Các phương pháp lập luận tạo lập án lệ của tòa án phổ biến hiện nay

Một phần của tài liệu Chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của toà án (Trang 114 - 117)

CHƯƠNG 3: CHỨC NĂNG TẠO LẬP ÁN LỆ CỦA TÒA ÁN Ở VIỆT NAM VÀ HƯỚNG HOÀN THIỆN

3.3. Phương pháp lập luận tạo lập án lệ của tòa án ở Việt Nam

3.3.1. Các phương pháp lập luận tạo lập án lệ của tòa án phổ biến hiện nay

Thứ nhất, phong cách lý lẽ tạo lập án lệ của tòa án Việt Nam không theo logic diễn dịch của tòa án ở các nước dân luật mà gần giống với logic quy nạp của tòa án ở các nước thông luật. Trong phần lập luận của tòa án không đưa ra một quy tắc hay nguyên tắc mang tính khái quát theo kiểu “nếu…thì….” làm cơ sở để tòa án đưa ra quyết định giải quyết vụ việc. Ngược lại, trong phần lập luận thường đưa ra ý kiến, lập luận rất cụ thể. Chẳng hạn, phần lập luận của Quyết định giám đốc 04/2010/QĐ-HĐTP ngày 03-3-2010 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC được công bố làm án lệ số 04 thể hiện như sau: “Về hợp đồng mua bán nhà, đất ngày 26- 4-1996: Việc chuyển nhượng nhà, đất diễn ra từ năm 1996, sau khi mua nhà, đất, ông Tiến, bà Tý đã trả đủ tiền, nhận nhà đất, tôn nền đất, sửa lại nhà và cho các cháu đến ở. Trong khi đó gia đình ông Ngự, bà Phấn vẫn ở trên diện tích đất còn

lại, liền kề với nhà ông Tiến, bà Tý. Theo lời khai của các người con ông Ngự, bà Phấn thì sau khi bán nhà, đất cho vợ chồng bà Tý, ông Ngự, bà Phấn đã phân chia vàng cho các người con. Mặt khác, sau khi chuyển nhượng và giao nhà đất cho ông Tiến, bà Tý thì ngày 26-4-1996, ông Ngự còn viết “giấy cam kết” có nội dung mượn lại phần nhà đất đã sang nhượng để ở khi xây dựng lại nhà trên phần đất còn lại và trong thực tế vợ chồng bà Phấn, ông Ngự đã sử dụng phần nhà đất của bà Tý, ông Tiến khi xây dựng nhà. Như vậy, có cơ sở xác định bà Phấn biết có việc chuyển nhượng nhà, đất giữa ông Ngự với vợ chồng ông Tiến và bà Tý, bà Phấn đã đồng ý, cùng thực hiện nên việc bà Phấn khiếu nại cho rằng ông Ngự chuyển nhượng nhà đất cho vợ chồng bà Tý bà không biết là không có căn cứ”. Như vậy, chúng ta không tìm thấy một quy phạm khái quát trong toàn bộ nội dung của phần lập luận của Quyết định giám đốc thẩm này. Vì vậy, nếu không có phần khái quát nội dung của án lệ của Ban biên tập viết thì các tòa án sau sẽ gặp khó khăn trong việc xác định yếu tố bắt buộc của án lệ để áp dụng.

Thứ hai, phong cách lý lẽ tạo lập án lệ của tòa án Việt Nam mang tính chất áp đặt chứ không mang tính tranh luận. Các ý kiến, lý lẽ của các thẩm phán trong các bản án của Việt Nam luôn có sự thống nhất và không có ý kiến bất đồng. Mặt khác, các lý lẽ của thẩm phán trong các quyết định thường rất ngắn gọn, đôi khi chỉ có vài dòng. Nội dung của phần lập luận trong bản án không có sự tranh luận đa chiều thể hiện các quan điểm, lý lẽ khác nhau của các thẩm phán giống như nội dung của các bản án của các tòa án ở các nước thông luật. Ví dụ, tại Quyết định giám đốc thẩm số 27/2010/DS-GĐT ngày 08 tháng 07 năm 2010 của Hội đồng thẩm phán TANDTC đã được công bố làm án lệ, lý lẽ của tòa án đưa ra để giải quyết vụ việc như sau “Tuy bà Thảnh là người bỏ 21,99 chỉ vàng để chuyển nhượng đất (tương đương khoảng 27.047.700 đồng). Nhưng giấy tờ chuyển nhượng đứng tên ông Tám và sau khi nhận chuyển nhượng ông Tám quản lý đất, sau đó chuyển nhượng cho người khác. Như vậy, lẽ ra phải xác định ông Tám có công sức trong việc bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị đất nên phải xác định số tiền trên (sau khi trừ tiền gốc tương đương 21,99 chỉ vàng của bà Thảnh) là lợi nhuận chung của bà Thảnh và ông Tám. Đồng thời, xác định công sức của ông Tám để chia cho ông Tám một phần tương ứng với công sức của ông mới đúng và đảm bảo quyền lợi của các đương sự. (Trường hợp không xác định được chính xác công sức của ông Tám thì phải xác định bà Thảnh, ông Tám có công sức

