Cơ sở pháp lý

Một phần của tài liệu Chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của toà án (Trang 98 - 102)

CHƯƠNG 3: CHỨC NĂNG TẠO LẬP ÁN LỆ CỦA TÒA ÁN Ở VIỆT NAM VÀ HƯỚNG HOÀN THIỆN

3.1. Thẩm quyền tạo lập án lệ của tòa án ở Việt Nam

3.1.2. Cơ sở pháp lý

Theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 thì hệ thống tòa án ở Việt Nam hiện nay bao gồm:

- Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của các Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng (Điều 20).

- Tòa án nhân dân cấp cao là Tòa án mới được thành lập theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Tòa này được tổ chức theo khu vực xét xử chứ không tổ chức theo đơn vị hành chính địa phương. Theo quy định tại Điều 29 của luật này thì Tòa án nhân dân cấp cao có nhiệm vụ, quyền hạn : “1. Phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật tố tụng; 2. Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng”. Như vậy, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân cấp cao được lấy một phần từ nhiệm vụ, quyền hạn của TAND tỉnh và một phần từ nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa phúc thẩm và các Tòa chuyên trách của TANDTC theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân trước đây. Mục đích để Tòa án nhân dân cấp cao thực hiện các nhiệm vụ,

quyền hạn của TANDTC trước đây là nhằm để TANDTC có thời gian tập trung thực hiện tốt chức năng hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất và ban hành án lệ.

- Tòa án nhân dân tỉnh được tổ chức theo đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo Điều 37 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 thì Tòa án nhân dân tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn: “1. Sơ thẩm vụ việc theo quy định của pháp luật; 2. Phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật; Kiểm tra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, khi phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của luật tố tụng thì kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, kháng nghị; Giải quyết việc khác theo quy định của pháp luật”.

- Tòa án nhân dân huyện được tổ chức theo đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương. Theo Điều 37 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 thì Tòa án nhân dân huyện có nhiệm vụ, quyền hạn: “1. Sơ thẩm vụ việc theo quy định của pháp luật; 2. Giải quyết việc khác theo quy định của pháp luật”.

Hiện nay, thẩm quyền ban hành án lệ được Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và Nghị quyết 03/2015/ NQ – HĐTP của Hội đồng thẩm phán TANDTC năm 2015 chính thức ghi nhận. Tại điểm c khoản 2 Điều 22 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 thì Hội đồng thẩm phán có nhiệm vụ, quyền hạn: “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”. Ngoài ra, tại khoản 5 năm Điều 27 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 cũng quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án TANDC: “tổng kết phát triển án lệ, công bố án lệ”. Nhằm cụ thể các quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Nghị quyết 03/2015/ NQ – HĐTP của Hội đồng thẩm phán TANDTC năm 2015 cũng quy định rõ thẩm quyền ban hành án lệ của Chánh

án TANDTC tại khoản 1 Điều 7: “Sau khi Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thông qua án lệ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố án lệ”.

Căn cứ vào những quy định trên, có thể thấy rằng vấn đề thẩm quyền tạo lập án lệ của tòa án Việt Nam khác với các nước khác trên thế giới như sau:

- Một là, ở Việt Nam có quy định thẩm quyền ban hành án lệ của tòa án cụ thể trong văn bản pháp luật. Trong khi đó, ở hầu hết các quốc gia sử dụng án lệ không có văn bản pháp luật quy định thẩm quyền tạo tập án lệ của tòa án. Vấn đề xác định thẩm quyền tạo lập án lệ của tòa án thường dựa vào quy tắc tập quán và phụ thuộc vào truyền thống pháp luật.

- Hai là, ở Việt Nam có sự khác biệt giữa tòa án có thẩm quyền tạo lập nội dung án lệ (giải pháp pháp lý mới) với tòa án có thẩm quyền ban hành hay thừa nhận hiệu lực pháp lý của án lệ. Thẩm quyền tạo lập nội dung án lệ thuộc về tòa án ở tất cả các cấp, còn thẩm quyền ban hành án lệ nhằm thừa nhận hiệu lực pháp lý của án lệ chỉ thuộc về TANDTC. Vì vậy, có sự phân biệt giữa nguồn của án lệ với án lệ. Nguồn của án lệ là các bản án, quyết định của tòa án ban hành để giải quyết vụ việc cụ thể, theo đó, có thể là các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, hoặc là bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND ở tất cả các cấp. Trên cơ sở lựa chọn bản án, quyết định đủ tiêu chí được quy định tại khoản 1, Điều 2 của Nghị quyết 03/2015/ NQ – HĐTP, Hội đồng Thẩm phán TANDTC thảo luận và biểu quyết thông qua và Chánh án TANDTC công bố làm án lệ. Tuy nhiên, án lệ được công bố không phải là các bản án, quyết định được lựa chọn mà được công bố theo mẫu của TANDTC. Trong nội dung của án lệ công bố theo mẫu có phần “Khái quát nội dung của án lệ” do Ban biên tập của TANDTC xây dựng, phần này tách biệt với các tình tiết của vụ việc cụ thể được giải quyết trong bản án, quyết định gốc. Ở khía cạnh này, có thể thấy rằng TANDTC không chỉ thừa nhận hiệu lực pháp lý của án lệ mà còn tham gia xây dựng nội dung của án lệ. Trong khi đó, phần lớn các quốc gia sử dụng án lệ thì các bản án, quyết định được lựa chọn để công bố cũng chính là án lệ mặc dù có thể công bố kèm theo phần tóm tắt.

