Hoán dụ ý niệm bao gộp

Một phần của tài liệu Thành ngữ tiếng anh và thành ngữ tiếng việt có yếu tố chỉ bộ phận cơ thể người dưới góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận (Trang 69 - 73)

CHƯƠNG 2: ẨN DỤ Ý NIỆM VÀ HOÁN DỤ Ý NIỆM

2.2 Cấu trúc hoán dụ ý niệm

2.2.3 Hoán dụ ý niệm bao gộp

Ở trên chúng tôi đã trình bày hai loại hoán dụ ý niệm. Hoán dụ ý niệm tuyến tính dựa trên tính kết đoạn liên tục và không có hiện tượng thay đổi hay mở rộng nghĩa.

Hoán dụ ý niệm tiếp hợp dựa trên tính kết đoạn tiếp hợp và có hiện tượng thay đổi ngữ nghĩa về mặt hệ thống. Ngoài hai loại này các nhà ngữ nghĩa học tri nhận còn đề cập đến loại thứ ba thường được hiểu theo nghĩa hàm ẩn. Chính vì đặc điểm này mà loại hoán dụ ý niệm thứ ba này còn được coi là trường hợp giao thoa giữa ẩn dụ và hoán dụ (metaphonymy). Một câu hỏi quan trọng đặt ra ở đây là tại sao hoán dụ và nghĩa hàm ẩn có thể đi kèm với nhau được. Tại sao và khi nào thì hoán dụ có tính hàm ẩn và khi nào thì không? Trước hết ta hãy xem một ví dụ về loại kết đoạn và hoán dụ thứ ba được gọi là hoán dụ bao gộp:

(3) He‟s got a good head on him. (Hắn có cái đầu tốt) He‟s got a round head on him. (Hắn có cái đầu tròn)

Người Anh sẽ hiểu rằng “have a good head on him” có nghĩa là “thông minh”. Cách hiểu như vậy rõ ràng là hiểu theo nghĩa hàm ẩn chứ không phải nghĩa tường minh.

Bằng chứng là người ta không thể nói “a round head” được. Cách hiểu theo nghĩa hàm ẩn như trên cũng được từ điển Collins COBUILD (Sinclair 1995) [174] đưa vào trong các nghĩa của từ “đầu”:

Head: tâm thế, trí thông minh, tình cảm (chẳng hạn như trong cách diễn đạt

“above one‟s head”, “have a head for”, “keep one‟s head”, “lose one‟s head”

v.v...). Chẳng hạn như trong cách diễn đạt “She has a good head for figures”

( Cô ấy có khả năng tính toán rất tốt) thì head ở đây có nghĩa là xu hướng trí tuệ (aptitude). Tương tự như vậy, trong cách nói “a wise old head” thì “head”

biểu trưng cho kinh nghiệm.

Trong trường hợp (3), người nói sử dụng cách diễn đạt hơi khác đi một chút là

“have a good head on him”. Bằng cách sử dụng thêm cụm từ “on him” phần nghĩa của “head” chỉ một bộ phận cơ thể được diễn đạt mạnh hơn. Thậm chí trong trường hợp sau đây, chúng ta còn thấy phần nghĩa của “head” với ý nghĩa là bộ phận cơ thể còn được thể hiện mạnh hơn nhiều: “He has a good head on his shoulders” (Hắn có một cái đầu tốt trên hai vai). Tuy nhiên chúng ta cũng nhận thấy rằng cách cấu tạo các cụm từ này là chỉ bộ phận cơ thể nhưng thực ra đối tượng sở chỉ lại là khả năng trí tuệ. Khác hẳn với trường hợp hoán dụ liên tục “Different parts of the country don‟t mean the same thing” và hoán dụ tiếp hợp “Tea was a large meal”, trong trường hợp của ví dụ “He‟s got a good head on him”, chúng ta thấy một thực thể vật chất (cái đầu) biểu trưng cho một thực thể tinh thần (khả năng trí tuệ). Khoảng cách giữa hai thực thể này là khá xa nên ta không thể đề cập đến khả năng kết hợp hai thực thể này lại với nhau được. Ở đây chúng ta có thể kết luận rằng đã có sự chuyển biến từ một miền ý niệm cụ thể, vật chất sang một miền ý niệm trừu tượng, tinh thần. Cách diễn đạt như thế rất gần với định nghĩa về trường hợp của ẩn dụ ý niệm.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, chúng tôi chỉ muốn đề cập đến định nghĩa về tính hàm ẩn trong ngôn ngữ. Đây cũng chưa hẳn là một định nghĩa đầy đủ cho khái hiệm

“hàm ẩn” nhưng cũng là một cách tiếp cận khá gần. Câu hỏi lớn đặt ra bây giờ là cái gì đã làm cho nghĩa của từ “đầu” chuyển từ “một bộ phận ở phía trên cơ thể” trở thành “khả năng trí tuệ”. René Dirven (2003) [102] gọi loại kết đoạn thứ ba này là mối quan hệ bao gộp. Thoạt mới xem xét trường hợp này chúng ta thấy quan hệ bao gộp có vẻ giống như quan hệ giữa cái toàn thể và cái bộ phận: khả năng trí tuệ được xem như là một thực thể tồn tại trong bộ não và bộ não nằm ở bên trong đầu.

Tuy nhiên khi xem xét kĩ chúng ta thấy rằng thực sự là có sự khác biệt giữa mối quan hệ liên tục cái toàn thể - cái bộ phận (chẳng hạn như quan hệ giữa “đầu” và

“tóc”) với mối quan hệ bao gộp (quan hệ giữa “đầu” và “bộ não”). Trong mối quan hệ liên tục cái toàn thể - cái bộ phận, cái này có thể thay thế cho cái kia. Chính vì vậy mà chúng ta thấy cả hai cách nói sau đây là tương đương nhau:

- Bà cụ chải mớ tóc bạc.

