Phương thức chuyển tải, xuất bản thông tin

Một phần của tài liệu Luận án TS BCH - Báo chí trên điện thoại di động tại Việt Nam hiện nay (Trang 95 - 99)

Chương 1 TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VỀ BÁO CHÍ TRÊN ĐIỆN THOẠI DI

3.1. Phương thức sản xuất và chuyển tải thông tin của báo chí trên điện thoại di động

3.1.2. Phương thức chuyển tải, xuất bản thông tin

Qui trình xuất bản thông tin của báo chí trên điện thoại di động tại Việt Nam được tiến hành song song với qui trình xuất bản trên web. Các tác phẩm báo chí trực tuyến tại các cơ quan báo chí ở Việt Nam khi sản xuất tin, bài đều đưa vào hệ thống CMS và xuất bản online cùng một thời điểm, không có qui trình xuất bản, chuyển tải riêng trên điện thoại di động. Đối với hệ thống kênh thuộc đài truyền hình, phát thanh phát trên Internet thì được phát trực tiếp hoặc lưu file tại địa chỉ website. Riêng đối với VTCnow hay VOV1media thì các tác phẩm tin, bài được sản xuất hoặc biên tập để phát riêng trên điện thoại di động.

Ngoài phương thức chuyển tải, xuất bản tác phẩm phần lớn theo qui trình chung, báo chí trên điện thoại di động còn có các cách chuyển tải thông tin riêng khác với nhiều ưu điểm. Đó là:

1) Xuất bản, chuyển tải thông tin bằng hình thức “mobile reporting”.

Mobile reporting là tường thuật và đưa tin bằng điện thoại di động. Đây là hình thức được sử dụng khá nhiều cho các sự kiện thời sự, đưa tin trực tiếp

đến công chúng. Hầu hết các nhà báo tác nghiệp trong môi trường truyền thông số đều sử dụng điện thoại di động thông minh như là kênh chuyển tải, phát tán thông tin, nhất là các thông tin nóng hổi, hấp dẫn. Dùng điện thoại thông minh để xuất bản hay đưa tin thường được thực hiện qua hai cách:

i-truyền trực tiếp sự kiện từ hiện trường qua các trang mạng xã hội như Livestream của Facebook hoặc qua địa chỉ trực tuyến chính thức của tờ báo.

Hình thức đưa tin này hiện nay đã trở nên phổ biến và có nhiều ưu điểm.

Thông tin được cập nhật đến người dùng cùng lúc với sự kiện diễn ra, công tác xuất bản không tốn quá nhiều thời gian và đặc biệt thu hút được một lượng lớn người dùng truy cập. Ở Việt Nam những sự kiện thời sự gây chú ý cho công chúng như tàu hỏa SE2 tông xe ben ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế (20/2/2017), sự kiện dành lại vỉa hè tại thành phố Hồ Chí Minh (2/4/2017), Tài xế trả tiền lẻ qua trạm thu phí Cai Lậy- Tiền Giang (31/8/2017), lũ quét như thác đỗ ở Hà Giang (20/7/2017), ngập thế kỷ ở thành phố Hồ Chí Minh (12/4/2017)...đã được các phóng viên của các báo VnExpress, Thanh Niên online, Tuổi Trẻ online, phát sóng trực tiếp bằng điện thoại di động qua Livestream của Facebook.

ii- dùng điện thoại để chuyển tải tin, bài của cá nhân hoặc của tờ báo qua nhiều nền tảng khác nhau. Đây là dạng xuất bản phổ biến nhất mà các nhà báo sử dụng để xuất bản tin tức. Nhà báo lựa chọn các tuyến tin, bài nóng, viết Status (facebook), đăng Tweet (Twitter), viết Caption (Youtube) giới thiệu và dẫn link trực tiếp đến địa chỉ trang báo. Qui trình này được thực hiện thường xuyên, liên tục, song song với hình thức xuất bản trên web của các báo.

Theo số liệu khảo sát, 300 nhà báo (chiếm 100%) nói họ thường xuyên sử dụng điện thoại thông minh để xuất bản thông tin. Trong đó, 30 ý kiến, chiếm 10% phát thông tin báo chí qua tin nhắn SMS, 250 ý kiến (chiếm 83.3%) chuyển thông tin thường xuyên qua mạng xã hội, 20 ý kiến (chiếm

6.7%) gọi điện chia sẻ thông tin (C5.1, C5.2, C5.3-PL2). Với số liệu thống kê như trên có thể thấy, việc sử dụng điện thoại di động để chuyển tải, xuất bản thông tin vừa là nhu cầu vừa là nhiệm vụ bắt buộc mà mỗi nhà báo đều phải thực hiện khi muốn sản phẩm báo chí của mình tiếp cận nhanh và trực tiếp đến người dùng.

2) Thông tin chủ động tìm đến người dùng qua các ứng dụng.

Khác với các hình thức xuất bản truyền thống, hình thức xuất bản sản phẩm qua các ứng dụng của báo chí trên điện thoại di động có nhiều ưu điểm.

