Các vấn đề cơ bản về chức năng tạo lập án lệ của tòa án

Một phần của tài liệu Chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của toà án (Trang 53 - 71)

CHƯƠNG 2: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ CHỨC NĂNG TẠO LẬP VÀ ÁP DỤNG ÁN LỆ CỦA TÒA ÁN

2.2. Chức năng tạo lập án lệ của tòa án

2.2.3. Các vấn đề cơ bản về chức năng tạo lập án lệ của tòa án

Điểm khác biệt của hoạt động tạo lập án lệ của tòa án với hoạt động ban hành văn bản pháp luật của nghị viện và chính phủ là thẩm quyền tạo án lệ thường không được quy định cụ thể, rõ ràng trong văn bản pháp luật. Vì vậy, xác định

thẩm quyền tạo lập án lệ của tòa án phức tạp hơn so với việc xác định thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật của nghị viện và chính phủ. Căn cứ quan trọng để xác định thẩm quyền tạo lập án lệ của tòa án ở một quốc gia là dựa vào truyền thống pháp luật của quốc gia đó.

Thẩm quyền tạo lập án lệ của tòa án ở các nước thông luật

Nhìn chung, hệ thống tổ chức tòa án ở các nước thông luật thường có 3 tầng:

tầng thứ nhất là các tòa xét xử sơ thẩm; tầng thứ hai là các tòa phúc thẩm trung gian; tầng thứ ba là tòa tối cao có thẩm quyền xét xử cao nhất và quyết định cuối cùng trong hệ thống tư pháp. Quyết định của tòa tối cao có tính chất chung thẩm và không có cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền xem xét lại. Cơ sở để các bên kháng cáo lên cấp xét xử phúc thẩm có thẩm quyền cao hơn thường phải là vấn đề pháp lý (question of law) chứ không phải là vấn đề sự kiện (question of fact). Bên cạnh đó, quyết định của tòa tối cao khi giải quyết các kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm là kết quả giải quyết trực tiếp vụ việc chứ không phải đưa vụ án về xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm giống như thủ tục giám đốc thẩm của tòa tối cao ở các nước dân luật.

Thẩm quyền tạo lập án lệ của tòa án được xác định theo nguyên tắc án lệ (doctrine of stare decisis) dựa vào tính thứ bậc của hệ thống tổ chức tòa án. Thẩm quyền tạo lập án lệ của tòa án được xác định như sau:

- Theo chiều dọc, một tòa án có thẩm quyền cao hơn trong cùng hệ thống tòa án có thẩm quyền tạo lập án lệ đối với các tòa án có thẩm quyền thấp hơn.73 Tòa án có thẩm quyền cao hơn được hiểu là tòa có thẩm quyền phúc thẩm đối với tòa án có thẩm quyền thấp hơn. Ví dụ, ở Hoa Kỳ, Tòa tối cao Liên bang (Ferderal Supreme Court) có quyền năng tạo lập án lệ bắt buộc đối với tất cả các Tòa án Liên bang gồm Tòa sơ thẩm Liên bang (Ferderal Court) và Tòa phúc thẩm Liên bang (Ferderal Court of Appeal), còn Tòa phúc thẩm Liên bang có quyền năng tạo lập án lệ bắt buộc đối với Tòa sơ thẩm liên bang ở khu vực xét xử của Tòa phúc thẩm Liên bang.74

73Alastair MacAdam, John Pyke (1998); “Judicial Reasoning and The doctrine of Precedent in Australia”, Butterworhs, tr. 72.

74Nguyễn Văn Nam (2011), “Lý luận và thực tiễn án lệ trong hệ thống pháp luật của các nước Anh, Mỹ, Pháp, Đức và những kiến nghị đối với Việt Nam”. Luận án Tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà nội, tr. 86 - 90.

