Chương 1: TỔNG QUAN CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN
1.2. Cơ sở lý luận của khái niệm năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
1.2.1. Lý luận về sự chuyển hóa lợi thế so sánh thành nguồn lực cạnh tranh
21
tế cổ điển gọi đây là bức tranh đen tối của tăng trưởng. Trong điều kiện đó ông cho rằng, có thể giải quyết bằng cách nhập khẩu lương thực từ nước ngoài với giá rẻ hơn, việc nhập khẩu này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước. Lợi ích này được gọi là lợi thế tuyệt đối của hoạt động ngoại thương. Do đó, có thể nói rằng, LTSS tuyệt đối là lợi thế có được trong điều kiện so sánh chi phí sản xuất để sản xuất ra cùng một loại sản phẩm, khi một nước sản xuất sản phẩm có chi phí cao hơn có thế nhập sản phẩm đó từ nước khác có chi phí sản xuất thấp hơn. Lợi thế này được xem xét từ hai phía, đối với nước sản xuất sản phẩm có chi phí sản xuất thấp sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn khi bán trên thị trường quốc tế. Còn đối với nước sản xuất sản phẩm với chi phí sản xuất cao sẽ có được sản phẩm mà trong nước không có khả năng sản xuất, hoặc sản xuất không đem lại lợi nhuận. Điều này gọi là bù đắp sự yếu kém về khả năng sản xuất trong nước. Từ đó cho thấy, LTSS tuyệt đối một khi được các chủ thể KT đưa vào vòng chu chuyển KT, nó sẽ trở thành nguồn lực cạnh tranh quan trọng nhằm tạo ra sức cạnh tranh của một quốc gia và của một địa phương ở quốc gia đó. Luận điểm khoa học này đã giúp tác giả luận án vững tin đi sâu nghiên cứu cơ chế chuyển hóa LTSS thành nguồn lực cạnh tranh dưới góc độ QLKT trong nghiên cứu của mình.
Theo David Ricardo, LTSS tương đối là lợi thế đạt được trong trao đổi thương mại quốc tế, khi các quốc gia tập trung chuyên môn hoá sản xuất và trao đổi những mặt hàng có bất lợi nhỏ nhất, hoặc những mặt hàng có lợi lớn nhất thì tất cả các quốc gia đều cùng có lợi. David Ricardo đưa ra lý thuyết thương mại quốc tế (LTSS), khi ông tập trung phân tích chi phí so sánh và tìm hiểu bằng cách nào để một quốc gia thu lợi được từ thương mại khi chi phí thấp hơn tương đối. Ông chỉ ra rằng, nếu một quốc gia sản xuất hàng hoá ở chi phí cơ hội thấp hơn, thì nên chuyên môn hoá vào đó và tham gia trao đổi hàng hoá quốc tế với quốc gia chuyên môn hoá ngành hàng khác. Chẳng mấy khó khăn để nhận ra rằng, Việt Nam nên chuyên môn hoá ngành gì trong lựa chọn giữa tập trung vào phát triển ngành dệt may, hay phát triển ngành chế tạo robot. D. Ricardo đã đưa ra bằng chứng về chuyên môn hóa quốc tế là có lợi cho một nước và gọi kết quả đó là quy luật lợi thế so sánh hay lý thuyết về chi phí so sánh. Mô hình lý thuyết LTSS mà ông đưa ra còn được gọi là
22
mô hình đơn giản một yếu tố sản xuất (tính mọi chi phí sản xuất bằng số giờ lao động) và quy quan hệ kinh tế quốc tế thành quan hệ song phương của hai nước với hai mặt hàng trao đổi trực tiếp cho nhau. Từ đó cho thấy, trong các quốc gia có nền KT mở, LTSS tương đối một khi được các chủ thể KT đưa vào vòng chu chuyển KT để tạo ra của cải vật chất, nhất là để thực hiện hoạt động thương mại quốc tế, nó nhất định sẽ trở thành một nguồn lực cạnh tranh rất quan trọng để tạo ra sức cạnh tranh của quốc gia và các địa phương của quốc gia đó. Luận điểm khoa học này đã cung cấp cho tác giả luận án cơ sở lý luận để đi sâu nghiên cứu cơ chế chuyển hóa LTSS thành nguồn lực cạnh tranh dưới góc độ QLKT trong nghiên cứu của mình.
