Chương 1 TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VỀ BÁO CHÍ TRÊN ĐIỆN THOẠI DI
2.2. Hệ hình và lý thuyết tiếp cận nghiên cứu
2.2.1. Hệ hình8 “Quyết định luận kỹ thuật”
Hệ hình Quyết định luận kỹ thuật (Technological determinism) xuất phát từ trường phái Toronto(Canada) vào những năm 60 của thế kỷ XX do
Marshall McLuhan đứng đầu. Hệ hình này cho rằng “kỹ thuật là sự nối dài của các giác quan và hệ thống thần kinh con người, vì thế thay đổi về kỹ thuật có thể dẫn tới những cách thức tri giác và nhận thức mới” [132, tr374].
Marshall McLuhan cho rằng “phương tiện truyền thông chính là thông điệp, những tác động của phương tiện truyền thông đối với cá nhân hay đối với xã hội phụ thuộc vào sự thay đổi về qui mô mà mỗi kỹ thuật mới tạo ra trong đời sống của chúng ta” [132, tr374].
Marshall McLuhan chia xã hội loài người ra 3 giai đoạn chính: 1/ kỷ nguyên truyền khẩu vào thời bộ tộc, khi đó truyền thông chủ yếu được thực hiện bằng lời nói; 2/ kỷ nguyên chữ in với thành tựu vĩ đại là sự ra đời của máy in do Gutenberg sáng chế. Trong giai đoạn này người ta truyền thông bằng phương tiện in ấn; 3/ kỷ nguyên điện tử, xã hội truyền thông dựa trên các phương tiện kỹ thuật viễn thông. Theo Marshall McLuhan nếu in ấn thế kỷ XVI tạo ra chủ nghĩa cá nhân thì các phương tiện truyền thông thính thị thế kỷ XX sẽ làm cho mọi người trên toàn thế giới có cơ hội gần gũi, hiểu nhau, tham gia vào “ngôi nhà chung toàn cầu”.
Quan điểm của Marshall McLuhan tiếp tục được khảng định khi vào những năm của thập kỷ 80 của thế kỷ XX tin học phát triển và Internet xuất hiện trên toàn cầu có ảnh hưởng lớn đến quá trình truyền thông và có khả năng kết nối một thế giới rộng lớn hơn bằng các phương tiện. Bruno Latour trong bài viết Sự kết thúc của phương tiện (2000) khẳng định, kỹ thuật không phải là cái hữu thể, không phải là cái phi hữu thể mà cũng không phải là cái nằm giữa hai khái niệm đó. Kỹ thuật là cái tồn tại, một phương thức tồn tại vì thế nó đóng vai trò quan trọng trong tất cả mọi tình huống” [dẫn theo:120, tr20].
Năm 2005, trong tác phẩm nổi tiếng từng là bestseller, Thế giới phẳng, Thomas Friedman, bình luận viên nổi tiếng của tờ New York Times đã tiếp tục khẳng định tính quyết định của công nghệ đến sự phát triển và đặc tính của
nội dung truyền thông. Theo chiều hướng này, Thomas Friedman, đưa ra 10 nhân tố làm phẳng thế giới, trong số đó yếu tố liên quan và có tính quyết định là máy tính, Internet và các phương tiện truyền thông. Theo ông, chính nhờ sự bùng nổ về công nghệ thông tin mà quá trình toàn cầu hóa phiên bản 3.0 làm cho “các cá nhân từ mọi ngõ ngách của thế giới phẳng đều được trao quyền”
[99, tr157]. Friedman cho rằng, nếu các thông điệp truyền thông đi xa đến đâu phần lớn là do yếu tố quyết định của yếu tố công nghệ, kỹ thuật [99,tr136].
