CHƯƠNG 4: CHỨC NĂNG ÁP DỤNG ÁN LỆ CỦA TÒA ÁN Ở VIỆT NAM VÀ HƯỚNG HOÀN THIỆN
4.1. Nghĩa vụ tuân theo án lệ của tòa án ở Việt Nam
4.1.4. Những kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến nghĩa vụ tuân theo án lệ của tòa án
Trên cơ sở nghiên cứu về nghĩa vụ tuân theo án lệ của tòa án ở các nước thông luật và dân luật, tác giả luận án thấy rằng nghĩa vụ tuân theo án lệ của tòa án ở các quốc gia này là xuất phát từ giá trị của án lệ và tính thứ bậc của hệ thống tòa án chứ không phải là hiệu lực pháp lý của án lệ. Điều này không những phù hợp với bản chất của nguồn luật án lệ mà còn phù hợp với bản chất của hoạt động tạo lập và áp dụng án lệ của tòa án. Vì vậy, tác giả có một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định hiện hành như sau:
Thứ nhất, pháp luật nên thay đổi theo hướng quy định “mềm hóa” nghĩa vụ tuân theo án lệ của tòa án. Thực tiễn ở các nước thông luật lẫn các nước dân luật không có văn bản pháp luật quy định trực tiếp về nghĩa vụ tuân theo án lệ của tòa án cũng như không quy định về hiệu lực pháp lý của án lệ. Ở các nước Đức, Pháp, Nhật Bản là các nước theo hệ thống luật lục địa, trong đó luật thực định là nguồn cơ bản của luật, không có văn bản quy phạm pháp luật quy định rằng phải xét xử theo án lệ.184 Ở các nước thông luật, nghĩa vụ tuân theo án lệ của tòa án được xác định theo nguyên tắc stare decisis. Trong suốt thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, do chịu ảnh hưởng từ học thuyết thực chứng pháp lý (legal positivism) nên nguyên tắc bắt buộc tòa án tuân theo án lệ trở nên cứng nhắc. Tuy nhiên, từ nửa sau thế kỷ XX, nghĩa vụ tuân theo án lệ của tòa án ở các nước thông luật trở nên mềm dẻo, linh hoạt hơn. Chẳng hạn, ở Anh, Tòa tối cao đưa ra tuyên bố (Practice Statement) ngày 26 tháng 7 năm 1966 để bác bỏ án lệ của mình trước đó với hai lý do như sau:
“tuân theo các án lệ cứng nhắc có thể duy trì những sự bất công mãi mãi và có thể cản trở sự phát triển thích đáng của pháp luật”.185 Ở Hoa Kỳ, do chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa pháp luật hiện thực nên Tòa tối cao của Liên bang hoặc các tòa tối cao của bang có thể bác bỏ án lệ của chính mình dễ dàng hơn so với Tòa tối cao của Anh. Pháp luật Việt Nam có thể tham khảo cách quy định về nghĩa tuân theo án lệ của tòa án ở Trung Quốc. Tại Điều 7 của Bộ quy định của TANDTC Trung Quốc về hoạt động xét xử các vụ án có giá trị hướng dẫn xét xử năm 2010 quy định về nghĩa vụ tuân theo án lệ của tòa án như sau: “Tòa án nhân dân các cấp nên tham khảo và viện dẫn các vụ án có giá trị hướng dẫn xét xử do Tòa án nhân dân tối
184JICA (2007), “Nghiên cứu chung Việt - Nhật về việc phát triển án lệ tại Việt Nam”, tr. 18.
185 Practice Statement at [1966] 3 All ER 77.
cao công bố trong quá trình xét xử vụ việc tương tự”. Nếu pháp luật thay đổi theo hướng quy định này cần sửa đổi các quy định sau:
- Một là, nên sửa khoản 2 Điều 8 Nghị quyết 03/2015/ NQ – HĐTP : “Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau…; trường hợp không áp dụng án lệ thì phải phân tích, lập luận, nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Toà án” thành: “Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm nên tham khảo án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau…..; trường hợp giải quyết vụ việc có tình tiết tương tự với án lệ nhưng Thẩm phán, Hội thẩm cho rằng án lệ không hợp lý thì nên phân tích và giải thích lý do trong bản án, quyết định của Toà án”.
- Hai là, nên sửa khoản 3 Điều 9 Nghị quyết 03/2015/ NQ – HĐTP:
“Trường hợp Hội đồng xét xử không áp dụng án lệ và có phân tích, lập luận nêu rõ lý do trong bản án, quyết định thì ngay sau khi tuyên án phải gửi kiến nghị thay thế án lệ về Tòa án nhân dân tối cao” thành: “Trường hợp Hội đồng xét xử không áp dụng án lệ và đã có phân tích, giải thích lý do trong bản án, quyết định thì có thể gửi kiến nghị thay thế hoặc hủy bỏ án lệ về Bộ phận chuyên trách lựa chọn, công bố án lệ của Tòa án nhân dân tối cao”.
