CHƯƠNG 2: ẨN DỤ Ý NIỆM VÀ HOÁN DỤ Ý NIỆM
2.3 Ẩn dụ ý niệm và hoán dụ ý niệm: hai chiến lược tri nhận khác nhau
2.3.2 Quan hệ tương đồng và quan hệ tương cận
Hai phép lưỡng phân đối vị - kết hợp và tương đồng – tương cận có sự khác biệt khá lớn. Phép lưỡng phân đối vị - kết hợp có nguồn gốc từ các lí luận khoa học của thế kỉ hai mươi về ngôn ngữ học, nhân chủng học, dân tộc học và lịch sử khoa học (Dirven 2003:86) [102]. Phép lưỡng phân tương đồng – tương cận thì lại bắt nguồn từ các ý niệm truyền thống và cần có một định nghĩa cụ thể. Một điểm khác biệt nữa khá quan trọng giữa hai phép lưỡng phân này là quan hệ đối vị – kết hợp hoạt động ở cấp độ cú pháp hay cấu trúc còn quan hệ tương đồng – tương cận lại hoạt động ở cấp độ ngữ nghĩa hay ý niệm. Điểm thứ ba là quan hệ lưỡng phân tương đồng – tương cận không phải do Jakobson hay các nhà cấu trúc luận khác đề xướng mà nó đã có một lịch sử từ lâu bắt nguồn các nghiên cứu triết học, tu từ học và ngôn ngữ học. Ở đây chúng tôi sẽ tập trung vào những nguyên tắc này để phân tích các mức độ mờ nghĩa trong trường hợp ẩn dụ và hoán dụ ý niệm.
Theo nhận xét của René Dirven (2003) [102], vì hoán dụ có vẻ như bị lãng quên trong khi ẩn dụ lại được chú ý quá nhiều nên trong các công trình của Jakobson khái
niệm tương cận vẫn chưa được bàn bạc thấu đáo, chỉ có khái niệm tương đồng là được khảo sát cụ thể. Trong nỗ lực xác định lại mối quan hệ giữa tương đồng và tương cận, Lakoff và Johnson (1980) [134], đã đưa ra khái niệm về hai miền ý niệm nguồn và đích để xác định ẩn dụ. Với khái niệm hai miền ý niệm này, Lakoff (1987:114) [135] cho rằng trường hợp của ẩn dụ có liên quan đến hai miền ý niệm còn trường hợp của hoán dụ thì chỉ có một miền ý niệm: “Quá trình chiếu xạ ẩn dụ xảy ra giữa một miền ý niệm nguồn và một miền ý niệm đích ... Quá trình chiếu xạ này thường là chỉ chiếu xạ một phần. Nó chiếu xạ cấu trúc của miền ý niệm nguồn lên một cấu trúc tương ứng ở miền ý niệm đích”. Chiếu xạ hoán dụ xảy ra chỉ trong một miền ý niệm ý niệm duy nhất được tạo thành từ một ICM (Idealized cognitive model).
Mặc dù cách đề cập vấn đề như trên có thể áp dụng cho khá nhiều trường hợp đơn lẻ nhưng nó không phải không có vấn đề. Nếu chỉ sử dụng mỗi một thuật ngữ “miền ý niệm” thì sẽ không giải quyết trọn vẹn được các vấn đề. Bản thân thuật ngữ “miền ý niệm” này cũng cần phải giải thích cho rõ ràng. Nhờ bài báo “Vai trò của miền ý niệm trong việc tìm hiểu ẩn dụ và hoán dụ” được Croft công bố vào năm 1993 [99]
mà chúng ta có một nền tảng lí thuyết khá chắc chắn trong phương pháp tiếp cận hai miền ý niệm đối với ẩn dụ và một miền ý niệm đối với hoán dụ. Những cái được xem là một miền ý niệm hay hai miền ý niệm là kết quả quá trình giải mã ngôn ngữ dưới ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa. Trong các bài báo khoa học về sau này, Lakoff cũng không dùng từ “miền ý niệm” nữa mà sử dụng từ “tổ hợp miền ý niệm”
khi bàn về trường hợp của hoán dụ ý niệm.
Trong đa số trường hợp hoán dụ ý niệm, tổ hợp miền ý niệm được tạo thành dựa trên sự tương cận tự nhiên như ở hai ví dụ sau:
- Cho hai Coca!
