Tiềm năng ứng dụng của ngôn ngữ học tri nhận trong dạy tiếng

Một phần của tài liệu Thành ngữ tiếng anh và thành ngữ tiếng việt có yếu tố chỉ bộ phận cơ thể người dưới góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận (Trang 167 - 170)

CHƯƠNG 5: ỨNG DỤNG CÁC KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU THÀNH NGỮ DƯỚI GÓC ĐỘ TRI NHẬN VÀO VIỆC DẠY VÀ HỌC TIẾNG

5.1 Tiềm năng ứng dụng của ngôn ngữ học tri nhận trong dạy tiếng

Trong nhiều thập kỉ qua, việc giảng dạy ngoại ngữ có xu hướng tách rời các lí thuyết cấu trúc ngôn ngữ. Các nhà giáo học pháp thường tập trung vào các vấn đề phương pháp giảng dạy thực tiễn như nên hướng dẫn học viên trực tiếp hay gián tiếp, nên sử dụng tiếng mẹ đẻ hay chỉ thuần túy sử dụng ngoại ngữ làm ngôn ngữ hướng dẫn, nên dạy ngữ pháp theo hướng diễn dịch hay qui nạp v.v... Theo Larson (2006) [146] nguyên nhân của hiện tượng này là các lí thuyết ngôn ngữ học phổ biến trong nhiều thập kỉ qua có tính trừu tượng cao và không dựa trên thực tế sử dụng ngôn ngữ. Chính vì vậy mà các giáo viên dạy ngoại ngữ thường do dự khi áp dụng các lí thuyết ngôn ngữ mới vào giảng dạy. Một khó khăn nữa là đa phần các giáo viên dạy ngoại ngữ không thông thạo các khung lí thuyết và ít người có khả năng phân tích ngữ liệu, tài liệu giảng dạy bằng các lí thuyết ngôn ngữ. Do đó, nhiệm vụ đặt ra cho các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học tri nhận là phải đưa ra được những giải thích dễ hiểu, dễ tiếp cận và dễ áp dụng cho những người không am hiểu sâu về lí thuyết ngôn ngữ. Boers và Lindstromberg (2006) [92] cho rằng có ít nhất sáu điểm gặp gỡ giữa ngôn ngữ học tri nhận và ngôn ngữ học ứng dụng có thể áp dụng vào việc giảng dạy ngoại ngữ như sau:

1. Ngôn ngữ không phải là một khả năng độc lập mà là một bộ phận không thể tách rời của tư duy (Langacker 1998) [143]. Điều này có nghĩa là các lí thuyết về cấu trúc và hoạt động tri nhận trong bộ não người như “miền ý niệm” của Langacker (1987) [141], “khung ngữ nghĩa” của Fillmore (1982) [110], “mô hình tri nhận lí tưởng hóa” (ICM) của Lakoff (1987) [135] hay

“không gian tinh thần” của Fauconnier (2004) [107] đều có những ứng dụng tiềm năng trong việc giảng dạy ngôn ngữ.

2. Quá trình thụ đắc ngôn ngữ là một hoạt động diễn ra liên tục, thường xuyên dựa trên cơ sở sử dụng ngôn ngữ và tương tác với môi trường ngôn ngữ xung quanh. Ngôn ngữ không phải là một khả năng bẩm sinh được lập trình sẵn trong bộ não con người. Ngôn ngữ không thể lĩnh hội được nếu dữ liệu ngôn ngữ đầu vào (L1 input) quá sức nghèo nàn. Trái lại, dữ liệu ngôn ngữ đầu vào có vai trò to lớn trong việc phát triển khả năng ngôn ngữ của con người không chỉ ở thời thơ ấu mà kéo dài suốt đời. Việc tiếp xúc và sử dụng ngôn ngữ liên tục là bí quyết thành công trong việc học tập ngoại ngữ. Đây cũng chính là quan điểm của mô hình lĩnh hội ngôn ngữ qua sử dụng (usage-based model) mà các nhà ngôn ngữ học tri nhận như Langacker (1998) [143] và Tomasello (2000) [183] đã đề cập đến.

