CHƯƠNG 4: HOÁN DỤ Ý NIỆM TRONG THÀNH NGỮ TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT CÓ YẾU TỐ CHỈ BỘ PHẬN CƠ THỂ NGƯỜI
4.1 Bộ phận cơ thể biểu trưng cho con người và đặc điểm tính cách
4.1.5 Hoán dụ ý niệm về đôi tay
Số lượng thành ngữ chứa yếu tố “tay” đứng đầu trong số các thành ngữ tiếng Anh có yếu tố chỉ bộ phận cơ thể người (85 đơn vị). Điều này cho thấy trong cách tri nhận của người Anh, đôi tay có một vị trí vô cùng quan trọng. Chính vì vậy mà hoán dụ ý niệm “đôi tay biểu trưng cho con người và đặc điểm tính cách” xuất hiện với tần số cao. Thống kê của chúng tôi cho thấy có đến 21 (chiếm tỉ lệ 24,71%) thành ngữ tiếng Anh chứa yếu tố tay có liên quan đến hoán dụ ý niệm này. Điển hình là trong thành ngữ “don‟t bite the hand that feeds you” (đừng cắn cái tay đã cho cho mình ăn), tay được dùng để chỉ người. Chúng ta biết rằng khi cho trẻ con hay động vật ăn, ta phải sử dụng đôi tay của mình. Theo lẽ thông thường thì con vật được cho ăn sẽ có tình cảm và trung thành với người đã nuôi nó; con người cũng như vậy. Hành động cắn cái tay đã cho mình ăn có thể coi là hành động phản phúc, vô ơn. Như vậy, hoán dụ ý niệm “tay biểu trưng cho con người” dường như đóng vai trò cầu nối liên kết nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn của thành ngữ lại với nhau và giúp ta suy được nghĩa của thành ngữ này là “phải biết ơn những người đã nâng đỡ và giúp mình”. Một trường hợp khác là thành ngữ “to ask for someone‟s
hand”. Ở đây, tay biểu trưng cho người nào đó được người khác ngỏ lời cầu hôn.
Hoán dụ ý niệm này liên kết nghĩa tường minh của thành ngữ - hành động xin được nắm tay người khác – và nghĩa hàm ẩn “xin một người phụ nữ chấp nhận trở thành vợ của mình”. Trong trường hợp này, chúng ta cũng thấy vai trò của tri thức qui ước bởi lẽ thành ngữ này gợi lên hình ảnh một chàng trai cầu hôn một cô gái và khi làm việc này thì nắm tay là việc không thể thiếu. Hành động nắm tay này theo một số nhà nghiên cứu có nguồn gốc từ những đám cưới truyền thống của đạo Thiên chúa.
Trong nghi thức tổ chức lễ cưới, tay của cô gái sẽ được linh mục đặt lên tay của người chồng sắp cưới. Một trường hợp khác nữa có thể nêu ra ở đây là thành ngữ
“to be someone‟s right-hand man” có nghĩa là “làm một trụ cột, người giúp đỡ chính của ai đó”. Ngoài các trường hợp trên, chúng ta cũng còn tìm được nhiều ví dụ khác trong thành ngữ tiếng Anh như:
There's plenty more tidying to do if you've finished the bedroom. The devil finds work for idle hands [Quỷ sứ tìm việc cho những đôi tay nhàn rỗi]. (Nếu cô đã dọn xong phòng ngủ rồi thì vẫn còn nhiều thứ cần lau chùi. Nhàn cư vi bất thiện).
We've got to get all this cleared up before they arrive so it's all hands on deck [tất cả tay đều lên boong tàu]. (Chúng ta phải dọn sạch sẽ mọi thứ trước khi họ đến nên tất cả đều phải góp tay).
The hotel has changed hands [đổi tay] twice since 2002. (Khách sạn đã đổi chủ hai lần từ năm 2002).
He's what this troubled club needs, a good, solid manager, a safe pair of hands [một đôi tay an toàn]. (Anh ta đúng là người câu lạc bộ đang gặp khó khăn này cần: một tay quản lý chắc chắn, cứng rắn và giỏi giang).
You should get Ann to have a look at that. She's a dab hand [một cái tay khéo] at getting stains out of clothes. (Cô nên nhờ Ann thử xem. Nó rất giỏi chuyện tẩy vết bẩn ở quần áo).