- Tính tiền gà chiên ngồi bàn 2!
Mối liên hệ giữa hãng giải khát Coca-Cola và sản phẩm của họ là chai nước ngọt Coca là quan hệ giữa cái toàn thể và cái bộ phận. Tương tự như vậy chúng ta thấy mối liên hệ giữa người khách ngồi ở bàn số hai và món ăn mà anh ta gọi đều có quan hệ với nhau. Theo lí thuyết về khung ngữ nghĩa của Fillmore (1982) [110] thì thực khách, món ăn, bồi bàn, hóa đơn v.v... đều nằm trong một khung “nhà hàng”.
Sự gần gũi giữa các thành tố này cho phép chúng tổ hợp lại với nhau để tạo thành miền ý niệm tổ hợp. Ở mức độ khái quát cao hơn, Lakoff (1987) [135] đưa ra thuật ngữ mô hình tri nhận lí tưởng hóa để diễn tả các ý niệm rất phức tạp bao gồm nhiều ý niệm con có quan hệ gần gũi. Dù các thuật ngữ trên có nhiều điểm chung nhưng thuật ngữ “tổ hợp miền ý niệm” vẫn được sử dụng nhiều nhất khi bàn về hiện tượng hoán dụ ý niệm. Cho đến nay, đa số các nhà ngữ nghĩa học tri nhận đều đồng ý rằng hoán dụ ý niệm hoạt động dựa trên mối quan hệ tương cận giữa hai miền ý niệm nằm trong cùng một tổ hợp miền ý niệm. Trong đa số các trường hợp, sự tương cận khá rõ ràng, nhưng cũng có những trường hợp sự tương cận có được là do cảm nhận của con người. Chẳng hạn như ở trường hợp “tea” (bữa trà) với nghĩa là bữa ăn chính đã phân tích trong phần hoán dụ ý niệm tiếp hợp, hoạt động uống được đặt trong mối quan hệ tương cận với hoạt động ăn, trước tiên chỉ là ăn một ít bánh qui rồi dần dần ở một số vùng là ăn một bữa chính. Khả năng tổ hợp lại với nhau của hai thành tố khác nhau “uống” và “ăn” trong trường hợp này tạo thành một tổ hợp miền ý niệm. Khi ta nói “Anh ta có cái đầu nhạy lắm” thì hai miền ý niệm “hoạt động tư duy” và “cái đầu” cũng có quan hệ tương cận bởi vì hoạt động tư duy diễn ra ở trong bộ não. Như đã bàn ở các phần trên, việc tổ hợp hai hay nhiều miền ý niệm lại thành một tổ hợp miền ý niệm như vậy là kết quả cảm nhận của con người.
Không phải trong tất cả các trường hợp, tổ hợp miền ý niệm đều được tạo thành dựa trên sự tương cận tự nhiên. Đôi lúc nét tương cận ấy xuất hiện trong cảm nhận của con người. Theo quan điểm ngôn ngữ học tri nhận thì tương cận ở đây cần được hiểu là “tương cận ý niệm” và trong một số trường hợp chúng ta có được trường hợp tương cận đơn giản là vì trong tư duy của chúng ta, nó có nét tương cận. Đây
cũng chính là cơ sở để chúng tôi phân chia các ẩn dụ ý niệm và hoán dụ ý niệm ở chương ba và chương bốn.
Nếu hoán dụ ý niệm hoạt động chủ yếu dựa trên quan hệ tương cận thì ẩn dụ ý niệm hoạt động dựa trên sự tương đồng giữa hai miền ý niệm. Ở ẩn dụ ý niệm, hai miền ý niệm hoàn toàn độc lập với nhau, không thể ghép chung thành một tổ hợp miền ý niệm như trong trường hợp của hoán dụ ý niệm được. Chẳng hạn như ở ẩn dụ ý niệm “tranh luận là chiến tranh” mà chúng tôi đã trình bày trong phần cấu trúc ẩn dụ ý niệm, chúng ta có hai miền ý niệm độc lập là “tranh luận” và “chiến tranh”. Hai miền ý niệm này có những yếu tố tương đồng làm cho người ta liên hệ chúng với nhau. Cả hai miền ý niệm đều có “người tham gia”, “người thắng”, “người thua”,
“các điểm cần bảo vệ”, “các điểm dễ bị tấn công”, “chiến thuật” v.v... Nói một cách khác, ở các ví dụ đã nêu trong phần cấu trúc ẩn dụ ý niệm, miền ý niệm nguồn chỉ là giả định. Trong hoán dụ ý niệm, hai miền ý niệm con vẫn nguyên vẹn nhưng chúng được xem là nằm trong một chuỗi có tính hàm ẩn tăng dần. Trong khi đó thì ở trường hợp ẩn dụ, chỉ có một miền ý niệm, miền ý niệm đích là được giữ lại còn miền ý niệm nguồn thì biến mất. Quá trình ẩn dụ hóa ý niệm diễn theo cơ chế: qua quá trình chiếu xạ, một số thành tố của miền ý niệm nguồn được gán sang miền ý niệm đích và bản thân miền ý niệm nguồn ngưng tồn tại.
