CHƯƠNG 4: CHỨC NĂNG ÁP DỤNG ÁN LỆ CỦA TÒA ÁN Ở VIỆT NAM VÀ HƯỚNG HOÀN THIỆN
4.3. Vấn đề xác định yếu tố bắt buộc của án lệ ở Việt Nam
4.3.1. Một số khó khăn còn tồn tại trong việc xác định yếu tố bắt buộc của án lệ trong hoạt động áp dụng án lệ
Có thể nói rằng, xác định yếu tố bắt buộc của án lệ là một trong những yêu cầu cơ bản nhất trong hoạt động áp dụng án lệ. Do án lệ thường tồn tại dưới hình thức các bản án, quyết định nên việc xác định phần nào trong bản án, quyết định có giá trị bắt buộc luôn là vấn đề thách thức cho các tòa án áp dụng án lệ. Việt Nam là quốc gia mới sử dụng án lệ vẫn còn thiếu kinh nghiệm nên đây chắc chắn sẽ là vấn đề khó khăn lớn đối với các tòa án. Đến nay, TANDTC đã ban hành Công văn số 146/TANDTC-PC ngày 11 tháng 7 năm 2017 nhằm hướng dẫn việc viện dẫn, áp dụng án lệ cho các tòa án trong hoạt động xét xử. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng án lệ của tòa án ở Việt Nam còn khá ít ỏi.
Đến nay, mặc dù TANDTC vẫn chưa có tổng kết số liệu cụ thể về hoạt động áp dụng án lệ của tòa án nhưng theo số liệu thống kê ở mục “Có áp dụng án lệ”
trên trang website https://congbobanan.toaan.gov.vn. đến ngày 31-7-2018, có 181 bản án, quyết định của các Tòa án đã viện dẫn, áp dụng án lệ (trong đó có 04 bản án viện dẫn Án lệ số 02/2016/AL, 02 bản án viện dẫn Án lệ số 03/2016/AL, 20 bản án viện dẫn Án lệ số 04/2016/AL, 02 bản án viện dẫn Án lệ số 05/2016/AL, 04 bản án viện dẫn Án lệ số 06/2016/AL, 125 bản án, quyết định viện dẫn Án lệ số 08/2016/AL, 14 bản án viện dẫn Án lệ số 09/2016/AL, 03 bản án viện dẫn Án lệ số 10/2016/AL, 01 bản án viện dẫn Án lệ số 14/2017/AL, 04 bản án viện dẫn Án lệ số 16/2017/AL).188
Như vậy, bước đầu án lệ đã đi vào thực tiễn, góp phần bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất. Tuy nhiên, trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật hiện
188Dự thảo sơ kết 3 năm thực hiện công tác phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao tháng 9 năm 2018.
hành về công bố và áp dụng án lệ cũng như quan sát thực tiễn áp dụng án lệ, tác giả luận án nhận thấy vẫn còn một số khó khăn trong việc xác định yếu tố bắt buộc của án lệ khi áp dụng án lệ ở Việt Nam hiện nay như sau:
Thứ nhất, đến nay vẫn chưa có sự thống nhất trong việc xác định yếu tố bắt buộc nằm ở phần “Khái quát nội dung của án lệ” hay phần “Nội dung án lệ” theo mẫu án lệ đã công bố. Công văn số 146/TANDTC-PC của TANDTC ngày 11 tháng 7 năm 2017 có hướng dẫn xác định yếu tố bắt buộc của án lệ ở phần “Khái quát nội dung của án lệ” như sau: “Trường hợp áp dụng án lệ thì số án lệ, số bản án, quyết định của Toà án có chứa đựng án lệ, tính chất, tình tiết vụ việc tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý trong án lệ (nội dung khái quát của án lệ) phải được viện dẫn, phân tích trong phần Nhận định của Tòa án”. Như vậy, theo hướng dẫn của Công văn này thì các tòa án xác định tình tiết của vụ việc mình đang giải quyết tương tự với tình tiết nêu ở phần “Khái quát nội dung của án lệ”. Tuy nhiên, theo quan điểm của PGS. TS. Đỗ Văn Đại thì xác định yếu tố bắt buộc ở phần “Nội dung án lệ” còn phần “Khái quát nội dung của án lệ” chỉ có giá trị tham khảo.189
Thứ hai, vẫn còn khó khăn trong việc xác định phạm vi của yếu tố bắt buộc của án lệ hay quy tắc án lệ khi áp dụng. Tại Công văn số 146/TANDTC-PC của TANDTC sau khi hướng dẫn xác định yếu tố bắt buộc của án lệ trong phần “Khái quát nội dung của án lệ” còn lấy mẫu phần “Khái quát nội dung của án lệ” của án lệ số 07 như sau: “Hợp đồng mua bán nhà được lập thành văn bản trước ngày 01- 7-1991, có chữ ký của bên bán, ghi rõ bên bán đã nhận đủ tiền, bên mua tuy chưa ký tên trên hợp đồng nhưng là người giữ hợp đồng và đã quản lý, sử dụng nhà ở ổn định trong thời gian dài mà bên bán không có tranh chấp đòi tiền mua nhà.