ngang nhau để chia). Trong toàn bộ phần lập luận này chúng ta không tìm thấy tòa án dựa trên các nguyên tắc pháp luật hay đạo đức hoặc học thuyết pháp lý nào để quyết định chia đôi phần lợi nhuận cho người nhờ đứng tên và người đứng tên hộ.

Nói cách khác, tòa án chưa giải thích được rằng giải pháp của mình đưa ra là mang tính thuyết phục. Mặt khác, tòa án chỉ đưa ra một giải pháp duy nhất để giải quyết vấn đề này chứ không nêu ra các quan điểm và ý kiến khác.

Thứ ba, lập luận trong các bản án, quyết định của tòa án Việt Nam thường không viện dẫn các điều khoản trong các văn bản pháp luật làm cơ sở để giải quyết vụ việc. Điều này dễ làm người đọc hiểu những lập luận trong bản án, quyết định của tòa án chính là quan điểm riêng của các thẩm phán chứ không xuất phát từ các quy định của pháp luật. Trong tổng số 10 án lệ đã công bố ở hai đợt thì chỉ có án lệ số 01 và án lệ số 09 là trong phần lập luận của tòa án có nêu căn cứ pháp lý quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Chẳng hạn, phần Nội dung của án lệ số 03 được thể hiện: “…Do đó, việc Tòa án các cấp nhận định rằng anh Nam đi làm giấy tờ đất ông Phác không biết và việc chị Hồng khai gia đình chồng đã cho vợ chồng nhưng không có chứng cứ chứng minh, để xác định diện tích đất 80m2 tại thôn Vân Hòa, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội là tài sản thuộc hộ gia đình ông Phạm Gia Phác; đồng thời buộc anh Nam, chị Hồng trả lại đất cho gia đình ông Phác, là không đúng. Cần phải xác định diện tích đất tranh chấp trên là tài sản chung của vợ chồng anh Nam, chị Hồng và khi chia phải coi anh Nam có công sức đóng góp nhiều hơn để chia theo công sức của mỗi bên và cần phải căn cứ vào nhu cầu về chỗ ở để chia hiện vật cho các bên nhằm đảm bảo quyền lợi cho các đương sự”. Như vậy, toàn bộ phần lập luận này chúng ta không tìm thấy bất kỳ điều khoản nào trong các văn bản pháp luật. Điều này hoàn toàn trái ngược với các bản án của Tòa phá án của Pháp, các lập luận của tòa án thường phải dựa theo những điều, khoản trong các văn bản pháp luật. Trên thực tế, khi giải quyết một vụ việc có thể không liên quan gì đến việc giải thích các điều, khoản trong văn bản pháp luật nhưng tòa án vẫn nêu căn cứ pháp lý. Trong vụ việc giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế động sản, nhưng Tòa tối cao có viện dẫn Điều 3 của BLDS: “những bất động sản, ngay cả khi chiếm hữu bởi người nước ngoài, cũng chịu sự điều chỉnh của pháp luật Pháp”. Mặc dù trong nội dung Điều luật này không có từ ngữ nào liên quan đến thừa kế động sản. Điều này xuất phát từ văn

hóa pháp lý xem trọng nguồn luật thành văn cũng như không thừa nhận án lệ là nguồn luật độc lập, chính thức ở quốc gia này.

Một phần của tài liệu Chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của toà án (Trang 114 - 117)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(275 trang)