tiêu ở Việt Nam
Dựa trên những tiền đề tích cực đó thì liệu Việt Nam đã đủ điều kiện để áp dụng chính sách tiền tệ LPMT hoàn toàn hay chưa? Để trả lời câu hỏi đó ta xem xét các vấn đề sau nhằm đánh giá điều kiện áp dụng chính sách tiền tệ LPMT ở Việt Nam.
2.3.2.1. Tính độc lập của Ngân hàng Trung ương
NHTW là cơ quan chính phủ, có vai trò quan trọng trong điều tiết vĩ mô nền kinh tế, thực hiện chức năng là ngân hàng của các ngân hàng và là cơ quan độc quyền phát hành tiền nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế của nhà nước.
Theo khoản 1 điều 2 Luật NHNN Việt Nam năm 2010: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, là Ngân hàng Trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Tại khoản 2 điều 2 của Luật NHNN Việt Nam năm 2010: “NHNN là pháp nhân, có vốn pháp định thuộc sở hữu nhà nước, có trụ sở chính tại Thủ đô Hà Nội”.
Tại khoản 3 điều 2 của Luật NHNN Việt Nam năm 2010: “Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối (sau đây gọi là tiền tệ và ngân hàng); thực hiện chức năng của Ngân hàng trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ”.
Như vậy, NHNN Việt Nam (có thể gọi tắt là NHNN) chính là NHTW của nước Việt Nam và là cơ quan ngang bộ, là thành viên của Chính phủ. Vai trò, chức năng và nhiệm vụ của NHNN được quy định trong Luật NHNN Việt Nam năm 2010. Khi xét về mức độ độc lập của NHNN có thể xem xét trên ba khía cạnh sau:
Theo điều 43 của Luật NHNN Việt Nam năm 2010: “Thu, chi tài chính của Ngân hàng Nhà nước về nguyên tắc thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước. Thủ tướng Chính phủ quy định những nội dung thu, chi tài chính phù hợp với hoạt động nghiệp vụ đặc thù của Ngân hàng Nhà nước”. Vì NHNN trực thuộc Chính phủ nên nguồn vốn của NHNN cũng do Nhà nước cấp; các hoạt động thu, chi của NHNN nằm trong quy định Chính phủ và do Chính phủ phê duyệt. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Chính phủ có khả năng và có quyền sử dụng nguồn vốn vay của NHNN để tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách Nhà nước theo quy định tại điều 26 của Luật NHNN “Ngân hàng Nhà nước tạm ứng cho ngân sách trung ương để xử lý thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Khoản tạm ứng này phải được hoàn trả trong năm ngân sách, trừ trường hợp đặc biệt do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định”
Như vậy, xét về mức độ độc lập tài chính thì NHNN hoàn toàn phụ thuộc vào Chính phủ. Nguồn vốn hình thành, các khoản thu, chi đều do Chính phủ quy định và kiểm soát.
Thứ hai, xét mức độ độc lập về nhân sự của NHNN
Theo điều 9 của Luật NHNN Việt Nam năm 2010: “Việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức Ngân hàng Nhà nước về nguyên tắc thực hiện theo quy định của Luật cán bộ, công chức. Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế tuyển dụng, chế độ đãi ngộ cán bộ, công chức phù hợp với hoạt động nghiệp vụ đặc thù của Ngân hàng Nhà nước”. Tất cả nhân viên trong NHNN đều là những công chức của Nhà nước. Trong NHNN các nhân viên tuyển dụng, điều chuyển và sa thải là do Thống đốc NHNN quyết định. Tuy nhiên, các nhân viên cấp cao như Thống đốc, Phó thống đốc của NHNN được tuyển dụng hoặc bị sa thải do Chính phủ quy định, nằm ngoài khả năng kiểm soát của bộ máy quản lý của NHNN.
Như vậy, xét về mức độ độc lập nhân sự thì cơ cấu nhân sự ở cấp lãnh đạo trong bộ máy hoạt động của NHNN cũng phụ thuộc vào Chính phủ.
Thứ ba, xét mức độ độc lập về chính sách của NHNN
Theo khoản 1 điều 8 của Luật NHNN Việt Nam năm 2010: “Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là thành viên của Chính phủ, là người đứng đầu và lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, trước Quốc hội về
quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.”
Theo khoản 1 điều 8 của Luật NHNN Việt Nam quy định: “Tổ chức và chỉ đạo thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia theo thẩm quyền”.
NHNN là cơ quan hoạch định và thực thi CSTT, tuy nhiên việc hoạch định và thực thi CSTT của NHNN còn nhiều hạn chế. Không chỉ Chính phủ, Quốc hội mà một số bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân,… cũng có trách nhiệm phối hợp, giám sát, kiểm tra hoạt động của các chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố. Những quy định này giảm quyền và trách nhiệm NHNN, mặt khác gây cản trợ việc thực hiện CSTT của NHNN.
NHNN trực thuộc Chính phủ nên Chính phủ có thể sử dụng NHNN như một công cụ phục vụ cho nhiều mục tiêu kinh tế khác nhau. Điều đó làm giảm nhẹ, thậm chí nhiều lúc coi nhẹ việc thực hiện mục tiêu chủ yếu của CSTT là ổn định tiền tệ, kiềm chế lạm phát. Ngoài ra, NHNN còn phải chịu áp lực do sự chi phối của các cơ quan nhà nước, bộ khác của Chính phủ.
Tại điều 10 của Luật NHNN Việt Nam quy định: “Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định việc sử dụng công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, bao gồm tái cấp vốn, lãi suất, tỷ giá hối đoái, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ, biện pháp khác theo quy định của Chính phủ”. Tuy nhiên, trên thực tế, việc sử dụng các công cụ CSTT của NHNN lại bị chi phối bởi các mục tiêu của Chính phủ ở các giai đoạn trong quá trình điều hành CSTT của NHNN, NHNN không hoàn toàn độc lập trong việc đeo đuổi mục tiêu cuối cùng của mình là kiềm chế lạm phát, ổn định tiền tệ.
Qua phân tích có thể nói mức độ độc lập của NHNN thấp, vai trò của NHNN còn nhiều hạn chế, cơ chế điều hành và ra quyết định của NHNN chưa có sự tự chủ.
Nghiên cứu của tác giả Nguyễn Hương Giang (2010) cho thấy có 4 cấp độ độc lập của NHTW trên thế giới gồm: độc lập tự chủ trong thiết lập mục tiêu hoạt động; độc lập tự chủ trong thiết lập chỉ tiêu hoạt động; độc lập tự chủ trong lựa chọn công cụ điều hành; độc lập tự chủ hạn chế[9]. Theo đó, mức độ độc lập hiện nay của Việt Nam đang ở cấp thấp nhất là độc lập tự chủ hạn chế, mức độ độc lập của NHNN kém dẫn đến việc điều hành CSTT còn bị phụ thuộc vào Chính phủ, mà CSTT với nội dung cơ bản là kiểm soát cung tiền và lãi suất của nền kinh tế, trong khi đó thu
chi của Chính phủ có tác động trực tiếp đến cung tiền và lãi suất nên việc đảm bảo CSTT đạt được mục tiêu đề ra là rất khó.