2.1. NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ THU TÀI CHÍNH XÃ
2.1.2. Phân loại các khoản thu tài chính xã
Các khoản thu tài chính xã có thể phân loại theo các tiêu chí khác nhau, tuy nhiên do đời sống thực tiễn cũng như yêu cầu quản lý giám sát của các cơ quan quản lý theo chức năng cho phép chúng ta lựa chọn việc phân loại theo 2 tiêu chí cơ bản là phân loại theo tên gọi của khoản thu và phân loại theo phân cấp ngân sách (mức độ thụ hưởng của ngân sách cấp xã).
2.1.2.1. Phân loại theo tên gọi của khoản thu 1) Các khoản thuế
Nói một cách chung nhất, thuế là nghĩa vụ bắt buộc của mỗi cá nhân hay tổ chức phải nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN) theo quy định của pháp luật. Đặc điểm quan trọng nhất của thuế là tính bắt buộc, tính không hoàn trả trực tiếp và tính pháp lý cao.
65
Nghĩa vụ thuế, miễn giảm thuế do Quốc hội quy định tại các văn bản Luật, Nghị quyết hoặc Pháp lệnh. Tùy theo đối tượng chịu thuế và chủ thể nộp thuế, pháp luật hiện hành ở nước ta quy định các loại thuế sau đây: 27
(1). Thuế môn bài;
(2). Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (XNK) (3). Thuế giá trị gia tăng (GTGT);
(4). Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB);
(5). Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN);
(6). Thuế thu nhập cá nhân (TNCN);
(7). Thuế tài nguyên;
(8). Thuế bảo vệ môi trường (BVMT) có hiệu lực từ 01/01/2012 (9). Thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN);
(10). Thuế nhà đất (từ 2012 bị bãi bỏ và được thay bằng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp – SDĐPNN).
Thuế luôn phát sinh tại các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc cư trú tại những địa chỉ được xác định, trong đó có các địa chỉ cụ thể tại địa bàn một xã nhất định. Tuy nhiên không phải nơi nào cũng có đủ các loại thuế trong danh sách trên, thí dụ thuế XNK chỉ phát sinh tại nơi có cửa khẩu quốc tế hoặc biên giới; thuế tài nguyên chỉ phát sinh tại địa phương có tài nguyên thiên nhiên.
Theo quy định của pháp luật về thuế và NSNN thì tiền thuế phát sinh từ các tổ chức, cá nhân đóng trên địa bàn xã đều phải được nộp tập trung vào tài khoản của NSNN mở tại Kho bạc nhà nước. Từ tài khoản này, tiền thuế sẽ được phân chia cho từng cấp ngân sách và tự động chuyển vào tài khoản của từng cấp thông qua các thủ tục, quy trình do Kho bạc nhà nước thực hiện theo quy định của Luật NSNN.
Luật quản lý thuế do Quốc hội ban hành đã quy định rõ việc tổ chức thu thuế thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành Thuế (đối với các loại thuế thu vào hàng hóa xuất khẩu hoặc nhập khẩu thì do ngành Hải quan quản lý thu), mà không thuộc chức năng của chính quyền cấp xã.
Do vậy, tài chính xã chỉ tham gia vào một số khâu công việc của quy trình quản lý thu đối với một số loại thuế phát sinh trên địa bàn xã khi và chỉ khi được Chi cục thuế cấp huyện ủy nhiệm thông qua các “Hợp đồng ủy nhiệm thu”.
Nội dung về quản lý thuế tại xã được đề cập tại chuyên đề này chỉ đi vào những loại thuế do cơ quan Thuế ủy nhiệm cho tài chính xã thực hiện thu.
2) Phí và lệ phí
27 Nội dung này giúp cho cán bộ xã nắm được thông tin cơ bản nhất về luật pháp
66
Khác với thuế, phí và lệ phí là những khoản thu không mang tính bắt buộc, chỉ phát sinh khi mỗi tổ chức hoặc cá nhân được hưởng các dịch vụ hoặc công việc hành chính mà pháp luật có quy định việc thu và nộp phí, lệ phí.
Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ được quy định trong Danh mục phí do pháp luật quy định.
Lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước hoặc tổ chức được uỷ quyền phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong Danh mục lệ phí do pháp luật quy định.
Hiện tại, trong phạm vi cả nước, ở tất cả các bộ ngành ở Trung ương và các tỉnh, thành phố có khoảng 300 loại phí, khoản phí được phép thu do Chính phủ quy định trong Danh mục chi tiết ban hành kèm theo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí.28
Tuy nhiên, nguồn thu phí, lệ phí tại cấp xã chỉ bao gồm:
- Những khoản thu phí phát sinh từ việc cung cấp dịch vụ tại xã như: phí chợ, phí qua đò, phí vệ sinh (thu dọn rác),… Trong công tác quản lý, những khoản phí này thường được hạch toán vào nguồn thu sự nghiệp của xã.
- Những khoản thu lệ phí do UBND cấp xã thực hiện các công việc quản lý nhà nước như: lệ phí chứng thực giấy tờ; lệ phí hộ tịch, hộ khẩu, đăng ký kết hôn. Lệ phí trước bạ nhà đất trên địa bàn xã được phân chia giữa cấp xã với cấp huyện nhưng việc quản lý thu lại thuộc về nhiệm vụ của chi cục thuế cấp huyện.
3) Các khoản huy động, đóng góp trực tiếp cho ngân sách xã
Đây là những khoản được pháp luật cho phép huy động đóng góp của nhân dân trên nguyên tắc tự nguyện để đáp ứng nhu cầu chung của xã như đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, công trình thủy lợi.
4) Các quỹ chuyên dùng của xã (quỹ ngoài ngân sách) Hiện hành, gồm có các quỹ:
- Quỹ quốc phòng an ninh (được thu theo quy định của Luật Dân quân tự vệ (Luật số 43/2009/QH12 ngày 23/11/2009).
- Quỹ đền ơn đáp nghĩa (được thu theo Nghị định số 45/2006/NĐ-CP ngày 28/4/2006 của Chính phủ).
- Quỹ khuyến học, các quỹ khác (được thành lập, hoạt động theo Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25/9/2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện).
5) Các khoản thu từ hoa lợi tài sản công
28 Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí; Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí.
67
Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng địa phương mà quy mô của nguồn thu này có thể khác nhau nhưng thường bao gồm những khoản thu từ đấu thầu, thu khoán từ đất công do xã trực tiếp quản lý.
6) Những khoản viện trợ, đóng góp tự nguyện
Đây là những khoản thu do các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tự nguyện đóng góp hoặc viện trợ không hoàn lại cho cấp xã (có nơi có, nơi không và không phải thời gian nào cũng có).
2.1.2.2. Phân loại theo phân cấp ngân sách
Theo cách phân loại này thì thu tài chính xã gồm có thu ngân sách xã và thu tài chính khác của cấp xã.
1) Thu ngân sách xã
Đây là những khoản thu mà ngân sách cấp xã được hưởng trọn vẹn 100%
hoặc được phân chia theo tỷ lệ % giữa cấp xã với cấp trên theo quy định của Luật NSNN và trong mọi trường hợp chúng phải được phản ánh vào ngân sách của xã.
a)- Các khoản thu ngân sách xã hưởng 100%:
Bao gồm các khoản thu mà cấp xã được quyền sử dụng toàn bộ số thu được trên địa bàn xã, đó là :
- Các khoản phí, lệ phí nộp vào ngân sách xã theo quy định;
- Thu từ các hoạt động sự nghiệp của xã;
- Thu đấu thầu, thu khoán từ đất công do xã trực tiếp quản lý;
- Các khoản huy động, đóng góp trực tiếp cho ngân sách xã;
- Các khoản viện trợ không hoàn lại trực tiếp cho ngân sách xã;
- Thu kết dư ngân sách xã;
- Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
b)- Các khoản thu phân chia theo tỷ lệ % giữa ngân sách xã với ngân sách cấp trên:
Luật NSNN quy định dành một phần nguồn thu thuế, phí, lệ phí từ các hoạt động kinh tế phát sinh tại địa bàn xã cho ngân sách xã được sử dụng nhằm tạo quyền chủ động về tài chính cho cấp xã. Đây cũng là việc phân chia lợi ích để khuyến khích xã đầu tư phát triển kinh tế trên địa bàn đồng thời cũng gắn trách nhiệm tăng cường quản lý thu của các cấp. Các khoản thu phân chia theo Luật NSNN hiện hành: 29
- Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (từ 2011 trở về trước là thuế nhà, đất);
- Thuế sử dụng đất nông nghiệp thu từ hộ gia đình;
- Thuế môn bài thu từ cá nhân, hộ gia đình;
29 Trước đây, ngân sách xã còn được phân chia nguồn thu từ thuế chuyển quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2009, Quốc hội đã bãi bỏ loại thuế này ngay khi Luật thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực thi hành.
