CHƯƠNG 4: HOÁN DỤ Ý NIỆM TRONG THÀNH NGỮ TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT CÓ YẾU TỐ CHỈ BỘ PHẬN CƠ THỂ NGƯỜI
4.3 Bộ phận cơ thể người biểu trưng cho sự nhận thức
Trong khá nhiều thành ngữ tiếng Anh chứa yếu tố mắt, thị giác và khả năng chú ý là miền ý niệm thường xuyên được làm nổi . Chẳng hạn như trong thành ngữ tiếng Anh “to pass one‟s eye over something/someone” (đảo mắt qua người/vật gì), đôi mắt biểu trưng cho thị giác do con người thường dùng đôi mắt của mình để quan sát các sự việc xung quanh. Với hoán dụ ý niệm “mắt biểu trưng cho sự nhận thức”, người nghe hay người đọc có thể hiểu được thành ngữ trên có nghĩa là nhìn cái gì đấy. Cũng như vậy, trong thành ngữ “not able to believe one‟s own eyes” (không tin nổi mắt mình), hoán dụ ý niệm “mắt biểu trưng cho sự nhận thức” có thể coi là gốc tạo ra nghĩa cho thành ngữ. Khi có ai đó nói rằng họ không thể nào tin vào mắt mình được, điều này có nghĩa là họ không tin nổi những gì họ nhìn thấy. Qua đó, người nói thể hiện thái độ nghi ngờ đối với khả năng quan sát của mình. Như vậy, ta lại thấy rõ ràng có mối liên hệ giữa nghĩa tường minh với nghĩa của thành ngữ và hoán dụ ý niệm “mắt biểu trưng cho sự nhận thức” là cầu nối tạo ra mối liên hệ đó.
Chính hoán dụ ý niệm trên cũng có thể coi là nhân tố khởi tạo nghĩa trong thành ngữ tiếng Anh “to see something/someone with the naked eye”. Thành ngữ này có nghĩa là có khả năng quan sát một vật gì đó mà không cần dùng công cụ hỗ trợ như mắt kính hay là ống nhòm”.
Một ví dụ khác chứng tỏ hoán dụ ý niệm trên có đóng vai trò tạo nghĩa là thành ngữ tiếng Anh “to catch someone‟s eye” (thu hút sự chú ý của ai). Thành ngữ này chắc chắn là có liên quan đến việc hàng ngày chúng ta đều bị cuốn hút bởi một điều gì đó và do đó thường xuyên quan sát nó. Khi sự chú ý của ta bị lôi cuốn bởi một người hay một vật hết sức thu hút, chúng ta thường có xu hướng không nhìn đi chỗ khác hay cái khác được. Đôi mắt trong trường hơp này đã bị người hay vật khác bắt chặt lấy. Chúng ta còn gặp một số thành ngữ khác trong tiếng Anh cũng mang hoán dụ ý niệm “Mắt biểu trưng cho sự nhận thức” như:
I knew Kenny was taking the money but I turned a blind eye [nhìn bằng con mắt mù] because he was my sister's child. (Tôi biết thằng Kenny lấy trộm tiền nhưng tôi lờ đi vì nó là con của chị tôi).
The teacher was watching the children with an eagle eye [quan sát bọn trẻ với con mắt đại bàng], making sure they behaved themselves.(Thầy giáo giám sát bọn trẻ kĩ càng để đảm bảo là chúng không làm gì sai).
I arrived late for the meeting and Steve Thomson gave me the evil eye [nhìn tôi bằng ánh mắt của quỷ]. (Tôi đi họp trễ và Steve Thomson nhìn tôi với ánh mắt rất khó chịu).
In my mind's eye [trong mắt của tâm trí tôi], she is still the little girl she was the last time I saw her. (Trong mắt tôi cô ta vẫn chỉ là cô bé tôi gặp trước đây)
I kept my eye on him all the time as I felt sure he was about to do something stupid. (Tôi luôn giám sát nó vì tôi chắc là nó sắp sửa làm điều ngu ngốc).
She kept half an eye on [để một con mắt ở] the kids all through our conversation. (Trong suốt cuộc trò chuyện cô ta luôn để mắt đến bọn trẻ).
I thought he was so beautiful - I couldn't take my eyes off [lấy mắt ra khỏi]
him. (Tôi thấy anh chàng đó quá đẹp trai. Đôi mắt tôi không rời anh ta).
