Vai trò của miền ý niệm trong ẩn dụ và hoán dụ ý niệm

Một phần của tài liệu Thành ngữ tiếng anh và thành ngữ tiếng việt có yếu tố chỉ bộ phận cơ thể người dưới góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận (Trang 44 - 52)

CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ LUẬN

1.6 Vai trò của miền ý niệm trong ẩn dụ và hoán dụ ý niệm

Từ lâu, ẩn dụ đã được biết đến như một phương pháp tu từ hiệu quả, nhất là trong ngôn ngữ văn chương. Theo cách hiểu thông thường, ẩn dụ là phương thức lấy tên gọi A của sự vật a để gọi tên các sự vật b,c,d vì giữa a,b,c,d có điểm giống nhau.

Hay nói cách khác, ẩn dụ là phương thức chuyển nghĩa dựa vào quy luật liên tưởng tương đồng. Trong quyển sách “Metaphor we live by” được xuất bản năm 1980, Lakoff và Johnson [134] đã chứng minh ẩn dụ không chỉ đơn giản là dùng sự vật này để gọi lên sự vật khác. Ẩn dụ xuất hiện rất nhiều trong lời nói sử dụng hàng ngày của chúng ta chứ không chỉ có trong ngôn ngữ văn chương. Lí thuyết về ẩn dụ ý niệm do Lakoff và Jonhson đề xướng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt trong lĩnh vực ngôn ngữ học tri nhận. Để phục vụ cho việc phân tích nghĩa hàm ẩn của thành ngữ theo hướng tri nhận, trong chương hai của luận án, chúng tôi sẽ khảo sát các loại ẩn dụ đóng vai trò quan trọng đối với lí thuyết của Lakoff và Johnson (1980) [134]. Lí thuyết này có thể minh họa một cách đơn giản bằng sự khác biệt dưới đây giữa hai câu sau:

- Tôi đang ở trong phòng làm việc.

- Tôi đang ở trong trạng thái lo lắng.

Theo quan điểm của Lakoff và Johnson, ẩn dụ ý niệm là hiện tượng ý niệm hóa một miền ý niệm từ cấu trúc của một miền ý niệm khác. Nói cách khác, ẩn dụ ý niệm chính là những chiếu xạ giữa các miền ý niệm. Cả hai miền ý niệm nguồn và miền ý niệm đích đều không tạo thành miền ý niệm tổ hợp cho những khái niệm có liên quan. Ở ví dụ thứ hai, cách sử dụng giới từ “trong” để nói lên quan hệ giữa người nói và trạng thái tình cảm không có nghĩa là người nói đã tạo ra chiếu xạ giữa mối quan hệ không gian và quan hệ tình cảm. Ở đây chỉ có miền ý niệm tình cảm là

được qui chiếu. Nó được ý niệm hóa theo kiểu có cấu trúc tương tự hoặc tương đương với không gian thông qua cách dùng giới từ “trong”.

Nhằm hiểu rõ lý thuyết của Johnson và Lakoff về ẩn dụ ý niệm, chúng ta cần xác định rõ là những miền ý niệm nào tham gia vào quá trình hình thành ẩn dụ. Để có thể mô tả chính xác ẩn dụ, phần mô tả này cần được tạo dựng sao cho hai miền ý niệm cơ bản là tương đương. Chẳng hạn như Johnson và Lakoff (1980:73) [134] đề xuất ẩn dụ “vật thể có nguồn gốc từ vật chất” (the object comes out of substance) để mô tả các ví dụ sau:

- You can make ice out of water by freezing it. (Bạn có thể làm nước đá bằng cách cho nước đóng băng)

- I made a paper airplane out of a sheet of newspaper. (Tôi gấp một chiếc máy bay bằng tờ báo)

Theo phân tích của Johnson và Lakoff, với ẩn dụ ý niệm “vật thể có nguồn gốc từ vật chất”, chúng ta ý niệm hóa sự thay đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác có hình dạng và chức năng mới. Phương tiện biểu đạt ẩn dụ trực tiếp trong trường hợp này là giới từ “out of”. Miền ý niệm nền trong ẩn dụ này là sự sáng tạo. Nghĩa tường minh của nó lấy chuyển động làm miền ý niệm nền. Vì vậy, ẩn dụ này có thể phát biểu thành “Sáng tạo là hoạt động” (Creation is motion). Đương nhiên là cả hai miền ý niệm trừu tượng này đều có nhiều miền ý niệm khác làm nền. Ví dụ như chuyển động có liên quan đến thời gian, sự thay đổi và nơi chốn.

Croft (1993) [99] cho rằng chúng ta cần xét đến miền ý niệm nền của từ ngữ được sử dụng khi định nghĩa ẩn dụ và điều này không phải lúc nào cũng dễ thực hiện.

Chúng ta hãy cùng xét ví dụ được Johnson và Lakoff (1980:49) [134] đưa ra “Tình yêu là bệnh nhân” (Love is patient) như sau:

- This is a sick relationship. (Đây là một quan hệ bệnh hoạn)

- They have a strong, healthy marriage. (Họ có một cuộc hôn nhân lành mạnh)

- The marriage is dead – it can‟t be revived. (Hôn nhân của họ đã chết. Không thể hồi sinh được)

- Their marriage is on the mend. (Hôn nhân của họ đang phục hồi) - We are getting back on our feet. (Chúng tôi đang trở lại như xưa)

- Their relationship is in really good shape. (Mối quan hệ của họ thật là tốt đẹp)

- They „ve got a listless marriage. (Họ có một cuộc hôn nhân mệt mỏi) - Their marriage is on its last legs. (Cuộc hôn nhân của họ đang suy sụp) - It‟s a tired affair. (Đó là một câu chuyện mệt mỏi)

Những từ “sick”, “strong”, “healthy”, “listless” v.v... đều nằm trong miền ý niệm

“trạng thái cơ thể”. Chính vì vậy, ẩn dụ trên cũng có thể đặt tên “Tình yêu là một trạng thái của cơ thể”. Các ngữ khác như “back on our feet”, “in really good shape”,

“on its last legs” cũng chính là các ẩn dụ có miền ý niệm đích chính là các trạng thái cơ thể. Tuy nhiên, từ “dead” và “revived” lại được chiếu trong miền ý niệm cuộc đời. Miền ý niệm cuộc đời chính là một trong những miền ý niệm có liên quan đến cơ thể sống và cơ thể sống lại là nền cho trạng thái cơ thể. Hai từ này là một bộ phận của ẩn dụ khác “Tình yêu là cuộc sống”. Ta có thể thấy điều ấy qua các ví dụ sau:

- Tính ích kỉ có thể giết chết tình yêu.

- Sau hôn nhân, tình yêu của họ lại được tiếp thêm sinh khí mới.

Tất nhiên là hai ẩn dụ “Tình yêu là một trạng thái cơ thể” và “Tình yêu là cuộc sống” có liên quan với nhau. Tuy vậy, hai ẩn dụ này không thể kết hợp lại thành một kiểu như “Tình yêu là một thực thể sống” vì có nhiều khía cạnh khác của thực thể sống mà ta không thể gán cho ẩn dụ về tình yêu được, đặc biệt là những cái liên

quan đến hoạt động của cơ thể, các bộ phận cơ thể v.v... Qua ví dụ trên, ta thấy miền ý niệm đóng vai trò quan trọng giúp chúng ta xác định được cấu trúc của một ẩn dụ và có thể khám phá mối liên hệ của cấu trúc ẩn dụ này với một cấu trúc ẩn dụ khác.

Để hiểu rõ hơn vai trò của miền ý niệm trong việc xác định cấu trúc ẩn dụ, chúng ta hãy quan sát một ví dụ nữa được Lakoff và Jonhson đưa ra trong quyến “Metaphor we live by”:

- Our relationship has hit the buffers. (Quan hệ của chúng tôi không tiến triển được nữa)

- We are at the crossroads. (Chúng tôi đang ở ngã tư đường)

- Look how far we have come. (Hãy xem này, chúng ta đã đi được khá xa rồi)

- It has been a long winding road. (Chặng đường vừa qua quả là dài dằng dặc)

- We may have to go our separate ways. (Chúng ta có thể phải đường ai nấy đi)

Bắt đầu từ việc xác định miền ý niệm nguồn, miền ý niệm đích và xác định các chiếu xạ giữa hai miền ý niệm này, Lakoff và Jonhson đã rút ra ẩn dụ ý niệm sau:

“việc xây dựng mối quan hệ tốt với người khác là một hành trình”. Miền ý niệm nguồn ở đây là một hành trình thể hiện qua các cụm từ “hit the buffers”, “at the crossroads”, “a long winding road” v.v... Miền ý niệm đích ở đây là mối quan hệ giữa hai người. Các yếu tố của miền ý niệm hành trình được chiếu xạ lên miền ý niệm quan hệ. Giống như trong một chuyến hành trình, việc lập quan hệ với người khác cần có điểm bắt đầu và hướng đến một mục đích hay lợi ích chung. Nếu trong chuyến hành trình, có những lúc chiếc xe gặp đường xấu hay chướng ngại vật thì trong tình cảm cũng có những lúc người ta giận hờn, bực tức với nhau. Trong

chuyến hành trình, khi hai hành khách không còn điểm đến chung thì họ sẽ không chung xe nữa. Tương tự, trong quan hệ tình cảm, nếu hai người cảm thấy không còn muốn theo đuổi mục đích hay lợi ích chung nữa người ta sẽ chia tay nhau. Như vậy là thông qua các chiếu xạ hay các mối liên hệ có tính hệ thống giữa hai miền ý niệm mà chúng ta có thể xử lí miền ý niệm nguồn và suy ra được miền ý niệm đích vốn có tính trừu tượng cao. Chính các việc xác định và phân tích miền ý niệm giúp ta đi đến nghĩa hàm ẩn của cấu trúc ngữ nghĩa.

Trong hoán dụ, miền ý niệm lại không có vai trò trực tiếp. Tuy nhiên, một khi khảo sát kĩ lưỡng cấu trúc hoán dụ ý niệm, chúng ta lại thấy nó xuất hiện phổ biến. Trước giờ hoán dụ vẫn thường được xem là hiện tượng chuyển nghĩa từ cái được biểu trưng sang cái toàn thể. Lakoff và Turner (1989, dẫn theo Croft 1993) [99] cho rằng không giống như ẩn dụ, hoán dụ chỉ có thể xét trong một miền ý niệm. Hai ông cho rằng một chiếu xạ hoán dụ chỉ diễn ra trong một miền ý niệm duy nhất chứ không phải là chiếu xạ từ miền ý niệm này sang miền ý niệm kia như trong trường hợp ẩn dụ. Tuy nhiên, như đã đề cập trong phần giới thiệu miền ý niệm, ý niệm thường được chiếu trong những cấu trúc miền ý niệm rất phức tạp. Thậm chí khi nền của ý niệm chỉ là một miền ý niệm trừu tượng thì nó cũng liên quan đến rất nhiều miền ý niệm khác. Có lẽ vì vậy mà trong phần mô tả sau đó, Lakoff và Turner chuyển sang dùng thuật ngữ “lược đồ hình ảnh” để mô tả hiện tượng hoán dụ. Thuật ngữ “lược đồ hình ảnh” được dùng để chỉ những cấu trúc tương tự như miền ý niệm tổ hợp, đặc biệt là các cấu trúc miền ý niệm phức tạp. Như vậy, chúng ta có thể khái quát lại một định nghĩa về hoán dụ đầy đủ hơn do Croft (1993) [99] đề xuất như sau: “Hoán dụ là một chiếu xạ diễn ra trong một miền ý niệm tổ hợp duy nhất chứ không phải là chiếu xạ giữa nhiều miền ý niệm.”

Đây thực sự là một điểm quan trọng để phân biệt ẩn dụ ý niệm và hoán dụ ý niệm.

Ẩn dụ ý niệm là hiện tượng chiếu xạ giữa hai miền ý niệm không cùng thuộc một tổ hợp. Chẳng hạn khi chúng ta nói “lòng chùng xuống”, “sướng lên đến chín tầng mây”, “tiếc đứt ruột” thì ta không thể tìm được miền ý niệm định hướng không gian

nào trong tổ hợp miền ý niệm tình cảm con người. Trái lại, ở hoán dụ, hiện tượng chiếu xạ chỉ diễn ra trong phạm vi một miền ý niệm tổ hợp mà thôi. Tuy vậy vẫn có những trường hợp hoán dụ hay ở một số cấu trúc mờ nghĩa khác hiện tượng chiếu xạ xảy ra giữa các miền ý niệm trong cùng một tổ hợp. Trong những trường hợp này, miền ý niệm thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc hiểu được nghĩa của hoán dụ. Chúng ta hãy thử xét các ví dụ sau:

- Langacker nghiên cứu lĩnh vực ngữ pháp tri nhận.

- Google là một công cụ tìm kiếm mạnh.

- Langacker rất khó đọc.

- Google muốn mua đứt luôn Yahoo.

