Quan điểm ngôn ngữ học tri nhận về thành ngữ

Một phần của tài liệu Thành ngữ tiếng anh và thành ngữ tiếng việt có yếu tố chỉ bộ phận cơ thể người dưới góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận (Trang 26 - 30)

CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ LUẬN

1.2 Quan điểm ngôn ngữ học tri nhận về thành ngữ

Trong khi các nhà nghiên cứu thành ngữ theo quan điểm truyền thống tập trung khảo sát các khía cạnh cấu trúc và hình thức của thành ngữ thì một số nhà ngôn ngữ học tri nhận lại có quan điểm khác hẳn. Những nhà ngôn ngữ học tri nhận nổi tiếng như George Lakoff và Mark Johnson (1999) [140], Raymond Gibbs (1997) [115] đã xem xét lại một cách hệ thống về bản chất của ngữ nghĩa trong thành ngữ và mối quan hệ giữa cấu trúc với ngữ nghĩa của thành ngữ. Họ đã đưa ra những lí thuyết quan trọng về ngữ nghĩa của từ vựng dựa trên cách chúng ta tri nhận, khái niệm hóa và phân loại thế giới xung quanh. Theo những công trình khảo sát ngôn ngữ theo hướng mới này thì thành ngữ rõ ràng là một đối tượng nghiên cứu không thể xem nhẹ. Với nguyên lí ngôn ngữ không phải là một khả năng tri nhận tự trị (autonomous), các nhà ngôn ngữ học tri nhận đã đưa ra một cách nhìn mới so với ngữ pháp tạo sinh về bản chất ngôn ngữ: “Tri thức ngôn ngữ (tức là tri thức về ý nghĩa và hình thức) về cơ bản là cấu trúc ý niệm và biểu hiện ngữ nghĩa về cơ bản là biểu hiện ý niệm... các biểu hiện về cú pháp, từ pháp và âm vị học về cơ bản cũng mang tính ý niệm; bởi vì các âm thanh và các phát ngôn phải được tạo sinh ở đầu ra và nhận hiểu ở đầu vào của các quá trình tri nhận chi phối sự nói viết và sự nghe đọc - vốn là hai quá trình đều liên quan đến trí não” (Lý Toàn Thắng, 2005) [70].

Chính từ quan điểm cơ bản này, những người theo trường phái ngôn ngữ học tri nhận cho rằng hầu hết thành ngữ là sản phẩm của quá trình ý niệm hóa và nó không chỉ thuần túy là vấn đề ngôn ngữ. Gibbs (1997) [115] khẳng định “thành ngữ không tồn tại với tư cách là những đơn vị nghĩa độc lập trong hệ thống từ vựng mà về bản chất chúng là những bộ phận của hệ thống các khái niệm đã được ẩn dụ hóa”. Giải thích cho điều này, Gibbs cho rằng nghĩa ẩn dụ của các thành ngữ và nghĩa hiển ngôn liên hệ với nhau qua những cơ chế tri nhận như ẩn dụ, hoán dụ và tri thức nền.

Chính vì vậy, thành ngữ hình thành cùng với quá trình hình thành các khái niệm trong tư duy của con người.

Một tiền đề quan trọng của ngôn ngữ học tri nhận là “khi tham gia vào bất kì hoạt động ngôn ngữ nào, chúng ta cũng đều huy động một cách vô thức rất nhiều khả

năng tri nhận và tri thức văn hóa, thiết lập những mối liên hệ chằng chịt, xử lí những lượng thông tin rất lớn” (Fauconnier, 2004) [107]. Bản thân ngôn ngữ không thể hiện nghĩa mà nó chỉ kích hoạt quá trình tạo lập nghĩa trong những văn cảnh nhất định với sự hỗ trợ của các khả năng tri nhận và mô hình văn hóa nhất định.

Quan niệm trên đã đặt ra một số câu hỏi quan trọng cho việc đi sâu nghiên cứu bản chất của thành ngữ. Nếu cho rằng thành ngữ chính là khái niệm đã được ẩn dụ hóa thì nghĩa ẩn dụ của nhiều thành ngữ có thể suy ra được bằng cách lập lược đồ tri nhận về mối liên hệ giữa ý niệm nguồn và ý niệm đích. Khi làm được điều này thì ta có thể miêu tả chi tiết và rõ ràng hơn nghĩa ẩn dụ của nhiều thành ngữ trong gần như tất cả các ngôn ngữ. Điều này sẽ rất có ích cho quá trình học ngoại ngữ bởi vì thành ngữ luôn là những đơn vị ngôn ngữ gây khó khăn nhiều nhất cho người học.

