Các trường hợp tòa án tạo lập án lệ trong thực tiễn tư pháp

Một phần của tài liệu Chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của toà án (Trang 108 - 111)

CHƯƠNG 3: CHỨC NĂNG TẠO LẬP ÁN LỆ CỦA TÒA ÁN Ở VIỆT NAM VÀ HƯỚNG HOÀN THIỆN

3.2. Phạm vi tạo lập án lệ của tòa án ở Việt Nam

3.2.1. Các trường hợp tòa án tạo lập án lệ trong thực tiễn tư pháp

Quan sát 16 án lệ đã được công bố trong thời gian qua có thể thấy rằng tòa án tạo lập án lệ trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, tòa án tạo lập án lệ trong trường hợp văn bản pháp luật có quy định nhưng ở dạng “khung” mang tính khái quát nên cần tòa án giải thích cụ thể quy định này. Án lệ số 09/2016/AL có nội dung giải thích về cách tính lãi suất nợ quá hạn trung bình được quy định tại Điều 306 của Luật Thương mại năm 2005.

Mặc dù Điều 306 quy định về quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán của Luật Thương mại năm 2005 như sau: “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Tuy nhiên, lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường được hiểu hay tính như thế nào thì Điều luật này không quy định cụ thể. Án lệ số 09/2016/AL có nội dung hướng dẫn cách tính lãi suất nợ quá hạn trung bình được quy định tại Điều 306 của Luật Thương mại năm 2005 như sau: “tiền lãi do chậm thanh toán được tính theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường bằng mức lãi suất nợ quá hạn trung bình của ít nhất ba Ngân hàng tại địa phương tại thời điểm thanh toán (xét xử sơ thẩm), trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Như vậy, nội dung của án lệ này đã giải thích “lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường” là được hiểu như thế nào.

Thứ hai, tòa án tạo lập án lệ trong trường hợp văn bản pháp luật không có quy định. Đây là trường hợp khá nhạy cảm bởi nếu theo nguyên tắc phân quyền thì tòa án không thể ban hành pháp luật thay thế nghị viện. Tuy nhiên, nếu theo luận điểm tòa án giữ vai trò bảo đảm công lý chứ không phải thuần túy áp dụng văn bản pháp luật để giải quyết các vụ việc thì tòa án có thể tạo lập án lệ trong trường hợp này. Ngày này, pháp luật tố tụng dân sự ở hầu hết các nước trên thế giới đều thừa nhận nguyên tắc bất khẳng thụ lý, yêu cầu các thẩm phán không được từ chối giải quyết vụ việc vì lý do không có luật quy định.166 Chẳng hạn, án lệ số 02/2016/AL đã tạo lập án lệ trong trường hợp văn bản pháp luật không có quy định nhằm giải quyết vấn đề phân chia phần giá trị chênh lệch tăng thêm so với tiền gốc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ban đầu trong trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã bỏ tiền ra để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhờ

166Lê Quang Vy, Lương Văn Trung (2015), “Lẽ công bằng, công lý và vai trò của tòa án”, Thời báo Kinh tế Sài gòn ngày 29 tháng 6 năm 2015.

người Việt Nam đứng tên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hộ mình. Giải pháp pháp lý giải quyết cho vấn đề này như sau: “Khi giải quyết tranh chấp thì Tòa án phải xem xét và tính công sức bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị quyền sử dụng đất cho người đứng tên hộ; trường hợp không xác định được chính xác công sức của người đó thì cần xác định người thực chất trả tiền để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và người đứng tên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hộ có công sức ngang nhau để chia phần giá trị chênh lệch tăng thêm so với tiền gốc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ban đầu”. Mặc dù phần “Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ” có nêu ra Điều 137 và Điều 235 của Bộ luật Dân sự năm 2005 nhưng nội dung của án lệ không nhằm mục đích giải thích hai Điều luật này. Mặt khác, trong phần “Nội dung án lệ” thể hiện trong bản án, quyết định gốc không nêu ra căn cứ pháp lý làm cơ sở để quyết định giải quyết vụ việc.

Vì vậy, có thể nói rằng, tòa án đã đưa ra giải pháp pháp lý mới chứ không phải giải thích nội dung của văn bản pháp luật.

Thứ ba, tòa án tạo lập án trong trường hợp văn bản pháp luật quy định nhưng quá cứng nhắc. Tòa án không chỉ áp dụng máy móc các quy định trong văn bản pháp luật mà còn có thể giúp “mềm hóa” quy định trong văn bản pháp luật để phù hợp với thực tế đời sống.167 Chẳng hạn, trường hợp bất động sản là tài sản chung của vợ chồng mà chỉ có một người đứng tên ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất đó cho người khác nhưng người không ký tên trong hợp đồng biết và cùng sử dụng tiền chuyển nhượng nhà đất. Nếu tòa án áp dụng các quy định trong văn bản pháp luật một cách cứng nhắc để không công nhận hợp đồng chuyển nhượng nhà đất thì sẽ không hợp lý. Trường hợp này, án lệ số 04 đã đưa ra giải pháp pháp lý như sau: “Trường hợp nhà đất là tài sản chung của vợ chồng mà chỉ có một người đứng tên ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất đó cho người khác, người còn lại không ký tên trong hợp đồng; nếu có đủ căn cứ xác định bên chuyển nhượng đã nhận đủ số tiền theo thỏa thuận, người không ký tên trong hợp đồng biết và cùng sử dụng tiền chuyển nhượng nhà đất; bên nhận chuyển nhượng nhà đất đã nhận và quản lý, sử dụng nhà đất đó công khai; người không ký tên trong hợp đồng biết mà không có ý kiến phản đối gì thì phải xác định là người đó đồng ý với việc chuyển nhượng nhà đất”. Như vậy, hướng giải quyết của án lệ số 04 là công nhận hiệu lực

167Đỗ Văn Đại, Lê Văn Lắm (2010), “Xử lý việc lấn chiếm tài sản của người khác trong pháp luật Việt Nam”, Tạp chí Khoa học pháp lý (4).

của hợp đồng chuyển nhượng nhà đất trong trường này. Đây là hướng giải quyết thấu tình đạt lý chứ không quá phụ thuộc vào các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật.

Một phần của tài liệu Chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của toà án (Trang 108 - 111)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(275 trang)