She was besotted with him and closed her eyes to [nhắm mắt với] his character defects. (Cô ấy quá mê anh ta và nhắm mắt làm ngơ trước những khuyết điểm của anh ấy).
Cũng giống như người Anh, người Việt tri nhận “mắt” là bộ phận cơ thể rất quan trọng. Trong cả thành ngữ tiếng Anh và tiếng Việt mà chúng tôi khảo sát, thành ngữ chứa yếu tố “mắt” đều chiếm vị trí thứ 2 (tiếng Anh có 72 đơn vị và tiếng Việt có 96 đơn vị). Trong thành ngữ tiếng Việt có chứa yếu tố mắt, hoán dụ ý niệm “đôi
mắt biểu trưng cho sự nhận thức” cũng xuất hiện ở khá nhiều thành ngữ (tỉ lệ 14.58%) như:
mắt để trên trán có mắt như không có mắt như mù có mắt không tròng mắt thấy tai nghe mắt trước mắt sau
mong đỏ con mắt nhắm mắt bước qua nhắm mắt đưa chân nhắm mắt khoanh tay nhắm mắt làm ngơ nhắm mắt nói liều
Mắt vốn là bộ phận cơ thể để quan sát mọi vật xung quanh. Thế nhưng cũng có những lúc chúng ta vì mải suy nghĩ vấn đề gì đó mà trở nên lơ đãng, không chú ý đến mọi vật xung quanh. Thành ngữ “mắt để trên trán” được dùng để chỉ những trường hợp này. Thành ngữ “mắt thấy tai nghe” chỉ những tình huống mà chúng ta chứng kiến tại chỗ tận mắt và trực tiếp lắng nghe bằng tai mình để có được thông tin xác thực. Còn trường hợp “mắt trước mắt sau” được dùng để chỉ những người hay nhìn mọi thứ lấm la lấm lét vẻ gian xảo. Ý nghĩa này xuất phát từ tri thức qui ước về cái nhìn đứng đắn, lương thiện. Thông thường thì cái nhìn đứng đắn, lương thiện phải là cái nhìn thẳng vào người đối diện, không né tránh hay rụt rè. “Mong đỏ con mắt” là cách nói về sự chờ đợi, trông ngóng lâu ngày đến một người hay tin tức nào đó. Đây thường là sự chờ đợi dai dẳng với tâm trạng lo âu. Việc suy nghĩa thành ngữ “nhắm mắt đưa chân” có thể thực hiện từ tri thức thực tế là mỗi khi đi đứng người ta đều trông trước trông sau, cẩn thận dò dẫm từng bước. Như vậy
“nhắm mắt đưa chân” là hành động liều lĩnh, phó mặc cho sự may rủi của số phận.
Cũng với cách lập luận kết hợp tri thức nền và hoán dụ ý niệm “đôi mắt biểu trưng cho sự nhận thức” như vậy, chúng ta hiểu “nhắm mắt khoanh tay” là thái độ dửng dưng, không can thiệp vào những chuyện chướng tai gai mắt. Còn “nhắm mắt nói liều” là kiểu nói hồ đồ, không cần suy nghĩ chín chắn mà chỉ nói đại cho qua câu
chuyện. Một lần nữa, chúng ta lại thấy hoán dụ ý niệm và tri thức nền đóng vai trò quan trọng trong việc suy nghĩa của thành ngữ.
4.3.2 Cái mũi biểu trƣng cho sự tò mọc, tọc mạch
Do mũi là một trong những bộ phận rất nổi bật trên khuôn mặt của người Anh nên nó cũng được dùng để nói về sự tò mò, tọc mạch. Việc nhúng mũi vào chuyện của người khác gợi lên hình ảnh một người nào đó cố gắng tiến lại thật gần, thật sát người khác và hướng sự chú ý của mình về phía người đó với ý đồ sẵn sàng can thiệp. Hành động này được coi là rất khó chịu đối với người khác. Ở đây, hoán dụ ý niệm đóng vai trò cầu nối giữa nghĩa tường minh và nghĩa ẩn dụ và nó giúp cho người nghe hiểu được nghĩa của thành ngữ này là “can thiệp vào chuyện riêng của người khác”. Điều này cũng chứng tỏ rằng nghĩa của thành ngữ không chỉ bị chi phối bởi tri thức qui ước, ẩn dụ ý niệm và hoán dụ ý niệm mà bị sự chi phối tổng hợp của tất cả các yếu tố này. Một trường hợp khác nữa trong tiếng Anh là thành ngữ “to keep someone‟s nose to the grindstone” (làm việc liên tục không ngừng nghỉ). Thành ngữ này bắt nguồn từ tri thức nguồn là khi một người nào đó tập trung cao độ vào công việc của mình thì họ có xu hướng rướn người về phía trước đến mức mà cái mũi chạm vào công việc. Từ “grindstone” ở đây được dùng để chỉ những công việc nặng nhọc. Qua quá trình khảo sát, chúng tôi thấy còn có những thành ngữ tiếng Anh khác như sau:
What goes on between me and Pete is none of her business so she can keep her big nose out of [lôi cái mũi to của cô ta ra] it! (Chuyện giữa tôi và Pete không dính gì đến cô ta cả. Cô ta không nên thọc mũi vào).