- Theo chiều ngang, các tòa án có thẩm quyền phúc thẩm là tòa án có quyền tạo lập án lệ bắt buộc với chính mình. Nghĩa là các tòa này buộc phải tuân theo các án lệ của mình trước đó, chỉ trong những trường hợp nhất định hoặc cần thiết các tòa án này có thể bác bỏ án lệ của mình trước đó.75

- Các tòa án sơ thẩm cấp thấp nhất không có quyền năng tạo lập án lệ mang tính bắt buộc (binding precedent) nhưng có thể tạo ra các án lệ tham khảo (persuasive precedent). Ví dụ, trong hệ thống tòa án ở Anh các tòa án không có quyền năng tạo lập án lệ bắt buộc: Tòa Hoàng gia (Crown Courts), Tòa dân sự địa phương (County Courts), Tòa Vi cảnh (Magistrates’ Courts).76

Ngoài các đặc điểm chung như đã phân tích, hệ thống tổ chức tòa án ở mỗi quốc gia có thể có đặc điểm riêng mang tính đặc thù. Chẳng hạn, hệ thống tổ chức tòa án ở các nhà nước liên bang cũng có sự khác biệt với hệ thống tổ chức tòa án ở các nhà nước đơn nhất. Ví dụ, ở Hoa Kỳ, mặc dù Tòa tối cao là tòa có thẩm quyền cao nhất trong hệ thống tòa án liên bang đối với các vấn đề thuộc về thẩm quyền luật của liên bang quy định, trong khi đó, ở các bang cũng tồn tại các Tòa tối cao của các bang có thẩm quyền xét xử cao nhất đối với các vấn đề thuộc về thẩm quyền luật của bang quy định. Vì vậy, quyền tạo lập án lệ của tòa án theo chiều dọc (vertical precedent) tồn tại song song trong cả hai hệ thống tòa án liên bang và tiểu bang.

Thẩm quyền tạo lập án lệ của tòa án ở các nước dân luật

Hệ thống tòa án ở các nước dân luật thường được tổ chức theo hai cấp xét xử gồm cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Hệ thống tòa án cũng thường được phân chia thành 3 tầng khác nhau bao gồm: tầng thứ nhất là các tòa sơ thẩm; tầng thứ hai là các tòa phúc thẩm; tầng thứ ba là tòa tối cao thực hiện chức năng phá án theo thủ tục giám đốc thẩm. Tuy nhiên, bản chất, mục đích và vai trò của các tòa án ở mỗi cấp xét xử cũng như chức năng của tòa tối cao ở các nước dân luật rất khác với các tòa án ở các nước thông luật. Cụ thể:

75Catriona Cook, Robin Creyke, Robert Geddes, David Hamer (2005), “Laying Down The Law”, Lexis Nexis Buterworth, tr. 75.

76Do Thi Mai Hanh, Doctor Thesis (2012), “Evaluation of the Applicability of Common Law Approaches to Precedent in Viet Nam”, tr. 176 – 186.

- Một là, tòa án của các nước dân luật thực hiện chức năng xét xử phúc thẩm thực chất là xét xử lại lần thứ hai đối với một vụ việc bởi vì tòa án có thể giải quyết cả vấn đề sự kiện lẫn vấn đề pháp lý. Trong khi đó, tòa án phúc thẩm ở các nước thông luật thường chỉ chấp nhận kháng nghị và giải quyết các vụ việc thuộc loại cần giải quyết vấn đề pháp lý (question of law) chứ không giải quyết các vấn đề sự kiện (question of fact).

- Hai là, chức năng phá án hay giải quyết vụ việc theo thủ tục giám đốc thẩm của tòa tối cao ở các nước dân luật rất khác với chức năng xét xử phúc thẩm cuối cùng của tòa tối cao ở các nước thông luật. Khi giải quyết các vụ việc theo thủ tục giám đốc thẩm, tòa tối cao ở các nước dân luật thường chỉ có quyền năng công nhận hoặc hủy bỏ các quyết định của các tòa cấp dưới. Trong khi đó, tòa tối cao ở các nước thông luật có quyền năng giải quyết trực tiếp các vụ việc khi xét xử phúc thẩm mà không cần đưa trở về các tòa cấp dưới để xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại.