Hai câu đầu tiên là trường hợp nghĩa tường minh còn hai câu tiếp theo là hiện tượng hoán dụ. Tuy nhiên, theo quan điểm tri nhận thì công trình nghiên cứu của Langacker và công ty Google lần lượt là những phần của miền ý niệm “nhà nghiên cứu Langacker” và “công cụ tìm kiếm Google”. Nhưng các ý niệm này không có vai trò trọng tâm như Langacker với tư cách là một nhà nghiên cứu ngôn ngữ và Google với tư cách là một công cụ tìm kiếm. Tổ hợp miền ý niệm nhà nghiên cứu Langacker gồm có cả hoạt động sáng tạo. Do con đường đi đến thành công của Langacker là nghiên cứu ngữ pháp tri nhận, công trình của ông là một yếu tố rõ ràng trong miền ý niệm hoạt động sáng tạo. Hiện tượng chuyển nghĩa ở đây xảy ra một cách khá tự nhiên. Điều đang nói là hiện tượng chuyển nghĩa này cũng kéo theo hiện tượng chuyển từ miền ý niệm này sang miền ý niệm khác trong một tổ hợp miền ý niệm. Đối với trường hợp của công cụ tìm kiếm Google chúng ta cũng có cách phân tích tương tự: một miền ý niệm thứ hai ở đây là quá trình phát triển công ty. Trong quá trình ấy thì công ty Google là một thành tố nổi trội. Hoán dụ chuyển sự chú ý của ta từ công cụ tìm kiếm sang công ty sở hữu công cụ ấy cũng đồng thời chuyển miền ý niệm công cụ tìm kiếm sang miền ý niệm kinh doanh. Hiện tượng này được Cruse (1986) [100] gọi là “làm nổi miền ý niệm”. Lí do là vì một miền ý

niệm vốn chỉ là miền ý niệm phụ trong nghĩa tường minh lại trở thành miền ý niệm chính qua phép hoán dụ.

Cũng theo Croft (1993) [99], đối với trường hợp của hoán dụ “làm nổi miền ý niệm” là điều kiện cần nhưng chưa phải là điều kiện đủ. Vì thế mối quan hệ giữa hiện tượng làm nổi miền ý niệm và hoán dụ khác với mối quan hệ giữa hiện tượng chiếu xạ miền ý niệm và ẩn dụ. Đối với ẩn dụ, hiện tượng chiếu xạ có vai trò rất quan trọng. Nó là yếu tố giúp ta định nghĩa được ẩn dụ. Hiện tượng làm nổi miền ý niệm thì lại khác. Nó không chỉ xuất hiện trong hiện tượng hoán dụ mà còn có thể thấy ở trong cả những hiện tượng mờ nghĩa mà chúng ta không thể coi là hoán dụ.

Chẳng hạn như trường hợp của ví dụ sau:

- Quyển sách đó rất dày.

- Quyển sách đó nói về tương lai thế kỉ 21.

Ý niệm “sách” được chiếu trong ít nhất là hai miền ý niệm: miền ý niệm vật thể và miền ý niệm ngữ nghĩa từ vựng. Trong trường hợp đầu tiên, miền ý niệm vật thể của “sách” được làm nổi nhờ vị ngữ “rất dày”. Trong trường hợp thứ hai, miền ý niệm ngữ nghĩa từ vựng làm nổi do vị ngữ “nói về tương lai thế kỉ 21”. Rõ ràng chúng ta rất khó có thể nói rằng có hai ý niệm khác nhau được đề cập đến trong cùng từ “quyển sách” của hai câu trên. Đây không phải là ví dụ về trường hợp hoán dụ vì các yếu tố được chiếu ở mỗi miền ý niệm này đều thuần túy là quan hệ nội tại.

Chúng ta không tìm ra được mối liên hệ với các yếu tố bên ngoài. Chính vì lí do đó mà từ “quyển sách” không phải là trường hợp hoán dụ ở hai câu trên.

Tóm lại, ở chương 1, chúng tôi đã trình bày quan điểm tri nhận về thành ngữ, quá trình ý niệm hóa và cấu trúc miền ý niệm.

Theo quan điểm tri nhận, các đơn vị cấu thành của thành ngữ có mối liên hệ với hoạt động tư duy nên nghĩa của thành ngữ có thể suy được thông qua các cơ chế tri nhận hoạt động ý niệm hóa.

Quá trình ý niệm hóa bao gồm rất nhiều hoạt động và quá trình xử lí phức tạp.

Thông qua quá trình ý niệm hóa, kinh nghiệm thực tiễn và nhận thức về thế giới xung quanh của con người chuyển hóa thành các ý niệm.

Miền ý niệm là một cấu trúc ngữ nghĩa đóng vai trò là nền cho ít nhất một ý niệm.

Miền ý niệm có vai trò rất quan trọng trong việc xác định ẩn dụ ý niệm và hoán dụ ý niệm. Về cơ bản, ẩn dụ ý niệm là các chiếu xạ giữa hai tổ hợp miền ý niệm độc lập với nhau còn hoán dụ ý niệm là chiếu xạ diễn ra trong một tổ hợp miền ý niệm duy nhất. Cấu trúc ẩn dụ ý niệm và hoán dụ ý niệm cũng như các vấn đề phân định chúng là nội dung chính mà chúng tôi trình bày trong chương tiếp theo.

Một phần của tài liệu Thành ngữ tiếng anh và thành ngữ tiếng việt có yếu tố chỉ bộ phận cơ thể người dưới góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận (Trang 44 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(265 trang)