Vai trò của hoán dụ ý niệm

Một phần của tài liệu Thành ngữ tiếng anh và thành ngữ tiếng việt có yếu tố chỉ bộ phận cơ thể người dưới góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận (Trang 87 - 90)

CHƯƠNG 2: ẨN DỤ Ý NIỆM VÀ HOÁN DỤ Ý NIỆM

2.4 Thành ngữ chứa yếu tố chỉ bộ phận cơ thể người từ góc nhìn ẩn dụ ý niệm và hoán dụ ý niệm

2.4.3 Vai trò của hoán dụ ý niệm

Trong ngôn ngữ học tri nhận, hoán dụ ý niệm được hiểu là việc sử dụng một đặc điểm riêng để nhận dạng một thực thể phức tạp hơn. Đây chính là một trong những đặc điểm cơ bản của khả năng tri nhận. Theo Lakoff (1987) [135] chúng ta rất thường xuyên sử dụng những khía cạnh hay đặc điểm dễ nhận biết, dễ cảm nhận của

một thực thể nào đó để biểu trưng cho toàn bộ hay một số mặt, một số phần của thực thể ấy.

Theo như Kovecses (2002: 208 – 209) [127], hoán dụ ý niệm "the hand stands for the activity" (bàn tay biểu trưng cho hành động) được sử dụng trong khá nhiều biểu thức ngôn ngữ có tính thành ngữ như "hold one's hand" (nắm tay ai), "put one's hands in one's pockets" (cho tay vào túi), "turn one's hand to something" (với tay lấy vật gì), "join hands with somebody" (bắt tay với ai). Cơ sở cho điều này là con người thường sử dụng tay của mình để thực hiện các hoạt động. Khi xem xét thành ngữ "join hands with somebody" từ góc nhìn hoán dụ ý niệm chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng bàn tay trong thành ngữ này biểu trưng cho hành động. Ngoài ra chính tri thức qui ước đóng vai trò nối các từ "join", "hands", "with" và "somebody"

lại với nhau vì trong thực tế tay là chỗ để chúng ta nắm lấy hay liên kết với người khác. Như vậy là kết hợp tri thức nền và hiểu biết về hoán dụ ý niệm chúng ta có thể giải mã thành ngữ này thành "liên kết hoạt động với người khác". Quá trình xử lý tri nhận này giúp tạo ra nghĩa của thành ngữ này là "hợp tác với ai đó". Ở đây tri thức nền và hoán dụ ý niệm có một vai trò quan trọng.

Ngoài ra hoán dụ ý niệm "the hand stands for the person" (bàn tay biểu trưng cho con người) cũng tạo ra nhiều cách biểu đạt thành ngữ khác nhau: "need more hands"

(cần thêm vài tay), "have a hand in something" (nhúng tay vào việc gì), "transmit something from hand to hand" (chuyển việc gì đó từ tay này sang tay khác). Thường thường chúng ta sử dụng bàn tay để thực hiện các động tác và có thể kiểm soát gần như tuyệt đối hoạt động đôi tay của mình. Do đó ngoài ẩn dụ ý niệm "bàn tay biểu trưng cho con người" chúng ta còn có ẩn dụ ý niệm "bàn tay biểu trưng cho khả năng kiểm soát". Điều này làm nảy sinh ra thêm nhiều thành ngữ nữa như "gain the upper hand" (chiếm ưu thế), "rule somebody with an iron hand" (cai trị bằng bàn tay sắt), "keep a strict hand on somebody" (cai quản ai đó chặt chẽ), "fall into the hands of somebody" (rơi vào tay một người nào đó). Như vậy chúng ta có thể thấy là hoán dụ ý niệm cũng như ẩn dụ ý niệm đóng một vai trò quan trọng trong quá

trình tạo lập thành ngữ. Thông qua sự tương cận về ý niệm, hoán dụ ý niệm làm chúng ta liên tưởng nghĩa tường minh với nghĩa hàm ẩn. Sự tương cận về ý niệm trong hoán dụ có khi rõ ràng và hiển nhiên nhưng cũng có khi là do cảm nhận của con người.

Tóm lại, ở chương 2 chúng tôi tập trung trình bày cấu trúc ẩn dụ ý niệm và hoán dụ ý niệm. Ẩn dụ ý niệm được chia thành ẩn dụ ý niệm cấu trúc, ẩn dụ ý niệm định hướng và ẩn dụ ý niệm bản thể. Hoán dụ ý niệm cũng có ba dạng là hoán dụ ý niệm tuyến tính, hoán dụ ý niệm tiếp hợp và hoán dụ ý niệm bao gộp. Ẩn dụ ý niệm và hoán dụ ý niệm có thể phân biệt với nhau thông qua mối quan hệ trên hai trục ngôn ngữ; quan hệ tương đồng và tương cận; hiện tượng chiếu xạ miền ý niệm và làm nổi miền ý niệm. Ẩn dụ ý niệm và hoán dụ ý niệm đóng vai trò đáng kể trong việc tạo nghĩa cho thành ngữ. Trong chương 3 và chương 4 của luận án, chúng tôi sẽ phân tích chi tiết các loại ẩn dụ ý niệm và hoán dụ ý niệm trong thành ngữ chứa yếu tố chỉ bộ phận cơ thể người để làm rõ thêm vai trò của chúng trong việc tạo nghĩa cho thành ngữ.

Một phần của tài liệu Thành ngữ tiếng anh và thành ngữ tiếng việt có yếu tố chỉ bộ phận cơ thể người dưới góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận (Trang 87 - 90)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(265 trang)