She's an old hand at [một cái tay già] magazines, having trained on Cosmopolitan before editing Company. (Bà ta là một tay làm tạp chí rất kinh nghiệm, được đào tạo ở Cosmopolitan trước khi biên tập tờ Company).
Trong các ví dụ trên, ta có thể thấy rằng miền ý niệm “tay” hay “bàn tay” đã được sử dụng để đại diện cho toàn bộ tổ hợp miền ý niệm con người. Nét tương cận giữa chúng xuất hiện một cách tự nhiên bởi vì trong các thành ngữ đó người Anh luôn hiểu “tay” chính là “con người”.
Qua quá trình khảo sát thành ngữ tiếng Việt, chúng tôi cũng xác định được một số thành ngữ có chứa yếu tố tay với hoán dụ ý niệm “tay biểu trưng cho con người và đặc điểm tính cách” như:
chân lấm tay bùn chân yếu tay mềm hai bàn tay trắng ném đá giấu tay
tay dùi đục, chân bàn chổi tay ống sậy, chân ống đồng tay que dẻ, chân vòng kiềng tay chèo tay lái
tay dao tay thớt tay nem tay chạo tay năm tay mười
Thành ngữ “chân yếu tay mềm” thường được dùng để chỉ phụ nữ. Với dáng dấp mảnh khảnh, thân hình ốm yếu, phụ nữ được xem là phái yếu và thường không đảm đương những công việc nặng nề.
Câu “chân lấm tay bùn” xuất phát từ thực tế sản xuất nông nghiệp lúa nước ở Việt Nam. Ai làm nghề nông thì lúc nào tay chân cũng lấm lem vì phải làm việc không ngớt, hết việc nọ lại việc kia. Từ thực tế đó, thành ngữ “chân lấm tay bùn” chỉ những người lao động nông nghiệp luôn luôn vất vả. “Hai bàn tay trắng” được dùng để nói đến những người nghèo khổ, không có tài sản.
Hạng người “ném đá giấu tay” là loại người chủ tâm làm điều ác nhưng lại hèn hạ không dám ra mặt. Đối với thành ngữ “tay chèo tay lái” chúng ta biết rằng việc chèo và lái một con thuyền thường do hai người làm. Người mà gánh cả hai công việc cùng một lúc như vậy là người ở trong cái thế ngặt nghèo phải ôm đồm công việc giải quyết một mình. Ngụ ý câu này chỉ những người giỏi giang một mình lo hết được mọi việc lớn bé một cách chu toàn.
Tương tự như vậy, các thành ngữ “tay dao tay thớt”, “tay nem tay chạo” và “tay năm tay mười” đều chỉ những người tháo vát, giỏi giang, năng nổ, có đủ tài quán xuyến mọi việc.
Các thành ngữ “tay ống sậy, chân ống đồng”, “tay que dẻ, chân vòng kiềng” và “tay dùi đục chân bàn chổi” đều mượn những hình ảnh tự nhiên để mô tả ngoại hình con người. Ống sậy vốn rất mảnh và dài; ống đồng hay ống tre cũng rất khẳng khiu. Vì vậy người mà “tay ống sậy, chân ống đồng” là người ốm yếu, mảnh khảnh. Que dẻ vốn là một thanh tre mỏng manh dùng để gạt tro bếp. Kiềng bếp có dáng cong vòng.
Hai hình ảnh này được dùng trong thành ngữ “tay que dẻ, chân vòng kiềng” để miêu tả những người gầy ốm xấu tướng. Tương tự như vậy, người mà “tay dùi đục, chân bàn chổi” là người có dáng thô kệch, xấu xí.
Qua các thành ngữ trên, chúng ta thấy rằng hoán dụ ý niệm “tay biểu trưng cho con người” cũng xuất hiện khá nhiều và được sử dụng để nói về cả ngoại hình, tính cách
và kĩ năng của con người. Tuy thành ngữ tiếng Việt chứa yếu tố tay chưa phải là nhóm thành ngữ chiếm số lượng nhiều nhất nhưng chúng cũng chiếm số lượng đáng kể (91 đơn vị), chỉ đứng sau thành ngữ chứa yếu tố “mặt” và “mắt”. Nếu so sánh với lớp thành ngữ tương ứng tiếng Anh thì tính tương cận giữa miền ý niệm “tay”
và tổ hợp miền ý niệm “con người” trong thành ngữ tiếng Việt mờ nhạt hơn và do đó mà tính hàm ẩn của thành ngữ cũng tăng lên.