Cơ sở pháp lý

Một phần của tài liệu Chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của toà án (Trang 123 - 126)

CHƯƠNG 3: CHỨC NĂNG TẠO LẬP ÁN LỆ CỦA TÒA ÁN Ở VIỆT NAM VÀ HƯỚNG HOÀN THIỆN

3.3. Phương pháp lập luận tạo lập án lệ của tòa án ở Việt Nam

3.4.1. Cơ sở pháp lý

Hiện nay, Nghị quyết số 03/2015/ NQ – HĐTP năm 2015 quy định quy trình lựa chọn các bản án, quyết định công bố làm án lệ trải qua các bước sau:

- Bước 1: Rà soát, phát hiện các bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ (Điều 3). Theo định kỳ 06 tháng, Chánh án Tòa án quân sự trung ương, Chánh án các Tòa án nhân dân cấp cao tổ chức rà soát, phát hiện các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án mình và đề nghị Ủy ban Thẩm phán tại Tòa án mình xem xét, đánh giá; Chánh án các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương tổ chức rà soát, phát hiện các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án mình, các Tòa án thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ và đề nghị Ủy ban Thẩm phán tại Tòa án mình xem xét, đánh giá; Vụ trưởng các Vụ giám đốc kiểm tra Tòa án nhân dân tối cao tổ chức rà soát, phát hiện các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các bản án, quyết định của các Tòa án khác để đề xuất phát triển thành án lệ. Bên cạnh đó, các cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể gửi đề xuất lựa chọn các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án cho Toà án nhân dân tối cao để phát triển thành án lệ.

- Bước 2: Lấy ý kiến đối với bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ (Điều 4). Ngay sau khi nhận được bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn làm án lệ, bộ phận chuyên trách của Tòa án nhân dân tối cao (Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) sẽ tiến hành đăng tải các bản án, quyết định này trên Tạp chí Tòa án nhân dân, Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao để các chuyên gia nhà khoa học, các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia ý kiến trong thời hạn 02 tháng.

- Bước 3: Thành lập Hội đồng tư vấn (Điều 5). Trên cơ sở đề xuất của Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Chánh án Toà án nhân dân tối cao thành lập một Hội đồng tư vấn án lệ gồm có ít nhất 09 thành viênđể thảo luận, cho ý kiến đối với các nội dung của bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn làm án lệ, các dự thảo án lệ. Chủ tịch Hội đồng tư vấn án lệ tổ chức phiên họp để thảo luận, cho ý kiến về

các nội dung của bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn làm án lệ, các dự thảo án lệ trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị tư vấn án lệ do Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học gửi đến.Trên cơ sở kết quả tư vấn án lệ của các thành viên Hội đồng tư vấn án lệ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn án lệ báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kết quả phiên họp tư vấn án lệ.

- Bước 4: Thông qua án lệ (Điều 6). Trên cơ sở Báo cáo của Hội đồng tư vấn án lệ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao tổ chức phiên họp toàn thể Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao để thảo luận và biểu quyết thông qua án lệ. Phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên tham gia; quyết định của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao phải được quá nửa tổng số thành viên Hội đồng Thẩm phán biểu quyết tán thành.

Kết quả biểu quyết thông qua án lệ phải được ghi vào biên bản phiên họp của Hội đồng Thẩm phán và là căn cứ để Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố án lệ.

- Bước 5: Công bố án lệ (Điều 6). Trên cơ sở kết quả biểu quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc thông qua án lệ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố án lệ. Các án lệ được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố sẽ được đăng trên Tạp chí Toà án nhân dân, Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao; được gửi cho các Toà án và được đưa vào Tuyển tập án lệ xuất bản theo định kỳ 12 tháng.