Bằng các tính năng như có thể đo lường, phân tích, tìm ra nhu cầu thông tin riêng biệt, các ứng dụng có thể chủ động tìm kiếm, phân loại và chuyển tải thông tin một cách chính xác nhất đến từng người dùng. Thậm chí, tính năng Push Notification Service (PNS) của các ứng dụng này còn thường xuyên cập nhật thông tin đến màn hình điện thoại di động ngay cả khi người dùng không truy cập. Đây là phương thức tiếp cận công chúng thông minh, hiện đại chỉ có được từ các ứng dụng đọc báo của người dùng trên điện thoại di động.

Ngoài ra, xuất bản sản phẩm qua các ứng dụng còn có ưu điểm nữa là, công chúng có thể nhận được thông báo về nội dung tin tức, thời gian sẽ xuất bản tin tức, được lựa chọn tin nóng theo chủ đề, đề tài, lựa chọn tin tức theo vị trí địa lý,...để đọc. Các ứng dụng còn giúp người dùng tự tạo cho mình một kênh thông tin riêng khi tự sắp xếp vị trí chuyên mục yêu thích ngay trên tờ báo và lưu trữ tất cả tin tức quan tâm ngay trên ứng dụng. Các ứng dụng còn có chức năng giúp người dùng gửi bài viết, hình ảnh, clip hoặc có thể thảo luận và chia sẻ tin, bài bằng nhiều hình thức qua nhiều phương tiện, nền tảng khác nhau.

Hình 3.2. Ứng dụng đọc báo Thanh Niên online và VnExpress trên ĐTDĐ chủ động cập nhật thông tin mới ngay cả khi không truy cập

Thực tiễn xuất bản tác phẩm báo chí trên điện thoại di động qua các ứng dụng như trên đã khẳng định, việc xuất bản tác phẩm báo chí, truyền thông trong môi trường thông tin số hiện nay không đơn giản là sự chuyển tải thông tin tuyến tính từ nguồn phát đến người nhận qua một kênh truyền cố định như mô hình truyền thông của Hold D. Lasswell, C. Shannon và W.

Wearve đã chỉ ra trước đây. Xuất bản tác phẩm báo chí, trong đó có báo chí trên điện thoại di động, hiện nay là xuất bản chéo, đa nền tảng theo mô hình truyền thông trong thời đại công nghiệp 4.0. Đó là xuất bản qua một hệ sinh thái kênh truyền gồm nhiều kênh, tầng khác nhau như kênh chính (các kênh phát chính thức, truyền thống), kênh bổ trợ (mạng xã hội, cá nhân nhà báo, cá nhân người dùng, phát tán, chia sẻ, liên kết,…trên nhiều thiết bị kết nối). Điều này mở ra một hướng tiếp cận mới của công chúng, tiếp cận mở, phù hợp với từng nhu cầu, sở thích cá nhân người dùng.

Điểm thứ hai là, xuất bản tác phẩm qua ứng dụng đọc báo trên điện thoại di động cũng làm xuất hiện một dạng xuất bản mới, xuất bản tiếp thị.

Xuất bản tiếp thị cho phép các sản phẩm báo chí tự tìm đến người dùng, gợi ý, khuyến khích và trở thành người dẫn dắt nhu cầu, thói quen người dùng.

Với thiết bị thông minh, kết nối mọi lúc, mọi nơi, luôn sẵn sàng và liên tục với các sản phẩm hấp dẫn, hình thức xuất bản tiếp thị giúp nhà sản xuất tin tức thấu hiểu và chăm sóc người dùng tốt hơn.

Nhìn chung, quá trình sản xuất và chuyển tải thông tin của báo chí trên điện thoại di động có nhiều điểm khác biệt và có nhiều ưu điểm hơn so với các loại hình báo chí truyền thống, cụ thể: i-xuất bản thông tin nhanh nhất trong các loại hình báo chí. Bằng hình thức truyền phát trực tiếp qua các trang mạng xã hội hoặc trên các địa chỉ trực tuyến của tờ báo, báo chí trên điện thoại di động đã giúp công chúng được trực tiếp chứng kiến những sự kiện, sự việc nóng hổi, thời sự, hấp dẫn nhất. Và cũng nhờ hình thức này mà tính tương tác, sự trao đổi, chia sẻ giữa công chúng với nhà báo, công chúng với công chúng hay công chúng với nhân vật trong tác phẩm cũng diễn ra tức thì khi thông tin được xuất bản. ii-sản xuất và đưa tin bằng điện thoại thông minh mang lại sự tiện lợi, dễ dàng cho người làm báo. Dù chưa thể thay thế hoàn toàn những công cụ tác nghiệp chuyên nghiệp, song điện thoại di động thông minh là công cụ hỗ trợ phóng viên nhanh nhất trong sản xuất và đưa tin. Có thể xem điện thoại di động thông minh là thiết bị “all in one” (tất cả trong một) không thể thiếu của một phóng viên hiện đại.

Một phần của tài liệu Luận án TS BCH - Báo chí trên điện thoại di động tại Việt Nam hiện nay (Trang 95 - 99)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(222 trang)
w