68
- Lệ phí trước bạ nhà, đất.
Các khoản thu nêu trên, ngân sách xã được hưởng theo tỷ lệ tối thiếu là 70%.
Căn cứ vào nguồn thu và nhiệm vụ chi của xã và khả năng nguồn lực của từng địa phương, HĐND cấp tỉnh có thể quyết định tỷ lệ ngân sách xã được hưởng cao hơn (tối đa là 100%) đối với các nguồn thu trên.
Điểm hết sức lưu ý ở đây là: các khoản thu nêu tại điểm (b) này ngân sách cấp xã được thụ hưởng toàn bộ hoặc tỷ lệ % số thu nhưng Chi cục thuế huyện là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý thu. Tại những nơi thực hiện uỷ nhiệm thu cho xã thì Tài chính xã thực hiện công việc thu theo Hợp đồng uỷ nhiệm và được hưởng kinh phí uỷ nhiệm thu do cơ quan thuế trả.
c)- Thu bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách xã:
Thu bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách xã gồm thu bổ sung cân đối và thu bổ sung có mục tiêu.
- Thu bổ sung cân đối là khoản tiền chuyển nguồn cân đối từ ngân sách cấp trên hoặc điều hoà ngân sách cho ngân sách xã trong trường hợp thu ngân sách xã bị thiếu hụt so với nhu cầu cân đối chi các nhiệm vụ chi đã phân cấp cho xã.
- Thu bổ sung có mục tiêu là khoản tiền của NSNN cấp trên hỗ trợ cho ngân sách xã để thực hiện một số nhiệm vụ mục tiêu cụ thể. Số thu bổ sung theo mục tiêu được xác định hàng năm và có sự thay đổi trên cơ sở nhu cầu bổ sung thêm các nhiệm vụ mục tiêu, dựa vào kết quả thực hiện các chương trình và khả năng bố trí của ngân sách cấp trên.
Như vậy, giữa thu bổ sung cân đối và thu bổ sung có mục tiêu mặc dù đều bổ sung thêm nguồn thu cho ngân sách xã song có sự khác nhau căn bản ở chỗ: thu bổ sung cân đối dựa trên cơ sở các nhiệm vụ chi đã được phân cấp cho xã, còn thu bổ sung có mục tiêu dựa trên cơ sở các nhiệm vụ chi theo mục tiêu được tăng thêm cho xã và khoản chi này mang tính chất hỗ trợ cho ngân sách xã tùy thuộc vào kết quả thực hiện các chương trình và khả năng bố trí của ngân sách cấp trên.
2) Thu ngoài ngân sách xã
Với cách phân loại thứ 2 (theo mức độ được hưởng của ngân sách cấp xã) thì các nguồn thu ngoài ngân sách xã chỉ bao gồm các quỹ như Quỹ quốc phòng an ninh, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ khuyến học.
2.1.3. Nguyên tắc quản lý thu ngân sách xã 1) Tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành
- Trong một nhà nước pháp quyền XHCN, mọi hành vi của tổ chức, cá nhân đều phải bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật. Sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật là một trong những nguyên tắc cơ bản đối với mọi hoạt động phát sinh trong đời sống xã hội của chúng ta. Quản lý thu ngân sách xã phải bảo đảm quán triệt nội dung của Luật NSNN.
69
- Thu ngân sách xã liên quan đến hoạt động của tổ chức, cá nhân nơi phát sinh nguồn thu và tổ chức được giao nhiệm vụ quản lý thu đó phải tuân thủ quy định pháp luật đối với nguồn thu đó. Thí dụ hộ quản lý nguồn thu thuế sử dụng đất nông nghiệp (thuế SDĐNN) cần tuân theo quy định của Luật thuế SDĐNN về đối tượng nộp thuế; diện tích đất tính thuế; hạng đất và mức thu thuế trên một đơn vị diện tích đất tính thuế; miễn, giảm thuế.