Như vậy, quan hệ tương cận và tương đồng là một tiêu chí quan trọng nữa giúp chúng ta phân biệt ẩn dụ ý niệm và hoán dụ ý niệm. Nếu ẩn dụ ý niệm hoạt động dựa trên quan hệ tương đồng giữa hai miền ý niệm thì hoán dụ ý niệm lại hoạt động dựa trên sự tương cận giữa hai miền ý niệm con trong một tổ hợp miền ý niệm. Sự tương cận trong hoán dụ ý niệm trong nhiều trường hợp là rất rõ ràng nhưng cũng có một số trường hợp là do cảm nhận của con người.
2.3.3 Hiện tƣợng chiếu xạ miền ý niệm và làm nổi miền ý niệm
Thuật ngữ “chiếu xạ miền ý niệm” và “làm nổi miền ý niệm” được Croft (1993) [99] sử dụng đầu tiên khi phân tích sự khác biệt giữa ẩn dụ ý niệm và hoán dụ ý
niệm. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu coi hiện tượng “chiếu xạ ý niệm” là yếu tố cơ bản của quá trình ẩn dụ ý niệm và hiện tượng “làm nổi miền ý niệm” là nền tảng cho hiện tượng hoán dụ ý niệm. Về cơ bản, Croft đồng tình với Lakoff và Johnson (1980) [134] rằng miền ý niệm nguồn và miền ý niệm đích là nền tảng cho nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn được thể hiện trong cấu trúc ngữ nghĩa. Chiếu xạ miền ý niệm là hiện tượng các mối quan hệ tương ứng giữa những thành tố của hai miền ý niệm nguồn và đích được xác lập. Nhờ có các mối quan hệ đó mà chúng ta có thể giải mã nghĩa hàm ẩn của ẩn dụ ý niệm. Chẳng hạn khi nói “Các luận điểm của anh ta bị đập tơi tả” chúng ta có miền ý niệm nguồn là “tranh luận” và ý niệm đích là
“chiến tranh”. Trong cuộc tranh luận chúng ta có thể “tấn công”, “bảo vệ”, “rút lui”,
“phát pháo”, “chặn lại” v.v… giống như trong trận đánh vậy. Hiện tượng chiếu xạ miền ý niệm diễn ra khi chúng ta liên hệ các đặc điểm giữa một cuộc tranh luận và một trận đánh. Từ đó, chúng ta rút ra được một ẩn dụ ý niệm: “tranh luận là chiến tranh”.
Làm nổi miền ý niệm là hiện tượng một miền ý niệm con trong tổ hợp miền ý niệm đóng vai trò nổi bật. Đối với trường hợp làm nổi miền ý niệm, các mối quan hệ có thể được thiết lập nhưng chỉ diễn ra trong nội bộ tổ hợp miền ý niệm. Ví dụ, ở một trường trung học phổ thông ta gặp câu khẩu hiệu sau: “Áo trắng quyết thắng tiên nâu”. Ở đây, áo trắng là một miền ý niệm con trong tổ hợp miền ý niệm “học sinh”.
Tổ hợp miền ý niệm “học sinh” có thể bao gồm nhiều miền ý niệm con như “học lực”, “tác phong”, “dụng cụ học tập”, “phù hiệu”, “đồng phục”, “hạnh kiểm” v.v...
Rõ ràng ta không thể tìm được miền ý niệm nào ngoài tổ hợp miền ý niệm học sinh có những quan hệ tương ứng với nhau kiểu như “tranh luận” và “chiến tranh”.
