CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU CỦA LUẬN ÁN
1.2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu
1.2.1. Cơ sở lý thuyết
1.2.1.1. Câu hỏi nghiên cứu
Câu hỏi thứ nhất: chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của tòa án ở các nước thông luật và dân luật được hình thành và phát triển dựa trên những cơ sở lý thuyết nào? Các câu hỏi chi tiết của câu hỏi này là:
- Chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của tòa án là gì, có những điểm khác biệt nào với hoạt động tạo lập và áp dụng văn bản pháp luật và tại sao tòa án cần thực hiện các chức năng này?
- Chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của tòa án được thực hiện như thế nào?
Câu hỏi thứ hai: thực trạng pháp luật và thực tiễn thực hiện chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của tòa án ở Việt Nam hiện nay có phù hợp và hiệu quả không? Các câu hỏi chi tiết của câu hỏi này là:
- Pháp luật quy định về chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của tòa án ở Việt Nam có phù hợp không?
- Thực tiễn thực hiện chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của tòa án ở Việt Nam có hiệu quả không?
Câu hỏi thứ ba: cần sửa đổi như thế nào và bổ sung các quy định nào của pháp luật hiện hành về chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của tòa án và những sửa đổi, bổ dung này dựa trên cở sở nào? Để nâng cao hiệu quả thực hiện các chức năng này cần thực hiện các biện pháp cụ thể nào?
1.2.1.2. Lý thuyết nghiên cứu
Các lý thuyết nghiên cứu chủ yếu được sử dụng trong luận án để nghiên cứu chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của tòa án bao gồm:
Thứ nhất, học thuyết phân quyền nhằm xác định bản chất, vai trò và phạm vi thực hiện chức năng tạo lập án lệ của tòa án;
Thứ hai, học thuyết án lệ (doctrine of stare decisis) ở các nước thông luật và học thuyết tiền lệ tư pháp (jurisprudence constante) ở các nước dân luật nhằm xác định bản chất, nội dung các nguyên tắc cơ bản của chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của tòa án.
Thứ ba, học thuyết thực chứng pháp lý (legal positivism), học thuyết giải thích pháp luật của Dworkin và chủ nghĩa pháp luật hiện thực (legal realism) làm cở sở luận để lý giải và xác định nội dung các vấn đề cơ bản về chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của tòa án.
Thứ tư, học thuyết tiếp nhận pháp luật nước ngoài (legal transplant) làm cơ sở để kiến nghị đối với chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của tòa án ở Việt Nam.
1.2.1.3. Các giả thuyết nghiên cứu
Trước cơ sở nhận thức rằng giả thuyết nghiên cứu những điểm cần chứng minh hay là kết luận giả định của nghiên cứu, tác giả luận án đưa ra những giả thuyết nghiên cứu của luận án dựa vào các câu hỏi nghiên cứu như sau:
Giả thuyết thứ nhất: chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của tòa án có bản chất và đặc điểm khác với hoạt động tạo lập và áp dụng văn bản pháp luật. Tòa án cần thực hiện chức năng tạo lập và áp dụng án lệ nhằm bảo đảm hệ thống pháp luật thống nhất, ổn định cũng như bảo đảm sự công bằng và bình đẳng cho các chủ thể khác nhau trong xã hội đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền.
Giả thuyết thứ hai: chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của tòa án ở các nước thông luật và dân luật được thực hiện dựa trên những nguyên tắc và triết lý nhất định.
Giả thuyết thứ ba: pháp luật hiện hành quy định về chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của tòa án ở Việt Nam vẫn còn những bất cập, hạn chế.
Giả thuyết thứ tư: tòa án thực hiện chức năng tạo lập và áp dụng án lệ vẫn chưa hiệu quả bởi nhiều quy định pháp luật có liên quan chưa phù hợp cũng như chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp cụ thể cần thiết.
Giả thuyết thứ năm: có thể tiếp thu kinh nghiệm từ các nước thông luật và dân luật để sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật hiện hành về chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của tòa án ở Việt Nam cũng như đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các chức năng này của tòa án.
