Báo chí trên điện thoại di động

Một phần của tài liệu Luận án TS BCH - Báo chí trên điện thoại di động tại Việt Nam hiện nay (Trang 46 - 56)

Chương 1 TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VỀ BÁO CHÍ TRÊN ĐIỆN THOẠI DI

2.1. Báo chí, báo chí đa nền tảng, báo chí trên điện thoại di động và công chúng báo chí

2.1.3. Báo chí trên điện thoại di động

Thiết bị di động (mobile device) gồm có điện thoại di động (mobile phone), thiết bị trợ giúp kỹ thuật số cá nhân (PDA- personal digital assistant), máy tính bảng (tablet) và thiết bị di động đa mục đích (iPod Touch) với đặc điểm chung đều là thiết bị di động có thể mang di chuyển được và khả năng kết nối với các nguồn thông tin thiết bị khác nhưng mỗi thiết bị có những tính năng riêng khác biệt.

Điện thoại di động (ĐTDĐ), còn gọi là điện thoại cầm tay, là loại điện thoại kết nối dựa trên sóng điện từ vào mạng viễn thông. Nhờ có kết nối sóng,

mà ĐTDĐ thực hiện trao đổi thông tin khi đang di chuyển. Ngày nay, điện thoại đã phát triển mạnh mẽ và có nhiều thay đổi. Ngoài chức năng thực hiện và nhận cuộc gọi, điện thoại di động còn được tích hợp các chức năng khác như: nhắn tin, duyệt web, nghe nhạc, chụp ảnh, quay phim, xem truyền hình, đọc báo, tương tác... và trở thành một phương tiện quan trọng của con người trong xã hội hiện đại. Theo Marsha Berry trong Creation with Mobile Media, điện thoại di động không chỉ là phương tiện liên lạc mà còn là cách thể hiện bản thân, suy nghĩ và tạo ra và chia sẻ của con người trong một thế giới từng kết nối [110, tr59]. Chính nhờ những thay đổi, phát triển liên tục nhiều tính năng của điện thoại di động đã tác động để hình thành nên một dạng báo chí mới: báo chí di động. Thiết bị di động nói chung, điện thoại di động nói riêng đã trở thành một nền tảng tiếp nhận thông tin báo chí của công chúng một cách hữu hiệu và phổ biến. Loại phương tiện này cũng tác động làm thay đổi phương thức sản xuất sản phẩm của nhà báo và các cơ quan báo chí, làm thay đổi thói quen và nhu cầu hưởng thụ thông tin của công chúng, thúc đẩy xã hội đọc báo và tạo điều kiện để công chúng làm báo.

Tóm lại, điện thoại di động là thiết bị điện tử cầm tay kết nối bằng sóng điện từ để giao tiếp và thực hiện nhiều tác vụ khác nhau như nhắn tin, duyệt web, nghe nhạc, chụp ảnh, quay phim, xem truyền hình, nghe radio, đọc báo, tương tác và xử lý các vấn đề thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin.

Điện thoại di động có thể kết nối liền mạch và đồng bộ hóa dữ liệu với máy tính và các thiết bị khác.

ĐTDĐ có nhiều loại khác nhau như: 1) Dumpphone: thế hệ điện thoại đầu tiên, là những điện thoại hầu như không có các tính năng sử dụng đa phương tiện; có màn hình nhỏ, ít màu sắc, thiếu nhiều tính năng như duyệt email hay lướt web, khả năng kết nối wireless, lưu trữ dữ liệu, camera video mp3 player; không có hệ điều hành di động. 2) Featurephone: các loại điện thoại di động giá rẻ và thiếu các chức năng thông minh, nhưng có nhiều tính

năng ưu việt hơn dumbphone. 3) Smartphone: là một dòng điện thoại di động cao cấp cung cấp rất nhiều các tính năng vượt trội hơn so với các điện thoại thông thường. Nó như là một sự kết hợp giữa các PDA và Feature phone.

Smartphone có khả năng chạy hoàn hảo một hệ điều hành di động như iOs, Windows Phone (Windows mobile), Android, BlackBerry OS, Nokia Symbian,...đặc biệt dạng điện thoại này có thể kết nối với các thiết bị điện tử khác nhau để tương tác và xử lý thông tin. Trong luận án này, khi đề cập về ĐTDĐ luận án chủ yếu tập trung ở dạng điện thoại thế hệ thứ ba, dòng điện thoại Smartphone.

