Cũng giống như nhiều địa phương khác ở ven biển miền Nam Trung Bộ, tín ngưỡng thờ cúng Cá Ông (cá voi) là một nét văn hóa truyền thống của người dân Cà Mau, cùng với đó, Lễ hội nghinh Ông là một sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc có từ lâu đời và lớn nhất ở vùng biển này. Lễ hội nghinh Ông ở Cà Mau được tổ chức trong ba ngày, từ ngày 14 đến 16 tháng Hai âm lịch hằng năm tại thị trấn Sông Đốc,huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Ngày 15 là chính hội, nghi lễ chính bắt đầu từ 14 giờ với nghi thức thỉnh lư hương lên kiệu (long đình) do 8 học trò lễ khiêng và theo hầu. Những học trò lễ được chọn thường là những nữ sinh con em ngư dân ở thị trấn Sông Đốc. Các đội trống lân, cờ ngũ sắc, đội binh khí: kích, kiếm, bát xà mâu; đoàn múa mâm… mặc lễ phục xếp thành hai hàng dài từ chánh điện ra tới ngoài sân. Khi diễu hành, bà con trong vùng cũng nhập với đoàn rước.
Dưới bến sông, có hàng trăm chiếc tàu đánh cá của ngư dân trong và ngoài tỉnh được trang trí cờ hoa neo đậu. Chủ lễ rước lư hương lên chiếc tàu lớn nhất (có thể được kết lại từ ba chiếc tàu) đã được trang trí rất công phu, lộng lẫy. Ra tới cửa biển, nhiều tàu khác tiếp tục gia nhập đoàn diễu hành. Hàng trăm tàu đủ mọi kích cỡ, công suất, được trang
trí rực rỡ, hàng nghìn người trên boong tàu vẫy cờ hoa tạo nên một khung cảnh đầy màu sắc sống động cả một vùng cửa biển rộng lớn.
Trên đường diễu hành, nếu gặp Cá Ông phun nước (Ông dội) thì đoàn tàu quay trở về ngay. Nếu không gặp thì đoàn tàu tiếp tục ra khơi và sau đó chủ lễ vái, đọc lời nguyện cầu. Thường thì cách đất liền một, hai hải lý, chủ lễ sẽ làm lễ “xin keo”. Xin được keo tức là đã gặp “Ông” và rước “Ông” về. Các nghi lễ sẽ tiếp tục diễn ra tại lăng đến tận khuya.
Cũng như lễ nghinh Ông tại các địa phương khác, Lễ hội nghinh Ông Sông Đốc là lễ hội cầu ngư với mong muốn cầu cho biển lặng, gió hòa, ngư dân làm ăn may mắn, phát đạt, cuộc sống ấm no hạnh phúc.