1.2.2. Phương pháp nghiên cứu
Để làm rõ các vấn đề nghiên cứu, tác giả vận dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng của triết học Mác - Lênin làm cơ sở phương pháp luận để đánh giá một cách khách quan và toàn diện về chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của tòa án. Tác giả cũng dựa trên phương pháp luận là học thuyết tiếp nhận pháp luật nước ngoài (legal transplant theory) để đưa ra các kiến nghị trên cơ sở tiếp nhận giá trị phù hợp ở nước ngoài vào việc xây dựng và hoàn thiện chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của tòa án ở Việt Nam hiện nay.
Tác giả cũng sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể chủ yếu trong luận án như sau: một là, phương pháp phân tích và tổng hợp. Phương pháp phân tích là phương pháp nghiên cứu phân tích cái tổng thể, cái toàn bộ thành những bộ phận, thuộc tính nhỏ nhằm hiểu rõ và sâu sắc về đối tượng nghiên cứu. Phương pháp tổng hợp là phương pháp nghiên cứu tổng hợp cái bộ phận thành cái toàn thể để có thể hiểu đầy đủ và toàn diện đối tượng nghiên cứu; hai là, phương pháp nghiên cứu so sánh. Phương pháp nghiên cứu so sánh là phương pháp nghiên cứu
tìm ra những điểm giống nhau và khác nhau của đối tượng so sánh. Có thể nói, đây là phương pháp nghiên cứu chủ yếu và chủ đạo trong luận án nhằm để so sánh chức năng năng tạo lập và áp dụng án lệ của tòa án ở các nước thông luật và dân luật.
Để hoàn thành mục đích nghiên cứu, tác giả kết hợp nhiều phương pháp trong từng phần của luận án. Tuy nhiên, phương pháp so sánh và phương pháp tổng hợp là các phương pháp nghiên cứu đóng vai trò chủ đạo trong luận án này.
Cụ thể hơn:
Ở chương 2, tác giả chủ yếu sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp và phương pháp so sánh để đưa ra những vấn đề lý luận của chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của tòa án. Phần giá trị nhất của luận án là tác giả tổng hợp được các vấn đề cơ bản về chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của tòa án ở các nước thông luật và dân luật. Nội dung của mỗi vấn đề cơ bản của chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của tòa án đều được nghiên cứu dựa trên phương pháp so sánh giữa các nước thông luật với các nước dân luật. Tác giả cũng sử dụng phương pháp phân tích luật học để làm rõ các vấn đề nhất định trong mối tương quan giữa chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của tòa án với các học thuyết pháp lý. Ngoài ra, tác giả cũng sử dụng phương pháp nghiên cứu vụ việc thể hiện qua các án lệ cụ thể để minh chứng cho các vấn đề lý luận nhất định.
Ở chương 3 và chương 4 tác giả chủ yếu sử dụng phương pháp phân tích và phương pháp so sánh. Trên cơ sở tổng hợp được các vấn đề cơ bản về chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của tòa án, tác giả dựa vào các vấn đề cơ bản này để phân tích và đánh giá chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của tòa án ở Việt Nam. Sau đó, tác giả sử dụng phương pháp so sánh để chỉ ra những điểm giống và khác giữa chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của tòa án ở Việt Nam so với các nước thông luật và dân luật. Từ đó, có thể chỉ ra những bất cập còn tồn tại của pháp luật hiện hành cũng như hoạt động thực tiễn thực hiện các chức năng này. Mục đích cuối cùng của việc sử dụng phương pháp so sánh là nhằm chỉ ra những điểm khác biệt của chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của tòa án ở Việt Nam so với các nước trên thế giới, nhưng những điểm khác biệt này không hợp lý nhằm đưa ra các kiến nghị cho Việt Nam. Ngoài ra, tác giả cũng sử dụng phương pháp nghiên cứu vụ việc thể hiện qua các án lệ cụ thể của Việt Nam để minh chứng cho các vấn đề đặt ra nhất định.