Nhìn chung, hệ hình Quyết định luận kỹ thuật do McLuhan đứng đầu tập trung vào các nội dung cụ thể sau:
1) Loại phương tiện truyền thông được sử dụng để chuyển tải thông điệp cũng quan trọng như chính bản thân thông điệp, và mỗi loại phương tiện truyền thông lại có sức ảnh hưởng riêng đối với người tiếp nhận. Việc lựa chọn phương tiện truyền thông rất quan trọng, bởi vì dù nội dung truyền thông có được thiết kế tốt đến đâu, nhưng nếu không thu hút được đúng đối tượng mục tiêu cần hướng đến thì nó cũng không mang lại nhiều giá trị.
2) Vị trí để đặt tác phẩm truyền thông ở mỗi phương tiện rất quan trọng, muốn truyền thông tốt phải chọn vị trí tốt. Đối với truyền thông in ấn, đó không chỉ là chọn được ấn phẩm phù hợp, mà nó còn liên quan đến việc tác phẩm sẽ được đặt ở vị trí nào trong rất nhiều nội dung khác nhau của ấn phẩm đó. Đối với truyền thông phát sóng, cần lựa chọn thời gian phát sóng và chương trình thích hợp để thu hút nhóm khán thính giả mục tiêu tương ứng.
Và với truyền thông xã hội, cần tìm được đúng kênh truyền thông xã hội để bắt đầu đối thoại.
Hệ hình Quyết định luận kỹ thuật là một gợi mở hướng nghiên cứu cho luận án dưới góc độ tìm hiểu sự tác động của kỹ thuật lên các phương tiện truyền thông mới. Ở đây có thể thấy rằng sự phát triển của công nghệ phần nào đó chi phối nội dung phản ánh của thông tin báo chí và qui định dung lượng, thời lượng, diện tích hay phương thức đưa tin của báo chí. Điện thoại
di động và cùng với nó là các phần mềm ứng dụng đã tạo cho con người nhiều tiện ích lớn. Điện thoại thông minh không chỉ nghe, gọi mà còn thực hiện nhiều dịch vụ khác nhau, đặc biệt là sử dụng để đọc báo, lướt web và tìm kiếm thông tin. Công nghệ phát triển, những thế hệ điện thoại và phần mềm ứng dụng cũng bắt đầu chuyển dịch theo, để đáp ứng nhu cầu thông tin cho công chúng, các nội dung tin, bài cũng phải bắt đầu được viết cho phù với kích cỡ và tâm lý tiếp nhận của công chúng. Các cơ quan báo chí, nhà báo, những người sản xuất sản phẩm báo chí đã bắt đầu nhận thức được rằng, thực tiễn, điện thoại di động đã trở thành một kênh thông tin hiệu quả và số người dùng điện thoại di động để truy cập, đọc báo ngày càng tăng. Vì điều đó các cơ quan, tòa soạn báo đã bắt đầu chuyển hướng sang sản xuất các phiên bản dành riêng cho điện thoại di động. Trong phiên bản này, hình thức và nội dung làm sao cho phù hợp với cách thức và hình thức đưa tin của một loại phương tiện truyền thông mới, điện thoại di động.
Công nghệ ngày càng phát triển và thay đổi liên tục, sự thay đổi này có tác động đến cách làm mới nội dung và hình thức thông tin trên điện thoại di động. Ngược lại, sự thay đổi về nội dung, hình thức sản phẩm thông tin và nhu cầu của công chúng cũng tác động lại làm thúc đẩy sự phát triển của công nghệ. Đây là mối quan hệ biện chứng mà khi nghiên cứu báo chí trên điện thoại di động không thể không thấy được những ảnh hưởng của các yếu tố kỹ thuật đến phương thức và nội dung của thông tin theo thuyết quyết định luận.
Dưới góc độ kỹ thuật- công nghệ để tìm hiểu các cách thức và mối quan hệ giữa điện thoại di động-một phương tiện có công nghệ hiện đại- với nội dung phiên bản báo chí phản ánh trên điện thoại, nhưng luận án chỉ áp dụng quan điểm này theo cách hiểu là sự tác động chứ không phải là sự quyết định của công nghệ. Điều này hợp lý hơn khi nghiên cứu hình thức và nội dung của các phiên bản báo chí trên điện thoại di động.