Một khi lập được bản đồ tri nhận về mối liên hệ giữa ý niệm nguồn và ý niệm đích thì chúng ta lại có thể nghĩ đến việc tìm những nét tương đồng giữa các dân tộc trong việc thiết lập mối liên hệ giữa ý niệm nguồn và ý niệm đích. Nói cách khác là nếu khảo sát thành ngữ theo hướng mới này chúng ta có thể dựa trên những nét tương đồng trong cách tri nhận thế giới của các dân tộc để đoán được nghĩa ẩn dụ trong ngôn ngữ của các dân tộc khác nhau.

Cùng có quan điểm trên, Steen (1997) [176] cho rằng trong bộ nhớ của mỗi người đều tồn tại một tập hợp rất lớn các hình ảnh về thế giới xung quanh. Tập hợp hình ảnh này sẽ có những điểm khác nhau tuỳ theo từng môi trường cụ thể mà người đó sống. Ví dụ như đối với người Việt Nam thông thường những hình ảnh như ông Bụt, chùa bà Đanh, vua Hùng, cây tre, rau muống, áo dài là khá quen thuộc trong khi người Anh thì lại rất khó hình dung cũng những sự vật cụ thể nêu trên. Những hình ảnh như vậy được hình thành từ quá trình tri nhận thế giới và tạo thành cái mà Lakoff (1987) [135] gọi là “image schema” (lược đồ hình ảnh). Cũng theo Steen, những lược đồ hình ảnh tri nhận này không bị chi phối bởi ngữ cảnh mà nằm trong tiềm thức của mỗi người. Ví dụ như chúng ta rất ít sử dụng hình ảnh ông Bụt trong bộ nhớ của mình nhưng hình ảnh này vẫn tồn tại rất lâu trong trí nhớ của chúng ta và khi cần là nó sẽ tự hiện lên.

Hình ảnh tri nhận chính là cơ sở hình thành các thành ngữ mới và giúp cho chúng ta suy được nghĩa của các thành ngữ cũ. Lakoff (1987) [135] gọi những thành ngữ này là thành ngữ có mang hình ảnh (imageable idioms) và cho rằng trong rất nhiều trường hợp, nghĩa của thành ngữ không khó suy đoán. Quan điểm này có điểm khác với quan điểm truyền thống vốn coi thành ngữ là là những tổ hợp bền vững mà giữa những đơn vị cấu thành và ý nghĩa thực tế dường như không có bất kì mối liên hệ nào cả. Nói một cách khác là chúng ta không thể suy đoán nghĩa của thành ngữ vì nghĩa của thành ngữ là hoàn toàn võ đoán. Cũng cần nói thêm rằng Lakoff không có ý khẳng định là nghĩa của tất cả các thành ngữ có thể suy ra được từ nghĩa của những đơn vị từ cấu tạo nên chúng. Tuy nhiên trong những trường hợp hình ảnh tri nhận về cùng một sự vật hay hiện tượng ở các dân tộc khác nhau trùng khớp với nhau thì khả năng suy được nghĩa của thành ngữ là khá cao.

Một ví dụ là cách chúng ta tìm hiểu nghĩa của câu thành ngữ tiếng Anh “to do something with one‟s eyes shut”. Để giải nghĩa câu thành ngữ này, việc trước tiên chúng ta cần làm là tìm từ khoá quan trọng trong thành ngữ, nói cách khác là từ có mang hình ảnh tri nhận. Trong trường hợp này, từ có mang hình ảnh tri nhận chính là từ “eye”. Chính kiến thức nền và vốn kinh nghiệm cho chúng ta biết rằng khi làm điều gì đó mà nhắm cả hai mắt lại có nghĩa là làm việc không cần chú ý cẩn thận, không cần quan sát. Kết quả của tâm lý học thực nghiệm và sinh lý học thần kinh cao cấp cho biết rằng 90% thông tin con người thu nhận được trong điều kiện bình thường là qua con đường thị giác. Từ đó ta có thể suy ra nghĩa của câu thành ngữ trên là làm một việc gì đó rất dễ dàng không tốn nhiều công sức. Thế nhưng tại sao trong câu thành ngữ trên từ “eye” lại được sử dụng chứ không phải một từ nào khác như “mouth” chẳng hạn. Có phải chăng là vì trong tư duy của chúng ta, hình ảnh mắt được khái niệm hoá, biểu trưng cho sự quan sát, sự chú ý và cẩn thận. Nếu ta nhắm mắt lại có nghĩa là chúng ta không cần quan sát gì cả. Như vậy chính việc tri nhận mắt biểu trưng cho sự quan sát, sự chú ý và cẩn thận giúp chúng ta giải mã được nghĩa của câu thành ngữ trên.

Cũng giống như các đơn vị từ vựng khác trong ngôn ngữ, thành ngữ được tạo lập từ những hình ảnh ngôn ngữ qui ước. Lakoff (1987) [135] đã đưa ra cách giải thích về quá trình tạo lập thành ngữ như sau: “Mối quan hệ giữa A và B chỉ có thể thiết lập trong trường hợp có một mối liên hệ độc lập L để từ đó bộ A - L - B gắn kết với nhau. L giúp chúng ta hiểu được mối quan hệ giữa A và B.”