He left the room for a few minutes so I thought I'd have a nose round [dò mũi đi một vòng]. (Anh ta ra khỏi phòng vài phút nên tôi tranh thủ xem một vòng).
Tiếng Việt cũng có các tổ hơp ngữ cố định như “nhúng mũi”, “dí mũi”, “chõ mũi vào chuyện người khác” để chỉ những người hay tò mò, can thiệp vào chuyện của
người khác. Tuy nhiên tiếng Việt có rất ít thành ngữ chứa yếu tố mũi và trong số những thành ngữ tiếng Việt có chứa yếu tố mũi mà chúng tôi thống kê được cũng không có thành ngữ nào liên quan đến hoán dụ ý niệm “cái mũi biểu trưng cho sự tò mò, tọc mạch cả”. Thay vì “mũi”, trong trường hợp này người Việt dùng “mồm”
hay “mõm” như: “chõ mồm vào”, “chõ mõm vào”, “ngứa mồm ngứa miệng”. Như đã trình bày trong phần ẩn dụ ý niệm về cái mũi, chúng tôi cho rằng sự khác biệt về hình dáng và kích thước cái mũi giữa người Anh và người Việt là một nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt này về hoạt động ý niệm hóa.
4.3.3 Đôi tai biểu trƣng cho sự nhận thức
Ngoài “mắt” và “mũi”, “tai” cũng là bộ phận thường được người Anh và người Việt ý niệm hóa theo miền ý niệm sự chú ý. Đây cũng là điều dễ hiểu vì “tai” và “mắt” là hai bộ phận được sử dụng thường xuyên, liên tục nhất để xử lí tín hiệu từ môi trường bên ngoài của con người. Nếu “mắt” có nhiệm vụ xử lí tín hiệu hình ảnh thì
“tai” có nhiệm vụ xử lí tín hiệu âm thanh. Từ hoán dụ ý niệm “đôi tai biểu trưng cho sự nhận thức”, chúng ta có thể dễ dàng suy ra nghĩa hàm ẩn của những thành ngữ tiếng Anh như sau:
Don't talk so loudly unless you want everyone to know. Bill has big ears [có tai to] you know. (Nếu anh nói to thế mọi người sẽ biết hết. Thằng Bill tai nó thính lắm đó).
Hey, cloth ears [tai vải], I asked if you wanted a drink. (Ê, tai điếc. Tao hỏi là mày có muốn uống nước không).
Warnings that sunbathing can lead to skin cancer have largely fallen on deaf ears [rơi vào tai điếc] in Britain. (Những lời cảnh báo rằng tắm nắng có thể gây ung thư da chẳng được ai chú ý đến ở nước Anh).
'Do you want to hear what happened at the party last night?' 'Oh yes, I'm all ears [Tôi tập trung tất cả các tai đây]'. (Anh có muốn nghe những gì xảy ra ở bữa tiệc tối qua không? Ồ có chứ. Tôi đang nghe cả hai tai đây).
In the past they've tended to turn a deaf ear to [nghe bằng tai điếc] such requests. (Trước đây, người ta có xu hướng bỏ ngoài tai những lời đề nghị như thế).
He's a powerful industrialist who has the President's ear [có được tai của tổng thống]. (Ông ta là một nhà tài phiệt có thế lực; đến tổng thống còn nghe ông ta).
I'll keep an ear to the ground [ghé tai xuống đất] and tell you if I hear of any vacancies. (Tôi sẽ theo dõi sát sao và báo cho anh khi có chỗ trống tuyển dụng).
I had half an ear [có một nửa tai] on the radio as he was talking to me. (Tôi nửa nghe radio, nửa nghe anh ta nói).
Chúng ta thấy rằng các thành ngữ trên đều có liên quan đến hoán dụ ý niệm “đôi tai biểu trưng cho sự nhận thức”.
Khi nói ai đó có đôi tai to (have big ears), người Anh ngụ ý rằng người đó có thính giác rất tốt, hay nói cách khác là nhạy với thông tin. Hình ảnh giương đôi tai to lên trong ví dụ đầu tiên cũng làm chúng ta liên tưởng đến cách nói “tai giương lên như ra đa trực chiến” trong tiếng Việt. Nếu khi giao tiếp mà người ta chỉ dùng nửa cái tai (half an ear), cái tai điếc (deaf ear) hay cái tai bị nút chặt lại (cloth ear) thì rõ ràng là khả năng nhận thông tin giao tiếp sẽ bị hạn chế. Chính vì thế mà các thành ngữ sử dụng những hình ảnh trên đều mang nghĩa nghe mà không để tâm, chú ý gì cả. Cách nói “ghé sát tai xuống đất” (keep an ear to the ground) nhắc chúng ta về cách người xưa dò xét, phán đoán tình hình vó ngựa quân địch bằng cách áp tai xuống đất nghe ngóng. Như vậy, khi giao tiếp mà người ta “ghé sát tai xuống đất”
hay “nghe bằng cả hai tai” (be all ears) có nghĩa là người nghe rất chăm chú. Nét tương cận giữa miền ý niệm “đôi tai” và miền ý niệm “sự chú ý” trong trường hợp này xuất hiện một cách khá tự nhiên và người học tiếng Anh có thể suy nghĩa tương đối dễ dàng với những thành ngữ như thế này.
Số lượng thành ngữ chứa yếu tố “tai” trong tiếng Anh và tiếng Việt khá tương đương nhau. Tiếng Việt có 31 thành ngữ chứa yếu tố “tai” còn tiếng Anh có 32. Số lượng này không cao nhưng cũng cho chúng ta thấy rằng trong tri nhận của người Việt cũng như người Anh, đôi tai cũng là một bộ phận xử lí tín hiệu từ môi trường ngoài quan trọng. Chính vì vậy mà trong tiếng Việt cũng có khá nhiều thành ngữ chứa yếu tố “tai” có nguồn gốc từ hoán dụ ý niệm “đôi tai biểu trưng cho sự nhận thức” (7 đơn vị, chiếm tỉ lệ 22,58%), chẳng hạn như:
bụng đói tai điếc bưng tai bịt mắt bưng tai giả điếc
nghe tận tai, nhìn tận mắt để ngoài tai
tai nghe mắt thấy tai vách mạch rừng
Khi người ta đói thì các cơ quan khác cũng mệt mỏi và không muốn làm việc. Nói một cách khác thì khi bụng đã đói thì người ta không quan tâm, chú ý đến các nguyên tắc nữa và dễ làm liều. Thành ngữ “bụng đói tai điếc” ngụ ý rằng khi đã đói thì người ta dễ liều lĩnh, bất chấp. Thành ngữ “bưng tai bịt mắt” chỉ những người không chịu quan tâm chú ý đến người khác, ngoảnh mặt làm ngơ trước những khó khăn của người khác hay của tập thể. Đây là thái độ sống ích kỉ, không được ai ưa.
Câu “bưng tai giả điếc” cũng có ý nghĩa tương tự, chỉ thái độ thờ ơ, giả vờ không
biết trước những việc chướng tai gai mắt mà lẽ ra mình phải dẹp bỏ. “Nghe tận tai, nhìn tận mắt” hay “tai nghe mắt thấy” được dùng để nói về những trường hợp mà chúng ta được trực tiếp quan sát hay chứng kiến một sự việc nào đó. Đối với những trường hợp như vậy thì độ tin cậy của thông tin là rất cao. “Tai vách mạch rừng” có thành ngữ tương đương trong rất nhiều ngôn ngữ. Câu này khuyên ta cần cẩn thận lời ăn tiếng nói, nhất là với những chuyện cơ mật cần phải đề phòng người khác nghe lén. Như vậy qua phân tích, chúng ta có thể thấy là hoán dụ ý niệm “đôi tai biểu trưng cho sự nhận thức” xuất hiện nhiều trong cả thành ngữ tiếng Anh lẫn tiếng Việt có chứa yếu tố „tai”.