Trường hợp này, hợp đồng có giá trị xác định bên mua đã trả đủ tiền cho bên bán và ý chí của bên mua đồng ý với hợp đồng mua bán nhà đó, hợp đồng mua bán nhà được công nhận”. Khi áp dụng án lệ này các tòa án sẽ gặp khó khăn trong việc xác định phạm vi của quy tắc án lệ. Cụ thể nếu căn cứ vào tình tiết được nêu ở nội dung trên thì áp dụng án lệ này cần phải đầy đủ các tình tiết sau: (i) hợp đồng mua bán nhà được lập thành văn bản trước ngày 01-7-1991; (i) có chữ ký của bên bán, (iii) ghi rõ bên bán đã nhận đủ tiền, (iv) bên mua tuy chưa ký tên trên hợp đồng
189PGS.TS. Đỗ Văn Đại (2017) “Nhận diện giá trị của các nội dung trong quyết định tạo lập án lệ”, http://anle.toaan.gov.vn.
nhưng là người giữ hợp đồng và đã quản lý, sử dụng nhà ở ổn định trong thời gian dài mà bên bán không có tranh chấp đòi tiền mua nhà. Nếu đầy đủ các tình tiết này thì được xem là ý chí của bên mua là đích thực, hướng giải quyết của án lệ là công nhận hiệu lực hợp đồng mua bán nhà. Tuy nhiên, nếu vụ việc tòa án đang giải quyết có tình tiết khác với các tình tiết nêu trong phần khái quát nội dung của án lệ số 7 nhưng vẫn thể hiện ý chí đích thực của bên mua thì tòa án có áp dụng án lệ hay không. Chẳng hạn, hợp đồng không do bên mua giữ mà bên thứ ba giữ còn các tình tiết khác vẫn đầy đủ. Rõ ràng tình tiết này không làm thay đổi việc nhận diện ý chí đích thực của bên mua nhưng lại không áp dụng án lệ do sự khác biệt về tình tiết.
Thứ ba, TANDTC chưa thật sự chú trọng vào công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng áp dụng cho các thẩm phán dẫn đến tình trạng các thẩm phán hiểu và áp dụng án lệ không đúng. Chẳng hạn, trong một vụ án “Tranh chấp Đòi lại tài sản”
do TAND Thành phố Cần Thơ giải quyết. Nội dung vụ việc này có tình tiết cơ bản tương tự với 02/2016/AL là Người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhờ Người Việt Nam đứng tên mua tài sản. Tuy nhiên, tại Bản án số 20/2017/DS - PT ngày 24/02/2017, Tòa này đã không áp dụng án lệ số 02. Lý do không áp dụng án lệ cũng được thể hiện rõ trong phần lập của bản án này là có sự khác biệt về tình tiết, trong án lệ số 02 có tình tiết là Người Việt Nam định cư ở nước ngoài “trực tiếp”
giao dịch với người bán tài sản (đất) còn vụ việc Tòa này giải quyết có tình tiết Người Việt Nam định cư ở nước ngoài “không trực tiếp” giao dịch mà đưa tiền cho người đứng tên dùm giao dịch. Như vậy, mặc dù tình tiết Người Việt Nam định cư ở nước ngoài “không trực tiếp” giao dịch không phải tình tiết cơ bản của án lệ nhưng TAND Thành phố Cần Thơ lại xác định là có sự khác biệt về tình tiết nên không áp dụng án lệ rõ ràng là không hợp lý. Ngược lại, trong Bản án số 208/2017/
DS – PT của TAND cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 29 tháng 8 năm 2017, mặc dù có tình tiết Người Việt Nam định cư ở nước ngoài “không trực tiếp” giao dịch mà đưa tiền cho người đứng tên dùm giao dịch nhưng Tòa này vẫn áp dụng án lệ số 02/2016/AL yêu cầu ngưới đứng tên dùm phải trả tài sản lại cho Người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Điều này cho thấy rằng, các thẩm phán áp dụng án lệ còn khá lúng túng trong việc thực hiện nguyên tắc tương tự hay xác định tình tiết nào là tình tiết cơ bản và tính chất tương tự của tình tiết được xác định như thế nào trong thực tiễn tư pháp.