Phần tóm tắt chủ yếu chỉ nhằm giúp người đọc dễ nắm bắt nội dung của

án lệ chứ không nhằm mục đích tách chức năng tạo lập án lệ ra khỏi chức năng xét xử vụ việc cụ thể của tòa án.

Thực chất pháp luật quy định thẩm quyền ban hành án lệ của TANDTC nhằm xác định hiệu lực pháp lý của án lệ có lẽ xuất phát từ văn hóa thực chứng pháp lý đã ăn sâu và bám rễ trong ý thức hệ của nền văn hóa pháp lý ở Việt Nam.

Mặt khác, sự thiếu tin tưởng vào chất lượng các bản án, quyết định của tòa án cũng chính là lý do giải thích vì sao các án lệ cần phải được Chánh án TAND TC công bố. Nhìn chung, pháp luật Việt Nam hiện hành quy định thẩm quyền ban hành án lệ của TANDTC mang lại những lợi ích sau:

Thứ nhất, pháp luật quy định thẩm quyền ban hành án lệ của TANDTC nhằm công nhận chính thức án lệ. Quy định này đã chấm dứt cuộc tranh luận kéo dài ở Việt Nam về vấn đề có án lệ hay chưa có án lệ. Trước đây, có quan điểm cho rằng, các thẩm phán chỉ ngầm hiểu với nhau khi vận dụng án lệ vào xét xử mà không được viện dẫn công khai vào bản án.160 Mặt khác, quy định thẩm quyền ban hành án lệ của TANDTC đã làm thay đổi nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của án lệ trong hệ thống pháp luật nói riêng và trong đời sống xã hội nói chung. Đặc biệt là sau khi Chánh án TANDTC ký Quyết định số 220/QĐ-CA và Quyết định số 689/QĐ-CA công bố 10 án lệ thời gian gần đây được xã hội rất quan tâm.

Thứ hai, pháp luật quy định thẩm quyền ban hành án lệ của TANDTC sẽ bảo đảm được chất lượng “đầu ra” của án lệ bởi vì các bản án, quyết định được chọn phải là các bản án, quyết định đủ tiêu chí được quy định tại khoản 1, Điều 2 của Nghị quyết 03/2015/ NQ – HĐTP. Ngoài ra, trước khi công bố án lệ còn có sự tham gia của Hội đồng tư vấn án lệ và sự đóng góp ý kiến của các nhà khoa học pháp lý, luật sư…vv.. Điều này có thể tạo ra sự yên tâm lớn hơn cho những người phản đối đưa án lệ vào hoạt động xét xử trước đây. Chẳng hạn, một số Đại biểu Quốc hội là những người đứng đầu ngành tư pháp, các Ủy ban của Quốc hội và Phó chủ tịch Quốc hội đều cho rằng, nên rút các quy định về án lệ trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật TTDS năm 2004 với lý do sau: “hiện nay bản án, quyết định của tòa án vẫn còn mắc sai lầm, kể cả quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Do vậy, bản án, quyết định của tòa án cấp trên không thể là cơ sở cho tòa án cấp dưới tham khảo khi xét xử”.161

160Bài viết: “Án lệ ngầm ở Việt Nam”, Báo pháp luật TP.HCM, ngày 19 tháng 1 năm 2013.

161Nguyễn Lê (2010), Bài viết; “Chưa đưa án lệ vào công tác xét xử của tòa án”, Thời báo kinh tế Việt Nam, ngày 21 tháng 8 năm 2010.

Thứ ba, pháp luật quy định thẩm quyền ban hành án lệ của TANDTC sẽ bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất cũng như bảo đảm sự công bằng và bình đẳng trước pháp luật của các chủ thể khác nhau trong xã hội. Án lệ được hình thành trong các trường hợp tòa án gặp phải vấn đề pháp lý mới mà chưa có văn bản pháp luật quy định, hoặc có quy định nhưng chưa cụ thể, hoặc có quy định nhưng quá cứng nhắc thì tòa án buộc phải đưa ra các giải pháp pháp lý mới (án lệ) để giải quyết vụ việc. Do đó, có thể xảy ra tình trạng cùng một vấn đề pháp lý đặt ra nhưng các tòa án khác nhau lại có quan điểm hay giải pháp pháp lý khác nhau. Vì vậy, giao cho TANDTC thẩm quyền ban hành án lệ cũng có nghĩa là chỉ chấp nhận một giải pháp pháp lý thống nhất để giải quyết một vấn đề pháp lý mới nào đó đặt ra. Vì thế, án lệ có thể bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất trong phạm vi cả nước. Từ đó, có thể bảo đảm được sự công bằng và bình đẳng trước pháp luật của các chủ thể khác nhau trong xã hội.

Một phần của tài liệu Chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của toà án (Trang 98 - 102)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(275 trang)