CHƯƠNG 3: ẨN DỤ Ý NIỆM TRONG THÀNH NGỮ TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT CÓ YẾU TỐ CHỈ BỘ PHẬN CƠ THỂ NGƯỜI
3.3 Bộ phận cơ thể người và tính cách con người
3.3.2 Tính cách là chất liệu
Trong thành ngữ tiếng Anh cũng như thành ngữ tiếng Việt, chúng ta có thể tìm thấy một số thành ngữ miêu tả tính cách con người thông qua chất liệu cấu tạo bộ phận cơ thể. Chẳng hạn như để miêu tả một người nào đó có bản chất tốt, luôn quan tâm chia sẻ và giúp đỡ người khác, người ta có thể dùng thành ngữ “to have heart of gold” (có trái tim vàng) như trong ví dụ: “She'll do anything for anyone - she's got a heart of gold” (Cô ấy sẵn sàng giúp đỡ bất kì ai – quả là người có trái tim vàng).
Vàng từ xưa đến nay đều được coi là kim loại quí hiếm có nhiều công dụng và luôn được mọi người ngưỡng mộ. Trong trường hợp này chúng ta thấy vàng được sử dụng để mô tả những phẩm chất đáng quí ở con người thông qua hình tượng trái tim vàng. Như vậy là miền ý niệm nhân cách con người đã được ý niệm hóa theo miền ý niệm chất liệu. Cũng với ẩn dụ “tính cách là chất liệu”, trong tiếng Anh còn có các thành ngữ sau:
He wouldn't help his own mother if she needed it - he's got a heart of stone [trái tim bằng đá]. (Nó không chịu giúp mẹ của mình khi bà ta cần- tim nó đúng là bằng đá)
She has a heart of glass [trái tim bằng thủy tinh] and is emotionally weak.
(Cô ấy có quả tim bằng thủy tinh và dễ bị tổn thương)
She is of pure heart [trái tim tinh khiết]. (Cô ấy là người trong trắng)
Trường hợp “heart of stone” dùng để chỉ những người quá cứng rắn, không có cảm xúc, không rung động trước những khó khăn của người khác. Việc dùng hình tượng đá để miêu tả tính cách con người như vậy rõ ràng là có nguyên do chứ không mang tính võ đoán. Tương tự như thế, chúng ta đều biết rằng các đồ vật làm bằng thủy tinh đều rất dễ vỡ. Từ đây, ta có thể suy ra được là người có trái tim bằng thủy tinh là người yếu đuối, dễ bị sốc về mặt tình cảm và cần được người khác che chở, bảo vệ. Thành ngữ “of pure heart” mang nghĩa gốc là sự tinh khiết, không pha tạp của vật liệu, được dùng để nói về những người có phẩm chất tốt đẹp, gần như không có tính xấu. Đối với các thành ngữ này, chúng ta thấy rằng nghĩa hàm ẩn của chúng có quan hệ rất gần gũi với nghĩa tường minh và chúng ta có thể hiểu được nghĩa hàm ẩn không mấy khó khăn thông qua ẩn dụ ý niệm “tính cách là chất liệu”.
Trong thành ngữ tiếng Việt có chứa yếu tố chỉ bộ phận cơ thể người, ẩn dụ ý niệm
“tính cách là chất liệu” cũng được sử dụng khá phổ biến. Tuy nhiên, nếu người Anh tri nhận trái tim là nơi chứa đựng tình cảm và tính cách của con người thì văn Việt coi “bụng”, “dạ” là nơi chứa đựng suy nghĩ và tình cảm. Chính vì vậy, ẩn dụ “tính cách là chất liệu” xuất hiện chủ yếu trong các thành ngữ có yếu tố liên quan đến bụng như “gan” hay “lòng”:
gan vàng dạ sắt gan chai phổi đá gan sành dạ sỏi lòng lim dạ sắt lòng son dạ sắt mặt sắt đen sì mặt sứa gan lim
mặt chai mày đá
Với tri thức qui ước về tính chất bền lâu của vật liệu, “gan vàng, dạ sắt” được dùng để nói đến tấm lòng chung thủy của người tình, nguyện mãi chờ nhau dù thời gian có xa cách đến đâu.
Trong thành ngữ “gan chai phổi đá” thì chai chính là trở nên rất cứng. Gan mà cứng chai lại còn phổi mà cứng như đá thì chứng tỏ đây là những người rất dũng cảm, can trường, gần như không hề biết sợ hãi trước bất cứ điều gì. Thành ngữ “gan sành dạ sỏi” cũng có ý nghĩa tương tự như vậy.
Thành ngữ “lòng lim dạ sắt” hay “mặt sứa gan lim” cũng có cách ý niệm hóa tương tự. Lim vốn là loại gỗ quí rất cứng; sắt cũng là thứ kim loại khó bị bào mòn. Vì vậy, người có lòng dạ cứng cỏi như lim, như sắt là người có ý chí vững vàng, hễ nói ra điều gì là không bao giờ nuốt lời, khi đã quyết điều gì thì không ai lay chuyển được.
Sứa là loài nhuyễn thể, có hình dạng như chiếc dù sống trôi nổi trên mặt biển bất kể ngày đêm cho nên người “mặt sứa gan lim” là người trông vẻ bề ngoài có vẻ yếu ớt, nhát gan nhưng khi gặp chuyện thì lại gan lì, cứng cỏi, dám chịu đựng mọi sự thử thách hơn tất cả những kẻ sừng sỏ khác.
Riêng hai thành ngữ “mặt chai mày đá” và “mặt sắt đen sì” thường hai được dùng để chê bai và có ý nghĩa tiêu cực. Câu “mặt chai mày đá” ám chỉ hạng người không còn biết xấu hổ là gì. Mọi sự phê bình đều bất lực, không thể thâm nhập hoặc “ăn mòn” cái mặt “bất khả” của chủ nhân của nó. Ai chửi mắng, nói xỏ nói xiên điều gì cũng mặc kệ, dửng dưng như không. Mặt sắt là khuôn mặt đen đúa, lại nguội lạnh tình cảm trông vô hồn như cục sắt nên nghĩa ẩn dụ của thành ngữ này là để nói người có quyền thế và lực nhưng vô cảm. Qua các ví dụ trên, chúng ta thấy rằng ẩn dụ ý niệm “tính cách là chất liệu” xuất hiện khá phong phú trong thành ngữ chứa yếu tố chỉ bộ phận cơ thể người của tiếng Việt.