CHƯƠNG 2: ẨN DỤ Ý NIỆM VÀ HOÁN DỤ Ý NIỆM
2.2 Cấu trúc hoán dụ ý niệm
2.2.2 Hoán dụ ý niệm tiếp hợp
Nếu ở “hoán dụ ý niệm tuyến tính”, hiện tượng chuyển nghĩa không xảy ra thì ở loại hoán dụ ý niệm tiếp hợp, nghĩa gốc của biểu thức được giữ nguyên nhưng nó lại dẫn đến hiện tượng mở rộng ngữ nghĩa của biểu thức ban đầu. Để hiểu rõ hơn về hoán
dụ loại này, chúng ta hãy cùng khảo sát trường hợp của từ “tea” mà Dirven (2003) [102] nêu ra trong ví dụ sau đây:
(2) Tea was a large meal for the Wicksteeds. (Bữa trà là bữa ăn chính của cư dân vùng Wicksteeds)
Hiện tượng chuyển nghĩa của từ “tea” từ một loại nước uống sang một bữa ăn thậm chí được ghi nhận cả trong từ điển. Trong từ điển Collins Cobuild (1995) [174], chúng ta có thể tìm thấy sáu nghĩa khác nhau của từ “tea” như sau:
i. một loại cây thân bụi lá xanh quanh năm
ii. lá trà được cắt nhỏ, sao khô dùng làm đồ uống bằng cách ngâm trong nước sôi; loại nước uống như trên dùng nóng hoặc dùng với đá.
iii. các loại cây tương tự như cây trà hoặc được chế biến thành loại thức uống giống như trà; loại nước uống được pha chế từ các loại cây trên.
iv. (còn được gọi là afternoon tea, chủ yếu ở Vương quốc Anh): một loại bữa ăn nhẹ vào buổi chiều, thường có trà, bánh qui và sandwich.
v. còn được gọi là high tea (chủ yếu ở Anh và Úc): bữa ăn chính vào buổi tối.
vi. (chủ yếu ở Mỹ) tiếng lóng thay cho từ cần sa.
Ở đây chúng ta thấy rằng các hoán dụ như “tea” đã dần dần mở rộng phạm vi sử dụng từ chỗ chỉ một loại cây (i) sang chỉ sản phẩm là lá trà (ii, iii), từ lá trà chuyển sang cách dùng để gọi tên nước uống và sau đó nó chuyển sang được sử dụng để gọi khoảng thời gian trong ngày mà loại nước uống này được sử dụng (iv). Cuối cùng hiện tượng mở rộng nghĩa còn đi xa hơn nữa, “tea” được dùng để chỉ cả một bữa ăn thịnh soạn và trong bữa ăn ấy “tea” cũng là một món đồ uống. Trong những trường hợp như từ “tea”, chúng ta cần có một cách hiểu rộng hơn về tính kết đoạn. Tính kết đoạn ở đây không thể chỉ giới hạn ở việc liên kết các thành tố theo trật tự tuyến tính
mà phải hiểu là sự kết hợp các yếu tố hay các sở chỉ khác nhau thành một tập hợp có thứ tự. Trong trường hợp của từ “tea” thì tập hợp có thứ tự ấy chính là việc trồng cây trà, hái lá trà, sử dụng lá trà sao khô và xắt nhỏ để pha chế nước uống, tạo thói quen uống nước trà vào một thời gian nào đó trong ngày, rồi dần chuyển sang uống nước trà vào bữa ăn chính. Ở đây chúng ta thấy rằng một kết đoạn ngôn ngữ xã hội được phản ánh qua quá trình mở rộng nghĩa của từ “tea”. Tất cả các thành tố này được kết nối lại với nhau và tạo thành cái gọi là kết đoạn tiếp hợp. Cũng từ khái niệm kết đoạn tiếp hợp này mà Roland Barthes (1974:47, dẫn theo Dirven 2003) [102] sử dụng thuật ngữ kết đoạn để chỉ các hệ thống phi ngôn từ chẳng hạn như hệ thống hàng may mặc bao gồm váy, áo choàng, áo khoác; hệ thống thực phẩm bao gồm các món ăn khác nhau trong bữa ăn; hệ thống đồ gỗ trong phòng ngủ bao gồm giường, tủ, bàn; hệ thống kiến trúc bao gồm nhiều căn phòng khác nhau trong một tòa nhà v.v...
Chúng ta cần lưu ý rằng các loại kết đoạn tiếp hợp nói trên và cả trường hợp ví dụ 2 đều không mang nghĩa ẩn dụ. Điều này có nghĩa là ngay cả khi kết đoạn tiếp hợp có tạo ra một sự thay đổi ở cấp độ ngôn ngữ thì nó vẫn không được xem là trường hợp ẩn dụ. Do đó, chúng ta có thể kết luận rằng do bản chất kết đoạn nên hoán dụ có thể liên kết tất cả các yếu tố có mối quan hệ tự nhiên với nhau mà không có một quá trình tạo nghĩa hàm ẩn nào xảy ra. Trái lại, trong trường hợp của ẩn dụ, chúng ta thường thấy có hiện tượng chuyển từ nghĩa tường minh sang nghĩa hàm ẩn. Do đó, từ “tea” trong tiếng lóng của Mỹ với nghĩa cần sa (vi) không còn có liên quan gì đến cây trà hay lá trà nữa mà nó chỉ một loại cây hoàn toàn khác, lá hoàn toàn khác và có tính năng cũng hoàn toàn khác. Chỉ có mối tương đồng trong hình thức sử dụng (sấy khô lá và hoa để sử dụng) và cách thức sử dụng (một nhóm người tụ tập lại với nhau để thưởng thức) là mối liên hệ giữa hai loại cây này. Trong trường hợp sử dụng nghĩa hàm ẩn như từ “tea”, chúng ta luôn có một số khả năng thay thế về nghĩa. Chẳng hạn từ “marijuana” được dùng để chỉ phần hoa và lá của cây cần sa.
Từ “cannabis” được dùng để chỉ phần chóp của hoa cần sa. Từ “tea” được dùng để chỉ cả hai phần trên. Tức là nó có thể thay thế cả hai từ trên trong cách sử dụng.
Trong trường hợp nghĩa hoán dụ của từ “tea”, chúng ta vẫn ở trong một nhóm miền ý niệm kế cận nên không thể có trường hợp nghĩa ẩn dụ được.