Chương 1 TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VỀ BÁO CHÍ TRÊN ĐIỆN THOẠI DI
3.2. Nội dung thông tin của sản phẩm báo chí trên điện thoại di động
3.2.1. Lĩnh vực phản ánh
Báo chí trên điện thoại di động tại Việt Nam hiện nay phản ánh nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Những thông tin nóng hổi, hấp dẫn, thời sự được cập nhật thường xuyên, liên tục. Theo số liệu thống kê của chúng tôi,
lĩnh vực phản ánh của báo chí trên điện thoại di động tập trung nhiều nhất vào các đề tài như chính trị-xã hội, giải trí, thời trang và làm đẹp. Cụ thể, lĩnh vực chính trị-xã hội được ưu tiên đưa thông tin nhiều nhất, chiếm 13.9% trong tổng số các lĩnh vực phản ánh, tiếp đến là giải trí (12.1%), thời trang và làm đẹp (10.7%), sức khỏe và giới tính (9.8%), giáo dục (9.5%) (PL4). Biểu đồ tỉ lệ các lĩnh vực phản ánh dưới đây sẽ liệt kê chi tiết hơn các lĩnh vực mà báo chí trên điện thoại di động phản ánh:
Biểu đồ 3.1. Tỉ lệ các lĩnh vực phản ánh của báo chí trên điện thoại di động tại Việt Nam
Nguồn: khảo sát 6/2018 Chính trị-xã hội là lĩnh vực quan trọng của đời sống và cũng là vấn đề được công chúng quan tâm nhiều nhất. Thông tin chính trị- xã hội là các thông tin nóng, thời sự, nhanh nhạy, đa chiều gắn liền với những biến động, thay đổi, là “hơi thở” của cuộc sống. Báo chí luôn là kênh thông tin quan trọng có nhiệm vụ cung cấp những sự kiện, vấn đề thời sự cấp bách đó để đáp ứng nhu cầu chính đáng cho công chúng.
Là một trong những nền tảng quan trọng và thiết yếu, báo chí trên điện thoại di động tập trung cung cấp các thông tin thời sự ở mọi lĩnh vực một cách nhanh nhất, kịp thời nhất, trong đó, lĩnh vực chính trị-xã hội được ưu tiên thông tin với dung lượng lớn. Đó vừa là trách nhiệm vừa là yêu cầu của
mỗi cơ quan báo chí trong quá trình thực hiện các chức năng và trước sức ép cạnh tranh của các phương tiên truyền thông mới khác.
Song song với những thông tin chính trị-xã hội, những thông tin giải trí, thời trang và làm đẹp, sức khỏe và giới tính cũng là lĩnh vực được quan tâm phản ánh nhiều ở phiên bản báo chí trên điện thoại di động. Thống kê 7868 tin, bài của các tờ báo, kênh phát thanh, truyền hình tại Việt Nam có 887, tin, bài, chiếm 12.1%, tập trung phản ánh lĩnh vực giải trí, 846 tin, bài chiếm 10.7% phản ánh lĩnh vực thời trang và làm đẹp, 752 tin, bài, chiếm 9.8% phản ánh thông tin sức khỏe và giới tính (PL4).
Sự xuất hiện không đồng đều giữa các lĩnh vực phản ánh của báo chí trên điện thoại di động tại Việt Nam thể hiện qua việc ưu tiên đăng phát những thông tin chính trị-xã hội, những thông tin giải trí, thời trang, làm đẹp, sức khỏe và giới tính hơn các lĩnh vực khác có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân nổi bậc là từ sự tác động của người dùng. Lĩnh vực nào được người dùng quan tâm đón đọc, chia sẻ, bình luận, tương tác,...thì lĩnh vực đó xuất hiện nhiều trên các báo. Nói một cách khác, nội dung phản ánh của báo chí trên điện thoại di động phụ thuộc vào cách mà người dùng sử dụng nội dung đó như thế nào. Trong 1191 người được hỏi có 567 ý kiến, chiếm 47.6%
lựa chọn tiếp nhận thông tin giải trí (C10.5-PL1), 432 ý kiến, chiếm 36.3%
chọn lĩnh vực thời trang và làm đẹp (C10.8-PL1) và 457 chiếm 38.4% chọn sức khỏe và giới tính để xem, nghe, đọc (C10.9-PL1).