2.1.3.2. Khái niệm báo chí trên điện thoại di động

Trước hết cần phân biệt thuật ngữ “báo chí di động” và “báo chí trên điện thoại di động”. Báo chí di dộng và báo chí trên điện thoại di động được hiểu với nội hàm của hai khái niệm khác nhau, có mối quan hệ đan xen nhau.

Xét về mặt phương tiện, báo chí di động là báo chí đăng phát thông tin trên các thiết bị di động, trong đó có điện thoại di động.

“Báo chí di động” là thuật ngữ dùng để chỉ những hoạt động báo chí trên thiết bị di động, lần đầu tiên được đề cập vào năm 1990 trong báo cáo của James Katz, nhà truyền thông học người Mỹ, về nghiên cứu những tác động của truyền thông đến công chúng. Trong báo cáo này, James Katz đã chỉ ra một loại phương tiện truyền thông mới đang phát triển, đó là báo chí di động, và dự đoán trong tương lai, báo chí di động là phương tiện truyền thông được sử dụng nhiều nhất trong hệ thống các phương tiện truyền thông [123, tr150].

Căn cứ vào phương tiện chuyển tải thông tin, Wolgang Blau cho rằng

“báo in là loại hình được đăng tải trên những tờ báo in, vậy chúng ta nên hiểu báo chí di động là loại hình báo chí được tối ưu hóa cho các thiết bị di động và được tiếp nhận trên các thiết bị đó” [dẫn theo: 39, tr39]. Trong khi đó, Ivo Burum và Stenphe Quinn nhấn mạnh đến tính chất sản xuất, chuyển tải và

tiếp nhận của loại hình đã định nghĩa báo chí di động là “một loại hình truyền tải thông tin hiện đại, theo đó, mọi người sử dụng điện thoại thông minh để sáng tạo và tập hợp các câu chuyện” [dẫn theo: 39, tr40].

Như vậy, báo chí di động là dạng báo chí sử dụng các thiết bị di động để chuyển tải, đăng phát, tiếp nhận hoặc sản xuất sản phẩm báo chí, trong đó, thiết bị di động trong nghĩa vừa nói trên được hiểu là “thiết bị có kích thước nhỏ, phù hợp để cầm tay và có khả năng mang theo bên mình. Một thiết bị cầm tay có thể tích hợp nhiều tiện ích như: nghe, gọi, nhắn tin, đa phương tiện, bình luận, nghe nhạc, quay phim, chụp ảnh, lướt web, đọc báo, đọc sách, xem truyền hình, nghe phát thanh...có thể kể đến một số thiết bị di động như điện thoại di động, máy tính bảng, PDA6 hay E-reader”[56, tr58].

Báo chí trên điện thoại di động (tiếng Anh là “Mobile News”) là báo chí sử dụng điện thoại di động, chủ yếu là điện thoại di động thông minh (smartphone), để chuyển tải, đăng phát, tiếp nhận sản phẩm báo chí. Đây là một nền tảng, một phiên bản của sản phẩm báo chí được đăng phát trên điện thoại di động. Trong thực tiễn hoạt động báo chí hiện nay, báo chí trên điện thoại di động còn được hiểu là báo chí sử dụng điện thoại di động để sản xuất và truyền tải thông tin. Cụ thể: i-sử dụng điện thoại di động để làm báo, tức làm báo bằng điện thoại di động; ii-điện thoại di động trở thành một kênh để chuyển tải thông tin đến công chúng, tức làm báo cho điện thoại di động. Như vậy điện thoại di động không chỉ là phương tiện liên lạc thuần túy mà nó đã trở thành phương tiện truyền thông và hoạt động thông tin của nó đã biến nó thành một dạng báo chí.