3. Theo quan điểm của lí thuyết ngữ pháp tri nhận mà Langacker (1987) [141]

đưa ra, ngôn ngữ là một thể thống nhất được tạo thành từ các đơn vị biểu tượng (symbolic units) có độ phức tạp khác nhau. Quan điểm này trái với quan điểm của ngôn ngữ học cấu trúc và ngôn ngữ học phái sinh vốn dựa trên thế lưỡng phân rạch ròi giữa ngữ pháp và ngữ nghĩa. Trong thời gian gần đây, nhờ sự phổ biến rộng rãi của các công cụ tra cứu ngôn ngữ trên mạng Internet, rất nhiều nhà ngôn ngữ học ứng dụng như Howarth (1998) [119], Schmitt (2004) [171], Wray (2002) [192] đã nghiên cứu hiện tượng kết ngôn (collocation) và tổ hợp ngữ cố định và ứng dụng vào giảng dạy theo quan điểm của Langacker.

4. Theo quan điểm của ngôn ngữ học ứng dụng, ngôn ngữ hướng dẫn của giáo viên dạy ngoại ngữ cần phải đạt được các mục tiêu:

a. Tăng cường chiều sâu (depth) bên cạnh chiều rộng (breadth) trong kiến thức ngôn ngữ cho học viên.

b. Nâng cao năng lực cảm nhận ngôn ngữ cho người học.

c. Giúp người học hiểu được mối liên hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa, sự liên hệ giữa ngữ nghĩa của từ với chu cảnh giao tiếp.

Các quan điểm trên ứng với một trong bốn luận điểm quan trọng nhất của ngữ nghĩa học tri nhận: nghĩa của từ có tính bách khoa (Word meaning is encyclopedic) được đề cập đến trong giáo trình ngôn ngữ học tri nhận của Vyvyan Evans và Melanie Green (2006) [106]. Theo quan điểm này thì nghĩa từ điển của từ vựng chỉ là “điểm truy cập” (access point) đưa người học đến với nghĩa bách khoa.

5. Quan điểm ẩn dụ ý niệm hiện diện phổ biến trong đời sống chúng ta của Lakoff và Johnson (1980) [134] đã được nhiều nhà nghiên cứu giảng dạy ngôn ngữ tiếp cập từ cuối những năm 1980. Trong một bài báo đề cập đến việc giảng dạy ẩn dụ ý niệm trong lớp học ngoại ngữ, Graham Low (1998) [148] đã đưa ra danh sách những việc mà một giáo viên dạy ngoại ngữ nên làm. Đây có thể coi là một trong những công trình tiên phong ứng dụng ẩn dụ ý niệm vào giảng dạy. Đến thập niên 90, số lượng công trình nghiên cứu các tổ hợp ngữ cố định và thành ngữ theo quan điểm ẩn dụ ý niệm tăng nhanh chóng.

6. Một trong những quan điểm trụ cột của ngôn ngữ học tri nhận là ngữ nghĩa của từ vựng được hình thành thông qua quá trình ý niệm hóa. Cách thức ý niệm hóa thế giới của con người theo quan điểm dĩ nhân vi trung chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của những đặc thù văn hóa. Chính vì vậy mà cùng một sự

vật hay hiện tượng có thể được các dân tộc khác nhau hiểu và mã hóa theo những cách khác nhau. Trong thời gian gần đây, việc nghiên cứu mối liên hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa nhằm phục vụ việc giảng dạy ngôn ngữ ngày càng thu hút được sự chú ý của các nhà giáo học pháp. Một số ví dụ có thể kể đến là bài báo so sánh ẩn dụ liên ngôn ngữ, liên văn hóa của Boers (2000) [91], quyển sách “Từ khóa đi vào các nền văn minh” của Wierzbicka (1997) [190], các nghiên cứu nâng cao nhận thức ngôn ngữ-văn hóa cho học viên ngoại ngữ của Kramsch (1993) [132] v.v...

Qua phần phân tích ở trên, chúng ta thấy rằng ngôn ngữ học tri nhận và ngôn ngữ học ứng dụng trong giảng dạy ngôn ngữ có khá nhiều điểm gặp gỡ. Tiềm năng ứng dụng của ngôn ngữ học tri nhận vào công tác giảng dạy ngôn ngữ vẫn còn rất lớn.

Chính vì vậy mà trong thời gian gần đây, ngôn ngữ học tri nhận thu hút được sự quan tâm lớn của giới giảng dạy ngôn ngữ nhiều nơi trên thế giới. Việt nam là một trong số đó. Trong khuôn khổ của luận án này, chúng tôi xin trình bày một số ứng dụng quan điểm ngôn ngữ học tri nhận vào việc giảng dạy mà bản thân chúng tôi đã trải nghiệm trong quá trình giảng dạy ngoại ngữ trong TP.HCM.

Một phần của tài liệu Thành ngữ tiếng anh và thành ngữ tiếng việt có yếu tố chỉ bộ phận cơ thể người dưới góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận (Trang 167 - 170)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(265 trang)