CHƯƠNG 4: HOÁN DỤ Ý NIỆM TRONG THÀNH NGỮ TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT CÓ YẾU TỐ CHỈ BỘ PHẬN CƠ THỂ NGƯỜI
4.1 Bộ phận cơ thể biểu trưng cho con người và đặc điểm tính cách
4.1.3 Hoán dụ ý niệm về khuôn mặt
Với thành ngữ “to laugh in someone‟s face” (cười vào mặt người nào đó), trong tiếng Anh yếu tố “mặt” được sử dụng để biểu trưng cho toàn bộ cơ thể người. Nghĩa ẩn dụ của thành ngữ này là “coi thường, khinh bỉ hay miệt thị người nào đó”. Tri thức qui ước cho ta biết rằng khi nói chuyện với một người nào đó chúng ta thường nhìn vào khuôn mặt của người đối thoại mặc dù chúng ta không nói chuyện với khuôn mặt. Như vậy ta có thể thấy rằng tri thức nền kết hợp với hoán dụ ý niệm
“khuôn mặt biểu trưng cho con người” đã giúp chúng ta hiểu được nghĩa của thành ngữ trên một cách tương đối dễ dàng. Trong các ví dụ dưới đây chúng ta cũng thấy miền ý niệm “khuôn mặt” trở thành miền ý niệm chủ yếu trong tổ hợp miền ý niệm
“con người”:
The government's attempts at reform have blown up in its face [thổi vào mặt], with demonstrations taking place all over the country (Nỗ lực cải
cách của chính phủ đã phản tác dụng. Biểu tình diễn ra khắp nơi trên cả nước).
I'd prefer to sort this problem out face to face [mặt đối mặt] rather than over the phone. (Tôi muốn gặp trực tiếp để giải quyết vấn đề chứ không phải qua điện thoại).
We've been stuffing our faces [nhồi nhét khuôn mặt] with Susannah's delicious chocolate cake. (Chúng tôi đã ăn rất nhiều bánh sôcôla của Susannah).
I don't know how he dares show his face [chường mặt ra] in this pub after how he behaved the other night! (Tôi không hiểu vì sao nó dám vác mặt ra quán rượu sau những hành động của nó tối hôm ấy!).
Everyone refers to him as 'Junior' but no one would dare call him that to his face [vào mặt hắn]. (Mọi người gọi hắn là “Junior” nhưng không ai dám gọi như thế trước mặt hắn).
Her face was a picture [mặt bà ta là một bức họa] when I told her the news. (Bà ta nghệt mặt ra khi tôi báo tin).
Điều thú vị là thành ngữ chứa yếu tố “mặt” trong tiếng Việt chiếm số lượng nhiều nhất của bảng phụ lục 3 với 115 đơn vị (trong tổng số 914). Trong khi đó thành ngữ tiếng Anh chứa yếu tố “mặt” có số lượng ít hơn thành ngữ chứa yếu tố “tay”, “mắt”,
“đầu” và “lưng” (47 đơn vị trong tổng số 722). Điều này cho thấy trong cách tri nhận của người Việt, “mặt” là bộ phận cơ thể vô cùng quan trọng. Chính vì thế mà trong tiếng Việt, chúng ta cũng có thể tìm được khá nhiều thành ngữ chứa yếu tố mặt có hoán dụ ý niệm “khuôn mặt biểu trưng cho con người và đặc điểm tính cách” (25 đơn vị, chiếm tỉ lệ 21,74%) như:
mặt nạc đóm dày mặt người dạ thú mặt sắt đen sì mặt sứa gan lim đầu trâu mặt ngựa tai to mặt lớn ba mặt một lời
mặt búng ra sữa mặt chai mày đá mặt dạn mày dày trông mặt đặt tên
trông mặt mà bắt hình dong vạch mặt chỉ tên
xem mặt biết lòng
Trong nhiều nền văn hóa, khuôn mặt được ý niệm hóa thành bộ phận đại diện cho toàn bộ con người, đặc biệt là ở khía cạnh tính cách. Văn hóa Việt Nam cũng không phải là trường hợp ngoại lệ, vì vậy ta có thể tìm được khá nhiều thành ngữ có hoán dụ ý niệm “khuôn mặt biểu trưng cho con người” như trên. Kinh nghiệm sống cho chúng ta biết rằng bồ hóng và gio bếp ai đụng vào cũng lem luốc. Người “mặt muội mày gio” là người lam lũ nghèo hèn, dẫn đến không làm được việc gì đáng kể, ra hồn. Cũng như vậy, người mà mặt còn non choẹt như mụn măng mới nhú, miệng còn hơi sữa như miệng trẻ con là người còn thơ dại, mới lớn. Thành ngữ “mặt măng miệng sữa” vì thế ám chỉ những kẻ còn trẻ người non dạ, còn vụng dại ngây thơ.
Sứa vốn là loài nhuyễn thể sống trôi nổi trên mặt biển. Lim là loại gỗ quí rất cứng rắn, khó cưa hay cắt. Chính từ tri thức qui ước như vậy, khi vận dụng hoán dụ ý niệm “khuôn mặt biểu trưng cho con người”, chúng ta có thể suy ra nghĩa của thành ngữ “mặt sứa gan lim” chỉ những người bề ngoài mềm mỏng, hiền lành thậm chí có vẻ nhu nhược nhưng tính cách bên trong lại cứng cỏi, gan lì, dám chịu đựng mọi thử thách khó khăn. Một lần nữa, chúng ta lại thấy rằng các cặp biểu trưng xuất hiện nhiều và giúp chúng ta hiểu được nghĩa của các thành ngữ trên.
Trong tất cả các thành ngữ kể trên, tổ hợp miền ý niệm “con người” hay “tính cách con người” đóng vai trò chủ đạo. Điều đó giúp chúng ta hiểu nghĩa của thành ngữ dễ dàng hơn.