Tiếp cận xu hướng phát triển của báo chí trên điện thoại di động

Một phần của tài liệu Luận án TS BCH - Báo chí trên điện thoại di động tại Việt Nam hiện nay (Trang 33 - 36)

Chương 1 TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VỀ BÁO CHÍ TRÊN ĐIỆN THOẠI DI

1.2. Tình hình nghiên cứu ở Việt Nam

1.2.4. Tiếp cận xu hướng phát triển của báo chí trên điện thoại di động

Một trong những công trình đã tập hợp và khảo sát tương đối đầy đủ về những xu hướng báo chí di động tại Việt Nam là Đề tài Khoa học Nghiên cứu xu hướng phát triển báo di động (mobile news) và đề xuất hướng tiếp cận cho báo điện tử Infonet, do Nguyễn Văn Bá (2015) làm chủ nhiệm. Công trình này đã khái quát hóa các xu hướng báo chí trong tương lai ở Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến dạng báo chí di động với các đặc điểm: nội dung nhỏ gọn, thời sự, hình thức trực quan, sinh động, cách phân bố thông tin cá nhân tích cực, chủ động và hầu khắp các tờ báo lớn ở Việt Nam sẽ có bộ phận phát triển báo chí di động trong thời gian gần.

Chính sự phát triển của công nghệ, trong đó công nghệ thông tin là hàng đầu đã đẩy đến một xu thế mới, các tờ báo phải có phiên bản báo chí trên các thiết bị di động, phải tạo ra một loại hình mới, một nội dung và công chúng mới. Cho nên, có thể khẳng định rằng, trong tương lai, các tờ báo lớn của Việt Nam như VTV News, Tuổi trẻ online, Vietnamplus sẽ xây dựng một hình thức mới để phản ánh trên điện thoại di động: nhanh, gọn, nhẹ, nội dung

cá nhân hoá, liên kết với mạng xã hội,… Nguyễn Hoàng Lan Chi (2014) đã khẳng định như trên trong luận văn thạc sĩ báo chí học [16,tr25].

Xu hướng báo chí trên điện thoại di động cũng được Nguyễn Vân Anh (2013) nhắc đến trong bài viết mang tên “Đọc báo qua mobile một trào lưu mới” đăng tải trên báo Saigon Time. Tác giả cho rằng xu hướng cho truyền thông mới, trong đó có báo chí trên điện thoại di động là xu hướng LoSoMo:

“Không giống như trong quá khứ khi mà nội dung và thông điệp được những nhà báo hoặc nhà văn chuyên nghiệp biên soạn, được biên tập kỹ càng trước khi phát hành, ngày nay, người tiêu dùng có thể upload và nhân rộng bất cứ thông điệp/ hoạt động nào thông qua mạng xã hội với tốc độ chóng mặt. Hãy tạm gọi xu hướng này là LoSoMo (Local, Social, Mobile), một thuật ngữ viết tắt khá thức thời trong thời đại tiếp thị số,... Vì vậy, xu hướng LoSoMo được dự báo sẽ trở thành xu hướng phổ biến trong vài năm tới.” [4, tr5]. Ngoài dự báo về xu hướng báo chí, tác giả cũng cho rằng, kỹ thuật truyền thông có phát triển đến mức độ cao đến mấy, thông điệp truyền thông vẫn là điều cốt yếu trong mọi hoạt động truyền thông. “Truyền thông sẽ thăng hoa khi có câu chuyện để kể. Chính thông điệp chứ không phải tổ hợp truyền thông làm sống dậy tinh thần thương hiệu. Công nghệ có thể thay đổi cách ứng xử của những người làm công tác xây dựng thương hiệu/ và người tiêu dùng, nhưng không hề làm giảm đi tầm quan trọng của những thông điệp phù hợp với đối tượng mục tiêu. Công nghệ chỉ làm thay đổi cách kể chuyện mà thôi” [4, tr5].

Ngoài những công trình nghiên cứu có hệ thống của một số tác giả kể trên, những người làm báo, người tham gia công tác sáng tạo tác phẩm và cả những nhà cung cấp dịch vụ truyền thông bằng thiết bị di động cũng có những hướng tiếp cận tìm hiểu về truyền thông bằng điện thoại di động. Đáng chú ý là công trình nghiên cứu khá công phu của Nguyễn Đức An (2015) về “Báo chí Việt Nam trong môi trường tin tức đầy biến động”. Tác giả cho rằng

“Mobile có vai trò kết nối, tích hợp tất cả các hình thức xem, nghe, đọc và

tương tác hai chiều. Chính điều này giúp các phương tiện truyền thông khác cùng phát triển nhất là báo chí. Báo chí sẽ lấy tiêu chuẩn mobile làm nền tảng để phát triển trong tương lai” [4].