Dimmick, J (2004), trong một báo cáo về tình hình sử dụng điện thoại di động để sản xuất, chuyển tải tin tức và tiếp nhận thông tin tại Anh qua 3 kênh truyền hình Channel 4, BBC và ITV News đã cho rằng, báo chí trên điện thoại di động là một loại hình truyền thông mới được hiểu trên 3 góc độ: i) Nội dung do người dùng tạo ra – tài liệu thô chưa được chỉnh sửa do các nhà

báo nghiệp dư gửi đến; ii) Nội dung do nhà báo công dân sản xuất đăng phát - người quản lý báo chí lấy tài liệu của họ cho các nhà quảng bá; iii) Các nhà báo chuyên nghiệp kể câu chuyện bằng video, âm thanh, văn bản, hình ảnh...

bằng điện thoại di động [120, tr19].

Ở Việt Nam những năm gần đây, báo chí trên điện thoại di động đang có chiều hướng phát triển mạnh. Vì vậy, cả lý luận và thực tiễn về báo chí trên điện thoại di động cũng được khá nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu báo chí đề cập. Báo chí trên điện thoại di động ở Việt Nam được gọi với nhiều thuật ngữ khác nhau: “Báo chí mobile”, “Báo chí trên điện thoại di động”...Dù với nhiều tên gọi nhưng dưới góc nhìn chuyên môn, nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu báo chí đều thống nhất nội hàm của thuật ngữ này là để chỉ “báo chí sử dụng điện thoại di động để thông tin, sản xuất, chuyên chở hoặc tiếp nhận các sản phẩm báo chí”[37, tr156].

Thuật ngữ “Báo chí trên điện thoại di động” lần đầu tiên được đề cập ở Việt Nam xuất hiện trong bài viết “Trung Quốc: Đọc báo... qua điện thoại di động” đăng tải ngày 23/7/2004 trên Vietnamnet. Bài báo khẳng định rằng vào đầu tháng 7/2004, người Bắc Kinh đã có thể đọc những tờ báo yêu thích của mình qua màn hình điện thoại di động nhờ dịch vụ nhắn tin MMS, một loại hình đọc báo mới đã ra đời, “báo chí trên điện thoại di động”. Bài báo này còn cho biết hai đơn vị tiền phong trong loại hình báo mới này của Trung Quốc là tờ Tin Tức Phụ Nữ và Công ty hệ thống công nghệ Ehaui (Bắc Kinh) đã đi tiên phong trong việc phục vụ công chúng và hướng đến thu hút khoảng 10.000 người đăng ký loại báo này trong năm 2004. Tiếp sau bài báo đăng trên Vietnamnet, báo Tuổi trẻ online cũng giới thiệu với công chúng Việt Nam về một loại hình báo chí đang phát triển và có hướng kinh doanh hiệu rất hiệu quả, đó là “báo chí trên điện thoại di động” đăng trong bài viết “Đọc báo trên điện thoại di động” ngày 8/8/2005. Bài báo cũng khẳng định “sự tiện lợi của loại báo này là có thể đọc mọi lúc, mọi nơi và không bị hạn chế về thời

gian và không gian như báo truyền thống. Chưa kể loại hình báo này còn giúp tương tác nhanh giữa độc giả với tờ báo, tạo điều kiện cho người đọc cung cấp thông tin cho tờ báo bất cứ khi nào” [dẫn theo: 4, tr5].

Thuật ngữ “Báo chí trên điện thoại di động” cũng được nhắc đến trong bài viết “Báo chí thời truyền thông đa phương tiện” đăng trên báo Lao Động ngày 7/6/2006. Bài báo cho rằng, “báo chí trên điện thoại di động” hay còn gọi là “báo mobile” là hình thức “gửi các bản tin cho bạn đọc qua điện thoại di động” và “hình thức báo chí mới này đang được đánh giá là có tương lai ở Âu - Mỹ trong những năm tới” [dẫn theo: 4, tr5].

Có thể thấy, hầu hết những quan niệm trên đều nhìn báo chí trên điện thoại di động dưới góc độ là phương tiện, là phương thức để chuyển tải, tiếp nhận và sản xuất thông tin. Những quan niệm như vậy chưa đầy đủ và toàn diện khi nhận diện một loại hình, một dạng báo chí. Xem xét báo chí trên điện thoại di động đòi hỏi phải có góc nhìn hệ thống, nghĩa là xem xét dạng báo chí này không chỉ là hình thức, phương thức mà còn cả đặc điểm, tính chất bên trong của nó. Vì thế, chúng tôi cho rằng, báo chí trên điện thoại di động là báo chí sử dụng điện thoại di động như công cụ để sản xuất, tiếp nhận và chuyển tải thông tin. Sản phẩm báo chí trên điện thoại di động có tính độc lập tương đối so với phiên bản các sản phẩm của các loại hình báo chí khác như có hình thức gọn, nhẹ, trực quan, nội dung thông tin thời sự, hấp dẫn, cô đọng, tiết giảm.