Nhìn chung lĩnh vực phản ánh của báo chí trên điện thoại di động tại Việt Nam hiện nay là phong phú, đa dạng, nhiều phương thức khác nhau. Nội dung không chỉ phụ thuộc vào phóng viên, nhà báo, tòa soạn báo mà còn được tạo lập từ phía người dùng. Chính người dùng là một bộ phận sản xuất ra nội dung qua các hành động chia sẻ, bình luận, đăng tải, thích của họ.
Hình 2.12. Mô hình thể hiện nội dung của các loại hình báo chí truyền thống
Hình 3.3. Mô hình thể hiện nội dung của báo điện tử trên điện thoại di động 3.2.2. Phương thức thể hiện nội dung
Một trong những thay đổi lớn về nội dung thông tin của phiên bản báo chí trên điện thoại di động là xây dựng nhiều nội dung thông tin mang tính cá nhân, tính chuyên biệt để cung cấp thông tin theo nhu cầu cá nhân của người dùng.
Phiên bản mobile của VnExpress đã bắt đầu thay đổi cách tiếp cận công chúng qua các nội dung được chia nhỏ theo nhóm lứa tuổi, nghề nghiệp và khu vực địa lý. Tờ báo đã thiết kế nội dung với nhiều mục mới như Sống trẻ (gồm các chuyên mục dành cho giới trẻ: “Gương mặt trẻ”, “Cộng đồng mạng”, “Sự kiện”), Sống khoẻ (gồm các thông tin chỉ dẫn ở các chuyên mục:
“Mẹ và Bé”, “Dinh dưỡng”, “Khoẻ đẹp”…), Thế giới (gồm các chuyên mục theo khu vực địa lý: “Thế giới quanh ta”, “Người Việt bốn phương”).
VTCnow, VOV1Media tách các tác phẩm trong chương trình thành các tác phẩm tin, bài độc lập và đưa vào chuyên mục để người xem, người nghe dễ tiếp nhận như “Tin tức”, “Xu hướng”, “Sách” (VTCNow), “Radio show,
“Thời sự”, “Thời sự đồng hành”, “Thế giới”, “Nội chính”, “Kinh tế”, “Văn hóa xã hội”, “Khoa học-Công nghệ” (VOV1Media).
Hình 3.4. Cách xây dựng nội dung riêng cho mobile của VTCNow và VOV1Media
Hình 3.5. Các tin, bài được tách rời khỏi chương trình và được biên tập lại của VTCNow (trái) và VOV1Media (phải)
Đây là các chuyên mục với những tác phẩm được sản xuất riêng dành cho phiên bản báo chí trên điện thoại di động. Những tác phẩm trong chuyên mục này thường ngắn gọn, thời sự, nội dung hấp dẫn, gần gũi và tác động. Sự xuất hiện của cách thức sản xuất này là tín hiệu cho thấy các tờ báo, cơ quan báo chí đã bắt đầu hướng đến thực hiện một qui trình sản xuất nội dung độc lập cho báo chí trên điện thoại di động.
Phương thức thể hiện nội dung thứ hai là, xây dựng nhiều chuyên mục, mục trên phiên bản mobile để cung cấp thông tin đa dạng, nhiều lĩnh vực hơn.
Thống kê 4 tờ báo gồm VnExpress, Thanh Niên online, Tuổi Trẻ online, Dân Trí trên phiên bản web và mobile có kết quả như sau:
Bảng 3.1. Thống kê những thay đổi về chuyên mục, nội dung phản ánh của báo chí phiên bản web và phiên bản mobile
Phiên bản web Phiên bản trên mobile
Số lượng chuyên mục 128 135
Số lĩnh vực phản ánh 12 17
Nguồn: Khảo sát ngày 1/7/2018
Bảng thống kê trên cho thấy, chuyên mục và nội dung phản ánh của phiên bản mobile của các tờ báo điện tử đa dạng và phong phú hơn so với phiên bản dành cho web. Sự thay đổi những nội dung phản ánh trên phiên bản mobile thể hiện qua cách tăng dung lượng phản ánh một số lĩnh vực như thông tin chỉ dẫn, giải trí, sức khỏe, giới tính. Bảng thống kê dưới đây là một ví dụ:
Bảng 3.2. Danh mục các chuyên mục trên phiên bản web và phiên bản mobile của báo Dân Trí và báo Tuổi Trẻ online
Báo Dân trí Phiên bản dành
cho web
Phiên bản dành cho mobile
Phiên bản dành cho web