4.3.2. Những kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả xác định yếu tố bắt buộc của án lệ trong hoạt động áp dụng án lệ
Thông qua việc nghiên cứu về vấn đề xác định yếu tố bắt buộc của án lệ trong hoạt động áp dụng án lệ ở các nước thông luật và dân luật, tác giả luận án nhận thấy rằng: một là, xác định yếu tố bắt buộc của án lệ thực chất là việc thực hiện nguyên tắc tương tự và đây là việc làm cần thiết và quan trọng trong hoạt động áp dụng án lệ; hai là, yếu tố bắt buộc nằm ở phần lập luận của tòa án, tồn tại dưới hình thức một quy tắc hay nguyên tắc theo kiểu “nếu .. thì…”; ba là, phương pháp xác định yếu tố bắt buộc của án lệ có sự khác biệt giữa tòa án ở các nước thông luật và tòa án dân luât phụ thuộc vào phương pháp lập luận. Phương pháp lập luận của tòa án ở các nước thông luật chủ yếu là phương pháp quy nạp nên yếu tố bắt buộc của án lệ - “ratio decidendi” tồn tại dưới hình thức một quy tắc ngầm định. Ngược lại, phương pháp lập luận của tòa án ở các nước dân luật chủ yếu là phương pháp diễn dịch nên yếu tố bắt buộc của án lệ thường tồn tại dưới hình thức một quy phạm khái quát - “court ruling” giống với quy phạm pháp luật trong văn bản pháp luật.
Trên cơ sở những đúc kết được từ việc nguyên cứu vấn đề việc xác định yếu tố bắt buộc của án lệ ở các nước thông luật và dân luật cũng như những khó khăn, hạn chế trong việc xác định yếu tố bắt buộc của án lệ ở Việt Nam hiện nay, tác giả luận án có một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, ở Việt Nam cần thay đổi cách thức công bố án lệ theo hướng công bố toàn bộ nội dung bản án, quyết định của tòa án được lựa chọn làm án lệ và có thể công bố kèm theo Phần tóm tắt nội dung án lệ chứ không theo mẫu như hiện nay.190 Mục đích công bố toàn bộ nội dung bản án, quyết định là nhằm phản ánh đầy đủ các tình tiết và các lập luận của tòa án. Vai trò của Phần tóm tắt nhằm giúp người đọc dễ nắm bắt nội dung của án lệ chứ không phải là Phần chứa đựng yếu tố bắt buộc của án lệ. Vấn đề này, Việt Nam có thể tham khảo cách thức công bố án lệ ở Anh. Các bản án của tòa án ở Anh được công bố trên các website bằng file điện tử gồm: Phần nội dung đầy đủ của bản án (judgemment) và Phần tóm tắt (press summary). Phần tóm tắt có vai trò giúp cho các thẩm phán, luật sư và chuyên gia pháp lý có thể dễ dàng nhận thức nội dung quy tắc án lệ trong bản án và
190Đỗ Thanh Trung (2018), “Bàn về nguyên tắc tương tự trong hoạt động áp dụng án lệ”, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 2, Kỳ I, tr. 43.
nó cũng có thể đưa các thông tin xét xử của tòa án tới công chúng một cách nhanh chóng. Mặc dù phần này được tòa án công bố chính thức bởi tòa án nhưng không giá trị pháp lý, khi xét xử các thẩm phán không được viện dẫn Phần tóm tắt làm cơ sở pháp lý để ra quyết định mà phải sử dụng quyết định chính thức của tòa án. Nếu áp dụng cách thức công bố này sẽ tạo ra sự thống nhất xác định yếu tố bắt buộc của án lệ ngay trong bản án, quyết định của tòa án cũng như có thể thực hiện được nguyên tắc tương tự.