Trong câu khẩu hiệu trên, miền ý niệm con “áo trắng” từ vị trí thứ yếu trong tổ hợp miền ý niệm học sinh trở thành vị trí chủ yếu. Theo lập luận của Croft (1993) [99], hiện tượng làm nổi miền ý niệm là nền tảng chủ yếu của hoán dụ ý niệm. Nó làm cho một miền ý niệm vốn chỉ có vai trò bình thường khi xét theo nghĩa tường minh
“nổi lên” đóng vai trò chính trong nghĩa hoán dụ.
Như vậy, trong những trường hợp nào chúng ta có thể tìm thấy hiện tượng chiếu xạ miền ý niệm và làm nổi miền ý niệm. Để tìm câu trả lời, trước hết, chúng ta hãy cùng xem xét các ví dụ về ẩn dụ ý niệm mà Lakoff và Johnson (1980) [134] đã đưa ra ở chương 6 của quyển “Metaphor we live by”:
- He‟s in love. (Anh ta đang yêu)
- We‟re out of trouble now. (Chúng ta đã giải quyết được rắc rối) - He‟s coming out of the coma. (Anh ấy đã ra khỏi tình trạng hôn mê) - I‟m slowly getting into shape. (Tôi đang dần bình phục)
- He entered a state of euphoria. (Anh ấy trở nên hứng phấn cao độ) - He fell into a depression. (Anh ta rơi vào trầm cảm)
và một số hoán dụ ở chương 8 cũng của quyển sách đó:
- He likes to read the Marquis de Sade. (Anh ta thích đọc sách Marquis de Sade)
- Acrylic has taken over the art world. (Sơn Acrylic được sử dụng rộng rãi trong hội họa)
- The Times hasn‟t arrived at the press conference yet. (Tạp chí Times vẫn chưa có mặt ở hội nghị).
- Mrs. Grundy frowns on blue jeans. (Bà Grundy không thích quần jeans xanh) - New windshield wipers will satisfy him. (Cái gạt nước mới sẽ làm anh ta hài
lòng)
Trong các ví dụ kể trên thì tất cả các trường hợp ẩn dụ ý niệm đều rơi vào vị ngữ như “be in love”, “be out of trouble”, “come out of the coma”, “get into shape”,
“fall into a depression” v.v... Các ví dụ đó cũng cho thấy rằng ẩn dụ ý niệm không chỉ liên hệ với động từ mà cả giới từ và tính từ nữa. Trong khi đó thì các ví dụ hoán dụ chỉ liên hệ với danh từ làm chủ ngữ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thể kết luận rằng hiện tượng chiếu xạ ý niệm chỉ xuất hiện thông qua động từ và hiện tượng làm nổi miền ý niệm chỉ xuất hiện thông qua danh từ. Trong phần ví dụ dưới đây, Cruse (1986) [100] đã cho chúng ta thấy các ví dụ (1 - 4) có liên quan đến hiện tượng chiếu xạ miền ý niệm chủ yếu thông qua danh từ còn các ví dụ (5 - 8) có liên quan đến hiện tượng làm nổi miền ý niệm chủ yếu thông qua động từ:
(1) mouth of a person, an animal, a bottle, a cave, a river (miệng người, miệng thú, miệng chai, miệng hang, cửa sông)
(2) handle of a door, suitcase, umbrella, sword, spoon (tay nắm cửa, quai vali, chân dù, đốc kiếm, cán thìa)
(3) tree, phrase structure tree, family tree, clothes tree (cây, cây cú pháp, cây gia đình, cây treo quần áo)
(4) cup, acorn cup, resin cup, cup (for capstan), cup (golf hole), bra cup (ly, đấu của quả sồi, ly sứ to, ụ quay, lỗ gôn, áo lót)
(5) She swore foullly (Bà ta thề độc) (6) She swore loudly (Bà ta thề thật to) (7)The vase fell quickly (Cái bình rơi nhanh) (8) The vase fell far. (Cái bình rơi xa)
Trong các ví dụ (1 – 4) các từ “mouth”, “handle”, “tree” và “cup” rõ ràng là được chiếu trong các miền ý niệm khác nhau. Chúng ta cũng tìm ra được những nét tương đồng trong cách thức chiếu xạ miền ý niệm ở các trường hợp ẩn dụ này. Còn trong các ví dụ (5 - 8), động từ gắn với những miền ý niệm khác nhau do trợ động từ làm nổi. Trong ví dụ “She swore foully”, nội dung của vị ngữ được làm nổi còn trong ví