Mô hình H - O do Heckcher đưa ra năm 1919 và được Ohlin hoàn thiện năm 1933 là mô hình toán cân bằng tổng thể trong lý thuyết thương mại quốc tế và phân công lao động quốc tế dùng để dự báo xem quốc gia nào sẽ sản xuất mặt hàng nào trên cơ sở những yếu tố sản xuất sẵn có của quốc gia. Mô hình ban đầu xây dựng chỉ giới hạn với hai quốc gia, hai loại hàng hóa có thể đem trao đổi quốc tế và hai loại yếu tố sản xuất (lao động và vốn). Vì thế mô hình nghiên cứu này còn được gọi là mô hình H - O, hay là mô hình 2x2x2. Mô hình H - O phiên bản 2x2x2 sử dụng hàm Cobb - Douglass vì nó phù hợp với giả thiết về lợi tức theo quy mô không đổi. Mô hình H - O dựa trên các giả thiết sau đây:
- Công nghệ sản xuất cố định ở mỗi quốc gia và như nhau giữa các quốc gia.
- Công nghệ đó ở mỗi quốc gia đều có lợi tức theo quy mô cố định.
- Lao động và vốn có thể di chuyển tự do trong biên giới mỗi quốc gia, nhưng không thể di chuyển tự do từ quốc gia này sang quốc gia khác.
- Cạnh tranh trong nước là hoàn hảo.
Mô hình Heckcher - Ohlin được sử dụng với hàm ý là trong một nền KT mở cửa, mỗi nước đều hướng đến chuyên môn hóa các ngành sản xuất mà cho phép sử dụng nhiều yếu tố sản xuất đối với nước đó là thuận lợi nhất. Như vậy, sự kết hợp giữa các yếu tố sản xuất “thuận lợi nhất” của quốc gia sẽ tạo điều kiện để có được chi phí thấp nhất, chất lượng cao nhất, năng suất cao nhất, tức là có LTSS cao nhất ở một số ngành nhất định. Theo mô hình H - O, LTSS tương đối của một quốc gia một khi được các chủ thể KT của quốc gia có hoạt động ngoại thương đưa vào vòng chu
23
chuyển KT, nó sẽ trở thành nguồn lực cạnh tranh rất quan trọng để tạo ra sức cạnh tranh của quốc gia đó trong hoạt động thương mại quốc tế. Luận điểm khoa học này đã cung cấp cho tác giả luận án cơ sở lý luận để đi sâu nghiên cứu cơ chế chuyển hóa LTSS thành nguồn lực cạnh tranh dưới góc độ QLKT trong nghiên cứu của mình.
Paul Samuelson cũng tán đồng quan điểm của mô hình H - O, khi ông nhận ra rằng, thương mại quốc tế có lợi cho mọi quốc gia, khuyến khích chuyên môn hóa và mở rộng đường khả năng tiêu dùng của một nước. Bằng việc chuyên môn hóa trong các lĩnh vực mà mình có năng suất tương đối cao nhất, mỗi quốc gia có thể tiêu dùng nhiều hơn những gì họ có thể sản xuất. Ông cho rằng, các nước sẽ sản xuất và xuất khẩu hàng hóa mà họ đặc biệt có đủ điều kiện. Khi khẳng định thương mại quốc tế đem lại mối lợi cho các quốc gia, Paul Samuelson đã nhấn mạnh LTSS tương đối của một quốc gia sẽ trở thành nguồn lực cạnh tranh quan trọng tạo nên sức cạnh tranh của quốc gia đó trong quá trình hội nhập quốc tế.