CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ LUẬN
1.4 Hoạt động tổ chức và phân loại tri thức trong bộ não người
Theo quan điểm của khoa học tri nhận thì tri thức chính là những cấu trúc ý niệm được lưu trữ trong bộ não người và được phóng chiếu lên những sự kiện hay hiện tượng mà người ta đã trải qua để hiểu tri thức ấy rõ hơn (Langlotz 2006:61) [145].
Để hệ thống tư duy hoạt động thì cần có cơ chế phân loại một số lượng rất lớn các kích thích từ môi trường bên ngoài mà bộ não nhận được. Để có thể tổ chức lại các kích thích nhận được từ môi trường bên ngoài, con người cần phải thiết lập những phạm trù để có thể xử lí một cách hiệu quả. Trong bộ não người, ý niệm (concept) đóng vai trò rất quan trọng trong việc tái hiện, lưu trữ và tổ chức lại thông tin về thế giới và cho phép con người truy xuất, xử lí thông tin một cách hiệu quả. Chẳng hạn như chúng ta có thể hình dung ra hình ảnh một quyển sách trong đầu mà không cần nhìn hay sờ mó một quyển sách thật. Điều này có nghĩa là chúng ta có ý niệm quyển sách mang đầy đủ những thuộc tính như kích thước, hình dáng, chất liệu, độ dày v.v… Cũng theo Langacker (1998) [143], ý niệm cho phép chúng ta nhận thức được môi trường xung quanh mình thông qua việc chuyển tải một lượng lớn các kích thích từ môi trường bên ngoài thành các thực thể tinh thần riêng lẻ. Như vậy, quá trình tạo ra tri thức cần phải trải qua một số giai đoạn. Trước tiên, các kích thích từ môi trường bên ngoài sẽ được những cơ chế nhận thức của bộ não chuyển thành dữ liệu cảm nhận vận động (sensorimotor data). Để hiểu được thông điệp từ môi trường bên ngoài, dữ liệu cảm nhận vận động cần được tổ chức lại và phân loại thành những đơn vị có nghĩa. “Hiện thực” mà chúng ta cảm nhận được chính là kết quả của quá trình phóng chiếu các lược đồ ý niệm lên những dữ liệu cảm nhận vận động.
1.4.2 Dữ liệu cảm nhận vận động và các cấu trúc tiền ý niệm
Để giải thích việc tạo thành các cấu trúc ý niệm, Lakoff và Johnson (1980:226-228) [134] đưa ra kinh nghiệm luận (experientialism). Kinh nghiệm luận được Lakoff và Johnson gọi là sự thay thế có kế thừa cho khách quan luận (objectivism) và chủ
quan luận (subjectivism) vốn đã tồn tại rất lâu trong triết học phương Tây. Kế thừa khách quan luận, kinh nghiệm luận cũng cho rằng có những thứ tồn tại độc lập với con người và qui định cách thức con người tương tác cũng như tìm hiểu chúng. Tuy nhiên kinh nghiệm luận cho rằng không thể có chân lí tuyệt đối (absolute truth).
Tính khách quan luôn có mối liên hệ với hệ thống ý niệm và các giá trị văn hóa.
Một khi ta từ bỏ ảo tưởng về chân lí tuyệt đối thì hoạt động nhận thức sẽ có trách nhiệm và đúng đắn hơn. Kinh nghiệm luận cũng đồng tình với chủ quan luận ở chỗ ngữ nghĩa là kết quả của hoạt động tưởng tượng và luôn có tính cá nhân (meaning is always meaning to a person). Khác với chủ quan luận, kinh nghiệm luận phủ nhận quan điểm cho rằng hoạt động tưởng tượng của con người không có bất kì giới hạn nào cả.
Theo quan điểm của kinh nghiệm luận, ngữ nghĩa chỉ có thể được tạo ra khi các yếu tố của hoạt động nhận thức tương tác với thế giới kinh nghiệm. Do đó ngữ nghĩa được coi là có tính nhập thân (embodied). Nói cách khác, ngữ nghĩa bị chi phối bởi quá trình tương tác giữa mỗi cá nhân với môi trường xung quanh. Nghĩa nhập thân bị chi phối bởi thế giới xung quanh, điều kiện sống, điều kiện xã hội và môi trường văn hóa mà chúng ta tồn tại.
Lakoff (1987:267, dẫn theo Langlotz 2006) [145] cho rằng nghĩa nhập thân có nguồn gốc từ các cấu trúc tiền ý niệm (preconceptual structures). Các cấu trúc tiền ý niệm này chính là những nền tảng để ngữ nghĩa có thể nảy sinh. Chúng cho phép ta cảm nhận sự vật ở thế giới xung quanh, xác định được ranh giới các sự vật, nhận ra mối liên hệ giữa chúng đồng thời phân biệt được sự vật với các quá trình.
