Những kiến nghị đối với vấn đề phạm vi tạo lập án lệ của tòa án

Một phần của tài liệu Chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của toà án (Trang 111 - 114)

CHƯƠNG 3: CHỨC NĂNG TẠO LẬP ÁN LỆ CỦA TÒA ÁN Ở VIỆT NAM VÀ HƯỚNG HOÀN THIỆN

3.2. Phạm vi tạo lập án lệ của tòa án ở Việt Nam

3.2.2. Những kiến nghị đối với vấn đề phạm vi tạo lập án lệ của tòa án

Nhìn chung, các trường hợp tòa án tạo lập án lệ ở Việt Nam là phù hợp với thông lệ ở các nước thông luật và dân luật. Vừa bảo đảm cho tòa án thực hiện vai trò bảo đảm công lý vừa bảo đảm nguyên tắc phân quyền tránh tình trạng tòa án xâm phạm quyền lập pháp của nghị viện.

Trên cở sở tiếp thu kinh nghiệm về vấn đề phạm vi tạo lập án lệ của tòa án ở các nước thông luật và dân luật, tác giả luận án có một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, đối với trường hợp tòa án tạo lập án lệ nhằm giải thích các quy định mang tính khái quát trong trường hợp văn bản pháp luật. Trường hợp này đòi hỏi tòa án giải thích pháp luật dựa trên những nguyên tắc và phương pháp nhất định. Trong án lệ số 09, tòa án giải thích “lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường” trong Điều 306 của Luật Thương mại năm 2005 là “mức lãi suất nợ quá hạn trung bình của ít nhất ba Ngân hàng tại địa phương tại thời điểm thanh toán (xét xử sơ thẩm)”. Tuy nhiên, chúng ta không tìm thấy các nguyên tắc và phương pháp giải thích pháp luật nào sử dụng cho nội dung giải thích này. Điều này làm cho người đọc cảm thấy rằng giải thích này chỉ là quan điểm chủ quan, một chiều từ phía tòa án. Để khắc phục tình trạng này, ở Việt Nam cần có bộ quy tắc về giải thích pháp luật nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động giải thích pháp luật của tòa án (tạo lập án lệ). Tác giả luận án cũng ủng hộ quan điểm cho rằng, Việt Nam nên ban hành Luật giải thích pháp luật nội dung của Luật này bao gồm các chế định:168 (i) mục đích, yêu cầu của giải thích pháp luật; (ii) quyền hạn và nhiệm vụ giải thích pháp luật; (iii) nguyên tắc giải thích pháp luật; (iv) các quy định cụ thể về giải thích Hiến pháp, các đạo luật, điều ước quốc tế và các văn bản khác; (v) phương pháp và các kỹ thuật giải thích pháp luật; (v) giải thích pháp luật của Tòa án... Tòa án tạo lập án lệ trong trường hợp giải thích các quy định mang tính khái quát dựa trên những nguyên tắc và phương pháp nhất định thì không những nâng cao chất lượng của án lệ mà còn tạo ra niềm tin của công chúng đối với các bản án, quyết định ban hành trong trường hợp này.

168Phạm Thi Duyên Thảo (2014), “Một số vấn đề về giải thích pháp luật chính thức ở Việt Nam hiện nay”, NXB CTQG, tr. 197 – 198.

Thứ hai, đối với các trường hợp tòa án tạo lập án lệ khi văn bản pháp luật không có quy định, hoặc có quy định nhưng cứng nhắc. Có thể nói rằng, cho phép tòa án tạo lập trong các trường hợp này đã nâng vị thế của tòa án lên tối đa trong mối quan hệ với cơ quan lập pháp và hành pháp bởi bản chất đích thực của hoạt động tạo lập án lệ trong các trường hợp này đã trao cho tòa án “quyền lập pháp

đúng nghĩa cũng như có quyền năng đánh giá lại các quy định của văn bản pháp luật. Yêu cầu tối quan trọng đối với hoạt động tạo lập án lệ trong trường hợp này là cần bảo đảm tính “hợp lý” của các phán quyết tư pháp. Thời gian vừa qua, thực tiễn các án lệ được tạo trong các trường hợp này thường gây ra nhiều tranh cãi và bị chỉ trích bởi sức thuyết phục của các án lệ này vẫn chưa cao. Chẳng hạn, có nhiều ý kiến cho rằng nên hủy bỏ án lệ số 02, một luật sư bình luận về án lệ số 02 cho rằng, Hội đồng Thẩm phán TANDTC nên xem xét hủy bỏ án lệ số 02 bởi các lý do:169 “(i) áp dụng án lệ sẽ cổ súy cho các chủ thể vi phạm Luật Nhà ở 2015, Luật Đất đai 2013 và BLDS 2015 không đủ điều kiện giao dịch nhưng vẫn xác lập giao dịch ngầm, nhà nước không quản lý được; (ii) đường lối án lệ này giúp cho bên đứng tên giùm “lật kèo” được hưởng lợi từ gía chênh lệch. Cổ súy hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của người khác; (iii) áp dụng án lệ này có thể phát sinh những hậu quả pháp lý gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của các bên đương sự trong thi hành án”. Một chuyên gia trong lĩnh vực án lệ lo lắng nếu phát triển Quyết định giám đốc thẩm số 405/2012/DS-GĐT ngày 27-8-2012 của Tòa Dân sự TANDTC (Dự thảo án lệ số 08) thành án lệ có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng lấn chiếm xây dựng. Chuyên gia này cho rằng: “Đối với loại tranh chấp về lấn chiếm khi xây dựng thì chưa có hướng dẫn cụ thể. Việc đề xuất án lệ cho trường hợp này là cần thiết. Tuy nhiên, cách giải quyết như dự thảo là chưa thuyết phục, nếu phát triển thành án lệ sẽ dễ dẫn đến bị lạm dụng….việc lấn chiếm chiều ngang 1,3 m là khá lớn. Nếu thành án lệ sẽ dẫn đến cách hiểu là lấn chiếm bao nhiêu cũng vẫn được giữ lại, không phải tháo dỡ công trình, chỉ cần thanh toán bằng giá trị là được. Tư tưởng như vậy sẽ không ổn, người muốn lấn sẽ không do dự lấn chiếm phần đất giáp ranh của người khác”.170 Theo tác giả luận án, tòa án tạo lập án lệ trong các trường hợp này cần bảo đảm các yêu cầu sau:

