CHƯƠNG 4: CHỨC NĂNG ÁP DỤNG ÁN LỆ CỦA TÒA ÁN Ở VIỆT NAM VÀ HƯỚNG HOÀN THIỆN
4.2. Vấn đề không áp dụng án lệ ở Việt Nam
4.2.1. Cơ sở pháp lý
Pháp luật Việt Nam hiện hành cũng có những quy định cho phép tòa án không tuân theo án lệ nhằm tránh tình trạng tòa án áp dụng án lệ quá cứng nhắc.
Tòa án không tuân theo án lệ trong các trường hợp sau:
Thứ nhất, tòa án không áp dụng án lệ do có sự thay đổi của văn bản pháp luật. Cụ thể tại khoản 3, Điều 8 của Nghị quyết 03/2015/ NQ – HĐTP quy định về trường hợp không áp dụng án lệ do có sự thay đổi của văn bản pháp luật: “Trường hợp do có sự thay đổi của Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ mà án lệ không còn phù hợp thì Thẩm phán, Hội thẩm không áp dụng án lệ”. Tại khoản 1 Điều 9 của Nghị quyết này cũng giải thích thêm trường hợp này là án lệ đương nhiên bị hủy bỏ nên tòa án không áp dụng. Có thể nói rằng, quy định tòa án không áp dụng án lệ trong trường hợp này là phù hợp với nguyên tắc chung được thừa nhận phổ biến ở các nước trên thế giới. Ở hầu hết các quốc gia dù thuộc hệ thống thông luật hay dân luật đều có quan niệm chung nguồn luật văn bản pháp luật có ví trị thứ bậc cao hơn nguồn luật án lệ. Điều này xuất phát từ nguyên tắc chính trị dân chủ là tôn trọng quyền làm luật tối cao của nghị viện nhằm bảo đảm ý chí và lợi ích của nhân dân.
Thứ hai, tòa án không áp dụng án lệ do án lệ không còn phù hợp. Cụ thể tại khoản 4, Điều 8 của Nghị quyết 03/2015/ NQ – HĐTP quy định: “Trường hợp do chuyển biến tình hình mà án lệ không còn phù hợp thì Thẩm phán, Hội thẩm không áp dụng án lệ, đồng thời phải kiến nghị ngay với Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để xem xét hủy bỏ theo hướng dẫn tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 9 Nghị quyết này”. Như vậy, Nghị quyết 03/2015/ NQ – HĐTP quy định trường hợp này nhằm tránh tình trạng tòa án áp dụng án lệ một cách cứng nhắc có thể dẫn đến bất công. Trường hợp này cũng được các nước trên thế giới thừa nhận phổ biến nhằm bảo đảm cho các phán quyết tư pháp không những hợp pháp mà còn phải hợp lý.
4.2.2. Một số hạn chế còn tồn tại của pháp luật hiện hành về vấn đề không áp dụng án lệ
Mặc dù Nghị quyết 03/2015/ NQ – HĐTP quy định các trường hợp tòa án không áp dụng án lệ phù hợp với nguyên tắc chung ở các nước trên thế giới nhưng vẫn còn những hạn chế như sau:
Thứ nhất, Nghị quyết 03/2015/ NQ – HĐTP quy định trường hợp không áp dụng án lệ do có sự thay đổi của văn bản pháp luật bằng cách liệt kê nhưng không đầy đủ. Cụ thể tại khoản 3 Điều 8 quy định: “Trường hợp do có sự thay đổi của Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ mà án lệ không còn phù hợp thì Thẩm phán, Hội thẩm không áp dụng án lệ”. Hiến pháp là văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật quốc gia mà sự thay đổi của Hiến pháp không làm án lệ phải thay đổi theo thì rất vô lý. Hơn nữa, tính thống nhất của hệ thống pháp luật sẽ được bảo đảm ra sao nếu có sự mâu thuẫn về nội dung giữa án lệ với các văn bản quy phạm pháp luật không có trong danh sách được liệt kê. Chẳng hạn, Quyết định của Thủ tướng, Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có nội dung trái với án lệ thì các tòa án vẫn ưu tiên áp dụng án lệ hay không. Những vấn đề này Nghị quyết 03/2015/ NQ – HĐTP không có câu trả lời rõ ràng.
