CHƯƠNG 2: ẨN DỤ Ý NIỆM VÀ HOÁN DỤ Ý NIỆM
2.4 Thành ngữ chứa yếu tố chỉ bộ phận cơ thể người từ góc nhìn ẩn dụ ý niệm và hoán dụ ý niệm
2.4.2 Vai trò của ẩn dụ ý niệm
Theo phân tích của các nhà ngôn ngữ học tri nhận thì ẩn dụ được định nghĩa là một công cụ mà thông qua nó những trải nghiệm mơ hồ của con người được ý niệm hóa dựa trên những trải nghiệm cụ thể hơn. Lakoff (1987) [135] cho rằng khá nhiều trải nghiệm của chúng ta được tạo thành theo phương thức ẩn dụ thông qua một số
lượng hữu hạn các lược đồ hình ảnh, ví dụ như lược đồ hình ảnh về sự chứa đựng.
Lược đồ hình ảnh này được tạo ra bởi một vật chứa đựng có phía trong, phía ngoài và được xét trong một không gian ba chiều. Qua quá trình khảo sát, Lakoff đã phát hiện ra rằng lược đồ hình ảnh về sự chứa đựng được áp dụng theo phương thức ẩn dụ đối với một số lượng lớn các phạm trù ý niệm phi không gian. Chẳng hạn như trong phạm trù ngôn ngữ, tình cảm vốn có tính phi không gian nhưng vẫn được ý niệm hóa thành vật chứa đựng như trong ngữ “empty words” hoặc “to be in love”
của tiếng Anh. Một ví dụ khác là lược đồ hình ảnh về hành trình di chuyển được dùng để ý niệm hóa cuộc đời như trong câu “We are going around in circles” (Cuộc sống của chúng ta nối tiếp theo vòng tròn). Ngoài ra phương hướng trước sau cũng là một lược đồ hình ảnh được áp dụng đối với cơ thể người. Lược đồ hình ảnh trước sau có thể tìm thấy trong cách ý niệm hóa thời gian trong nhiều ngôn ngữ. Chẳng hạn trong tiếng Việt, chúng ta cũng ý niệm hóa tương lai là cái nằm ở phía trước trong cách nói “hướng đến tương lai”, “vươn đến tương lai” và ý niệm quá khứ là cái ở phía sau “nhìn lại quá khứ”, “quay về với quá khứ”.
Như đã trình bày ở trên, phép ẩn dụ có ảnh hưởng quan trọng đối với thành ngữ "to spill the beans". Hình ảnh nguồn và nghĩa ẩn dụ đều có chung ý niệm "từ trong ra ngoài". Điều này tạo điều kiện cho phép ẩn dụ hoạt động như một cầu nối giữa miền ý niệm nguồn và miền ý niệm đích. Khi khảo sát thêm những thành ngữ khác trong tiếng Anh chúng tôi nhận thấy rằng một số thành ngữ khác như "to let the cat out of the bag" hay "to come out of the closet" cũng có nghĩa tương tự như thành ngữ "to spill the beans" (làm lộ bí mật) và cũng bắt nguồn từ ý niệm ẩn dụ "từ bên trong ra bên ngoài". Điều này cho phép chúng ta kết luận rằng những thành ngữ này rất giống nhau ở cấp độ ý niệm. Nói một cách khác chính ý niệm là cái tạo ra nhiều cách biểu đạt khác nhau thông qua các hoạt động ẩn dụ. Chúng ta càng có cơ sở để khẳng định những điều này khi xem xét các thành ngữ trái nghĩa với nhóm thành ngữ trên như: "button one's lips" (ngậm miệng), "keep something under one's hat"
(giữ chặt trong mũ), "stay in the closet" (để yên trong kho) v.v... Những thành ngữ trái nghĩa này cũng bắt nguồn từ một ý niệm ngược lại: những điều bí mật sẽ không
bị lọt ra ngoài nếu chúng ta có cái gì đó để giữ nó ở bên trong, nói cách khác là giữ im lặng.