Phiên bản dành cho mobile
Chính trị Chính trị Bất động sản Bất động sản
Thế giới Thế giới Sức khỏe Sức khỏe
Kinh tế Kinh tế # Đọc nhiều
Xã hội Xã hội # Tin mới
Đời sống Đời sống Tin ảnh Tin ảnh
Văn hóa Văn hóa Video Video
Thể thao Thể thao # Chủ đề
Khoa học Khoa học # Tin theo khu vực
Công nghệ Công nghệ Infographics Infographics
Ôtô-Xe máy Ôtô-Xe máy Timeline Timeline
Môi trường Môi trường Tổng hợp #
Du lịch Du lịch Ảnh 360 Ảnh 360
Thị trường Thị trường Mega Story Mega Story
Chuyện lạ Chuyện lạ # Rao vặt
Báo Tuổi Trẻ online Phiên bản dành
cho web
Phiên bản dành cho mobile
Phiên bản dành cho web
Phiên bản dành cho mobile
Chính trị-xã hội Chính trị-xã hội Thể thao Thể thao
Pháp luật Pháp luật Văn hóa Văn hóa
Kinh tế Kinh tế Giải trí Giải trí
Thế giới Thế giới Nhịp sống trẻ Nhịp sống trẻ
Sống khỏe Sống khỏe Nhịp sống số Nhịp sống số
Giáo dục Giáo dục Du lịch Du lịch
iTuyển sinh iTuyển sinh Bạn cần biết Bạn cần biết Thời sự suy
nghĩ
Thời sự suy
nghĩ Giải trí 24h Giải trí 24h
Tiêu điểm Tiêu điểm Đọc nhiều Đọc nhiều
Thư giãn Thư giãn Bạn đọc Bạn đọc
Cơ hội mua sắm
Cơ hội mua
sắm # Thanh toán
# Thế giới xe # Tin nóng 24h
Nguồn: Khảo sát tháng 8/2018
Phương thức thứ ba là, nội dung phản ánh không chỉ đóng khung trong các tin, bài do tòa soạn cung cấp, các phiên bản trên điện thoại di động của một số tờ báo tại Việt Nam đã bắt đầu hướng đến việc hợp tác cùng người dùng xây dựng nội dung. Những chuyên mục như “Tôi viết” (Thanh Niên online), “Bạn đọc” (Tuổi Trẻ online) “Diễn đàn” (Dân Trí), “Làm báo cùng VnExpress”, “Comment nóng”, “Diễn đàn” (VNExpress),..là câu chuyện sinh động về cách sản xuất nội dung như đề cập. Tại đây, công chúng có thể cùng tham gia làm báo với tòa soạn qua việc gửi bài viết, hình ảnh hoặc chia sẻ những suy nghĩ , ý kiến cá nhân về một sự kiện, vấn đề thời sự nào đó một cách dễ dàng, thuận tiện và nhanh chóng.
Phương thức thứ tư là, nội dung trong một số tin, bài của các báo được rút ngắn để phù hợp với tính chất của báo chí trên điện thoại di động. Đáng chú ý nhất là trường hợp của kênh truyền hình VTCNow và VOV1media. Đây là một dạng truyền hình, phát thanh trên điện thoại di động đặc biệt đầu tiên ở Việt Nam. Các nội dung được trình bày gọn, tách ra khỏi chương trình và nhóm thành các chuyên mục. Mạnh nhất của VTCNow và VOV1 media là chuyên mục tin tức được sản xuất theo dạng tin Breaking News rất hiệu quả.
Mặc dù chưa thật sự thay đổi có tính “cách mạng” để phân biệt rõ giữa nội dung thông tin trên điện thoại di động với các thiết bị đầu cuối khác, song trên thực tế, sản xuất tin tức của báo chí Việt Nam đã có một sự chuyển dịch cách làm báo trên web sang mobile khó rõ nét. Sự thay đổi này phần lớn là do nhu cầu thông tin của người dùng và tác động của các phương tiện kỹ thuật.
Đây là một nguyên tắc mà Marshall McLuhan trong hệ hình “Quyết định luận kỹ thuật” đã chỉ ra khi ông cho rằng “phương tiện truyền thông chính là thông điệp, những tác động của phương tiện truyền thông đối với cá nhân hay đối với xã hội phụ thuộc vào sự thay đổi về qui mô mà mỗi kỹ thuật mới tạo ra trong đời sống của chúng ta” và “kỹ thuật là sự nối dài của các giác quan và
hệ thống thần kinh con người, vì thế thay đổi về kỹ thuật có thể dẫn tới những cách thức tri giác và nhận thức mới”[132, tr174].