Xác định thẩm quyền tạo lập án lệ của tòa án ở các nước dân luật thường không quá chú trọng vào thứ bậc tòa án giống như các nước thông luật bởi lẽ thẩm quyền tạo lập án lệ chủ yếu trao cho các tòa tối cao gắn liền với chức năng phá án theo thủ tục giám đốc thẩm. Ví dụ, ở Pháp, các tòa có thẩm quyền tạo lập án lệ là Tòa tối cao tư pháp (De cour Cassation), Tòa hành chính tối cao (Conseil d’ Etat).

Ở các nước này, các tòa tối cao thực hiện chức năng phá án không phải chỉ bảo vệ lợi ích tư mà còn nhằm bảo vệ trật tự pháp luật. Tòa án tạo lập án lệ bằng hình thức giải thích pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm. Những giải thích pháp luật của tòa án tối cao chứa đựng các giải pháp pháp lý mới và những giải pháp này được lựa chọn công bố làm án lệ. Tòa án tạo lập án lệ là chủ yếu nhằm bổ sung sự thiếu hụt của các văn bản pháp luật, thông qua án lệ có thể bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất, tạo ra sự bình đẳng trước pháp luật của các chủ thể trong xã hội.77 Mặc dù các tòa phúc thẩm cũng thực hiện vai trò giải thích pháp luật khi giải quyết vụ việc thuộc loại giải quyết các vấn đề pháp lý mới (question of law) và các bản án, quyết định của các tòa này cũng có thể được lựa chọn để công bố làm án lệ nhưng số lượng không đáng kể so với các bản án, quyết định của tòa tối cao. Cũng giống

77Zenon Benkowski, D. Neil Mac Cormick, Lech Morawski, Alfonso Ruiz Miguel (1997), “Rationales for Precedent”, in “Interpreting Precedents”, Edited by D. Neil Mac Cormick, Ashgate Publishing company, tr.

486.

như các nước thông luật, các tòa sơ thẩm ở các nước dân luật không có thẩm quyền tạo lập án lệ mang tính bắt buộc cho các tòa án khác.

Ngoài ra, ở một số quốc gia có tổ chức tòa án hiến pháp độc lập thì tòa này cũng có quyền năng tạo lập án lệ thông qua hoạt động giải thích hiến pháp. Ví dụ, Tòa hiến pháp của CHLB Đức.

Trên cơ sở nghiên cứu vấn đề thẩm quyền tạo lập án lệ của tòa án ở các nước thông luật và dân luật, tác giả luận án có một số nhận xét và đánh giá như sau:

- Một là, xác định thẩm quyền tạo lập án lệ của án thường dựa vào các căn cứ khác nhau như truyền thống pháp luật, hình thức cấu trúc nhà nước ..vv. chứ không có văn bản pháp luật quy định cụ thể về vấn đề này.

- Hai là, thông thường quyền năng tạo lập án lệ của tòa án gắn liền với chức năng xét xử của tòa án. Vì vậy, xác định thẩm quyền tạo lập án lệ của tòa án thường dựa vào thứ bậc của hệ thống tòa án. Điều này có nghĩa là án lệ chính là các bản án, quyết định của tòa án có chứa các giải pháp pháp lý mới chứ không có sự tách biệt giữa tòa án có thẩm quyền ban hành bản án, quyết định với tòa án có thẩm quyền công nhận bản án, quyết định nào đó là án lệ.

- Ba là, thông thường chỉ có tòa án tối cao và các tòa án cấp cao (tòa án phúc thẩm) mới có thẩm quyền tạo lập án lệ còn các tòa án sơ thẩm không có thẩm quyền tạo lập án lệ.