Để minh họa cho định nghĩa này, Lakoff lấy câu thành ngữ “to keep someone at arm‟s length” làm ví dụ. Ông giải thích rằng nghĩa của thành ngữ này được tạo lập nhờ một hình ảnh qui ước và hai ý nghĩa ẩn dụ tồn tại độc lập trong hệ thống tư duy của chúng ta. Hai ẩn dụ ý niệm “gần nhau có nghĩa là thân nhau” và “mối đe dọa về thể chất cũng là mối đe dọa về tinh thần” gắn nghĩa đen (A): đứng cách xa ai đó một cánh tay để bảo vệ chính bản thân mình không bị xâm phạm với nghĩa ẩn dụ (B):

tránh quá thân mật với ai đó để không bị người đó làm hại”. Một lần nữa ví dụ này cho thấy là ở nhiều thành ngữ, nghĩa trừu tượng và nghĩa cụ thể được gắn kết với nhau bởi các ý niệm ẩn dụ và hoán dụ. Chính điều này giúp cho chúng ta hiểu được nghĩa ẩn dụ của thành ngữ.

Trong một số thử nghiệm của mình nêu trong bài báo “Thành ngữ và hình ảnh tâm lí: Cơ sở ẩn dụ cho nghĩa của thành ngữ” đăng trên tạp chí Cognition, Gibbs (1997) [115] đã chứng minh rằng trong một tổ hợp thành ngữ, các đơn vị từ cấu tạo có tham gia đóng góp một cách hệ thống về mặt nghĩa đối với nghĩa ẩn dụ của toàn bộ khối thành ngữ. Để chứng minh quan điểm của mình, hai tác giả đưa ra ví dụ trong tiếng Anh là thành ngữ “to spill the beans”. Theo hai tác giả, nghĩa ẩn dụ của thành ngữ này có thể suy ra được bởi vì từ “beans” mang ý nghĩa là những điều bí mật và hành động “spill” (làm chảy) mang ý nghĩa là làm lộ một bí mật.

Tương tự như thế trong tiếng Việt, chúng ta có thể suy được nghĩa ẩn dụ của nhiều thành ngữ kiểu như “giết gà dùng dao mổ trâu” bằng việc phân tích nghĩa của các đơn vị cấu thành. Chúng ta đều biết rằng “dao mổ trâu” là loại dao lớn chuyên dùng để giết thịt các loại gia súc lớn trong khi đó “gà” lại là loại gia cầm rất nhỏ. Việc dùng “dao mổ trâu” để giết “gà” là một việc làm mâu thuẫn với logic thông thường:

Tốn quá nhiều công, của để giải quyết một việc nhỏ, không xứng tầm. Như vậy ta có thể thấy quan niệm truyền thống cho rằng nghĩa của thành ngữ toát ra từ toàn khối và khó có thể suy ra từ các đơn vị cấu thành là cần phải xem xét lại. Gibbs (1997) [115] cũng cho rằng chúng ta có sẵn những tri thức tiềm ẩn để giải mã các cơ chế ẩn dụ. Vì thế các thành ngữ sử dụng cùng một cơ chế ẩn dụ cho dù về hình thức có khác nhau thì nghĩa của hình ảnh ẩn dụ vẫn được người nói tri nhận giống nhau. Chẳng hạn người Anh tri nhận nghĩa ẩn dụ của hai câu thành ngữ “to spill the beans” và “to let the cat out of the bag” đều là tiết lộ bí mật mặc dù nghĩa ẩn dụ được xây dựng từ hai hình ảnh rất khác nhau. Hai nhà ngôn ngữ học người Bungari, Janyan và Andonova (2000) [121], cũng đã tiến hành thí nghiệm khả năng nhận biết nghĩa của các thành ngữ lạ ở sinh viên Bungari và cũng rút ra kết luận tương tự:

giữa nghĩa ẩn dụ của thành ngữ chưa biết và hình ảnh tâm lí mà nó gợi lên có mối liên hệ rất chặt chẽ. Việc tạo được hình ảnh tâm lí sẽ giúp rất nhiều cho quá trình giải mã nghĩa ẩn dụ.

Tóm lại, theo quan điểm của ngôn ngữ học tri nhận, thành ngữ là sản phẩm có từ quá trình ý niệm hóa thế giới của con người. Do các đơn vị cấu thành của thành ngữ có mối liên hệ với hoạt động tư duy nên nghĩa của thành ngữ có thể được tạo ra từ nghĩa của các đơn vị cấu thành thông qua các cơ chế tri nhận chi phối hoạt động ý niệm hóa.

Một phần của tài liệu Thành ngữ tiếng anh và thành ngữ tiếng việt có yếu tố chỉ bộ phận cơ thể người dưới góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận (Trang 26 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(265 trang)