Các quá trình tri nhận cơ bản trong bộ não người

Một phần của tài liệu Thành ngữ tiếng anh và thành ngữ tiếng việt có yếu tố chỉ bộ phận cơ thể người dưới góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận (Trang 30 - 34)

CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ LUẬN

1.3 Các quá trình tri nhận cơ bản trong bộ não người

Con người thường dựa vào một số quá trình tri nhận cơ bản để lĩnh hội, sắp xếp, lưu trữ và xử lí thông tin. Trong các quá trình này, bộ não con người không giống như một cái hộp chứa đựng các ý tưởng và khái niệm mà là một mạng lưới phức tạp được tạo lập, chỉnh sửa rồi thay đổi nhiều lần. Quan điểm xem hoạt động tri nhận của con người như một mạng lưới phức tạp gần đây được các nhà tâm lí học và sinh lí học thần kinh thừa nhận. Theo đó thì thông tin trong bộ não người được truyền đi, lưu lại hay xử lí nhờ những tập hợp tế bào thần kinh và những tập hợp tế bào thần kinh này lại là những nốt mạng con của một hệ thống mạng lưới lớn hơn. Những

mạng lưới này chứa đựng hàng tỉ nốt mạng và liên hệ chằng chịt lẫn nhau thông qua các mạng dây thần kinh. Hoạt động tư duy của con người có được là nhờ mối liên hệ, tác động và ảnh hưởng liên tục lẫn nhau của các nốt mạng này. Nói một cách khác thì tri thức được sinh ra từ quá trình tương tác lẫn nhau trong hệ thống các nốt và dây thần kinh. Các nhà ngôn ngữ học tri nhận đã vận dụng quan điểm hệ thống mạng tương tác lẫn nhau của hệ thần kinh để giải thích các quá trình tri nhận, trong đó bao gồm cả hoạt động ngôn ngữ.

Dựa trên quan điểm trên về hoạt động tư duy của con người, Langacker (1987:100) [141] đã coi trải nghiệm tinh thần (mental experience) của mỗi người là một tập hợp vô số những dữ kiện tri nhận tạm thời hay cố định. Một dữ kiện, theo quan điểm của Langacker, có thể là bất kì kết quả nào của quá trình vận hành hệ thần kinh. Đó có thể chỉ đơn thuần là một kích thích ở một nơron thần kinh hoặc cũng có thể là loạt các tín hiệu thần kinh được truyền đi ào ạt trên qui mô lớn. Để hệ thống hóa được những trải nghiệm tinh thần này, các dữ kiện tri nhận cần phải được sắp xếp một cách trật tự. Langacker gọi quá trình sắp xếp lại các dữ kiện tri nhận như vậy là quá trình củng cố (entrenchment). Trong quá trình củng cố ấy các dữ kiện có thể được điều chỉnh, thay đổi hoặc củng cố thêm. Để hoạt động tri nhận đạt được kết quả thì những dữ kiện thu được không chỉ được điều chỉnh hay củng cố thêm mà còn phải kết nối với nhau để tạo thành những tiểu hệ thống (substructure).

Quá trình so sánh giúp con người có thể đo lường một dữ kiện phức tạp này với một dữ kiện khác và tìm ra được những nét tương đồng và dị biệt giữa các tiểu hệ thống và cả bên trong mỗi tiểu hệ thống nữa. Quá trình so sánh các dữ kiện tri nhận có vai trò rất quan trọng trong hoạt động nhận thức của con người bởi vì nhờ quá trình này mà chúng ta thiết lập được ranh giới giữa các sự kiện hay nói cách khác là nhờ nó mà con người có khả năng phân chia hiện thực khách quan (Langacker 1987:101) [141].

Nếu quá trình củng cố, kết nối và so sánh dữ kiện giúp con người tạo được những biểu trưng tinh thần (mental representation) rõ ràng và có độ phức tạp cao thì quá

trình trừu tượng hóa cho phép chung ta cảm nhận được các biểu tượng tinh thần ấy ở nhiều cấp độ khác nhau. Để minh họa cho điều này, Langacker (1998:5, dẫn theo Langlotz 2006) [145] có đưa ra ví dụ sau để cho thấy rằng cùng một dữ kiện có thể có những mức độ xử lí khác nhau:

1. This black silk Armani shirt costs 2000$ (Chiếc áo sơ mi đen Armani này giá 2000 đô la)

2. This shirt is very expensive (Chiếc áo sơ mi này đắt tiền) 3. The thing is expensive (Vật này đắt tiền)

Ví dụ trên cho thấy con người có thể rút ra những lược đồ (schemas) từ những dữ kiện tri nhận cụ thể tùy theo khả năng lược đồ hóa (schematicity) của dữ kiện đó đến mức nào. Theo định nghĩa của Langacker [141] thì lược đồ có thể xem là một mạng tinh thần cao cấp rất phức tạp được xây dựng từ những dữ kiện cụ thể. Trong ba câu ví dụ trên thì câu thứ ba được Langacker xem là lược đồ được tạo ra từ câu thứ nhất và câu thứ hai. Các lược đồ có vai trò quan trọng đối với việc tổ chức và diễn giải những dữ kiện con người thu thập được. Các lược đồ có thể được phóng chiếu (projected) lên các cấu trúc tinh thần ít phức tạp hơn để từ đó tổ chức lại những cấu trúc này thành một cấu trúc tinh thần khác. Chẳng hạn như khi nhìn nhận một cách khách quan thì người ta sẽ thấy ba đường gấp khúc ở hình bên cạnh chẳng có mối liên hệ nào với nhau.

Nhưng bộ não của chúng ta lại có xu hướng tổ chức lại những dữ kiện thu được từ quá trình tri nhận thành một cấu trúc có nghĩa nên chúng ta vô thức kết nối cả ba đường gấp khúc này lại với nhau và tri nhận nó là chỉnh thể có nghĩa: một hình tam

giác. Quá trình tri nhận này có thể được lí giải nhờ các quá trình tri nhận đề cập đến ở trên. Việc tri nhận từng phần của hình ảnh mang lại cho chúng ta ba đường gấp khúc tách rời nhau. Để tổ chức lại các dữ kiện hình ảnh này, một cấu trúc tinh thần được tạo ra trên cơ sở quá trình củng cố và tương tác giữa các dữ kiện. Cấu trúc tinh

thần mới này được Langacker (1987) [141] gọi là tiêu chí và nó được sử dụng để đánh giá kinh nghiệm vừa mới được tạo. Lược đồ hình ảnh về tam giác trên chứa một tiêu chí như vậy. Do quá trình tổng hợp tất cả các đường gấp khúc tạo nên một cấu trúc nằm trong lược đồ hình ảnh về tam giác nên lược đồ này được kích hoạt.

Khi nhìn tổng thể ba đường gấp khúc thì lược đồ về các đường gấp khúc này kết nối với nhau và làm cho ta tri nhận được nó là một tam giác. Dựa trên mô tả này, Langacker [141] đưa ra một quá trình nữa trong hoạt động tri nhận là quá trình phóng chiếu (projection). Phóng chiếu là quá trình tổng hợp trong đó một tiêu chí đã được củng cố S (entrenched standard) chiếu lên một đích tri nhận T (cognitive target). Quá trình phóng chiếu này chỉ diễn ra khi tiêu chí S được kích hoạt dựa trên cơ sở các tiểu hệ thống gắn liền với cả S và T. Việc phóng chiếu các lược đồ để phân nhóm các đích tri nhận chính là một phần quan trọng của quá trình phạm trù hóa (categorisation). Thông qua quá trình phạm trù hóa, dữ kiện được tổ chức thành những nhóm có các điểm giống nhau bằng cách loại bớt các dị biệt riêng lẻ. Phương pháp tiếp cận quá trình phạm trù hóa của Langacker đã tổng hợp cả quan điểm của lí thuyết điển dạng (prototype theory) và các mô hình phân loại truyền thống. Mô hình mà Langacker đưa ra dựa trên hai mối liên hệ phạm trù tuy tách rời nhưng có liên quan với nhau là quá trình phạm trù hóa thông qua lược đồ (categorisation by schema) và quá trình phạm trù hóa thông qua điển dạng (categorisation by prototype).

Như vậy, theo quan điểm của ngôn ngữ học tri nhận trong bộ não của con người cùng lúc diễn ra các hoạt động tri nhận phức tạp. Việc hình thành tri thức của con người là một quá trình tổng hợp nhiều giai đoạn nối tiếp nhau như củng cố, kết nối, so sánh, trừu tượng hóa và phóng chiếu. Thông qua các quá trình này mà dữ kiện từ môi trường xung quanh được chuyển thành tri thức của con người. Một khi các dữ kiện này đi vào ngôn ngữ chúng được cô lập hóa thông qua các hoạt động tư duy mà chúng tôi sẽ phân tích ở các phần sau.

Một phần của tài liệu Thành ngữ tiếng anh và thành ngữ tiếng việt có yếu tố chỉ bộ phận cơ thể người dưới góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận (Trang 30 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(265 trang)