, chẳng hạn như trong đoạn văn sau:

In 1939, the second world war broke out. The main cause for this is the conflict between capitalist superpower. When Germany invaded Poland, England and France had no other choice but to declare war.

Năm 1939 chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Nguyên nhân chính là mâu thuẫn giữa các cường quốc tư bản. Khi Đức đánh Ba Lan, Anh và Pháp không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tuyên chiến.

Khi đọc hay viết một đoạn văn như thế này học viên sẽ cho rằng việc dùng thì hiện tại ở trong câu thứ hai là không hợp lí vì đoạn văn trên mô tả một sử kiện lịch sử xảy ra trong quá khứ. Đúng là nếu vận dụng nguyên tắc hòa hợp về thì trong tiếng Anh thì giáo viên rất khó giải thích. Thực ra, trong đoạn văn trên, người viết đã sử dụng thì tiếng Anh để ý niệm hóa thông tin mang tính phi thời gian. Trong trường hợp này chúng ta có ẩn dụ ý niệm “hiện tại thì gần gũi – quá khứ thì xa vời” (Lakoff và Johnson 1980) [134] : khoảng cách về không gian được chiếu xạ lên ngôn ngữ trong miền ý niệm thời gian. Ẩn dụ ý niệm này có thể giải thích cho việc chuyển đổi thì trong đoạn văn trên. Trong đoạn văn đó, người viết đã ý niệm hóa các ý tưởng gần bằng thì hiện tại còn ý tưởng nền bằng thì quá khứ. Nói một cách khác,

các sự kiện xảy ra trong hiện tại thường được con người chú ý nhiều hơn các sự kiện trong quá khứ.

Đặc biệt hơn, trong một số trường hợp đàm thoại, để thể hiện tính lịch sự người Anh có thể sử dụng thì quá khứ mặc dù các sự kiện hay hoạt động giao tiếp chẳng có gì liên quan đến quá khứ cả. Chẳng hạn như chúng ta có thể gặp cuộc đàm thoại như sau giữa nhân viên lãnh sự quán và người gọi:

Consulate operator: Good morning! This is the consulate general. May I help you?

Caller: Good morning! I wanted to ask you a question.

Trong tình huống trên, về mặt logic thì phải dùng thì hiện tại mới đúng nhưng người gọi điện vẫn dùng thì quá khứ. Luận giải theo ẩn dụ ý niệm “hiện tại thì gần gũi – quá khứ thì xa vời”, chúng ta biết rằng khi sử dụng thì quá khứ thì người gọi điện muốn đặt ra một khoảng cách giữa mình với nhân viên lãnh sự quán. Nói một cách khác là nhân viên lãnh sự quán không bị bắt buộc phải trả lời câu hỏi. Quyền trả lời hay từ chối nằm ở phía nhân viên lãnh sự quán. Theo nguyên tắc lịch sự trong giao tiếp mà Brown và Levinson (1987) [95] đã phân tích thì khi người ta càng ít bị áp lực phải thực hiện một yêu cầu hay đề nghị nào đó thì lời đề nghị càng lịch sự.

Trong trường hợp đối thoại trên, người gọi điện thoại sử dụng thì quá khứ trong một tình huống hoàn toàn trong hiện tại là để thể hiện sự lịch sự. Tương tự cách đối thoại ở trên, tiếng Anh có những kiểu nói lịch sự khác hay được dùng, ví dụ như:

“Hi, are you busy? I was hoping you were free for lunch.”

Rõ ràng trong tình huống này ai cũng hiểu là hành động “hi vọng” (hope) ở hiện tại hay chí ít thì cũng kéo dài đến thời điểm hiện tại chứ không thể ở trong quá khứ.

Cũng theo cách phân tích ẩn dụ ý niệm “hiện tại thì gần gũi – quá khứ thì xa vời” ở trên, chúng ta thấy rằng người nói muốn tránh gâp áp lực lên người được mời.

Tiếp tục vận dụng quan điểm trên của ngôn ngữ học tri nhận, giáo viên dạy tiếng Anh có thể giải quyết được những vấn đề về động từ tình thái (modal verbs) mà các phân tích về cấu trúc không thể giải quyết được.

Được phân công giảng dạy bộ môn văn phạm tiếng Anh cho sinh viên năm I ở khoa Anh trường Đại Học Sư Phạm TP.HCM, chúng tôi thường gặp thắc mắc của sinh viên trong cách sử dụng các cấu trúc sau để đưa ra lời đề nghị:

I wish you would stop talking.

I would rather you didn‟t smoke here.

Could you open the door for me?

Would you like to go to the cinema tonight?