169Bài viết: “Cần hủy án lệ Việt kiều nhờ đứng tên mua đất”, Báo Pháp luật Thành phố HCM ngày 27/07/ 2017.

170Bài viết: “Tiền lệ nguy hiểm nếu nâng thành án lệ”, Báo Pháp luật Thành phố HCM ngày 27/07/ 2017.

- Một là, lập luận của tòa án hay giải pháp đưa ra án lệ cần phải bảo đảm tính hợp lý hay có sức thuyết phục. Muốn đạt được yêu cầu này, tòa án cần phải dựa vào các nguyên tắc pháp lý, chính sách, học thuyết pháp lý, điều ước quốc tế, án lệ nước ngoài…vv. để đưa ra phán quyết chứ không phải ý chí chủ quan. Chẳng hạn, phần lập luận trong Quyết định giám đốc thẩm số 27/2010/DS-GĐT ngày 08-7-2010 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC còn khá đơn giản và thiếu sức thuyết phục bởi đây là ý chí chủ quan của các thẩm phán chứ nó không thể hiện bất kỳ nguyên tắc pháp lý, chính sách hoặc các học thuyết pháp lý nào làm nền tảng cho giải pháp pháp lý (án lệ). Phần lập luận của các thẩm phán thể hiện như sau:

“Tuy bà Thảnh là người bỏ 21,99 chỉ vàng để chuyển nhượng đất (tương đương khoảng 27.047.700 đồng). Nhưng giấy tờ chuyển nhượng đứng tên ông Tám và sau khi nhận chuyển nhượng ông Tám quản lý đất, sau đó chuyển nhượng cho người khác. Như vậy, lẽ ra phải xác định ông Tám có công sức trong việc bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị đất nên phải xác định số tiền trên (sau khi trừ tiền gốc tương đương 21,99 chỉ vàng của bà Thảnh) là lợi nhuận chung của bà Thảnh và ông Tám. Đồng thời xác định công sức của ông Tám để chia cho ông Tám một phần tương ứng với công sức của ông mới đúng và đảm bảo quyền lợi của các đương sự (Trường hợp không xác định được chính xác công sức của ông Tám thì phải xác định bà Thảnh, ông Tám có công sức ngang nhau để chia)”.

- Hai là, để có thể gia tăng sức thuyết phục của án lệ đòi hỏi phần lập luận của tòa án phải mang tính tranh luận, giải pháp pháp lý đưa ra là sự lựa chọn từ các giải pháp khác nhau đã được các thẩm phán phân tích. Rõ ràng trong phần “Nội dung án lệ” của án lệ số 02 còn khá sơ sài, các thẩm phán không hề phân tích các ý kiến khác nhau trước khi đưa ra giải pháp của mình. Do vậy, vị luật sư nói trên đã có ý kiến nhằm chỉ trích đối với án lệ số 02 như sau: “Đường lối án lệ này giúp cho bên đứng tên giùm “lật kèo” được hưởng lợi từ giá chênh lệch. Cổ súy hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của người khác”171.

171Bài viết: “Cần hủy án lệ Việt kiều nhờ đứng tên mua đất”, Báo Pháp luật Thành phố HCM ngày 27/07/ 2017.

Thứ ba, pháp luật Việt Nam nên bổ sung trường hợp tòa án tạo án lệ thông qua hoạt động giải thích Hiến pháp. Để tòa án có thể tạo lập án lệ trong trường hợp này thì cần thiết phải sửa Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và các văn bản pháp luật khác. Quy định bổ sung tòa án tạo lập án lệ trong trường hợp này có thể nâng cao vị thế của ngành tư pháp, nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo hiến ở nước ta nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Điều này giúp chúng ta thoát khỏi tình trạng bảo hiến chỉ mang tính hình thức ở Việt Nam hiện nay. Khoản 2 Điều 119 Hiến pháp 2013 quy định: “Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và toàn thể Nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp”. Mặc dù Tòa án nhân dân có trách nhiệm bảo hiến nhưng trên thực tế tòa án không căn cứ vào Hiến pháp để xét tính hợp hiến của các văn bản pháp luật khác cũng như làm cơ sở pháp lý để đưa ra các phán quyết. Vì vậy, các phán quyết của tòa án Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức hợp pháp chứ chưa thể đến mức hợp hiến. Đây là một trong những hạn chế lớn của nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam hiện nay.

Một phần của tài liệu Chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của toà án (Trang 111 - 114)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(275 trang)