Căn cứ vào các quy định của Nghị quyết số 03/2015/ NQ – HĐTP năm 2015 có thể thấy các vấn đề cơ bản của hoạt động công bố án lệ ở Việt Nam được thể hiện như sau:

Thứ nhất, về hình thức công bố án lệ, ở Việt Nam chỉ thừa nhận hình thức công bố chính thức từ TANDTC. Tuy nhiên, hình thức công bố án lệ chính thức ở Việt Nam có điểm đặc thù là nhằm xác định hiệu lực pháp lý của án lệ. Theo quy định của khoản 1 Điều 8 của Nghị quyết số 03/2015/ NQ – HĐTP: “Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 45 ngày kể từ ngày công bố hoặc được ghi trong quyết định công bố án lệ của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao”. Đây là điểm khác biệt của Việt Nam so với các nước khác trên thế giới. Ở hầu hết các nước sử dụng án lệ, công bố án lệ chính thức được hiểu rằng, các bản án, quyết định do tòa án hoặc các cơ quan chuyên trách lựa chọn công bố chứ không nhằm xác định hiệu lực pháp lý của án lệ.

Thứ hai, về cách thức công bố, điểm đặc biệt trong hoạt động công bố án lệ ở Việt Nam là biên tập các bản án theo mẫu để công bố chứ không phải công bố toàn bộ nội dung của bản án, quyết định gốc của tòa án. Những bản án, quyết định của tòa án sẽ được công bố trên Cổng thông tin điển tử của tòa án trên các website.

Như vậy, Ở Việt Nam, chúng ta có thể phân biệt rõ ràng giữa hoạt động công bố án lệ và hoạt động công bố các bản án, quyết định của tòa án. Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 03/2015/ NQ – HĐTP cũng quy định cách thức công bố Tuyển tập án lệ theo định kỳ 12 tháng. Tuy nhiên, mục đích công bố Tuyển tập án lệ là chỉ nhằm tập hợp các án lệ đã công bố chứ không nhằm mục đích xác định tầm quan trọng của án lệ giống như các nước thông luật.

Thứ ba, về nội dung công bố, khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 03/2015/ NQ – HĐTP quy định công bố nội dung án lệ theo mẫu bao gồm những nội dung sau: (i) tên của vụ việc được Tòa án giải quyết; (ii) số bản án, quyết định của Tòa án có chứa đựng án lệ; (iii) từ khoá về những vấn đề pháp lý được giải quyết trong án lệ;

(iv) các tình tiết trong vụ án và phán quyết của Tòa án có liên quan đến án lệ; (v) vấn đề pháp lý có giá trị hướng dẫn xét xử được giải quyết trong án lệ. Nội dung các án lệ đã được công bố trong thời gian qua theo mẫu của Ban biên tập bao gồm các phần sau:

- Nguồn của án lệ: tên của vụ việc được Tòa án giải quyết; số bản án, quyết định của Tòa án có chứa đựng án lệ; tên và địa chỉ của những người tham gia tố tụng.

- Khái quát nội dung của án lệ: đây là vấn đề pháp lý có giá trị hướng dẫn xét xử được giải quyết trong án lệ do Ban biên tập án lệ viết dựa theo phần lập luận của bản án, quyết định gốc. Mục đích viết phần này là nhằm rút ra các quy tắc mang tính khái quát tách khỏi các tình tiết cụ thể của vụ việc.

- Quy định của pháp luật có liên quan: nêu ra các căn cứ pháp lý liên quan.

- Từ khóa của án lệ: nêu lên một số từ khóa có liên quan đến án lệ.

- Nội dung vụ án: trích lại cả Phần nhận thấy và Phần xét thấy trong bản án, quyết định gốc.

- Nội dung án lệ: trích lại phần lập luận trong bản án, quyết định gốc.

Thứ tư, về phương thức công bố, theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 03/2015/ NQ – HĐTP: “Án lệ được đăng trên Tạp chí Toà án nhân dân, Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao”. Như vậy, án lệ được công bố bằng cả 2 phương thức là giấy in và phương tiện thông tin điện tử.

Một phần của tài liệu Chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của toà án (Trang 123 - 126)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(275 trang)