Tương tự như vậy, phép ẩn dụ ý niệm khi được xem xét ở cấp độ cơ bản nhất chính là cơ sở tạo nghĩa cho nhiều cách biểu đạt mang tính thành ngữ. Ví dụ như thành ngữ "to let off steam" có thể tách ra thành hai đơn vị cấu thành là "let off" và
"steam". Nghĩa tổng quát của nó có thể hiểu là xả ra hay trút ra cơn giận dữ. Theo như phân tích của Lakoff (1987) [135] và Kovecses (2002) [127] thì sự giận dữ thường được hiểu theo phương thức ẩn dụ như sau "mind is a container" (cái đầu là một vật chứa) và "anger is a hot fluid in a container" (cơn giận dữ là nước nóng ở trong một vật chứa). Trong trường hợp này, việc thiết lập quan hệ giữa nghĩa tường minh của "steam" (hơi nước) và nghĩa hàm ẩn "anger" (sự giận dữ) hoàn toàn có thể hiểu được cả về thực nghiệm lẫn tri nhận bởi vì hơi nước có sức mạnh - có thể chuyển động động cơ. "Steam" được xem là hơi nước đun nóng và việc xả hơi nước nóng thể hiện cơ giận dữ đang dần dần nguội đi.
Các ẩn dụ ý niệm "đầu là một vật chứa " và "cơn giận dữ là nước nóng trong vật chứa" còn là cơ sở ý niệm cho nhiều thành ngữ khác có liên quan đến sự giận dữ trong tiếng Anh như "to blow one's stack", "to flip one's lid" và "to raise the roof"
(giận sôi lên). Các thành ngữ này đều được tạo thành từ cùng một hình ảnh nguồn và tri thức qui ước. Theo quan điểm của Gibbs (1997) [115] thì phép ẩn dụ ý niệm có cơ sở tâm lí từ thực tiễn cuộc sống và là cơ sở cho nhiều thành ngữ. Để kiểm chứng cho lập luận của mình, hai tác giả đã thực hiện một số thí nghiệm với người bản xứ nói tiếng Anh và phát hiện ra rằng các thành ngữ tiếng Anh có liên quan đến việc biểu đạt sự giận dữ có sự thống nhất cao về hình ảnh tri nhận như sau:
- biểu đạt cơn giận dữ: "to blow one's stack", "to flip one's lid", "to hit the ceiling"
- biểu đạt sự kiềm chế: "crack the whip", "lay down the law", "call the shots", "call the tunes"
- biểu đạt sự tiết lộ: "spill the beans", "let the cat out of the bag", "blow the whistle"
- biểu đạt việc giữ bí mật: "keep it under one's hat", "button one's lips", "hold one's tongue".
Gibbs (1997) [115] lí giải sự thống nhất trong các thành ngữ liên quan đến sự giận dữ như sau: "Khi hình dung ra thành ngữ chỉ sự giận dữ, người ta hiểu rằng sự căng thẳng hay giận dữ là tác nhân dẫn đến hành động. Khi cơn giận dữ hay sự căng thẳng này tăng lên thì chúng ta khó lòng kiểm soát và có thể bộc phát ra một cách vô tình (như hình ảnh làm bật tung nắp đậy ra "blow the stack"). Một khi cơn giận dữ đã được xả ra (nắp đậy bị bật ra trong thành ngữ "to flip the lid", trần nhà bị đập trúng trong thành ngữ "to hit the ceiling" và những vật cản bị thổi bay trong thành ngữ "to blow the stack" thì không thể làm gì khác đi được.” Mỗi một hình ảnh trong những thành ngữ này đều dựa trên ý niệm của chúng ta về nước nóng làm tăng áp suất và thoát ra khỏi vật chứa. Chúng ta có thể thấy rằng quá trình thiết lập quan hệ ẩn dụ từ ý niệm nguồn (ví dụ nước nóng trong một vật chứa) sang ý niệm đích (ví dụ trạng thái tức giận) chính là cơ sở để chúng ta có chung các hình ảnh tâm lý và tri thức cụ thể của chúng ta về những hình ảnh tâm lý này tạo ra nhiều thành ngữ khác nhau về sự giận dữ.
Qua phần phân tích ở trên chúng ta có thể thấy rằng phép ẩn dụ quả thật đóng vai trò nền tảng để tạo nên các biểu đạt thành ngữ. Chính vì thế có thể nói rằng phép ẩn dụ ý niệm đóng vai trò là cơ sở cho việc tìm hiểu nghĩa hàm ẩn của thành ngữ.
Chính ẩn dụ ý niệm giúp cho người nói và người nghe cùng sử dụng chung hình ảnh tâm lý và hiểu nghĩa thành ngữ theo cách thống nhất cho cả hai bên.