2) Công khai, minh bạch, bình đẳng
- Ngân sách xã trong mỗi một thời kỳ ngân sách, năm ngân sách cụ thể phải bảo đảm công khai, minh bạch trước dân, bao gồm các khoản thu nào, mức bao nhiêu, ai nộp, ai thu, thu vào đâu,… theo quy chế công khai tài chính công khai ngân sách theo Luật NSNN.
- Nguyên tắc bình đẳng được áp dụng đối với từng khoản thu, sắc thuế. Cùng một diện tích đất như nhau ; vị trí giống nhau thì mức thuế nộp phải tương đương nhau. Các hộ kinh doanh cá thể có cùng quy mô, cùng ngành hàng, lĩnh vực như nhau tạo nên mức thu nhập bình quân tháng tương được nhau thì nộp cùng một mức thuế môn bài.
3) Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp
- Người nộp thuế hoặc các khoản thu của NS xã có quyền được hướng dẫn, giải thích; quyền được cơ quan nhà nước cung cấp thông tin tài liệu liên quan để họ thực hiện đúng nghĩa vụ.
- Người nộp thuế hoặc các khoản thu cho ngân sách xã có quyền yêu cầu tài chính xã, cơ quan thuế giải thích về các căn cứ tính, ấn định mức thu, các quy định liên quan; họ cũng có quyển khởi kiện, khiếu nại, tố cáo nếu phát hiện có các hành vi thu sai hoặc lạm thu.
- Đối với các khoản thu phí, lệ phí trên địa bàn xã, người nộp được hưởng dịch vụ hoặc công việc hành chính gắn với loại phí, lệ phí đó. Người nộp tiền thu đấu giá, đấu thầu đất công ích được quyền khai thác, sử dụng đất trúng thầu theo mục đích sử dụng, thời gian sử dụng được quy định trong phương án thầu đã công bố công khai,…
2.1.4. Trách nhiệm của chính quyền xã trong tổ chức thu ngân sách xã 2.1.4.1. Trách nhiệm của HĐND, UBND
- HĐND xã trong phạm vi quyền hạn của mình quyết định nhiệm vụ thu ngân sách hàng năm (trong đó có nội dung thu ngân sách xã) và giám sát việc thực hiện việc thực hiện pháp luật về thuế và thu khác của ngân sách phát sinh trên địa bàn xã.
- UBND xã, trong pham vi quyền hạn của mình có trách nhiệm:
+ Chỉ đạo tài chính xã phối hợp với cơ quan thuế lập dự toán thu ngân sách và tổ chức thu thuế theo Hợp đồng uỷ nhiệm thu.
+ Kiểm tra việc thực hiện pháp luật thuế.
70
+ Xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thực hiện pháp luật về thuế theo thẩm quyền.
2.1.4.2. Trách nhiệm của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn
- Hội đồng tư vấn thuế xã (HĐTVTX), phường, thị trấn do Chủ tịch UBND cấp huyện thành lập theo đề nghị của Chi cục trưởng Chi cục thuế gồm đại diện của UBND, Mặt trận Tổ quốc, Công an xã; đại diện của các hộ kinh doanh; đại diện của Chi cục thuế huyện. HĐTVTX, phường, thị trấn do Chủ tịch UBND hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp xã làm chủ tịch.
- HĐTVTX có nhiệm vụ tư vấn cho cơ quan thuế về mức thuế của các hộ kinh doanh trên địa bàn, bảo đảm đúng pháp luật, dân chủ, công khai, công bằng, hợp lý. Nội dung tư vấn được ghi trong biên bản họp của Hội đồng.
2.1.4.3. Trách nhiệm của ủy nhiệm thu thuế tại địa bàn xã, phường
- Việc ủy nhiệm thu thuế tại địa bàn xã do Chi cục trưởng Chi cục thuế cấp huyện quyết định, sau khi tham khảo ý kiến của UBND xã phường (thường là ủy nhiệm cho tài chính xã).
- Tài chính xã được ủy nhiệm thu có trách nhiệm tham mưu với đại diện của Chi cục thuế trong việc lập sổ bộ thuế và thực hiện việc đôn đốc các hộ kinh doanh nộp các khoản thuế hoặc thu ngân sách trong phạm vi được Chi cục thuế ủy nhiệm bằng văn bản.