Langacker [142] sử dụng các thuật ngữ “thing” (đồ vật), “process” (quá trình) và
“interconnection” (liên kết) để nhận diện các cấu trúc tiền ý niệm. Chẳng hạn như ở ví dụ vừa nêu thì để có được ý niệm “tam giác”, chúng ta cần tập hợp các cấu trúc tiền ý niệm (góc tam giác, cạnh tam giác) để có thể đi đến ý niệm có nghĩa hoàn chỉnh. Để có thể nhận thức được tam giác đó, các cấu trúc tiền ý niệm cần phải được xử lí trong mối liên hệ qua lại lẫn nhau. Theo Lakoff (1987:267) [135], có hai
loại cấu trúc tiền ý niệm được sử dụng để xử lí dữ liệu cảm nhận vận động là “cấu trúc lược đồ hình ảnh” (image-schematic structure) và “cấu trúc cơ bản” (basic- level structure).
Các cấu trúc lược đồ hình ảnh như “vật chứa” (container), “sự cân bằng” (balance),
“tuyến” (path), “trên – dưới” (up-down), “trước – sau” (front – back), “bộ phận – tổng thể” (part – whole) là những cấu trúc ý niệm cơ bản có nguồn gốc từ hình dáng, kích thước và qui luật của sự vật, hiện tượng trong sinh hoạt hàng ngày của chúng ta. Những cấu trúc lược đồ hình ảnh này kiến tạo hầu hết các trải nghiệm cơ bản nhất về thế giới xung quanh của con người. Chẳng hạn cách nói “trong tâm hồn”, “bụng để ngoài da”, “đi guốc vào bụng” hay “lấy thước mà đo lòng người”
của người Việt Nam đều có liên quan đến cấu trúc lược đồ hình ảnh vật chứa; nghĩa hàm ẩn của các thành ngữ “lên voi xuống chó”, “ba chìm bảy nổi”, “lên tận mây xanh” v.v.. có nguồn gốc từ cấu trúc lược đồ “trên – dưới”. Chính vì vậy mà Lakoff (1987) [135] khẳng định rằng lược đồ hình ảnh là một cấu trúc tiền ý niệm rất quan trọng trong quá trình ý niệm hóa thế giới của con người.
Trên cơ sở của lược đồ hình ảnh mà các ý niệm nảy sinh. Từ lược đồ hình ảnh vật chứa mà chúng ta có ý niệm “trong” và “ngoài”; từ lược đồ hình ảnh “trên – dưới”
mà chúng ta có ý niệm “cao”, “thấp”, “nông”, “sâu”; từ lược đồ “tuyến”, chúng ta có khái niệm “khoảng cách”, “xa”, “gần”, “hướng đi” v.v... Cùng với lược đồ hình ảnh, các cấu trúc ý niệm cơ bản tạo thành những nền tảng trung gian để các cấu trúc ý niệm phức tạp hơn có thể hình thành. Điều này có nghĩa là các cấu trúc cơ bản đóng vai trò là cầu nối dẫn đến mạng lưới các phạm trù ý niệm. Chúng ta hãy cùng xét các cấu trúc ý niệm được Langlotz (2006) [145] đưa ra như sau:
Ý niệm bậc cao Động vật Thực vật
Ý niệm cơ bản Mèo Cây
Ý niệm bậc thấp Mèo tam thể Cây chuối
Trong thứ bậc phạm trù hóa ý niệm thì ý niệm cơ bản thường được chúng ta cảm nhận là nổi trội hơn so với các thứ bậc khác. Ở tầng ý niệm cơ bản, những thông tin có liên quan nhiều nhất đến một phạm trù ý niệm được lưu lại. Ví dụ như khi nhìn thấy một con mèo tam thể thì chúng ta thường tri nhận nó là con mèo chứ không phải là mèo tam thể. Chỉ khi nào ta cần phân biệt con mèo này với một con mèo khác như mèo đen chẳng hạn thì chúng ta mới dùng đến ý niệm “mèo tam thể”.
Việc này cũng có một nguyên nhân là các phạm trù cơ bản có quan hệ với cảm nhận về “các thực thể toàn vẹn” (gestalts) trong khi các cấp độ ý niệm bậc cao và ý niệm bậc thấp phân loại các thực thể toàn vẹn này.