Thứ hai, pháp luật nên thay đổi theo hướng quy định nghĩa vụ tuân theo án lệ của tòa án xuất phát từ giá trị của án lệ và thứ bậc của hệ thống tòa án chứ không phải từ hiệu lực pháp lý của án lệ. Tham khảo kinh nghiệm từ các nước sử dụng án lệ trên thế giới dường như không có quốc gia nào quy định rõ thời điểm phát sinh và chấm dứt hiệu lực pháp lý của án lệ giống như Việt Nam. Ở Nhật Bản, không có quy định cụ thể nào về hiệu lực chung của các bản án và quyết định của Tòa án tối cao như là “án lệ”, vì tại khoản 3 điều 76 Hiến pháp Nhật bản có quy định: “Tất cả các thẩm phán độc lập làm việc theo lương tâm và chỉ bị rằng buộc bởi Hiến pháp
và pháp luật”.186 Ở Trung Quốc, Văn bản các quy định của TANDTC Trung Quốc về hoạt động xét xử các vụ án có giá trị hướng dẫn xét xử ngày 26/11/2010 thì không có điều khoản nào quy định hiệu lực pháp lý của án lệ làm cơ sở bắt buộc tòa án tuân theo án lệ. Ngay từ tên gọi của Văn bản này là “các vụ án có giá trị hướng dẫn xét xử” - “Guiding cases” nhằm tránh đề cập đến hiệu lực pháp lý của án lệ. Liên quan đến vấn đề này, các quan điểm chỉ đạo của Quyết định số 74/QĐ – TANDTC của Chánh án TANDTC năm 2012 rất hợp lý. Cụ thể tại mục I: “Việc sử dụng án lệ chỉ coi là thứ yếu, sau văn bản quy phạm pháp luật ….án lệ được ban hành khi chưa có Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao…có giá trị tham khảo đối với Thẩm phán khi giải quyết các vụ việc cụ thể.
Tuy nhiên, khi xét xử, các Tòa án được khuyến khích viện dẫn án lệ của Tòa án nhân dân tối cao. Việc viện dẫn án lệ vào một quyết định của Tòa án không có nghĩa án lệ là cơ sở pháp lý cho quyết định của vụ án mà Tòa án xét xử. Cơ sở cho quyết định của Tòa án phải dựa trên cơ cở pháp luật trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật…”. Những quan điểm chỉ đạo này rất giống với quan niệm về xây dựng và áp dụng án lệ ở các nước theo truyền thống pháp luật dân luật. Quan niệm này rất hợp lý bởi hệ thống pháp luật Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với truyền thống pháp luật dân luật. Một học giả có uy tín trong lĩnh vực án lệ cũng cho rằng, Việt Nam nên áp dụng học thuyết án lệ không mang tính bắt buộc có thể phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam, án lệ chỉ là nguồn luật có giá trị tham khảo.187 Nếu thay đổi theo hướng này thì cần phải thay đổi những quy định liên quan đến xác định hiệu lực pháp lý của án lệ. Cụ thể là bãi bỏ khoản 1, Điều 8 Nghị quyết 03/2015/ NQ – HĐTP: “Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 45 ngày kể từ ngày công bố hoặc được ghi trong quyết định công bố án lệ của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao”.
Nếu chọn phương án quy định mềm hóa nghĩa vụ tuân theo án lệ của tòa án như trên có thể sẽ gặp phải quan điểm không đồng tình. Bởi lẽ quy định của Nghị quyết 03/2015/ NQ – HĐTP là các tòa án “phải” áp dụng án lệ chứ không phải
“nên tham khảo” án lệ nhằm tránh tình trạng các tòa án tùy nghi trong hoạt động áp dụng án lệ. Không thể phủ nhận rằng phương án quy định các tòa án “phải” áp
186Nguyễn Văn Cường, “Án lệ Nhật Bản và một số vấn đề đặt ra khi đưa án lệ vào công tác xét xử tại tòa án Việt nam”, Đề tài nghiên cứu cấp bộ, “Triển khai án lệ vào công tác xét xử của Tòa án Việt Nam” của TANDTC.
187Nguyễn Văn Nam (2011), “Lý luận và thực tiễn án lệ trong hệ thống pháp luật của các nước Anh, Mỹ, Pháp, Đức và những kiến nghị đối với Việt Nam”. Luận án Tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà nội, tr. 268.
dụng án lệ mang lại các lợi ích sau: (i) thay đổi nhận thức của các thẩm phán, hội thẩm về nghĩa vụ tuân theo án lệ; (ii) bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất thông qua việc bắt buộc áp dụng án lệ. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của phương án này là dẫn đến áp dụng án lệ cứng nhắc. Lý do tác giả luận án chọn phương án quy định các tòa án “nên tham khảo” án lệ là nhìn nhận sự phát triển của án lệ từ hai khía cạnh sau: (i) án lệ được tạo lập bởi tòa án ban hành bản án, quyết định có chứa giải pháp pháp lý mới; (ii) các tòa án áp dụng án lệ phải đánh giá lại các giải pháp pháp lý của tòa án trước. Khía cạnh thứ hai đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển của án lệ phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội. Quy định các tòa án “nên tham khảo” án lệ không có nghĩa là các tòa án có thể tự do hay tùy tiện trong hoạt động áp dụng án lệ bởi các tòa án cấp trên có quyền sửa hoặc hủy các bản án, quyết định của các tòa án cấp dưới nếu không áp dụng án lệ mà không có lý do giải thích một cách thích đáng.