Người nhàn hoa quế rụng Đêm xuân núi vắng teo Trăng lên chim núi hãi Dưới khe chốc chốc kêu
Những con người nghỉ // hoa rụng, trăng lên, mùa xuân, núi... Các vật quy chiếu ấy không mang giá trị riêng, lời thơ không nổi bật lên (hay không sa lầy vào) một lời nào trong đó - nó không mang tính mô tả (cũng không tự sự); nhưng cũng không có những ý nghĩa cần đào sâu từ chúng, trên một bình diện biểu tượng, rời bỏ cái cụ thể, bằng sự triển khai một tư tưởng. Những con người “đang nghỉ”, những nụ hoa đang “rụng”, trăng “đang lên”, mùa xuân, núi...: không hề đưa lại cái gì độc đáo, các hình mẫu được xâu chuỗi ấy là hết sức chung, đấy là những sáo mòn. Song, giá trị của hình ảnh thơ sáo mòn còn là ở chỗ, sự quy chiếu của nó không còn bị cưỡng bức, ý nghĩa của nó cũng chẳng phải để đào sâu (để phát triển trên bình diện các “tư tưởng”), vì nó nói ít bằng chính nó, hay đúng hơn, nó chỉ chớm nói, bằng sự tầm thường của nó, nó lại để cho biến thông. Và, tôi nói mà chẳng hề chơi chữ : cái sáo mòn, chính vì nó rỗng, lại để cho biến thông: nó không tạo ra sự đông tụ của ý nghĩa, ý nghĩa còn hòa tan, không đặc dính lại - cái sáo mòn không làm cho khác biệt; cho nên nó để cho biến thông cái hậu cảnh của ý nghĩa, mà mọi ý nghĩa tách ra, và nó là cái nền không khác biệt - cái
nền “ngang bằng”, cái nền nội giới.
Từ cái sáo mòn này sang cái sáo mòn khác, cái hiển nhiên được hộ tống. Bởi cái cụ thể nó gợi lên đó không mô tả thế giới, cũng chẳng dùng để biểu hiện gián tiếp tư duy, nó không phải là vật mà cũng không phải là ký hiệu - chúng cũng trả về mà chẳng trả về. Bởi người ta không gắn vào nó, cũng không tách khỏi nó, nhằm vượt qua nó, cái cụ thể ấy trở nên kín đáo và để cho đi xuyên qua; trong cái tầm thường của hình ảnh sáo mòn, sự quy chiếu không được nhấn mạnh nữa mà còn nước đôi, nó trở thành bóng gió một cách toàn thể cho cái không được phân định một cách chính xác mà cũng không thể vạch ranh giới: dòng chảy “các sự vật”, của “thế gian”, của “cuộc sống” - hay đơn giản: sự sống (cái nội giới). Thay vì “nói” (bằng gắn vào đó một ý nghĩa: trong lĩnh vực của cái mô tả hay của lý tưởng, dầu là nổi bật hay sáng tạo), các hình ảnh sáo mòn này dệt nên một thứ nền của ngôn từ ở đó, các hiệu quả đến để tiêu tán, ta nhận ra, hay đúng hơn, ta tự để cho ngộ ra, [cái vốn là] cuộc đời. Bởi nếu các hình ảnh ấy thật sao mòn nhất, thì mắt lưới của chúng rất nhạy để có thể nắm bắt được: “núi” và “xuân” được gắn liền với nhau trước khi giăng rộng ra trong các câu thơ sau đối diện với nhau; được đặt song song với nhau, cái “trống không” và cái “trung tâm” đáp lại nhau để đóng lại bài thơ (và, do đó, lại mở nó ra); cũng như với vầng trăng ta
thấy mọc lên từ từ đáp lại là tiếng chim ta nghe chốc chốc... Chỉ trong mấy từ, có cả một thế giới - mọi thứ cùng tồn tại. Nhưng, nói đúng ra, không có diễn từ dùng để phát biểu lên: tấm lưới giăng ra bởi mấy từ ấy (và cái lưới ấy - song tôi chẳng thể nhận ra - nó là bằng nhạc) khiến ta nghe thấy sự im lặng cũng giống như cái tiếng chim nọ mà ta nhận ra từng lúc, dưới lòng thung, đã khiến ta nghe được - cái nền của lặng im không hề được nói lên mà toàn bộ cảnh vật này thấm nhiễm. Noi theo diễn từ của bậc minh triết, bài thơ này khiến các tham vọng của ý nghĩa phải nín câm, và điều đó chỉ bằng những hiệu quả, ghép hợp, của cái kìm nén và cái tầm thường.[146]