(Unit 8 – Grammar Practice, Khoa Anh ĐHSP TP.HCM)

Vấn đề mà người học thắc mắc ở những cấu trúc trên là tại sao lại dùng các động từ tình thái ở dạng quá khứ trong khi các tình huống giao tiếp ở những ví dụ trên đều ở hiện tại. Một vấn đề khác mà người học cũng đặt ra là nếu dùng động từ tình thái hiện tại thì có chấp nhận được không, ví dụ như:

Can you open the door for me?

Will you like to go to the cinema tonight?

Theo cách dạy truyền thống thì những cấu trúc như “Could you ...?”, “Would you like to ...”, “I wish you would ...” được xem là những tổ hợp cố định. Giáo viên thường chỉ đưa ra những tình huống có thể sử dụng cấu trúc trên và người học phải nhớ thuộc lòng những cấu trúc đó. Tuy nhiên, nếu vận dụng ẩn dụ ý niệm “hiện tại thì gần gũi – quá khứ thì xa vời” như đã phân tích ở trên chúng ta thấy vấn đề được nêu ra ở đây có thể giải quyết một cách khá dễ dàng. Người Anh có xu hướng sử dụng các động từ tình thái ở dạng quá khứ để tăng tính lịch sự cho những yêu cầu và đề nghị của mình. Việc sử dụng các động từ tình thái hiện tại vẫn có thể chấp nhận được. Về mặt cấu trúc thì dùng động từ tình thái hiện tại như “Can you open the door for me?” là không có gì sai cả nhưng về mặt chức năng giao tiếp thì tính lịch sự của lời yêu cầu bị giảm đi.

Giới từ cũng là một trở ngại lớn đối với học viên tiếng Anh và giáo viên dạy tiếng Anh cũng gặp nhiều khó khăn khi phân biệt cách dùng giới từ cho người học. Một ví dụ điển hình là trường hợp giới từ “over” có rất nhiều nghĩa mà Lakoff (1987) đã liệt kê như sau:

The painting is over the mantel.

The plane is flying over the hill.

Sam is walking over the hill.

The wall fell over.

Sam turned the page over.

Sam turned over.

She spread the tablecloth over the table.

The guards were posted all over the hill.

The play is over.

Do it over, but don‟t overdo it.

Look over my corrections, and don‟t overlook any of them.

You made over a hundred errors.

Các nghĩa của giới từ “over” trong những ví dụ kể trên không giống nhau nhưng chúng cũng có mối liên hệ mật thiết. Việc giải thích cho người học thấy được sự khác nhau giữa hai hay ba trường hợp ví dụ trên đây thôi cũng đã không dễ dàng.

Bản thân những giáo viên dạy tiếng Anh mà chúng tôi hỏi về các trường hợp trên cũng chỉ cảm nhận một cách mơ hồ là các trường hợp trên không giống nhau nhưng phân biệt chúng như thế nào thì rất khó. Vận dụng lí thuyết về lược đồ hình ảnh (image schema) trong ngôn ngữ học tri nhận, Lakoff [135] đã đưa ra được cách giải thích khá thấu đáo trên cơ sở phân biệt nghĩa điển dạng và nghĩa ngoại vi của giới từ “over”. Lập luận quan trọng của Lakoff là những giới từ như “over” đều có gắn bó mật thiết với kinh nghiệm của con người về không gian. Như trong các ví dụ liệt kê ở trên, chúng ta có thể thấy rằng các nghĩa có liên quan đến không gian của

“over” được người Anh cho là có tính điển dạng cao hơn. Lakoff cho rằng nghĩa

điển dạng của “over” là một lược đồ tri nhận bao gồm cả hai yếu tố “above” và

“across” như thể hiện ở hình sau:

Hình 1: Lƣợc đồ tri nhận nghĩa điển dạng của “over” (The plane flew over) Lakoff [135] cho rằng sơ đồ ở hình 1 thể hiện cách dùng giới từ như trong câu:

“The plane flew over”. Các kí hiệu viết tắt TR và LM là những từ viết tắt trong lí thuyết ngữ pháp tri nhận của Langacker. TR (trajector) là vật chuyển động còn LM (landmark) là vật mốc so sánh trong chuyển động của vật thể. Trong lược đồ tri nhận trên, LM không xác định được. Hình vẽ oval thể hiện TR và mũi tên thể hiện bằng các dấu chấm liên tục là hướng chuyển động của vật thể. Theo Lakoff, lược đồ này có tính khái lược cao và còn thiếu các chi tiết về bản chất của vật mốc (mặt phẳng, mặt cong hay đường thẳng) và chúng ta cũng không xác định được liệu LM và TR có tiếp xúc với nhau hay không. Xuất phát từ lược đồ điển dạng này, Lakoff đã đề xuất những lược đồ khác có liên quan và có nhiều chi tiết cụ thể hơn. Các lược đồ này được phát triển trên cơ sở đưa thêm vào những thông tin như bản chất của vật mốc hay sự tiếp xúc giữa TR và LM. Chẳng hạn như nếu LM là một diện tích trên mặt phẳng ngang thì chúng ta có sơ đồ sau ứng với câu “The bird flew over the yard”:

Hình 2: The bird flew over the yard. (X.NC)

Trong hình 2, Lakoff thể hiện thuộc tính diện tích mở rộng trên mặt phẳng ngang bằng kí tự X (extended) và do TR với LM không có tiếp xúc với nhau nên lược đồ có thêm kí hiệu NC (no contact). Tổng kết lại, trong hình 2 chúng ta có mô hình X.NC. Chúng ta có thể diễn giải lược đồ này là vật thể chuyển động qua vật mốc là một diện tích mở rộng trên mặt phẳng và không có tiếp xúc với vật mốc. Theo Lakoff, ở ví dụ “The bird flew over the yard” giới từ “over” có một nghĩa khác với nghĩa của giới từ “over” trong hình 1 bởi vì lược đồ tri nhận trong hai trường hợp là khác nhau.

Trong trường hợp vật mốc là một mặt cong hay vật mốc có hướng thẳng đứng lên trên thì chúng ta lại có lược đồ tri nhận khác. Chẳng hạn như hai ví dụ “The plane flew over the hill” và “The bird flew over the wall” có thể lần lượt được thể hiện bằng hai lược đồ tri nhận khác nhau như sau:

Hình 3: The plane flew over the hill. (VX.NC)

Hình 4: The bird flew over the wall (V.NC)

Ở trong hình 3, vật mốc (the hill) là một mặt cong hướng lên phía trên nên được thể hiện bằng kí tự VX (vertical extended). Trong hình 4, vật mốc (the wall) không phải là một mặt phẳng mở rộng nữa mà nó chỉ là một vật thể hướng lên trên nên được thể hiện chỉ bằng kí tự V (vertical). Như vậy chúng ta lại thấy rằng chỉ cần vật mốc (LM) thay đổi tính chất là chúng ta đã có 3 lược đồ tri nhận khác nhau lần lượt thể hiện ở hình 2, 3 và 4. Khi xét thêm yếu tố tiếp xúc hay không tiếp xúc giữa LM và TR chúng ta lại có thêm 3 lược đồ tri nhận khác nữa ứng với ba ví dụ như sau:

John walked over the bridge.

John walked over the hill.

Sam climbed over the wall.

Hình 5: John walked over the bridge. (X.C)

Hình 6: John walked over the hill. (VX.C)

Hình 7: Sam climbed over the wall. (V.X)

Tóm lại, qua các lược đồ tri nhận của Lakoff (1987:422) [135] chúng ta thấy rằng chỉ với nghĩa điển dạng của giới từ “over” là “above” (TR nằm ở trên LM) chúng ta đã có sáu lược đồ tri nhận khác nhau. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta có sáu nghĩa “above” đối với giới từ “over”. Ngoài nghĩa điển dạng là “above”, giới từ

“over” còn có những nghĩa phái sinh khác có thể tóm lược như sau:

Nghĩa Giải thích Ví dụ

Cover (che phủ, đậy)

Vật thể (TR) che phủ vật mốc (LM)

The board is over the hole

Reflexive (phản thân)

Bản thân vật thể (TR) cũng chính là vật mốc (LM). Vị trí sau cùng của vật thể được hiểu trong quan hệ so sánh với vị trí ban đầu.

The fence fell over

Excess (sự quá mức)

Khi “over” được dùng là tiếp đầu ngữ, nó thể hiện sự “quá mức” của vật thể (TR) so với vật mốc (LM)

The bath overflowed

Repetition (lặp lại)

Over được sử dụng như một trạng từ thể hiện sự lặp lại của một quá trình.

After receiving a poorgrade, the student started the assignment over

(again)

Qua phần phân tích các cách sử dụng khác nhau của giới từ “over” kể trên, bằng cách sử dụng lược đồ tri nhận, chúng ta thấy rằng ngôn ngữ học tri nhận có thể cung cấp cho giáo viên giảng dạy ngoại ngữ một công cụ mô tả ngôn ngữ khá chi tiết và toàn diện. Bằng việc phân tích thông qua lược đồ tri nhận, giáo viên không những có thể giúp cho học viên phân biệt rõ ràng sự khác nhau trong các cách sử dụng giới từ mà còn cho thấy mối liên hệ giữa chúng với nhau. Việc sử dụng lược đồ tri nhận để mô tả giới từ như trên có hiệu quả rất cao đối với học viên trình độ cao, nhất là các sinh viên chuyên ngành ngoại ngữ.

Một phần của tài liệu Thành ngữ tiếng anh và thành ngữ tiếng việt có yếu tố chỉ bộ phận cơ thể người dưới góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận (Trang 183 - 194)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(265 trang)