2.1.3.3. Đặc điểm báo chí trên điện thoại di động Gắn với tính di động

Điện thoại di động là thiết bị liên lạc và giao tiếp quan trọng của con người trong xã hội hiện đại. Tính chất của điện thoại di động là gắn liền với việc di chuyển của người sử dụng, vì vậy những thông tin được chia sẻ và tiếp nhận trên điện thoại di động cũng không cố định địa điểm và thời gian.

Thông tin của báo chí trên điện thoại di động luôn được tiếp nhận ở dạng “động”, nghĩa là thông tin ấy phải “bám” theo sự di chuyển của người dùng và người dùng cũng chỉ tiếp nhận thông tin khi đang di động. Tính chất này cũng cho thấy điều kiện hoàn cảnh xuất hiện của báo chí trên điện thoại di động cũng khác biệt so với các sản phẩm của các loại hình báo chí truyền thống. Điều đặc biệt là, bối cảnh bên ngoài có ảnh hưởng lớn đến hành vi nhận, phát, chia sẻ thông tin. Nói một cách khác, hành vi tiếp nhận thông tin của công chúng báo chí trên điện thoại di động là tùy thuộc vào từng đối tượng cụ thể. Đối tượng đó ở hoàn cảnh nào, thời gian địa điểm nào sẽ qui định cách tiếp nhận, chia sẻ thông tin và hành vi tiếp nhận thông tin ở hoàn cảnh đó.

Gắn với việc phát hành đa nền tảng

Sản phẩm báo chí và truyền thông ngày nay sử dụng nhiều nền tảng để xuất bản. Martin Lister (2009) cho rằng, “thực tiễn đặt lại mục tiêu, trong đó sản phẩm báo chí phải được chuyên chở và phát tán qua nhiều nền tảng khác nhau, nhất là qua các trang mạng xã hội” [130, tr16]. Báo chí trên điện thoại di động là một dạng của báo chí đa nền tảng. Nền tảng di động là nền tảng quan trọng nhất bên cạnh các nền tảng khác như nền tảng web, nền tảng mạng xã hội hay nền tảng công cộng. Phần lớn nội dung thông tin từ các sản phẩm báo chí đến được với công chúng trong thời đại số đều được nền tảng di động chuyển tải và giới thiệu.

Báo chí trên điện thoại di động thực chất là chiến lược đa nền tảng (multiplatform) của báo chí hiện đại. Tính chất của báo chí trên điện thoại di động là đòi hỏi thông tin phải xuất hiện bất cứ đâu khi có độc giả, và chủ động đưa tin đến với độc giả thay vì cách tiếp cận truyền thống là độc giả tìm đến với thông tin. Thực tế này giúp báo chí trên điện thoại di động đi đúng với báo chí hiện đại: coi độc giả là ưu tiên số 1 (audience-first). Ngoài ra, phát hành đa nền tảng cũng giúp các nguồn đầu tư và các phương thức sử dụng

nguồn lực có hiệu quả, nó cũng giúp các cơ quan báo chí khai thác tối đa tài nguyên của mình trong khi tiết kiệm được chi phí, và phục vụ khán thính giả một cách hiệu quả hơn.

Ngôn ngữ, hình thức thể hiện trực quan, sinh động

Các sản phẩm báo chí đăng phát trên điện thoại di động hoặc tùy biến trên các giao diện thường gọn nhẹ, trực quan, nhiều hình ảnh, ít chữ, bổ sung nhiều video clip, các hình ảnh đồ họa nhằm tăng tính trực quan dễ xem, dễ hiểu. Thực tế cho thấy, mỗi phiên bản báo điện tử trên điện thoại di động đều có cách thiết kế giao diện và sản phẩm khác so với phiên bản gốc ban đầu.

Những sản phẩm của các phiên bản dành cho Desktop, Laptop thường khá cồng kềnh, chữ nhiều, bài viết dài, trong khi đó những bài viết cho báo chí trên điện thoại di động thưởng dung lượng ít, nhiều hình ảnh, thậm chí hình ảnh là ngôn ngữ chính.

