Đánh giá chung về tình hình nghiên cứu có liên quan

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về chứng cứ điện tử. (Trang 37 - 40)

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.1.5Đánh giá chung về tình hình nghiên cứu có liên quan

1.1 Tổng quan về tình hình nghiên cứu

1.1.5Đánh giá chung về tình hình nghiên cứu có liên quan

1.1.5.1 Kết quả nghiên cứu của các công trình đã có về chứng cứ điện tử

Trên thế giới: Chứng cứ điện tử được các chuyên gia, các nhà khoa học rất quan tâm. Hiện nay đã có rất nhiều bài viết, ấn phẩm quan trọng từ nhận thức, quan điểm lý thuyết đến hướng dẫn thực hành cho các lĩnh vực lý thuyết về chứng cứ điện tử, thu thập chứng cứ điện tử, phân tích các yêu cầu pháp lý đối với chứng cứ điện tử để được chấp nhận, sử dụng chứng cứ điện tử.

Về lý thuyết, chứng cứ điện tử được quan tâm nghiên cứu, có rất nhiều cách định nghĩa khác nhau về chứng cứ điện tử. Theo Burkhard Schafer và Stephen Mason, chứng cứ điện tử là dữ liệu điện tử được lưu trữ, truyền dẫn, xử lý, trong bất kỳ thiết bị điện tử nào, hệ thống máy tính hoặc hệ thống thông tin liên lạc, có khả năng làm công cụ chứng minh cho một hoặc nhiều sự kiện pháp lý tranh chấp và nó được Tòa án hay cơ quan tài phán khác chấp nhận (Stephen Mason & Daniel Seng, 2017). Với Eohan Casey, chứng cứ điện tử là bất kỳ dữ liệu nào có thể xác định rằng tội phạm đã được thực hiện hoặc có thể cung cấp một mối liên kết giữa tội phạm và nạn nhân của nó hoặc hành vi vi phạm mà thủ phạm thực hiện hành vi đó (Eoghan Casey, 2011). Nhóm làm việc tiêu chuẩn về bằng chứng kỹ thuật số và Tổ chức chứng cứ máy tính quốc tế (Standard Working Group on Digital Evidence - SWGDE and The International Organization of Computer Evidence - IOCE) thì định nghĩa chứng cứ điện tử là bất kỳ thông tin nào có giá trị làm chứng cứ được lưu trữ hoặc truyền đi dưới dạng kỹ thuật số (The Committee of Ministers of the Council of Europe, 2019). Với Hiệp hội Cảnh sát trưởng của Anh, thì xem chứng cứ điện tử là thông tin được dữ liệu phản ánh, có giá trị sử dụng trong quá trình điều tra, nó tồn tại ở trạng thái lưu trữ hoặc truyền qua máy tính (Association of Chief Police Officers of England, 2011).

Các tác giả dựa trên sự khác biệt của chứng cứ điện tử, so với chứng cứ truyền thống để nêu một số đặc điểm riêng của chứng cứ điện tử như: (1) Nó không được nhận biết trực tiếp bằng giác quan con người, mà phải thông qua phương tiện, thiết bị điện tử, công nghệ đóng vai trò trung gian; (2) chứng cứ điện tử không bị giới hạn trong biên giới quốc gia; (3) chứng cứ điện tử dễ thay đổi một cách vô ý hay cố ý; (4) công nghệ tiến bộ nhanh chóng, làm xuất hiện thường xuyên vấn đề mới; (5) bản gốc và bản sao của chứng cứ điện tử có chất lượng như nhau, rất khó phân biệt; (6) siêu dữ liệu phản ánh được bối cảnh phát sinh, hình thành chứng cứ điện tử, bản thân nó cũng là chứng cứ.

Trên cơ sở đó, các tác giả đề ra các nguyên tắc, phương pháp, biện pháp, quy trình điều tra thu thập chứng cứ điện tử; cách thức chấp nhận, sử dụng chứng cứ điện tử cũng được tác giả các bài viết quan tâm đề cập. Tuy nhiên, tất cả các vấn đề trên, từ lý thuyết đến luật thực định được xây dựng trên các góc nhìn riêng biệt khác nhau của chứng cứ điện tử. Đặc biệt là góc nhìn yếu tố công nghệ của chứng cứ điện tử. Đơn cử, trong định nghĩa, có tác giả đồng nhất chứng cứ điện tử với dữ liệu điện tử. Điều này không chính xác bởi dữ liệu điện tử là dấu vết được máy móc, phương tiện, thiết bị

điện tử ghi lại hoặc tác nghiệp theo hành động của cá nhân hoặc pháp nhân, ứng với một quy trình công nghệ tương ứng. Chính vì vậy, dữ liệu điện tử không thể đồng nhất với chứng cứ điện tử. Dữ liệu điện tử có thể trở thành chứng cứ điện tử, khi được cá thể hóa, định danh gắn với cá nhân, pháp nhân hoặc tác nhân cụ thể tạo ra nó, đồng thời phải trải qua một quá trình nhận thức, tư duy của con người.