Trong “Diễn đàn Mobile maketing toàn cầu” lần đầu tổ chức tại Việt Nam, Trần Thị Lan Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần truyền thông tập trung Mặt Trời Vàng (Goldsun Focus Media) cũng đã phác thảo một diện mạo về truyền thông di động trong bài báo cáo của mình. Theo đó, “với tốc độ tăng rất nhanh về lượng người truy cập internet từ điện thoại hiện nay, mobile news sẽ nhanh chóng trở thành kênh truyền thông số 7 trong tương lai rất gần” [dẫn theo:4]. Cũng với tinh thần xem truyền thông mới, báo chí di động là xu thế tất yếu trong tương lai, Hội thảo “Smartphone với truyền thông hiện đại” do Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) và Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, Thời báo Việt Hàn (TTXVN) phối hợp với báo điện tử Vietnamplus tổ chức vào ngày 14/5/2014 đã đi đến thống nhất: “Bối cảnh xu thế báo chí trên toàn cầu đang thay đổi, xã hội đang chuyển dần sang giai đoạn truyền thông mobile, và báo chí cũng phải chuyển biến cho phù hợp với đối tượng sử dụng và tiếp cận thông tin theo phương thức mới” [dẫn theo: 178].

Trong buổi tọa đàm "Báo chí đang thay đổi: Chiến lược truyền thông cũng đổi thay", được tổ chức tại Hà Nội năm 2015, nhà báo Lê Quốc Minh, tổng biên tập báo Vietnamplus đã có tham luận đánh giá lại những ưu và hạn chế của báo chí Việt Nam và nêu lên thế mạnh của báo chí di động. Ông Minh khẳng định: “Nếu vài năm trước, xu hướng báo chí đa phương tiện hay còn gọi là báo chí hội tụ được coi là hot thì nay xu thế này đã trở nên lạc hậu.

Hiện nay, nói đến báo chí phải là báo chí đa nền tảng...Báo chí đa nền tảng là đọc mọi lúc, mọi nơi với mọi phương tiện trên nền tảng hoặc ứng dụng, điều đó cho phép báo chí di động là lựa chọn tất yếu” [dẫn theo: 17]

Trong bài viết mang tên “Báo trên điện thoại di động - xu hướng tiếp nhận của công chúng hiện đại”, tác giả Phạm Thị Thanh Tịnh (2014) cho

rằng, “báo chí di động tại Việt Nam đang là xu thế bởi nó có những ưu thế vượt trội, như: có thể đo lường, định vị được người dùng, sự tiện ích, cách thể hiện, trình diễn riêng hết sức độc đáo… Hiện nay, đa số các tờ báo lớn trên thế giới đều có thêm kênh di động. Báo di động sẽ trở thành một trào lưu mới”. Và rằng, “xu hướng di động hóa là một hành vi xã hội, chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ công nghệ truyền thông số và văn hóa tiêu dùng của nền kinh tế thị trường hiện nay. Nó làm phong phú thêm môi trường truyền thông, khẳng định vị thế, quyền lực của công chúng báo chí hiện đại và tạo ra xu hướng phát triển mới của báo chí” [101].

Những hướng tiếp cận này tuy chưa toàn diện và chưa có tính hệ thống song những kết quả nghiên cứu đã được công bố đã đem lại nhiều hữu ích cho cả những nhà nghiên cứu, nhà quản lý lẫn nhà cung cấp dịch báo chí di động.

Hơn nữa, ở một khía cạch nào đó, các công trình nghiên cứu đã phác thảo được “chân dung” và xu thế của loại báo mới này tại Việt Nam. Tuy vậy, dưới góc độ hệ thống, những hướng tiếp cận trên chưa có tính liên kết và thống nhất. Tiếp cận một hiện tượng mới đòi hỏi phải từ nhiều hướng khác nhau và hệ thống thành một tổng thể trong khi đó các công trình trên chủ yếu tiếp cận theo hướng phân tách thành các yếu tố, chỉ chú trọng đến vùng nhỏ, do vậy chưa khái quát được trọn vẹn vấn đề về báo chí dành cho điện thoại di động tại Việt Nam. Điểm hạn chế nữa là, các công trình trên cũng chưa hệ thống hóa thành các khái niệm chính xác, thống nhất, các lý thuyết về báo chí trên điện thoại di động có tính nguyên tắc và nguyên lý.

Một phần của tài liệu Luận án TS BCH - Báo chí trên điện thoại di động tại Việt Nam hiện nay (Trang 33 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(222 trang)
w