- Bốn là, đề cập đến vấn đề thẩm quyền tạo lập án lệ của tòa án nghĩa là đề cập đến quyền năng của tòa án trong việc tạo ra loại án lệ bắt buộc. Đối với án lệ tham khảo như án lệ của tòa án cấp dưới trong cùng hệ thống, án lệ nước ngoài..vv.. thì không cần phải xác định thẩm quyền tạo lập án lệ của tòa án.

2.2.3.2. Phạm vi tạo lập án lệ của tòa án

Quan niệm phổ biến ở nhiều quốc gia ngày nay đều cho rằng tòa án không phải là cơ quan áp dụng pháp luật thuần túy mà là cơ quan thực hiện nhiệm vụ bảo đảm công lý. Vì vậy, tòa án không thể từ chối giải quyết vụ việc vì lý do không có pháp luật quy định vì lẽ công bằng, công lý. Điều này có nghĩa rằng trao cho tòa án

quyền năng sáng tạo pháp luật hay tạo lập án lệ. Tuy nhiên, cần thiết phải giới hạn phạm vi tạo lập án lệ nhằm tránh tình trạng tòa án thực hiện thẩm quyền sáng tạo pháp luật lấn át quyền lập pháp của nghị viện cũng như quyền ủy quyền lập pháp của chính phủ. Thực hiện yêu cầu này nhằm đáp ứng yêu cầu của nguyên tắc phân quyền và nguyên tắc chủ quyền làm luật tối cao của nghị viện nói riêng và xây dựng nhà nước pháp quyền nói chung. Nhìn chung, tòa án được phép tạo lập án lệ trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, trường hợp có vấn đề pháp lý mới phát sinh nhưng chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh nên cần tòa án tạo lập án lệ để bù đắp sự thiếu hụt. Ví dụ, vụ việc “sàng lọc trước khi sinh” được giải quyết ở Tòa tối cao Hà Lan (Hoge Raad) năm 2005. Nội dung vụ việc: “Một người phụ nữ đang mang thai, do không yên tâm về thai nhi nên đã đến bệnh viện phụ sản và hỏi bác sĩ về việc có cần thiết phải xét nghiệm đối với thai nhi để xem có những bất thường nghiêm trọng nào về gien của gia đình bên chồng hay không. Vị bác sĩ này cho rằng việc xét nghiệm là không cần thiết. Sau đó, người phụ nữ này đã hạ sinh đứa bé tên là Kelly, nhưng không may đứa bé này bị khiếm khuyết nghiêm trọng về thể chất. Vì vậy, bố mẹ của Kelly nhân danh mình và nhân danh con gái mình với tư cách là người đại diện theo pháp luật cho bé Kelly khởi kiện bệnh viện và yêu cầu bồi thường thiệt hại về những thiệt hại vật chất và tinh thần do sự sai lầm của bác sĩ tư vấn gây ra”.78 Cuối cùng, bằng những lý lẽ khác nhau, Tòa tối cao của Hà Lan cho rằng có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi thiếu trách nhiệm của bác sĩ và hậu quả là sự thiệt hại gây ra cho Kelly và bố mẹ của cô bé. Vì vậy, Tòa này đã đưa ra phán quyết cuối cùng yêu cầu bệnh viện phải bồi thường thiệt hại cho Kelly và bố mẹ của Kelly. Phán quyết này trở thành một án lệ trong lĩnh vực bồi thường thiệt hại trong pháp luật của Hà Lan.

Thứ hai, tòa án tạo lập án lệ trong trường hợp văn bản pháp luật có quy định nhưng không cụ thể (dạng khung). Ví dụ, BLDS của Pháp quy định giao dịch dân sự không được trái với trật tự công cộng và thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, trong trường hợp nếu một người đã có vợ, có chồng nhưng đã viết di chúc để lại tài sản của họ cho người tình, vấn đề pháp lý được đặt ra là liệu mục đích của giao dịch dân sự này có trái với thuần phong mỹ tục của Pháp hay không? Ngày 29/10/2004,

78Kỷ yếu Hội thảo Chương trình đối tác tư pháp do Liên minh châu Âu, Thụy Điển, Đan Mạch tài trợ (2014),

Áp dụng án lệ trong công tác xét xử của tòa án” ngày 15 tháng 12 năm 2014, Phần phụ lục 7 trang trong bài viết của giáo sư Marc Loth.