Thứ hai, tại khoản 4, Điều 8 của Nghị quyết 03/2015/ NQ – HĐTP quy định trường hợp tòa án không áp dụng án lệ do có sự chuyển biến của tình hình dẫn đến án lệ không phù hợp vẫn chưa hợp lý. Trước hết, hiểu như thế nào là “có sự chuyển biến của tình hình”, nội hàm của cụm từ này hoàn toàn không rõ ràng. Hai là, nếu các thẩm phán cho rằng lập luận được công bố làm án lệ không hợp lý mà không
phải do có chuyển biến của tình hình thì cũng không thể bác bỏ án lệ. Mặc dù họ có thể chứng minh sự không hợp lý của án lệ bằng nhiều lập luận dựa vào các nguồn khác nhau. Chẳng hạn, tòa án có thể không áp dụng án lệ thông qua việc chứng minh một án lệ nào đó không còn phù hợp với các học thuyết pháp luật, các điều ước quốc tế, án lệ nước ngoài …vv. Như vậy, chỉ giới hạn trong phạm vi tòa án không áp dụng án lệ do có “sự chuyển biến của tình hình” có thể dẫn đến lý lẽ tòa án không áp dụng án lệ bị hạn chế làm cho nghĩa vụ tuân theo án lệ của tòa án trở nên cứng nhắc.
4.2.3. Những kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành về vấn đề không áp dụng án lệ
Trên cơ sở nghiên cứu về các trường hợp tòa án không tuân theo án lệ ở các nước thông luật và dân luật, tác giả luận án thấy rằng, ở hầu hết các quốc gia sử dụng án lệ đều cho phép tòa án bác bỏ án lệ nhằm tránh tình trạng áp dụng án lệ quá cứng nhắc có thể dẫn đến bất công. Thay thế hay đổi mới án lệ nhằm phù hợp với nhu cầu và điều kiện xã hội là rất cần thiết để phát triển án lệ theo một tiến trình tự nhiên. Pháp luật Việt Nam cũng có những quy định về vấn đề không áp dụng án lệ nhưng còn có những hạn chế nhất định như đã phân tích. Vì vậy, tác giả luận án có một kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành về vấn đề này như sau:
Thứ nhất, pháp luật nên quy định trường hợp tòa án không áp dụng án lệ do có sự thay đổi của văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến án lệ không phù hợp mang tính khái quát chứ không nên sử dụng phương pháp liệt kê các loại văn bản quy phạm pháp luật như hiện nay. Quy định theo hướng này không những tránh tình trạng liệt kê thiếu một số văn bản quy phạm luật mà còn tránh việc xác định rõ ràng thứ bậc hiệu lực pháp lý giữa án lệ với một số loại văn bản quy phạm pháp luật nhất định. Đặc thù của hệ thống pháp luật Việt Nam là các văn bản dưới luật rất nhiều và giữ vai trò chủ đạo nên rất có thể xảy ra tình trạng nội dung án lệ mâu thuẫn với các văn bản quy phạm pháp luật không được liệt kê tại khoản 3 Điều 8 Nghị quyết 03/2015/ NQ – HĐTP. Vì vậy, nếu không liệt kê đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật thì bị chỉ trích là tạo cho tòa án có quyền lực lớn hơn các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản này. Ngược lại, nếu liệt kê đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật thì quyền lực của tòa án (hiệu lực của án lệ) đôi khi còn thấp hơn quyền lực của các cơ quan chính quyền địa phương cấp cơ sở (hiệu
lực của văn bản nghị quyết của HĐND và quyết định của UBND). Quy định trường hợp này mang tính khái quát giúp các tòa án linh hoạt hơn trong việc giải quyết mối quan hệ giữa án lệ với văn bản quy phạm pháp luật trong thực tiễn áp dụng án lệ. Việt Nam có thể tham khảo cách quy định của Trung Quốc về trường hợp này. Tại Điều 12 của Văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành “Bộ quy định của TANDTC Trung Quốc về các vụ việc có giá trị hướng dẫn xét xử năm 2010” năm 2015 quy định về các trường hợp Vụ việc có giá trị hướng dẫn xét xử không còn giá trị hướng dẫn được thể hiện như sau: “(1) Vụ việc có giá trị hướng dẫn xét xử mâu thuẫn với một đạo luật mới, văn bản pháp luật hành chính mới, hoặc văn bản giải thích pháp luật của ngành tư pháp mới…”. Như vậy, cách thức quy định này chỉ thể hiện nguyên tắc chung là nguồn luật án lệ có vị trí thấp hơn nguồn văn bản pháp luật trong hệ thống pháp luật chứ không đi vào chi tiết liệt kê các văn bản pháp luật cụ thể.
