CHƯƠNG 3: CHỨC NĂNG TẠO LẬP ÁN LỆ CỦA TÒA ÁN Ở VIỆT NAM VÀ HƯỚNG HOÀN THIỆN
3.1. Thẩm quyền tạo lập án lệ của tòa án ở Việt Nam
3.1.4. Những kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định hiện hành về thẩm quyền tạo lập án lệ của tòa án
Như đã phân tích, pháp luật quy định về thẩm quyền tạo lập án lệ còn nhiều điểm hạn chế. Sau khi nghiên cứu về thẩm quyền tạo lập án lệ của tòa án ở các nước thông luật và dân luật, tác giả luận án đã rút ra những nguyên tắc chung như sau: (i) thẩm quyền tạo lập án lệ của tòa án không tách khỏi chức năng xét xử - giải quyết vụ việc cụ thể; (ii) xác định thẩm quyền tạo lập của án lệ thường dựa vào thứ bậc của hệ thống tòa án; (iii) các tòa án tối cao và tòa án cấp cao (tòa phúc thẩm hoặc tòa phúc thẩm trung gian) có quyền năng tạo ra án lệ bắt buộc. Trên cơ sở các nguyên tắc này, tác giả luận án có một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, pháp luật hiện hành nên thay đổi theo hướng xác định thẩm quyền tạo lập án lệ của tòa án gắn liền với chức năng xét xử - giải quyết vụ việc cụ thể.
Điều này có nghĩa là tòa án ban hành các bản án, quyết định để giải quyết các vụ việc có chứa các giải pháp pháp lý mới cũng chính là tòa án có thẩm quyền tạo lập
164Dương Tuyết Miên, Nguyễn Quang Hưng (2013) “Báo cáo rà soát, đánh giá các hoạt động liên quan đến công bố bản án” - Kỷ yếu hội thảo Công bố các báo cáo nghiên cứu về án lệ và công bố bản án của Tòa án.
án lệ. Thay đổi theo hướng này sẽ đúng với bản chất sáng tạo pháp luật của tòa án là
“lập pháp tư pháp” hơn. Nếu thay đổi theo hướng này cần sửa đổi các quy định sau:
- Một là, sửa đổi quy định khái niệm án lệ tại Điều 1 Nghị quyết 03/2015/
NQ – HĐTP có quy định: “Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử” thành: “Án lệ là những bản án, quyết định của tòa án được sử dụng làm khuôn mẫu để giải quyết cho các vụ việc tương tự về sau”. Đây là khái niệm mang tính khái quát và được sử dụng phổ biến ở các quốc gia trên thế giới.
- Hai là, pháp luật không quy định thẩm quyền ban hành án lệ của TANDTC như hiện nay. Cụ thể là bãi bỏ các quy định: điểm c khoản 2 Điều 22 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 thì Hội đồng thẩm phán có nhiệm vụ, quyền hạn: “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”; khoản 5 năm Điều 27 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 cũng quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án TANDTC: “tổng kết phát triển án lệ, công bố án lệ”; khoản 1 Điều 7 Nghị quyết 03/2015/
NQ – HĐTP: “Sau khi Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thông qua án lệ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố án lệ”.
- Ba là, bãi bỏ các quy định thời điểm phát sinh và chấm dứt hiệu lực của án lệ: khoản 1 Điều 8 Nghị quyết 03/2015/ NQ – HĐTP: “Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 45 ngày kể từ ngày công bố hoặc được ghi trong quyết định công bố án lệ của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao”; khoản 5 Điều 9 Nghị quyết 03/2015/ NQ – HĐTP: “Trên cơ sở kết quả biểu quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố việc hủy bỏ, thay thế án lệ, trong đó xác định rõ thời điểm án lệ bị hủy bỏ, thay thế”.
Nếu pháp luật quy định thay đổi theo hướng này sẽ đạt được những lợi ích sau: một là, nếu không cho phép tòa án tạo ra các quy phạm chung và xác định hiệu lực pháp lý của chúng thì không những tránh được sự chỉ trích cho rằng tòa án thực hiện quyền tạo lập án lệ xâm phạm quyền lập pháp của Quốc hội trái với yêu cầu của nhà nước pháp quyền XHCN mà còn tránh được tình trạng nội dung của án lệ mâu thuẫn với các văn bản quy phạm pháp luật. Ngay cả ở Trung Quốc, mặc dù có quy định thẩm quyền của TANDTC165 công bố các vụ án có giá trị hướng dẫn xét xử nhưng cũng không quy định hiệu lực pháp lý của các vụ án có giá trị hướng dẫn xét xử nhằm tránh hệ lụy tạo ra quyền lập pháp độc lập cho TANDTC; hai là, các bản án, quyết định được lựa chọn để công bố làm án lệ dễ dàng và nhanh chóng hơn. Tòa án có thẩm quyền tạo lập án lệ cũng chính là tòa án ban hành các bản án, quyết định có chứa các giải pháp pháp lý mới nên có thể lựa chọn và công bố án lệ thuận lợi và nhanh chóng mà không phải trải qua một quy trình quá chặt chẽ và phức tạp như hiện nay; ba là, có định hướng tập trung vào thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng “đầu vào” của án lệ là khâu trước khi ban hành bản án, quyết định. Điều này có thể nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng tạo lập án lệ hơn bởi chất lượng của án lệ phải được tạo ra trước khi bản án, quyết định ban hành chứ không phải sau khi đã ban hành.
