Chương 1 TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VỀ BÁO CHÍ TRÊN ĐIỆN THOẠI DI
3.5. Chiến lược sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm báo chí trên điện thoại di động tại Việt Nam
3.5.1. Chiến lược sản xuất sản phẩm
Thực tế cho thấy, trong vòng khoảng 10 năm trở lại đây, các thiết bị công nghệ đã phần nào chế định các sản phẩm báo chí. Tuy nhiên, dù công nghệ có tác động mạnh đến đâu cũng chỉ là phương tiện hỗ trợ, nội dung của sản phẩm vẫn là yếu tố quan trọng. Nhiều cơ quan báo chí, nhiều lãnh đạo báo chí khi xây dựng các chiến lược phát triển báo chí trên điện thoại di động ở Việt Nam đều khẳng định là nội dung của sản phẩm là quan trọng nhất:
“chiến lược của báo tôi là phát triển nội dung vì đây là yếu tố quan trọng nhất thu hút người dùng trên điện thoại di động” (PVS-T1.1), “không thể phủ nhận hình thức và công nghệ nhưng nếu một sản phẩm chỉ có hình thức mà nội dung trống rỗng thì không dùng được, báo chúng tôi luôn vạch chiến lược phát triển nội dung lên đầu”(PVS-T1.2), “có những thay đổi nhất định, song sự thu hút và hấp dẫn người dùng vẫn là nội dung, dù nội dung phản ánh của báo chí hiện đại đã khác và cần phải khác với nội dung của báo chí truyền thống”(PVS-T1.3).
Chính tính chất quan trọng của nội dung phản ánh nên những chiến lược phát triển nội dung của các sản phẩm báo chí trên điện thoại di động tại Việt Nam luôn được các báo ưu tiên xây dựng. Trong đó, thúc đẩy sản phẩm phát triển theo các hướng:
1) Khuyến khích phát triển nội dung tập trung vào tính chất “News” và
“Story telling”. Nếu những tin, bài ngắn gọn để dùng cho những nội dung nổi bật, thời sự và được công chúng đón đọc trong thời gian ngắn (News) thì các dạng bài kể chuyện (Story telling) lại quan tâm đến những câu chuyện đời thường, những cảm xúc cá nhân của con người hơn. Nội dung này thường được những độc giả say mê tìm đọc trong thời gian rãnh rỗi. Đây là những hình thức vốn không xa lạ mà các phương tiện truyền thông xã hội đã vận dụng rất hiệu quả để thu hút công chúng. Về cơ bản, đa phần các tác phẩm của báo chí di động sẽ ở dạng ngắn gọn (news), nhưng số tác phẩm còn lại sẽ là những bài viết dài và có chất lượng cực kỳ cao (story). Những tác phẩm có dung lượng và độ dài tầm trung sẽ dần biến mất.
2) Nội dung được sản xuất từ nhiều phía, trong đó chú ý đến yếu tố tương tác. Ngoài những thông tin từ nhà sản xuất (cơ quan báo chí, nhà báo), cách công chúng share (chia sẻ), comment (bình luận), post (đăng trạng thái), like (thích)…đều có thể trở thành nội dung của sản phẩm báo chí trên điện thoại di động. Tận dụng những nguồn thông tin này sẽ tạo được những sản phẩm hay và hấp dẫn.
3) Nội dung ngắn, gọn, mềm hóa để đáp ứng nhu cầu cá nhân của từng người dùng. Đối với nội dung số của báo chí được phân phối trên đa nền tảng, trong đó có nền tảng di động, nhất thiết phải là những dòng thông tin thời sự hoặc những câu chuyện tác động mạnh. Những chương trình kéo dài vài chục phút (phát thanh, truyền hình) phải tháo rời thành tác phẩm, đóng gói theo chuyên mục để người dùng tiện theo dõi. Kết cấu chương trình theo dạng
“chương trình ngăn kéo” được điều chỉnh thành dạng “chương trình Big show” (Tập hợp nhiều nội dung liên quan + Tương tác + Breaking News).
Những đoạn video clip, audio clip, những phát biểu của nhân vật, quan chức,
…ấn tượng được bóc, tách ra thành đoạn nhỏ, gửi trực tiếp đến người dùng hoặc đăng phát trong các chuyên mục, tiểu mục.
4) Thiết kế dạng “content marketing” thay cho dạng “content truth”. Có rất nhiều lý do để báo chí cần phải thay đổi như nhu cầu, thói quen người dùng đã khác, sự tác động của công nghệ, có quá nhiều sản phẩm báo chí hệt nhau trong khi quá ít tờ báo, sản phẩm báo chí dám khác biệt,…Vì thế, dễ hiểu là cách thể hiện nội dung theo dạng “content marketing” là hướng đi hợp lý mà nhiều tờ báo lựa chọn. Hơn nữa, báo chí hiện đại không đơn giản chỉ là sản xuất câu chuyện theo kiểu ai, cái gì, ở đâu, khi nào, mà quan trọng hơn, câu chuyện đó được kể như thế nào. Trong bối cảnh hiện nay, câu chuyện mà báo chí phản ánh phải được nói đến, được kể lại bằng một lối thể hiện mềm dẻo, hấp dẫn, ấn tượng và cảm xúc hơn, kiểu như “content marketing”. Nói một cách khác, “nguyên liệu” sẽ giống nhau cho tất cả sản phẩm còn cách
“đóng gói” sản phẩm quyết định sự lựa chọn của khách hàng.
3.5.1.2. Xây dựng hình thức thể hiện
Trong thời đại công công nghiệp 4.0, hình thức sản phẩm báo chí có vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận thông tin và thu hút người dùng. Xu thế của người đọc hiện đại là xem, nghe nhiều hơn đọc, ưa thích các hình thức đẹp, bắt mắt, trực quan, sinh động, súc tích nhiều thông tin.
Xuất phát từ những yêu cầu trên, các sản phẩm báo chí trên điện thoại di động (bao gồm hình thức trang web và hình thức tác phẩm) cũng được chú trọng thay đổi. Số liệu khảo sát cho thấy, từ 2016 đến 2018, báo Thanh Niên thay đổi 2 lần, báo Tuổi trẻ 3 lần, báo Dân trí 3 lần các giao diện web của tờ báo. Các app đọc báo cũng được cải thiện, thay đổi theo hướng tiện ích, nhiều chức năng, phù hợp với người dùng, cụ thể: VTCNow thay đổi 2 lần, VTVGo 1 lần, Thanh Niên online 1 lần, Dân trí 1 lần. Hình thức tác phẩm báo chí cũng được làm mới, thay đổi đáng kể theo hướng trực quan, hấp dẫn, các thể loại và phương thức thể hiện mới được thử nghiệm và đưa vào sản xuất như các sản phẩm Mega story, Gói tin tức, Rap news, Game news,…
Nhìn chung, chiến lược xây dựng hình thức sản phẩm báo chí trên điện thoại di động tại Việt Nam hiện nay là tập trung vào: (i) giúp sản phẩm có hình thức hấp dẫn, sinh động hơn, (ii) tác phẩm sẽ được thiết kế bằng nhiều yếu tố ngôn ngữ hơn (text, graphic, audio, video, images,..), (iii) có điều kiện để sản xuất các dạng tác phẩm mới như bài ảnh, bài video, bài graphic, megastory, gói tin tức hoặc các hình thức thể hiện như Rap News, Game News,..vốn là những sản phẩm được người dùng ưu tiên tiếp nhận, và (iiii) người dùng sẽ dễ dàng và thuận lợi trong tiếp nhận (mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện).