Nghiệp vụ thị trường mở

Một phần của tài liệu LUẬN văn THẠC sĩ CHÍNH SÁCH TIỀN tệ với lạm PHÁT mục TIÊU ở VN (Trang 47 - 52)

Nghiệp vụ thị trường mở là một công cụ trong điều hành CSTT của NHNN kể từ năm 2000, tuy nhiên, với những đặc tính vượt trội của nó như linh hoạt, dễ kiểm soát về khối lượng và dễ điều chỉnh nên công cụ này ngày càng được NHNN sử dụng như một công cụ điều tiết tiền tệ gián tiếp chủ yếu.

Các loại GTCG được phép giao dịch thông qua nghiệp vụ thị trường mở hiện nay là: Tín phiếu NHNN, tín phiếu kho bạc, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu địa phương do Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà nội, Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hồ Chí Minh phát hành.

Từ năm 2008 đến năm 2012, doanh số cả hai chiều mua và bán trên thị trường mở liên tục tăng và ngày càng có bước phát triển đáng kể: số lượng phiên giao dịch và doanh số giao dich tăng liên tục qua các năm, đồng thời, thành viên tham gia nghiệp vụ thị trường mở cũng ngày càng tăng cường nhờ việc điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở với quy trình thủ tục thuận lợi đã ngày càng thu hút sự quan tâm của các TCTD thành viên.

Bảng 2.3: Kết quả hoạt động nghiệp vụ thị trường mở tại NHNN Việt Nam năm 2008 - 2012 Đơn vị tính: Tỷ đồng Chỉ tiêu 2008 2009 2010 2011 2012 Số phiên (phiên) 393 329 490 431 378 Doanh số trúng thầu 1,024,211 961,875 2,101,421 2,801,253 899,215 Chào mua 947,206 961,773 2,101,421 2,801,253 813,495 Chào bán 77,005 102 - - 85,720

(Nguồn: Báo cáo thường niên NHNN Việt Nam [25] và www.sbv.gov.vn/thitruongtiente)

Trong 8 tháng đầu năm 2008 chỉ số giá tiêu dùng đang có xu hướng tăng cao (tốc độ tăng so với cùng kỳ năm ngoái từ 14.1% tháng 1 tăng 28.3% vào tháng 8) [25]. NHNN phát hành và bán tín phiếu bắt buộc với khối lượng 20.300 tỷ đồng, kỳ hạn 364 ngày, lãi suất 7.8%/năm vào tháng 3 năm 2008 để hút tiền từ lưu thông về và TCTD không được phép sử dụng tín phiếu này trong các nghiệp vụ tái cấp vốn với NHNN[25]. Đồng thời để hỗ trợ vốn ngắn hạn cho các TCTD và khắc phục tình trạng thị trường tiền tệ chưa thực sự thông suốt, NHNN đã thực hiện các phiên chào mua GTCG với kỳ hạn ngắn, khối lượng chào mua hàng ngày được xác định trên cơ

sở nhu cầu vốn thanh toán và diễn biến thị trường tiền tệ. Nhờ vào hoạt động linh hoạt của nghiệp vụ thị trường mở mà từ tháng 9 năm 2008 chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng giảm còn 27.9% đến tháng 12 thì chỉ số giá tiêu dùng còn 19.9%[25]. Bên cạnh đó, NHNN đã từng bước nới lỏng CSTT để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và chủ động hạn chế tác động của khủng hoảng tài chính và ngăn chặn nguy cơ suy giảm kinh tế năm 2008, NHNN tiếp tục thực hiện các phiên chào mua GTCG đồng thời cho phép các TCTD được sử dụng tín phiếu trong các giao dịch tái cấp vốn với NHNN, hoặc các TCTD được rút trước hạn tín phiếu theo nhu cầu.

Trong năm 2010, thực hiện theo 39/NQ-CP ngày 4/10/2010 về việc giảm mặt bằng lãi suất huy động vốn, đồng thời hỗ trợ vốn khả dụng cho các TCTD, NHNN chủ yếu chào mua GTCG với kỳ hạn ngắn, lãi suất được điều chỉnh giảm. Kết quả 3 tháng cuối năm 2010, dưới áp lực lạm phát tăng cao, tổng phương tiện thanh toán tăng, NHNN điều hành giảm dần kỳ hạn chào mua từ 28 ngày xuống 7 ngày và tăng lãi suất từ 7% lên 10%[25]

Trong năm 2011, tỷ lệ lạm phát tăng cao, NHNN cần thực hiện CSTT thắt chặt và công cụ thị trường mở cần hướng vào mục tiêu hút tiền về bằng cách bán GTCG trên thị trường mở. Tuy nhiên, các TCTD đang khó khăn về thanh khoản và thiếu vốn để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng, nên biện pháp hút tiền về qua thị trường mở không thực hiện được mà giao dịch chủ yếu trên thị trường mở của NHNN là chào mua GTCG để hỗ trợ vốn khả dụng cho các TCTD.

Trong năm 2012, công cụ thị trường mở nhằm mục tiêu bơm tiền ra để hạ lãi suất, kích thích tăng trưởng tín dụng, nhưng lại mâu thuẫn với khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp rất thấp, các TCTD thừa tiền không cho vay được.

Như vậy, thông qua hoạt động mua bán GTCG trên thị trường mở NHNN có thể điều tiết linh hoạt vốn khả dụng của các TCTD và cùng với việc điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ khác, nghiệp vụ thị trường mở đã góp phần ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo an toàn thanh toán cho hệ thống các TCTD.

2.1.2.2. Công cụ tái cấp vốn

Công cụ tái cấp vốn được NHNN đưa vào sử dụng từ năm 1994. Bên cạnh cho vay dưới hình thức cầm cố GTCG, cho vay lại theo hồ sơ tín dụng, NHNN cũng

thực hiện chiết khấu, tái chiết khấu GTCG. Lãi suất được NHNN phân chia thành lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu.

Trong những tháng đầu năm 2008, các TCTD có khó khăn tạm thời về vốn khả dụng, NHNN đã thực hiện tái cấp vốn cho các NHTM, nhất là những NHTM có quy mô nhỏ. Việc NHNN hỗ trợ vốn ngắn hạn cho các NHTM đã có tác động tích cực trong việc ổn định thị trường tiền tệ. Từ tháng 11 năm 2008, khi tình hình thị trường tiền tệ từng bước đi vào ổn định, nguồn vốn của các TCTD đã được đảm bảo nên nhu cầu vay tái cấp vốn của các NHTM giảm.

Trong năm 2009, để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế phát triển nên tháng 2/2009 NHNN đã giảm lãi suất cơ bản từ 8.5% xuống 7%/năm theo quyết định 172/QĐ-NHNN và duy trì ổn định đến tháng 12 năm 2009. Lãi suất tái cấp vốn và chiết khấu cũng được điều chỉnh, NHNN ra quyết định số 173/QĐ-NHNN quy định về mức lãi suất cơ bản là 7%/năm, lãi suất tái cấp vốn là 8%/năm và lãi suất tái chiết khấu là 6%/năm. Ngày 10/04/2009, NHNN ra quyết định số 837/QĐ-NHNN thay thế cho quyết định số 173/QĐ-NHNN quy định lãi suất tái cấp vốn giảm từ 8%/năm xuống còn 7%/năm và lãi suất chiết khấu giảm từ 6%/năm xuống còn 5%/năm. Trong tháng 12/2009, để kiểm soát chặt chẽ quy mô và chất lượng tín dụng, phù hợp với các mục tiêu kinh tế vĩ mô theo Nghị quyết của Quốc hội và chủ trương của Chính phủ, đồng thời tạo điều kiện cho các TCTD huy động các nguồn vốn từ nền kinh tế để mở rộng kinh doanh và đáp ứng các nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, NHNN nâng lãi cơ bản tăng từ 7%/năm lên 8%/năm, lãi suất tái cấp vốn tăng từ 7%/năm lên 8%/năm, lãi suất chiết khấu tăng từ 5%/năm lên 6%/năm theo quyết định số 2664/QĐ-NHNN áp dụng từ ngày 01/12/2009.

Trong năm 2010, NHNN tiếp tục thực hiện tái cấp vốn để bổ sung nguồn vốn ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho các TCTD. NHNN cũng thực hiện tái cấp vốn kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng để cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn và thông tư 20/2010/TT-NHNN ngày 29/9/2010 về hướng dẫn thực hiện các biện pháp điều hành công cụ CSTT để hỗ trợ

TCTD cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong 10 tháng đầu năm 2010, NHNN giữ ổn định lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu. Nhưng đến tháng 11 năm 2010 nhằm kiểm soát lạm phát và tránh sự dịch chuyển tiền gửi từ VND sang USD, NHNN đã điều chỉnh tăng 1%/năm các mức lãi suất điều hành, cụ thể là: lãi suất tái cấp vốn tăng từ 8%/năm lên 9%/năm, lãi suất tái cấp vốn tăng từ 8%/năm lên 9%/năm, lãi suất chiết khấu tăng từ 6%/năm lên 7%/năm.

Trong năm 2011, NHNN điều chỉnh linh hoạt các lãi suất điều hành. Từ tháng 2 đến tháng 4, NHNN điều chỉnh tăng dần các lãi suất điều hành. Cụ thể là lãi suất tái cấp vốn tăng từ 9%/năm lên 12%/năm, 13%/năm và tăng lên 14%/năm; lãi suất tái chiết khấu tăng từ 7%/năm lên 12%/năm và 13%/năm. Sau đó, tháng 10 năm 2011, NHNN lại điều chỉnh tăng lãi suất tái cấp vốn từ 14%/năm lên 15%/năm.

Trong năm 2012 các lãi suất điều hành được NHNN điều chỉnh giảm liên tục để giải quyết khó khăn về vấn đề thanh khoản cho các TCTD. Lãi suất tái cấp vốn được điều chỉnh giảm từ 15%/năm xuống 14%/năm, 13%/năm, 12%/năm, 11%/năm, 10%/năm và cuối năm 2012 là 9%/năm. Lãi suất tái chiết khấu cũng giảm tương đương từ 13%/năm xuống 12%/năm, 11%/năm, 10%/năm, 9%/năm, 8%/năm, đến tháng 12 năm 2012 còn 7%/năm. Có thể nói năm 2012 là năm NHNN điều chỉnh giảm lãi suất điều hành nhiều nhất.

Biểu đồ 2.4: Diễn biến lãi suất điều hành của NHNN Việt Nam (2008 – 2012)

(Nguồn: Báo cáo thường niên của NHNN Việt Nam [25])

Nhìn chung qua các năm, lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu được NHNN điều chỉnh linh hoạt và điều chỉnh tăng giảm theo diễn biến của nền kinh tế. Đặc biệt, trong năm 2008 và năm 2012, lãi suất điều hành của NHNN được điều chỉnh nhiều nhất và có xu hướng giảm qua các tháng.

Một phần của tài liệu LUẬN văn THẠC sĩ CHÍNH SÁCH TIỀN tệ với lạm PHÁT mục TIÊU ở VN (Trang 47 - 52)