1.4.3 Mô hình tri nhận lí tưởng hóa
Dựa trên cơ sở các lược đồ hình ảnh và ý niệm cơ bản, các nhà ngôn ngữ học tri nhận đã đưa ra những ý niệm phức tạp hơn. Lakoff (1987) [135] gọi các hệ thống ý niệm phức tạp những tri thức về thế giới là “các mô hình tri nhận lí tưởng hóa”
(idealised cognitive models – ICMs). Fillmore (1982) [110] gọi cách sắp xếp các tri thức ý niệm này là “khung” (frames) còn Schank và Albelson (1977) [169] thì gọi là
“mã” (scripts). Lakoff (1987:68) [135] định nghĩa mỗi mô hình tri nhận lí tưởng hóa là một thực thể hoàn chỉnh phức tạp, còn gọi là gestalt, bao gồm bốn yếu tố cấu tạo:
- Cấu trúc mệnh đề (propositional structure) như trong lí thuyết về khung ngữ nghĩa của Fillmore (1982) [110].
- Cấu trúc lược đồ hình ảnh (image-schematic structure) như trong lí thuyết về ngữ pháp tri nhận của Langacker (1987) [135].
- Chiếu xạ ẩn dụ ý niệm theo mô tả của Lakoff và Johnson (1980) [134].
- Chiếu xạ hoán dụ ý niệm theo mô tả của Lakoff và Johnson (1980) [134].
Ngoài ra khi được sử dụng, mỗi ICM cũng tạo nên một không gian tinh thần theo mô tả của Fauconnier. Để minh họa, Lakoff (1987:68) [135] đưa ra ví dụ về ngày thứ ba. Thứ ba chỉ có thể định nghĩa được khi đặt trong quan hệ của một mô hình tri nhận lí tưởng hóa bao gồm chu kì chuyển động của mặt trời, tiêu chí xác định thời điểm bắt đầu và kết thúc một ngày và chu kì bảy ngày, tức tuần lễ. Trong mô hình tri nhận lí tưởng hóa này, tuần lễ là một chỉnh thể gồm bảy thành tố tổ chức theo trình tự kế cận; mỗi thành tố là một ngày và thành tố thứ ba là “thứ ba”. Cũng theo Lakoff (1987:69) [135] thì các nền văn hóa khác nhau có thể sử dụng các ICM khác nhau để phạm trù hóa trải nghiệm về thời gian. Chẳng hạn như trong cách tính âm lịch ở phương Đông không hề có ý niệm về tuần lễ. Do đó mỗi ICM thể hiện một cách nhìn nhận thế giới mang màu sắc cá nhân. Các ICM có thể được sử dụng để tổ chức lại các trải nghiệm phức tạp và tạo ra cái mà ta cảm nhận là hiện thực khách quan.
Sở dĩ các cấu trúc ý niệm phức tạp được Lakoff gọi là “lí tưởng hóa” (idealized) là vì mặc dù chúng có nguồn gốc từ kinh nghiệm về thế giới xung quanh nhưng không phải lúc nào chúng cũng ứng với thực tại. Các cấu trúc ý niệm này hay được “lí tưởng hóa”. Chẳng hạn như khái niệm người đàn ông độc thân được định nghĩa là người lớn, giới tính nam và chưa lập gia đình. Thế nhưng trong thực tế, có rất nhiều trường hợp đủ tiêu chuẩn: người lớn, giới tính nam, chưa lập gia đình không thể gọi là “người đàn ông độc thân” (Lakoff 1987:70-71) [135]:
- Đức giáo hoàng - Người rừng Tarzan
- Một thanh niên sống thử với bạn gái - Người đàn ông đồng tính
- Người đàn ông đồng tính sống chung với bạn trai - Người đàn ông góa vợ
- Người đàn ông li dị
Trong phần mô tả cấu trúc các mô hình tri nhận Lakoff (1987:282-284) [135] cho rằng chính ý niệm bậc cơ sở (basic-level) và ý niệm lược đồ hình ảnh (image- schematic) là nền tảng cho các mô hình tri nhận phức tạp. Trong các mô hình tri nhận phức tạp ấy thì ý niệm tầng bậc cơ bản và ý niệm lược đồ hình ảnh là vật liệu còn các lược đồ tri nhận là bộ khung. Ví dụ như một ICM journey (hành trình) được cấu thành từ các ý niệm bộ phận: điểm xuất phát, điểm đích, đường đi, một người thực hiện hành trình từ điểm xuất phát đến điểm đích và phương tiện đi lại. Các ý niệm này được gắn kết với nhau thông qua lược đồ tri nhận “tuyến” (path). Bản chất của ICM là được tạo thành từ các ý niệm nên các ý niệm ấy không được lưu trữ một cách rời rạc mà chúng có mối liên hệ mật thiết và tương tác lẫn nhau. Để có nghĩa thì các ý niệm phải gắn liền với cái mà Langacker (1987) [141] gọi là miền ý niệm (domain). Ví dụ như ý niệm “ngón tay” chỉ có thể có nghĩa khi ta xem xét nó trong quan hệ với với ý niệm “bàn tay”. Trong trường hợp này bàn tay đóng vai trò là miền ý niệm. Bản thân “bàn tay” cũng là miền ý niệm con của ICM “cánh tay” và
“cơ thể”.