Thứ hai, pháp luật nên quy định trường hợp tòa án không áp dụng án lệ bởi các nguyên nhân khác (không phải do sự thay đổi của văn bản quy phạm pháp luật) theo hướng “mở” hơn chứ không nên giới hạn trong phạm vi “do có sự chuyển biến của tình hình” như hiện nay. Nguyên nhân dẫn đến tòa án không áp dụng án lệ xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan khác nhau chứ không phải chỉ có nguyên nhân từ sự chuyển biến của tình hình. Tòa án có thể không áp dụng án lệ trong trường hợp có nhận thức thay đổi thông qua việc áp dụng các học thuyết pháp lý mới, hoặc án lệ mới từ nước ngoài…vv. Chẳng hạn, Tòa phúc thẩm New York đã bác bỏ án lệ trong vụ Whalen v. Union Bag Paper Co (208 N. Y. 1) năm 1913 khi giải quyết vụ Boomers v. Atlantic Cement Co năm 1970. Tòa này đã vận dụng lý thuyết kinh tế luật (economic analysis of law) để đưa ra phán quyết bên bị đơn chỉ bồi thường thiệt hại cho bên nguyên đơn mà không phải ngưng hoạt động và dỡ bỏ nhà máy sản xuất xi măng. Hoặc tòa án cũng có thể không áp dụng án lệ do án lệ bị mắc lỗi. Chẳng hạn, trường hợp tòa án phát hiện một án lệ nào đó có lỗi do không áp dụng điều khoản trong văn bản pháp luật đã có mà lẽ ra phải áp dụng khi ban hành bản án, quyết định. Đối với trường hợp này, Văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành “Bộ quy định của TANDTC Trung Quốc về các vụ việc có giá trị hướng dẫn xét xử năm 2010” năm 2015 quy định rất “mềm” về trường hợp Vụ việc có giá trị hướng dẫn không còn giá trị hướng dẫn như sau: “…(2) Vụ việc có giá trị hướng dẫn xét xử được thay thế bằng một vụ việc có giá trị hướng dẫn xét xử mới”.
Như vậy, quy định này không quy định chi tiết nguyên nhân tòa án không áp dụng án lệ cũ do điều kiện xã hội thay đổi hay nhận thức thay đổi. Nghị quyết 03/2015/
NQ – HĐTP có thể tham khảo cách thức quy định này. Tuy nhiên, pháp luật Trung Quốc cũng giống như pháp luật Việt Nam chưa dự liệu trường hợp tòa án không áp dụng án lệ do phát hiện án lệ bị mắc lỗi. Đối với những án lệ bị mắc lỗi thì tòa án không áp dụng án lệ nhưng không thể tạo ra án lệ mới thay thế án lệ cũ. Vì vậy, Nghị quyết 03/2015/ NQ – HĐTP nên quy định bổ sung trường hợp này.