Chủ động tiếp cận công chúng và tiếp thị nội dung

Một phần của tài liệu Luận án TS BCH - Báo chí trên điện thoại di động tại Việt Nam hiện nay (Trang 211 - 216)

Chương 1 TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VỀ BÁO CHÍ TRÊN ĐIỆN THOẠI DI

4.2. Nhóm các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí trên điện thoại di động

4.2.5. Chủ động tiếp cận công chúng và tiếp thị nội dung

Công chúng vừa là khách hàng vừa là nhà phân phối và sản xuất Thực tế cho thấy, những diễn biến trong thời gian qua của các phương tiện truyền thông mới trên nền tảng công nghệ đã kéo sập vị thế độc quyền hoặc gần như độc quyền về vấn đề sản xuất và cung cấp nội dung mà báo chí truyền thống từng có. Những thông tin nóng nhất nhiều khi không đến từ báo chí chính thống mà từ mạng xã hội. Một blogger trong giới showbiz, một status của người nổi tiếng trên Facebook có khi quy tụ được số người theo dõi nhiều gấp hàng chục lần số lượng phát hành của một tờ báo. Đó là điều mà Mathew Ingram từng gọi trên tạp chí Fortune là “một cuộc tắm máu nhiều cấp độ đối với các hãng truyền thông” [dẫn theo: 93,tr45].

Vậy để tồn tại trong thế giới truyền thông số này, báo chí nói chung và báo chí trên điện thoại di động nói riêng phải có nhiệm vụ là tìm cách tiếp cận công chúng, xem công chúng không chỉ là khách hàng mà còn là một bộ phận cấu thành của quá trình sản xuất. Mặc khác, các cơ quan báo chí cũng cần phải “nuôi dưỡng” và mở rộng bộ phận công chúng của riêng mình, biến họ trở thành những độc giả trung thành. Khi công chúng không có thói quen phải tạo thói quen cho họ, khi công chúng không có nhu cầu phải tạo nhu cầu cho họ. Làm được điều đó, báo chí trên điện thoại di động mới thực sự là loại hình báo chí mới, đủ sức cạnh tranh với các phương tiện truyền thông mới khác.

Tiếp cận công chúng qua các ứng dụng đọc báo tích cực và chủ động

Hầu hết các tờ báo hiện nay đều có các ứng dụng đọc báo riêng và thông tin đã chủ động chuyển đến công chúng theo một qui trình được lập trình sẵn. Phương thức này được gọi “programmatic journalism” (báo chí lập trình) có liên quan mật thiết đến sự phát triển của công nghệ mới. Nói một cách đơn giản thì đây là kiểu báo chí công nghệ sử dụng thuật toán. Các phần mềm tìm hiểu xem người dùng xem nội dung gì, nhấp chuột vào cái gì, chọn

lĩnh vực nào tiếp cận để tự động cung cấp các thông tin theo đúng nhu cầu và thói quen đã được thu thập. Phương thức phát hành sản phẩm này gần như không cần con người tham gia, chỉ cần dữ liệu.

Đây cũng là một hướng tiếp cận công chúng chủ động, hiệu quả và ít tốn kém. Tuy nhiên cách làm này thường diễn ra tự phát, có phần gượng ép và đôi khi dẫn đến hiệu quả ngược khi một bộ phận công chúng xem đây là hình thức “tấn công thông tin”33. Theo chúng tôi, để khắc phục hạn chế này cách làm là xây dựng một kế hoạch tiếp cận cụ thể qua từng giai đoạn: giai đoạn đầu tiên là giai đoạn thăm dò (đo được chỉ số lĩnh vực tiếp cận công chúng) tiếp đến là giai đoạn gợi ý (các ứng dụng chuyển đến người đọc những gợi ý thông tin nên đọc, có ích) và giai đoạn phát tin trực tiếp (cung cấp thông tin thường xuyên của báo đến công chúng). Cách làm này có ưu điểm là công chúng không bị bất ngờ trước các thông tin áp đặt, công chúng dần được dẫn dắt và tạo được tính chủ động, tự quyết nội dung cập nhật.

Xây dựng các nền tảng hỗ trợ từ các trang mạng xã hội

Các tờ báo cần tạo ra các fanpage, tích hợp ứng dụng “social reader”

của Facebook vào website của báo, hoặc đưa nội dung web của báo lên các mạng xã hội để khi có tin nóng, hàng triệu người dùng mạng xã hội sẽ được tiếp cập. Nhà báo, phóng viên cũng có thể tự lập các tài khoản riêng trên mạng xã hội để thông tin các nội dung bài viết của mình và của báo mình đang làm việc. Những đoạn caption, status, tweet về bài viết được đăng tải trên các fanpage của báo hay tài khoản các nhân của nhà báo sẽ là những chỉ dẫn thích hợp cho cộng đồng mạng tìm đến địa chỉ các báo.