Hội đồng thẩm phán của Tòa tối cao của Pháp đã xét rằng “giao dịch tặng cho trong trường hợp ngoại tình không có mục đích trái với thuần phong mỹ tục nên không vô hiệu”.79 Trong vụ việc này, Tòa tối cao của Pháp đã thiết lập nên một án lệ cho vấn đề pháp lý được đặt ra là cụ thể hóa khái niệm “thuần phong mỹ tục”

trong trường hợp này.

Thứ ba, tòa án tạo lập án lệ trong trường hợp văn bản pháp luật có quy định nhưng có sự cứng nhắc. Mặc dù các nhà lập pháp cố gắng tạo ra các quy phạm pháp luật mang tính hợp lý nhưng do điều kiện xã hội thay đổi, hoặc do nhận thức thay đổi dẫn đến các quy phạm pháp luật không còn phù hợp. Vì vậy, tòa án tạo lập án lệ nhằm tránh áp dụng pháp luật cứng nhắc. Chẳng hạn, trong vụ việc Roy College of Nursing v. Department of Health and Security. Tòa tối cao đã giải thích quy định Luật Nạo phá thai năm 1967 (The Abortion Act 1967) và đã tạo ra một án lệ trong vụ việc này. Bằng phương pháp y học mới phát triển, không cần đòi hỏi các bác sĩ phải có mặt trong suốt quá trình nạo phá thai theo quy định Luật Nạo phá thai năm 1967 mà chỉ cần có mặt ở những thời điểm nhất định.80

Thứ tư, tòa án có thể tạo lập án lệ trong trường hợp giải thích hiến pháp.

Chẳng hạn, Tòa tối cao của Hoa Kỳ đã giải thích Điều 3 của Hiến pháp 1787 để giải quyết vụ việc Marbury v. Madison (1803). Nội dung vụ việc: “Trong những ngày cuối nhiệm kỳ tổng thống John Adams đã đề cử William Marbury làm thẩm phán của tòa án quận Colombia, nhưng Marbury chưa kịp nhận giấy bổ nhiệm có ấn tín (dấu) của Nhà nước Liên bang. Sau đó, Tổng thống mới nhậm chức là Thomas Jefferson đã không đồng ý việc bổ nhiệm của Adams nên đã ra lệnh cho Bộ trưởng ngoại giao Madison (người giữ ấn tín của nhà nước) không được giao giấy bổ nhiệm cho Marbury. Vì vậy, Marbury đã kiện Madison lên Tòa tối cao Hoa Kỳ yêu cầu Tòa này ra lệnh (phán quyết) để Madison đưa giấy bổ nhiệm cho ông dựa vào Đạo luật Tư pháp năm 1789 là tòa án có thẩm quyền yêu cầu cơ quan hành pháp thực hiện nhiệm vụ của họ”.81 Chánh án Tòa tối cao là Marshall lập luận rằng, Đạo luật Tư pháp năm 1789 có nội dung trái với quy định Hiến pháp và xử Marbury thua kiện. Kết quả vụ viện này đã tạo ra một án lệ quan trọng trong

79Đỗ Văn Đại (2011), “Án lệ của Tòa án nhân dân Tối cao – kinh nghiệm của Pháp đối với sự phát triển án lệ tại Việt Nam”, Tạp chí Tòa án nhân dân, (13).

80Nguyễn Văn Nam (2007), “Nghiên cứu so sánh nguồn luật án lệ trong hệ thống pháp luật nước Anh”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, (5), tr. 41.

81Nguyễn Đăng Dung (2006), “Nhà nước và trách nhiệm của Nhà nước”, NXB Tư Pháp, tr .536 - 537.

Một phần của tài liệu Chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của toà án (Trang 53 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(275 trang)