- Bà cụ chải mái đầu bạc.

Trong trường hợp ở trên chúng ta thấy “tóc” và “đầu” có thể dùng để thay thế lẫn nhau. Thế nhưng mối quan hệ bao gộp thì không đơn giản như vậy. Chính vì thế mà chúng ta có thể nói “Bộ não của nó làm việc chậm chạp quá” nhưng không thể nói

“Hộp sọ của nó làm việc chậm quá”. Nguyên nhân của sự khác biệt này là khi xử lí mối quan hệ liên tục toàn thể - bộ phận, chúng ta xét các thành tố như tóc, đầu trong cùng một miền ý niệm “cơ thể”. Trong trường hợp xử lí mối quan hệ bao gồm như giữa “bộ não” và “hộp sọ”, chúng ta đang xử lí hai miền ý niệm con khác nhau trong cùng một miền ý niệm “con người”. Một miền ý niệm con thuộc phạm trù vật chất và một miền ý niệm con thuộc phạm trù tinh thần. Một khác biệt nữa là trong trường hợp quan hệ bao gộp chúng ta có xu hướng coi các mối quan hệ là một chuỗi các mắt xích có liên quan đến nhau. Trong trường hợp của từ “đầu”, chúng ta có xu hướng liên tưởng đến các yếu tố như “đầu”, “óc”, “chất xám”, “quá trình tư duy”,

“tư tưởng”, “ý nghĩ”, trí thông minh” v.v... Chúng ta cũng cần lưu ý rằng mối quan hệ bao gộp trên trục ngang rất khác với mối quan hệ tiếp hợp cũng ở trên trục này như trong trường hợp các thành tố của hệ thống “quần áo”, “thức ăn”, “đồ gỗ”, “nhà cửa” v.v... Trong các hệ thống trên, cái này không bao gộp cái kia nhưng chúng vẫn kết hợp lại với nhau để tạo thành một chỉnh thể.

Trong chuỗi kết hợp bao gộp, từng thành tố có thể sử dụng riêng rẽ nhưng thường là với một mức độ nghĩa hàm ẩn khác nhau. Trong trường hợp các ví dụ mà Dirven (2003) [102] đưa ra sau đây chúng ta thấy mức độ nghĩa hàm ẩn tăng dần lên:

a. Their brains work about half as fast as ours. (Bộ não của họ chỉ làm việc bằng một nửa của chúng tôi)

b. Jake was even slower-thinking than most. (Jake suy nghĩ chậm nhất trong đám)

c. They have a slow mind. (Tư duy bọn đó chậm chạp)

d. He‟s got a good head on him. (Tên ấy có cái đầu tốt) e. They‟re dead slow. (Bọn nó chậm chạp kinh khủng)

Trong trường hợp (a), “brains” mang nghĩa hoán dụ là “quá trình hay hoạt động tư duy” và nghĩa của nó có mức độ hàm ẩn khá thấp. Trong trường hợp “slow mind” ở trường hợp (c), mức độ hàm ẩn lại tương đối cao vì từ “mind” ở đây không có gợi lên mối liên hệ nào với hoạt động tư duy như trong trường hợp (a) cả. Tương tự như vậy trong trường hợp (d), từ “head‟ chỉ có thể hiểu theo nghĩa hàm ẩn là “khả năng trí tuệ” mặc dù cụm từ “on him” có nhấn mạnh thêm phần nghĩa thực thể vật chất của “head”. Trong trường hợp (e), cụm từ “dead slow” có thể vừa coi là trường hợp hoán dụ vừa coi là trường hợp ẩn dụ. Trong trường hợp “dead slow” biểu trưng cho trí tuệ và khả năng tư duy thì đây là trường hợp hoán dụ. Nhưng nếu sự chậm chạp trong cử chỉ và hành động được chiếu xạ lên khả năng trí tuệ để mang nghĩa “tư duy chậm chạp” thì đây lại là trường hợp ẩn dụ. Chính vì ranh giới giữa ẩn dụ và hoán dụ đôi lúc không rõ ràng nên hoán dụ ý niệm bao gộp còn được xem là trường hợp giao thoa giữa ẩn dụ ý niệm và hoán dụ ý niệm (metaphonymy). Trong phần tổng kết các loại hoán dụ ý niệm khác nhau, Dirven (2003) [102] cũng bàn đến phổ hoán ẩn dụ (metonymy – metaphor continuum). Theo đó, căn cứ vào mức độ hàm ẩn của nghĩa, chúng ta ta lần lượt có các trường hợp sau trên một phổ: hoán dụ ý niệm tuyến tính, hoán dụ ý niệm tiếp hợp, hoán dụ ý niệm bao gộp và ẩn dụ ý niệm.

Tóm lại, từ phần phân tích ở trên chúng ta thấy rằng khi bàn đến tính kết đoạn chúng ta có ba loại kết đoạn khác nhau. Các tổ hợp từ có thể kết hợp với nhau theo quan hệ liên tục, quan hệ tiếp hợp hay quan hệ bao gộp. Chúng ta không chỉ có một loại kết đoạn mà có đến ba loại kết đoạn khác nhau và mỗi loại kết đoạn này ứng với một loại hoán dụ khác nhau. Các loại hoán dụ này khác nhau và bản thân chúng cũng khác với ẩn dụ trong mức độ phức hợp hay về khả năng chuyển nghĩa từ tường minh sang hàm ẩn.

Một phần của tài liệu Thành ngữ tiếng anh và thành ngữ tiếng việt có yếu tố chỉ bộ phận cơ thể người dưới góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận (Trang 69 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(265 trang)