Ở Việt Nam, hầu hết các tờ báo đã sử dụng nền tảng mạng xã hội để xuất bản thông tin nhưng thực chất chưa có chiến lược cụ thể. Số lượt xem (pageview) của mỗi tin bài một thời từng được coi là thước đo hiệu quả tin tức, nhưng hiện nay chỉ số tương tác qua mạng xã hội như số lần thích (like), số bình luận (comment) hay số lần được chia sẻ (share) mới thực sự được

quan tâm. Sự tương tác của người xem (engagement) đang trở thành tiêu chí đánh giá chất lượng của bài viết. Bên cạnh lượng truy cập trực tiếp và truy cập từ các trang khác, “số lượng truy cập từ mạng xã hội đang ngày càng trở nên quan trọng đối với các tờ báo. Một bài viết trên báo giờ đây không chỉ nhằm đến độc giả mà còn phải nhằm đến bạn bè của độc giả vì có như vậy thì bài viết mới dễ được chia sẻ và tiếp tục được lan truyền” [107].

Kết nối nhiều phía để xây dựng tác phẩm

Trong môi trường truyền thông số, mỗi nhà báo là một nhà kết nối, mỗi cơ quan báo chí phải là một trung tâm kết nối. Tòa soạn báo, nhà báo là chủ thể hướng dẫn sử dụng công nghệ, cung cấp sản phẩm ban đầu, kết nối với những bạn đọc, biến họ thành cộng tác viên. Tòa soạn báo, nhà báo phải tổ chức cho nhiều người làm báo cùng với mình trong một không gian và thời gian không giới hạn.

Trong bài viết mang tên “Who cares who‟s a journalist?” (Còn ai quan tâm tới ai là nhà báo nữa?) đăng trên tạp chí Columbia Journalism Review, số tháng 12.2014, Elizabeth Spayd đã chỉ ra rằng, báo chí truyền thống ngày một đánh mất bản sắc trong khi đó báo chí trên điện thoại di động ngày một vươn xa hơn. Nhà báo dường như đã đổi khác để theo kịp với xu thế báo chí trên điện thoại di động. Hình như đã không còn nhà báo thuần túy, sáng tạo nội dung thuần túy mà trộn lẫn trong đó là nhà báo, nhà quảng cáo, PR, marketing,... Báo chí giờ đây không còn sáng tạo “content truth” mà phải là

“content marketing”.

Quan niệm của Elizabeth Spayd dĩ nhiên chưa phải là đại diện cho mọi nền báo chí trên thế giới, song phát biểu này cũng cho thấy một sự thật là, đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong phương thức sản xuất sản phẩm báo chí, nhất là báo chí trên điện thoại di động di động.

Tiểu kết chương 4

Trên cơ sở đánh giá thực trạng, những yêu cầu của công chúng, những kết quả nghiên cứu đạt được, luận án đề nghị một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí trên điện thoại di động tại Việt Nam. Trong đó, các nhóm giải pháp chính được đề cập như (i) nhóm giải pháp công nghệ hướng tới đề xuất đầu tư công nghệ phần cứng và phần mềm hiện đại, phù hợp, (ii) nhóm giải pháp quản lý nhằm định hướng phát triển báo chí trên điện thoại di động và xây dựng hành lang pháp lý về nền tảng báo chí này, (iii) nhóm giải pháp đào tạo người làm báo chú trọng đến công tác đào tạo chuyên môn gắn với những hiểu biết công nghệ, (iv) nhóm giải pháp sản xuất sản phẩm tập trung đề xuất các kỹ năng sản xuất nội dung và thiết kế hình thức tác phẩm và (v) nhóm giải pháp tiếp cận công chúng và tiếp thị nội dung đưa ra các khuyến nghị tiếp cận công chúng như là khách hàng mục tiêu.

Những giải pháp trên là những căn cứ có giá trị khoa học được khái quát từ thực tiễn khảo sát có độ tin cậy và những cứ liệu đạt được qua quá trình tìm hiểu nghiên cứu. Vì thế, đây sẽ là những tham khảo quan trọng để báo chí trên điện thoại di động vận dụng vào thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, từ những giải pháp này, các cơ quan báo chí sẽ có cơ sở xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển và định vị giá trị tờ báo, sản phẩm báo chí của mình đối với từng cá nhân người dùng.

Ngoài ra, trong chương này, luận án còn đề cập đến các xu hướng báo chí di động tại Việt Nam sau khi tìm hiểu hiểu, nghiên cứu hệ thống báo chí trong nước và thế giới, các điều kiện, những tác động và ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế-xã hội, khoa học công nghệ, thể chế. Đó là, báo chí trên điện thoại di động được xây dựng thành một phiên bản riêng biệt, độc lập với các phiên bản web và các loại hình báo chí khác; Sản phẩm báo chí trên điện thoại di dộng sẽ được sản xuất từ nhiều phía; Công nghệ dẫn dắt cách thức sản xuất nội dung và phát hành tin tức Thay đổi giao diện, ứng dụng đọc báo và nội dung tạo lập từ AI; Sự hình thành các nhóm công chúng mục tiêu của

báo chí trên ĐTDĐ. Những xu hướng này giúp báo chí trên điện thoại di động tại Việt Nam định hình được vị trí và vị thế của mình ở đâu trên bản đồ báo chí thế giới và trong hệ thống các loại hình báo chí trong nước từ đó có những giải pháp, chiến lược phát triển hợp lý hơn trong tương lai.

Một phần của tài liệu Luận án TS BCH - Báo chí trên điện thoại di động tại Việt Nam hiện nay (Trang 211 - 216)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(222 trang)
w