Xây dựng qui trình sản xuất và chuyển tải thông tin

Một phần của tài liệu Luận án TS BCH - Báo chí trên điện thoại di động tại Việt Nam hiện nay (Trang 208 - 211)

Chương 1 TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VỀ BÁO CHÍ TRÊN ĐIỆN THOẠI DI

4.2. Nhóm các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí trên điện thoại di động

4.2.4. Xây dựng qui trình sản xuất và chuyển tải thông tin

Làm báo bằng điện thoại di động về cơ bản là dành cho những sự kiện nóng, đòi hỏi phải đưa tin nhanh chóng, vì thế báo chí trên điện thoại di động chính là dành cho những sự kiện bất ngờ, phóng viên không được chuẩn bị trước. Để có thể phản ứng nhanh chóng khi xảy ra sự kiện bất ngờ, phóng viên cần phải luyện tập nhiều lần. Và hiệu quả nhất là tòa soạn cần có hướng dẫn cụ thể về số lượng tin bài, cần loại ảnh nào, video nào khi tác nghiệp.

Phóng viên cũng cần tìm hiểu các phương thức gửi tin bài nhanh và hiệu quả nhất, bởi nếu sản xuất nội dung nhanh chóng nhưng không gửi về tòa soạn được thì cũng không có ý nghĩa gì. Độ lớn của file, của ảnh hay video cũng là một yếu tố quan trọng. Để gửi qua mạng 3G thì video, ảnh, file đính kèm không nên quá nặng, vì thế thời gian quay thông thường là 30 giây đến 1 phút.

Nếu gửi ảnh bằng email cũng không nên gửi quá nhiều ảnh một lúc. Một email chỉ nên có dung lượng tối đa 15 MB (2 hoặc 3 ảnh chụp bằng điện thoại trong điều kiện ánh sáng tốt, 1 video clip khoảng 30-60 giây).

Thông thường, cách làm hoàn hảo nhất đối với một sự kiện như sau (theo trình tự ưu tiên):

1. Gửi tin dạng breaking news.

2. Gửi một số ảnh hiện trường.

3. Gửi một đoạn video dạng thô (khi cần gấp) hoặc đã qua biên tập đơn giản, có gắn hình hiệu (nếu có thời gian).

4. Gửi bài cập nhật diễn biến sự kiện.

5. Gửi bài phỏng vấn nhanh hoặc một góc nhìn khác về vấn đề.

6. Video tổng hợp và/hoặc ảnh cập nhật diễn biến32.

Nếu làm chuẩn theo quy trình kể trên thì chỉ trong vòng khoảng 2 giờ đồng hồ kể từ khi tiếp cận hiện trường đã có thể có tối thiểu 6 sản phẩm thông tin. Nếu phóng viên tiếp tục bám hiện trường, hoặc nếu có hơn 1 phóng viên tại các sự kiện lớn thì nội dung có thể nhiều hơn.

4.2.4.2. Mô hình chuyển tải thông tin

Từ những năm đầu của thế kỷ XX, báo chí được xem là một phương tiện truyền thông có cách chuyển tải thông tin theo mô hình truyền thông tuyến tính. Theo đó, bắt đầu từ một nguồn phát (source) chuyển tải thông điệp (message) qua các kênh truyền (channel) đến người tiếp nhận (receiver) và tạo ra hiệu quả (effect). Khi sự hội tụ báo chí, Internet, viễn thông và công nghệ diễn ra mạnh mẽ vào đầu những năm 2000, mô hình thông tin như trên đã không còn phù hợp, thay vào đó là mô hình chuyển tải thông gắn với hình thức đa hướng, đa tương tác, cá thể hóa, theo ngữ cảnh, kết nối bình đẵng, mọi lúc, mọi nơi mang đặc tính của mô hình truyền thông trong thời đại công nghiệp 4.0.

Để phù hợp với xu thế báo chí hiện đại, các mô hình chuyển tải thông tin của báo chí trên điện thoại di động tại Việt Nam cần phải thay đổi, trước hết là thay đổi các yếu tố trong quá trình chuyển tải thông tin, đó là:

1) Nguồn phát: thay đổi từ việc tổ chức phân cấp sang tổ chức linh hoạt, trong đó công chúng có thể tham gia vào sản xuất. Quản trị thời gian, đăng, phát sóng từ quản trị theo khung giờ (khung giờ cố định, nội dung cho công chúng đại chúng) sang khung giờ linh hoạt, mọi lúc, mọi nơi theo nhu cầu cá nhân từng người dùng hoặc nhóm người dùng.

2) Thông điệp: về hình thức, thay đổi từ định dạng đăng, phát sóng cố định sang định dạng đăng, phát sóng tùy chỉnh đa kênh, đa nền tảng. Về nội

dung thông tin, chuyển đổi từ nội dung tổng hợp phục vụ công chúng đại chúng sang nội dung cá nhân, tạo thành một hệ sinh thái nội dung theo dạng nội dung 3600.

3) Kênh truyền: chuyển thành hình thức thông tin qua đa nền tảng; từ kế hoạch định hướng, tập hợp khán giả đại chúng sang phân mảnh khán giả theo hành vi người dùng hoặc gợi ý cho người dùng nhờ thuật toán kiểm soát.

4) Người tiếp nhận: chuyển từ hình thức phục vụ công chúng công cộng sang công chúng cá nhân, phân mảnh; từ phương thức công chúng không tương tác hoặc tương tác hai chiều (với nhà sản xuất) sang tương tác đa chiều (với nhà sản xuất, người dùng khác, nhân vật…); từ không có tính di động (trong phòng) sang tính di động (di chuyển mọi lúc, mọi nơi); từ công chúng bị động, không tham gia vào quá trình sản xuất sang công chúng thông minh, chủ động tham gia vào quá trình sản xuất.

Marshall McLuhan trong hệ hình Quyết định luận kỹ thuật cho rằng,

“phương tiện truyền thông chính là thông điệp, những tác động của phương tiện truyền thông đối với cá nhân hay đối với xã hội phụ thuộc vào sự thay đổi về qui mô mà mỗi kỹ thuật mới tạo ra trong đời sống của chúng ta”[dẫn theo:143, tr374]. Trong các thế kỷ trước, với hệ thống kỹ thuật điện tử tương tự cồng kềnh, nội dung thông tin cũng được sắp xếp theo chương trình, tin, bài thống nhất. Nay, khi công nghệ phát triển, các thiết bị di động nhỏ gọn, hệ thống phát tín hiệu số thay thế cho hệ thống phát điện tử tương tự thì nội dung cũng được thay đổi cho phù hợp. Ngoài ra, công chúng báo chí truyền thông cũng thay đổi, từ công chúng đại chúng sang người dùng phân mảnh. Chính những thay đổi này nên các nhà sản xuất nội dung, các cơ quan báo chí cần xây dựng mô hình thông tin bằng cách đa dạng hóa nguồn phát, đa dạng hóa người sản xuất và đa dạng hóa kênh chuyển tải, đồng thời cũng cần hướng sản phẩm đến đối tượng công chúng mục tiêu chính xác để mang lại hiệu quả hoạt động cao.

Một phần của tài liệu Luận án TS BCH - Báo chí trên điện thoại di động tại Việt Nam hiện nay (Trang 208 - 211)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(222 trang)
w