Sự chuyển biến từ việc sản xuất tin, bài dưới nội dung số hóa và sự thay đổi thói quen, nhu cầu tiếp nhận thông tin của công chúng đã làm cho sản phẩm báo chí trên điện thoại di động có nhiều điểm khác biệt. Công chúng của báo chí di động đa phần là công chúng trẻ tuổi, nhu cầu thông tin của họ thường là biết nhanh, không cần đi sâu phân tích để hiểu vấn đề. Vì thế, những sản phẩm chí trên điện thoại di động được dịch chuyển từ hình thức chữ viết thành các dạng ngôn ngữ trực quan phù hợp với màn hình điện thoại di động như hình ảnh, video clip hay các dạng đồ họa.

Ngắn gọn, súc tích, tiết giản bớt nội dung và chi tiết

Công chúng báo chí trên điện thoại di động không có nhiều thời gian rãnh rỗi, thời gian tiếp nhận thông tin, chia sẻ hay phản hồi thường tận dụng trong lúc di chuyển, rỗi trong công việc, vì thế họ chỉ lướt qua những thông tin chính có tính chất thiết yếu với nhu cầu cá nhân. Hơn nữa, thiết bị tiếp nhận thông tin là điện thoại di động có màn hình hình nhỏ, từ 4 inch-6inch nên những thông tin phức tạp, bài viết dài sẽ gây khó khăn trong việc tiếp

nhận. Từ đặc điểm này, sản phẩm báo chí trên điện thoại di động phải được tiết giản để trở nên ngắn gọn, cô đọng nhất chỉ tập trung đưa những thông tin nổi bật. Hiện tại, nhiều toà soạn bắt đầu viết nội dung riêng để xuất bản trên phiên bản mobile, hoàn toàn độc lập với bản điện tử và báo giấy. Khi đó, nội dung đăng trên mobile sẽ đơn giản là dòng tin tức ngắn gọn, hấp dẫn nhưng kịp thời.

Thị trường báo chí đang bắt đầu chuyển hướng từ PC (máy tính cá nhân) sang điện thoại di động. Xu thế “Mobile Centric” (phát triển nội dung lấy mobile làm trọng tâm) đã hình thành và nhiều tờ báo đã bắt đầu có các bộ phận sản xuất tin tức cho điện thoại di động. "Báo chí phải gia công lại hình thức nội dung tin tức phù hợp nhất với từng môi trường PC, di động và các loại nền tảng đa dạng khác", Bae Myung-bok, phóng viên Nhật báo Chungang (Hàn Quốc) trong hội thảo "Smartphone với truyền thông hiện đại" do Thông tấn xã Việt Nam tổ chức ngày 14/5 tại Hà Nội đã nhấn mạnh.

Thông tin thời sự, nhanh chóng, nổi bật

Rất dễ nhận ra rằng những thông tin thời sự nhất, quan trọng nhất và nhanh nhất đều xuất hiện sớm nhất trên điện thoại di động. Một số tờ báo lớn có sẵn những phiên bản dành riêng để chuyển tải thông tin trên điện thoại di động và họ ưu tiên đưa thông tin lên thiết bị này trước, sau đó sẽ chuyển sang các nền tảng khác. Một số tờ báo khác trực tiếp thông tin trên các nền tảng khác như mạng xã hội, các trang tin tổng hợp vốn là những địa chỉ người dùng thường xuyên truy cập khi sử dụng điện thoại di động. Vì thế thông tin luôn nóng và cập nhật một cách tức thời qua điện thoại di động.

Mặt khác, tâm thế tiếp nhận thông tin của công chúng báo chí trên điện thoại di động có đặc tính là luôn di chuyển nên việc lựa chọn thông tin thời sự nhất, nổi bật nhất cũng được các nhà sản xuất quan tâm. Điều này cho phép công chúng tiếp cận nhanh, trong khoảng thời gian ngắn nhưng hưởng thụ được những thông tin theo nhu cầu.

Một phần của tài liệu Luận án TS BCH - Báo chí trên điện thoại di động tại Việt Nam hiện nay (Trang 46 - 56)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(222 trang)
w