Thứ hai, bước đầu pháp luật nên quy định theo hướng tập trung vào thẩm quyền tạo lập án lệ cho TANDTC và TAND cấp cao chứ không nên quy định đối tượng được lựa chọn là các bản án, quyết định của TAND ở tất cả các cấp như hiện nay. Theo đó, thẩm quyền tạo lập án lệ của tòa án được xác định thông qua việc lựa chọn là các bản án, quyết định của tòa án để công bố làm án lệ chứ không phải thẩm quyền tạo lập án lệ được xác định bằng việc quy định trực tiếp trong văn bản pháp luật là tòa nào có thẩm quyền tạo lập án lệ. Theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 thì hệ thống tổ chức tòa án Việt Nam vừa theo cấp xét xử vừa theo đơn vị hành chính gồm: TANDTC (có thẩm quyền giám đốc thẩm); các TAND cấp cao (có thẩm quyền phúc thẩm và giám đốc thẩm); các TAND tỉnh (có thẩm quyền phúc thẩm và sơ thẩm); các TAND huyện (có thẩm quyền sơ thẩm). Như vậy, nếu dựa vào nguyên tắc thứ bậc của hệ thống tòa án thì có 3 cấp tòa án có thẩm quyền tạo lập án lệ theo thẩm quyền tố tụng là TANDTC, các TAND cấp cao và các
165Điều 1, Bộ quy định của TANDTC Trung Quốc về hoạt động xét xử các vụ án có giá trị hướng dẫn xét xử năm 2010.
TAND tỉnh. Tuy nhiên, ở Việt Nam có đến 63 TAND tỉnh ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương dẫn đến việc lựa chọn các bản án, quyết định của các tòa án để công bố làm án lệ cũng như bảo đảm tính thống nhất các giải pháp pháp lý cùng một vấn đề pháp lý ở tất cả các tòa này là công việc hết sức khó khăn. Trong tương lai, nếu Luật tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi thì nên tổ chức hệ thống tòa án theo mô hình hai cấp xét xử triệt để việc xác định thẩm quyền tạo lập án lệ dựa vào thứ bậc của tòa án được dễ dàng hơn. Cụ thể là hệ thống TAND gồm: các Tòa án sơ thẩm; các Tòa phúc thẩm; Tòa án nhân dân tối cao. Trong đó, tập trung vào thẩm quyền tạo lập án lệ của Tòa án nhân dân tối cao theo thủ tục giám đốc thẩm hay thực hiện chức năng phá án nhằm bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất. Chẳng hạn, ở Pháp chỉ có Tòa phá án (the Court of Cassation) mới có thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm trong hệ thống tòa án tư pháp; chỉ có Hội đồng nhà nước (Conseil d’ Etat) là Tòa tối cao trong hệ thống tòa án hành chính mới có thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm. Án lệ chủ yếu được hình thành thông qua chức năng phá án của các Tòa tối cao.
Thực tế quan sát 16 án lệ đã được công bố đều có nguồn gốc từ các quyết định giám đốc thẩm của TANDTC chứ không có bản án, quyết định của TAND tỉnh và TAND huyện. Quy định theo hướng này vừa có thể bảo đảm sự thống nhất của các án lệ vừa tránh tình trạng mâu thuẫn giữa nội dung án lệ với quyết định, bản án giải quyết theo tiến trình tố tụng. Chẳng hạn, một bản án sơ thẩm của TAND huyện hoặc TAND tỉnh được đề xuất và công bố làm án lệ nhưng tòa có thẩm quyền phúc thẩm đưa ra giải pháp pháp lý khác với tòa sơ thẩm sẽ tạo ra tình trạng mâu thuẫn.
Nếu trao thẩm quyền tạo lập án lệ cho TANDTC có thể dễ dàng tạo ra tính thống nhất của án lệ. Tuy nhiên, nếu trao thẩm quyền tạo lập án lệ cho TAND cấp cao thì có thể xảy ra tình trạng cùng một vấn đề pháp lý nhưng các án lệ của các TAND cấp cao ở các khu vực khác nhau lại đưa ra các giải pháp pháp lý khác nhau. Trong trường hợp này, có thể quy định bổ sung thẩm quyền của Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành nghị quyết để giải quyết vấn đề mâu thuẫn này.