Ngoài ra, trong đặc điểm của chứng cứ điện tử người ta cũng dựa vào sự khác biệt bên ngoài của hai loại chứng cứ để nêu đặc điểm. Điều này không thể hiện được bản chất của chứng cứ điện tử. Trong phương pháp, quy trình thu thập chứng cứ điện tử, người ta cũng tập trung vào công nghệ để phát hiện và thu thập được dữ liệu điện tử, với các công nghệ thích ứng, không đề cập đến các phương pháp ghi nhận, biện pháp hiệu quả, quy trình thích hợp giúp kiểm tra, đánh giá quá trình thu thập. Trong đánh giá, chấp nhận, sử dụng chứng cứ điện tử, các tài liệu cũng chỉ dựa trên vận dụng luật thực định hiện có, xác định các yếu tố pháp lý của chứng cứ để chấp nhận và đưa vào sử dụng, thực hiện nghĩa vụ chứng minh.

Nhìn chung, các bài viết chưa giải quyết căn nguyên các vấn đề liên quan đến thu thập, chấp nhận và sử dụng chứng cứ điện tử ở góc độ lý thuyết lẫn thực tiễn. Nguyên nhân có thể là do các công trình này chưa làm rõ được bản chất, cũng như chưa cung cấp được các phương cách giải quyết vấn đề phù hợp cho các nội dung chủ yếu của chứng cứ điện tử như thu thập, đánh giá, chấp nhận, sử dụng chứng cứ điện tử.

Trong nước: Các bài viết về chứng cứ điện tử thì chưa nhiều. Các bài hiện có chủ yếu là diễn giải các quy định pháp luật có liên quan đến chứng cứ điện tử, nguồn của chứng cứ điện tử là dữ liệu điện tử, thu thập dữ liệu điện tử, thu giữ thiết bị điện tử. Hiện nay, chưa thấy có bài viết nào nghiên cứu cụ thể về thu thập, chấp nhận và sử dụng chứng cứ điện tử. Hơn nữa, các bài viết chưa thấy được sự gắn kết giữa các yêu cầu chứng minh, yêu cầu pháp lý và yêu cầu công nghệ là một đòi hỏi tất yếu khách quan của chứng cứ điện tử.

1.1.5.2 Vấn đề cần nghiên cứu giải quyết mục tiêu nghiên cứu

Để giải quyết được mục tiêu nghiên cứu của đề tài, cần phải dựa trên kết quả nghiên cứu đã có, đồng thời khắc phục được các điểm hạn chế của các công trình nghiên cứu nêu ở phần trên. Nghiên cứu vận dụng lý thuyết và luật thực định trong, ngoài nước vào thực tiễn pháp luật Việt Nam, đáp ứng yêu cầu khách quan của việc sử dụng chứng cứ điện tử. Muốn đạt được các điều trên, tác giả đề tài phải có cái nhìn

tổng thể, bao quát, xây dựng tất cả các vấn đề về thu thập, chấp nhận, sử dụng chứng cứ điện tử, dựa trên nguồn gốc, bản chất của các khái niệm. Sự hình thành chứng cứ và chứng cứ điện tử, với góc nhìn trong mối liên hệ biện chứng giữa chứng cứ và chứng cứ điện tử - chứng cứ điện tử là trường hợp riêng của chứng cứ; và sự gắn bó hữu cơ giữa các yêu cầu chứng minh, yêu cầu pháp lý và yêu cầu công nghệ là một yêu cầu tất yếu khách quan của chứng cứ điện tử. Chính vì những lý do như vậy, nghiên cứu sinh thấy các vấn đề nghiên cứu được đặt ra để giải quyết mục tiêu nghiên cứu của đề tài, đó là: (1) Giải quyết các vấn đề lý thuyết của thu thập chứng cứ điện tử. Sự tác động của các tác nhân là thách thức nghiêm trọng đến quá trình thu thập chứng cứ điện tử, trước yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn là thu thập chứng cứ điện tử hiệu quả, giúp Tòa án và cơ quan tài phán khác thực thi được công lý, công bằng; (2) để chấp nhận chứng cứ điện tử theo pháp luật hiện hành là cần thiết, nhưng trước nhu cầu ngày càng cần có nhiều loại hình chứng cứ điện tử được phát hiện, thì pháp luật phải thay đổi như thế nào cho phù hợp, để chấp nhận các loại hình chứng cứ điện tử theo kịp với tốc độ phát triển của công nghệ, đồng thời thỏa mãn được các yêu cầu chứng minh, yêu cầu công nghệ và yêu cầu pháp lý; (3) sử dụng chứng cứ điện tử thực hiện nghĩa vụ chứng minh là bước cuối cùng thực thi công lý, vì vậy, cần phải có nguyên tắc cụ thể để các chủ thể tham gia sử dụng chứng cứ điện tử có được sân chơi bình đẳng trước pháp luật. Hay những ràng buộc của pháp luật trong việc sử dụng chứng cứ để chứng minh sự kiện pháp lý, thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền sử dụng chứng cứ điện tử để chứng minh tình huống pháp lý có cần được thay đổi hay không; (4) trên cơ sở kết quả nghiên cứu đề tài đề xuất chỉnh sửa, bổ sung pháp luật Việt Nam, phù hợp với yêu cầu đòi hỏi khách quan của chứng cứ điện tử và thực tiễn thực thi pháp luật.

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về chứng cứ điện tử. (Trang 37 - 40)