Thứ hai, ở Việt Nam cần phải có phương pháp xây dựng yếu tố bắt buộc của án lệ trong phần lập luận của bản án, quyết định có chứa các giải pháp pháp lý mới.
Vấn đề này, bước đầu Việt Nam có thể tiếp kinh nghiệm từ Tòa phá án của Pháp.
Những bản án, quyết định của Tòa phá án khi giải quyết vấn đề pháp thì trong phần lập luận của tòa án thường chứa một quy tắc mang tính khái quát gần giống với một quy phạm pháp luật trong văn bản pháp luật. Chẳng hạn, khi giải quyết một vấn đề pháp lý mới đặt ra xác định pháp luật điều chỉnh về thừa kế động sản có yếu tố nước ngoài mà BLDS Pháp chưa quy định, trong phần lập luận của mình Phòng Dân sự số 1 của Tòa phá án của Pháp đã thiết lập ra một quy tắc án lệ (yếu tố bắt buộc) như sau: “vấn đề thừa kế động sản được điều chỉnh theo pháp luật của nước mà người để lại di sản có nơi cư trú cuối cùng”.191 Rõ ràng nếu xây dựng yếu tố bắt buộc của án lệ theo cách thức này thì các tòa án sẽ dễ dàng áp dụng án lệ hơn.
Dĩ nhiên muốn thực hiện được mục tiêu này cần phải đào tạo và nâng cao trình độ, kỹ năng viết phần lập luận cho các thẩm phán.
Thứ ba, TANDTC cần nhanh chóng mở các khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho các thẩm phán trong việc xác định tình tiết tương tự. Vấn đề này, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm từ các nước thông luật. Thực chất xác định tình tiết tương tự cũng chính là việc xác định phạm vi của quy tắc án lệ (yếu tố bắt buộc của án lệ). Đây chính là công việc khó khăn và phức tạp nhất của các thẩm phán ở các nước thông luật trong hoạt động áp dụng án lệ bởi lẽ phạm vi hay mức độ khái quát của quy tắc án lệ như thế nào là do các tòa án sau xác định chứ không phải do tòa án ban hành bản án, quyết định xác định. Nội dung đào tạo kỹ năng xác định tình tiết tương tự cần tập trung vào một số vấn đề sau:
191Đỗ Văn Đại (2011), “Án lệ của Tòa án nhân dân Tối cao – kinh nghiệm của Pháp đối với sự phát triển án lệ tại Việt Nam”, Tạp chí Tòa án nhân dân (13).
- Một là, đào tạo phương pháp hay cách thức xác định yếu tố bắt buộc của án lệ cho các thẩm phán, hội thẩm trực tiếp áp dụng án lệ. Tòa án ở các nước thông luật xác định yếu tố bắt buộc của án lệ (ratio decidendi) dựa vào các yếu tố sau: (i) tình tiết cơ bản của vụ việc được tòa án xem xét;
(ii) lý lẽ dẫn đến quyết định; (iii) quyết định hay kết quả. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, xác định phạm vi của yếu tố bắt buộc của án lệ không phải chỉ dựa vào bản án, quyết định được công bố làm án lệ mà còn thông qua hàng loạt các vụ việc tòa án áp dụng tương tự về sau.
- Hai là, đào tạo kỹ năng nhận diện các tình tiết cơ bản của vụ việc cho các thẩm phán, hội thẩm trực tiếp áp dụng án lệ. Nội dung vụ việc được lựa chọn để công bố làm án lệ có nhiều tình tiết, nếu tòa án không xác định được tình tiết cơ bản thì sẽ không thể áp dụng án lệ một cách có hiệu quả. Nếu tòa án dựa vào tình tiết không cơ bản mà phân biệt thì án lệ không được áp dụng dẫn đến tình trạng bất công bởi vụ việc giống nhau nhưng giải quyết khác nhau. Chẳng hạn, TAND Thành phố Cần Thơ giải quyết ban hành bản án số 20/2017/DSPT ngày 24/02/2017 dựa vào tình tiết không cơ bản là “không giao dịch trực tiếp” để không áp dụng số 02 là không hợp lý. Ngược lại, nếu tòa án bỏ sót tình tiết cơ bản có thể dẫn đến án lệ cứng nhắc và bất hợp lý.